Thiêng liêng hai tiếng “Đồng bào” trong tác phẩm của Hồ Chí Minh!

Thứ Tư, 17/06/2020 08:19

. NGUYỄN HOÀI NAM

Hiện nay Đảng ta đã triệt để tuân theo nguyên tắc “Dân là chủ” và “Dân làm chủ”, tức làm theo tư tưởng Bác Hồ về nhân dân. Bác Hồ nhắc nhở cán bộ: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng” (Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, tập 8, tr 375). Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng biện chứng đầy ắp chất sống thực của cuộc đời: nhân dân muốn đảm bảo được quyền làm chủ thì cần có Đảng lãnh đạo. Đảng muốn giữ vai trò cầm quyền thì phải “lấy dân làm gốc”. Phải nắm chắc nguyên lý: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Thế nên, với dân, Bác Hồ mong muốn mỗi người dân học tập nâng cao tri thức để làm chủ được tốt hơn, hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Bác dạy “quan tham vì dân dại”, dân hiểu biết thì quan tự phải “liêm”. Với cán bộ đảng viên thì phải “thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Bác Hồ mong muốn Đảng ta vì dân một cách thiệt thực, cụ thể: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo”. Đảng phải lo việc lớn “Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản...Đảng phải lo”. Đảng phải quán xuyến những việc nhỏ “Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo” (Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, 12 tập, tập 10, tr 463). Đảng ta phải làm gì để xứng đáng với trách nhiệm vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề ấy? Đây là vấn đề lớn lao nhưng cũng thường xuyên của Đảng. Xét đến cùng cả cuộc đời lớn lao của Bác Hồ là đi tìm hạnh phúc cho nhân dân. Các chữ nhân dân, đồng bào, quần chúng...xuất hiện với tần số rất cao trong tác phẩm của Người. Ở bài viết này chỉ xin đi tìm ý nghĩa hai chữ “đồng bào”.

Theo Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu thì “đồng bào” có nghĩa cùng là con cháu một ông tổ sinh ra.Có ý kiến cho rằng truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ xuất hiện thời Xích Quỷ. Khoảng 2.200 năm TCN, do nhà Hạ lấn chiếm, nhà nước Xích Quỷ tan rã, bộ phận người Việt vẫn giữ truyền thuyết nguồn gốc của mình. Nhưng cách phổ biến thì được hiểu theo lối chiết tự đồng nghĩa là cùng, bào nghĩa là bọc, “đồng bào” là cùng chung một bọc từ câu chuyện Lạc Long QuânÂu Cơmột thần thoại cổ xưa nhất ca ngợi nòi giống cao quý của tổ tiên dân tộc Việt: Lạc Long Quân giống rồng kết duyên cùng Âu Cơ giống tiên. Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con. Nó nhắc nhở cháu con dù nơi miền biển, dù triền núi cao cũng đều là con Hồng cháu Lạc chung một nguồn cội tổ tiên. Để rồi Việt Nam hôm nay tự hào là nước duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ vua Tổ: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Nhiều truyện cổ các dân tộc Việt Nam có môtíp giải thích nguồn gốc các dân tộc chung từ “quả bầu mẹ”. “Quả bầu” chính là “hình thức phái sinh” của “cái bọc trăm trứng”. “Bầu” là thứ cây gần gũi quen thuộc vùng cư dân nông nghiệp, miền núi cũng sẵn, đồng bằng cũng nhiều, dễ trồng, dễ chăm và rất tiện dụng, có thể ăn lá, ăn quả…Bầu leo trên giàn, ngọn nọ ngọn kia quấn quýt, nâng đỡ nhau gợi liên tưởng về sự giao hoà, đoàn kết, tương thân tương ái…Một hình tượng thật hay để nói về sự yêu thương, keo sơn, gắn bó!

Trong từ vựng tiếng Việt chữ “đồng” (cùng) làm thành hệ thống từ ghép đồng nghĩa phong phú bậc nhất (so với từ vựng các nước khác): đồng bào, đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng tình, đồng lòng, đồng hương, đồng cảm, đồng điệu, đồng hành, đồng đội, đồng hao, đồng môn, đồng nghiệp, đồng khởi, đồng diễn, đồng ca…

Có biết bao nhiêu thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về sự đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau: “Chị ngã em nâng”, “Tay đứt ruột xót”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”…

Hai chữ “đồng bào” chiếm vị trí đặc biệt trong tác phẩm của Hồ Chí Minh. Hai chữ này chính là một mã văn hoá đặc biệt biểu hiện tư tưởng đoàn kết – tư tưởng cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Khảo sát trong Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập. 2011), hai chữ này xuất hiện khoảng trên 2000 lần.Trong các lá thư và trong các lần nói chuyện Bác Hồ đều dùng “đồng bào”, như: đồng bào Công giáo, đồng bào Mán, đồng bào hậu phương, đồng bào tản cư, đồng bào Nam bộ…Trong 2 năm 1945, 1946 Người có 20 lá thư có tiêu đề “gửi đồng bào”:

- Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng” (17/9/1945).

- Gửi đồng bào Nam bộ (26/9/1945).

