Những câu chuyện xã hội hóa điện ảnh

Thứ Sáu, 05/06/2020 09:37

LÊ THIẾU NHƠN

Xã hội hóa điện ảnh là một chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển nền nghệ thuật thứ bảy nước nhà. Thế nhưng, thực tế ở các rạp chiếu phim cho thấy các hoạt động sản xuất do tư nhân đầu tư vẫn tập trung chủ yếu ở phía Nam, còn không khí trường quay ở các tỉnh phía Bắc vẫn khá im ắng. Thực trạng này nói lên điều gì, và có hướng khắc phục hiệu quả không?

Ngay giữa mùa dịch Covid-19, có một giao dịch đáng chú ý: Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm kí kết bán bản quyền tiểu thuyết Bắc Cung hoàng hậu cho hãng phim tư nhân S18 với giá 150 triệu đồng. Câu chuyện ở đây, không nằm ở số tiền, mà nằm ở hi vọng khác, đó là hãng phim tư nhân S18 là một đơn vị mới toanh trong giới giải trí Hà Nội. Phải chăng, sự thành công của các nhà sản xuất phim phía Nam đã kích hoạt cuộc chơi cho những nhà sản xuất phim phía Bắc. Hà Nội hội tụ rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh. Và cũng đã có không ít hãng phim tư nhân được thành lập như Đông A của Trần Lực, Việt Nữ của Chiều Xuân hoặc Hồng Ngát Film của Nguyễn Thị Hồng Ngát… Tuy nhiên, nhiều năm qua chỉ có một phim tư nhân phía Bắc tạo được tiếng vang là Cha cõng con của hãng phim Tứ Vân. Vậy, hàng chục hãng phim tư nhân khác tại thủ đô đang sản xuất gì? Ngoài một số hãng phim tư nhân có mối quan hệ đặc biệt để nhận được đơn đặt hàng làm phim từ Cục Điện ảnh, thì hầu hết các hãng phim tư nhân phía Bắc tập trung vào phim truyền hình nhiều tập. Những sản phẩm do hãng phim tư nhân hợp tác sản xuất có được hiệu ứng xã hội tích cực, có thể kể đến Người phán xử Sống chung với mẹ chồng.

Mỗi người có một chọn lựa riêng, nhưng hệ thống rạp chiếu hiện đại và rộng khắp hiện nay chính là sân chơi cực kì hấp dẫn cho các nhà sản xuất. Nếu làm phim truyền hình chỉ được trả kinh phí từng tập khá ít ỏi (hoặc trả bằng quảng cáo) thì một phim điện ảnh thu hút được công chúng sẽ có lãi ngay lập tức. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết những hãng phim tư nhân đều chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ phim truyền hình sang phim điện ảnh để tận dụng ưu điểm ấy của thị trường. Vì sao những hãng phim tư nhân phía Bắc không muốn hốt bạc thông qua hệ thống rạp chiếu? Đạo diễn Lương Đình Dũng của bộ phim Cha cõng con cho rằng: “Do thị trường điện ảnh phía Bắc có ít nhà sản xuất, nhà đầu tư quan tâm đến điện ảnh. Thêm vào đó, cũng phải thừa nhận các đạo diễn phía Nam nhạy bén với thị trường hơn”.

Muốn phát triển điện ảnh mà chỉ trông chờ vào ngân sách bao cấp, thì gần như bất khả thi. Hơn nữa, thị trường điện ảnh ngày càng sôi động, nếu mỗi năm chỉ sản xuất vài tác phẩm theo đơn đặt hàng, thì dòng phim nước ngoài được nhập khẩu sẽ chiếm lĩnh toàn bộ đời sống tinh thần của người Việt Nam. Tâm lí xin - cho đã khiến nhiều nghệ sĩ thích làm phim phục vụ tuyên truyền hơn là làm phim phục vụ khán giả. Chính những nhà sản xuất phim tư nhân mới có thể tạo ra sự chuyển động tích cực cho đời sống điện ảnh. Ở phía Nam, khi khái niệm xã hội hóa điện ảnh vừa manh nha, thì có ngay những nhà sản xuất tiên phong như Lý Huỳnh, Hai Nhất, Đào Thu, Thái Hòa… Bây giờ, thế hệ nhà sản xuất ấy đã nhường chỗ cho những gương mặt trẻ hơn và năng động hơn với khát vọng đưa phim Việt ra thế giới.

Làm phim để cất vào kho lưu trữ là điều không ai mong muốn. Và dĩ nhiên không có nhà sản xuất nào lại nảy sinh ý định làm phim như một cách tiêu tiền. Nghe có vẻ lí tài nhưng nhà sản xuất không có khả năng lôi kéo công chúng đến rạp, thì tất yếu bị đào thải nhanh chóng. Làm phim để bán vé, là một mệnh lệnh của nền điện ảnh non trẻ và cũng là sứ mạng của những nhà sản xuất. Chỉ trong vòng một thập niên vừa qua, doanh thu của phim Việt đã tăng gấp 10 lần. Nếu như năm 2009 bộ phim Giải cứu thần chết lập kỉ lục với doanh thu 20 tỉ đồng, thì đến năm 2019 bộ phim Hai Phượng đã thiết lập kỉ lục mới với doanh thu 200 tỉ đồng. Đó là những con số biết nói, để chứng minh các nhà sản xuất đã biết cựa quậy, biết cạnh tranh để vươn lên trong thị trường nghệ thuật khắc nghiệt!