- Lời cảm ơn đồng bào Công giáo (14/10/1945).

- Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ (29/10/1945).

- Gửi đồng bào ngoại thành Hà Nội (15/12/1945).

- Lời cảm ơn đồng bào (14/2/1946)…

Bác Hồ dùng từ “nhân dân” trong hoàn cảnh đối thoại với thế giới, nên Lời kêu gọi nhân dân thi hành đúng bản Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp (16/3/1946) Bác dùng từ “nhân dân” chứ không dùng “đồng bào”. Thế nên ta hiểu với người nước ngoài Bác dùng từ “nhân dân” hoặc dân chúng: Lời phát biểu với nhân dân Pháp qua Đài phát thanh Pari (15/9/1946); Điện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19/12/1948…Nhưng trong bối cảnh lời tuyên bố cần sự trang trọng Bác dùng “quốc dân”: Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về (23/10/1946). Nếu lời tuyên bố này dùng “đồng bào” thân tình gần gũi thì sắc thái trang trọng bị giảm đi nhiều. Với người Hoa Kiều, Bác gọi “anh em”: Thư gửi anh em Hoa Kiều (2/9/1945 và 28/12/1946). Điều này được Bác giải thích: “Chúng ta phải nhớ rằng: Việt và Hoa là hai dân tộc anh em” trong bài báo Hoa Việt tinh thành đoàn kết in trên báo Cứu quốc ngày 28/11/1945.

Với người trong nước Bác Hồ dùng “đồng bào”, nhất là trong những lá thư gửi “đồng bào Công giáo” vì Người rất quan tâm tới sự “đoàn kết lương giáo”. Nhìn chung hai chữ “đồng bào” luôn là sự ấm áp cũng là nỗi trăn trở trong suy nghĩ của Bác Hồ. Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc in trên báo Cứu quốc ngày 15/11/1946[1] chỉ hơn 100 chữ nhưng có 05 lần hai chữ “đồng bào”. Trong Lời cảm ơn đồng bào in trên báo Sự thật ngày 23/9/1949[2] chưa đầy 200 chữ nhưng “đồng bào” được nhắc lại 09 lần…

Trong ngày Lễ 2-9-1945 Bác Hồ dùng chữ “đồng bào” thật tinh tế, hướng cả dân tộc về nguồn cội tổ tiên đồng lòng nhất trí dựng xây và bảo vệ nước Việt Nam độc lập. Trước đó, năm 1942 Người viết Lịch sử nước ta kêu gọi dân ta đoàn kết: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Trong kiệt tác này Người chứng minh và khẳng định chân lý lịch sử: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Đó cũng là chân lý thời đại.

Hội nghị Diên Hồng nhà Trần khích lệ tướng sỹ đoàn kết như tình cha con quyết đuổi giặc Mông Nguyên hung hãn giành lại non nước cha ông!

Thời Lê Lợi - Nguyễn Trãi “tướng sỹ một lòng phụ tử”, ngọt ngào “nước sông chén rượu” mang về độc lập giang sơn!

Trong Thư gửi đồng bào tản cư Hồ Chí Minh khẳng định con cháu của dòng giống anh hùng thì không bao giờ chịu khuất phục trước gian nan thử thách: “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”[3]. Người lại có Thư gửi đồng bào hậu phương căn dặn họ phải giúp đỡ đồng bào tản cư như người trong một nhà: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”… Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên[4].

Kháng chiến chống Pháp đang trên đà thắng lợi, Hồ Chí Minh kêu gọi nguỵ binh quay về với Tổ quốc để đất nước sớm hoà bình. Người mượn lời ca dao và thành ngữ quen thuộc nói về tổ tiên: “Tôi thiết tha kêu gọi các người mau mau quay về với Tổ quốc,…“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”[5].

Đường lối đoàn kết toàn dân nhằm một mục đích tổ quốc độc lập nhân dân được tự do, hạnh phúc của Hồ Chí Minh luôn tạo ra một sức mạnh tổng hợp của toàn dân: “Hễ là con Hồng cháu Lạc, người có lương tâm, thì chắc ai cũng tán thành và ủng hộ mục đích cao cả ấy. Cho nên chúng ta đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, yêu thống nhất trong cả nước và ở nước ngoài”[6].

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân văn, yêu thương con người, vì con người, không chỉ với anh em, đồng chí, đồng bào mình mà còn mở lòng với những người lầm đường lạc lối: “…tôi thiết tha kêu gọi những đồng bào vì một cớ gì mà lầm đường lạc lối hãy kịp trở về với Tổ quốc. Dù sao các người cùng là ruột thịt. Tôi tin rằng các người không thể nỡ lòng giúp địch làm cho đồng bào Việt Nam ta khổ nhục mãi; tôi rất đau lòng thấy cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn[7]. Chỉ trong ba câu ngắn mà có hai lần dùng “đồng bào”, nhất là câu giữa “Dù sao các người cùng là ruột thịt” thật thấm thía, ân tình!

N.H.N


[1]Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 445.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 680.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập5, tr 50.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập5, tr 81.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 333.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 197.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996-2000, tập 5, tr 215.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)