Nếu nhìn vào thực tế làm phim, thì dường như mỗi năm điện ảnh Việt lại góp mặt thêm một nhà sản xuất ở phía Nam. Trước đây, những người yêu điện ảnh Việt cứ phập phồng hi vọng sẽ có đại gia vàng kho bạc đống cảm thấy xót thương cho phim Việt mà bỏ tiền cho giới nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên, sau những thành công và thất bại của Phước Sang, thì chính các nghệ sĩ lại tự tin đảm đương luôn vai trò nhà sản xuất. Hiện tại, chỉ có một người không liên quan đến nghệ thuật dự phần làm phim là nhà sản xuất Dung Bình Dương. Từng thành công ở lĩnh vực kinh doanh hạt điều và nhà hàng, bà Dung Bình Dương đã đứng tên nhà sản xuất các bộ phim Tik Tak anh yêu em, Chú ơi đừng lấy mẹ con, Ngốc ơi tuổi 17…, còn lại, không gian nhộn nhịp của điện ảnh Việt nằm trong tay những nhà sản xuất vốn là đạo diễn hoặc diễn viên. Công việc của nhà sản xuất không hề giống chuyên môn của đạo diễn hoặc diễn viên. Liệu việc trở thành nhà sản xuất có phải một cuộc phiêu lưu hơi mạo hiểm đối với những nghệ sĩ mơ mộng gió trăng không? Diễn viên Thanh Thúy đã đứng ra đảm đương vị trí nhà sản xuất cho những bộ phim do chồng mình - Đức Thịnh làm đạo diễn như Ma dai, Trạng Quỳnh hoặc Siêu sao siêu ngố, chia sẻ: “Giai đoạn mới bước chân vào lĩnh vực này, không có mặt trên phim trường không yên tâm, bởi nhà sản xuất luôn là người giải quyết từng sự cố nhỏ nhất. Bản thân mình thấy làm được gì sẽ làm và luôn suy nghĩ một điều duy nhất là làm thế nào để công việc trôi chảy”. Còn đạo diễn Nhất Trung đã làm nhà sản xuất những bộ phim 49 ngày, Bệnh viện ma, Nắng, Vú em tập sự thì thổ lộ: “Mỗi năm xuất hiện một nhà sản xuất mới, chứng tỏ thị trường phim Việt đang phát triển và nhiều người muốn nhảy vào lĩnh vực này. Đó là một tín hiệu tốt. Tôi tin một nhà sản xuất khi có phim ra rạp luôn có sự chuẩn bị nhất định, mặc dù để tạo đột phá, am hiểu thị trường cần thời gian và những vấp váp. Nếu có một bộ phim chất lượng, việc chọn nhà phát hành không hề khó. Tuy nhiên là nhà sản xuất giỏi phải biết kết hợp với nhà phát hành để có chiến dịch quảng bá tốt cho bộ phim. Điều đó đòi hỏi cả hai bên phải ngồi xuống bàn bạc kĩ lưỡng: chiếu phim cho ai, khán giả quan tâm điều gì và làm gì để khán giả quan tâm đến phim của mình. Nhà sản xuất luôn phải là người đánh giá được đối thủ, biết phân tích thị trường và đặc biệt phải hiểu bộ phim của mình”. Nghệ sĩ dang tay làm nhà sản xuất là một sự lấn sân thú vị. Bởi lẽ, nghệ sĩ muốn làm nhà sản xuất, thì sự lãng mạn, sự bốc đồng phải được hạn chế để dành chỗ cho sự bao quát và sự khôn ngoan. Đạo diễn nào làm nhà sản xuất cũng đáng hoan nghênh. Diễn viên nào làm nhà sản xuất cũng đáng ủng hộ. Trong danh sách những nhà sản xuất có quyền lực và khiến công chúng bất ngờ nhất, phải kể đến ba tên tuổi Lý Hải, Trương Ngọc Ánh và Ngô Thanh Vân.

Sau khi một đại gia lĩnh vực vận tải đường thủy tham gia vào cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, thì bức tranh xã hội hóa điện ảnh ở phía Bắc lại có thêm không ít xáo trộn. Nếu nói về tài chính, thì ở đâu cũng có những người giàu. Thế nhưng, dường như những người dư dả ở phía Bắc vẫn chưa nhận ra yếu tố kinh doanh trong các dự án điện ảnh. Vì vậy, những người làm phim trẻ ở phía Bắc rất ít cơ hội để kêu gọi góp vốn cho tác phẩm có xu hướng thị trường. Xã hội hóa điện ảnh đang có màu sắc khác biệt ở hai đầu đất nước. Sự dịch chuyển nhân lực điện ảnh cũng thấy rõ. Tuy nhiên, doanh thu trăm tỉ cho mỗi bộ phim của những nhà sản xuất phía Nam vẫn chông chênh giữa hai tiêu chí nhu cầu khán giả và giá trị nghệ thuật. PGS.TS. Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đánh giá: “Trong nhiều năm qua, tuy âm thầm nhưng khá liên tục diễn ra cuộc chuyển giao thế hệ trong đội ngũ những người làm phim cả nước. Thế hệ trẻ ngày nay được đào tạo kiến thức có hệ thống, được tiếp cận công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại; lại khá năng động, sáng tạo, biết tự lập thân trong điều kiện cạnh tranh gay gắt. Không ít anh chị em đã và đang gánh vững vàng trên vai mình gánh nặng nghề nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lớp trẻ cần được trau dồi thêm ý niệm và kiến thức về văn hóa dân tộc; trang bị để tung hoành, sáng tạo đột phá trên nền tảng của tình yêu nước thương nòi cùng trách nhiệm công dân”.

Có thể nói, mặc dù liên tiếp có tín hiệu đáng mừng nhưng con đường xã hội hóa điện ảnh, đặc biệt khu vực phía Bắc, vẫn còn nhiều gập ghềnh, thách thức. Nhưng chẳng phải khó khăn, thách thức luôn đi kèm với cơ hội hay sao?

L.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)