. NGUYỄN THANH TÚ
Xuất phát từ quan niệm hạnh phúc của dân là được ăn, ở, học hành mà sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến miếng ăn cho dân. Thế giới ca ngợi Bác Hồ có cách giải quyết tuyệt vời nhất dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau tháng 9/ 1945 nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong giặc ngoài nhưng Bác vẫn chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, là tầm trí tuệ kiệt xuất trên cơ sở sâu thẳm một tình yêu nước, yêu dân lớn lao hiếm thấy. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào và ngược lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Cha các lực lượng vũ trang, với ngành Hậu cần Quân đội, thật tự hào cũng được Người khai sinh và dạy bảo từ những ngày mới ra đời. Ngày 11/7/1950 Bác Hồ ký Sắc lệnh số 121/SL thành lập Tổng cục Cung cấp, tiền thân của ngành Hậu cần hôm nay. Từ đó đến khi về với “thế giới người hiền” có khoảng trên 20 bài Người viết trực tiếp về ngành ta.
1. Là nhà quân sự kiệt xuất Bác Hồ có một quan niệm cực kỳ nhân văn về chiến tranh: “đánh hơn trăm trận, không phải là giỏi nhất. Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua…Vây thành mà đánh là kém nhất” (1). Vì Bác rất hiểu chiến tranh đồng nghĩa với đổ máu, hy sinh, mất mát, điều này đi ngược lại tình thương yêu con người sâu nặng của Bác. Khi buộc phải chuẩn bị kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ nhấn mạnh về công tác hậu cần quân sự: “Ai được lòng dân, được thiên thời địa lợi, có tướng giỏi, theo đúng phép dùng binh, quân đội mạnh hơn, binh lính luyện tập hơn, thưởng phạt công minh hơn - thì bên ấy thắng. Ngày nay cần có 3 điều nữa:
1.Vàng bạc ai đầy đủ hơn.
2. Sinh sản ai nhiều hơn.
3.Ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng” (2).
Yếu tố 1.Vàng bạc ai đầy đủ hơn, là vật chất, phải có tiền để trang bị vũ khí hiện đại... Yếu tố 2. Sinh sản ai nhiều hơn, là tốc độ phát triển, càng phát triển càng có cơ hội hiện đại hoá quân đội...Yếu tố 3. Ngoại giao ai thuận lợi hơn, là sự ủng hộ của dư luận, của các nước trên thế giơí, trong bối cảnh toàn cầu hoá thì yếu tố này càng trở nên cấp thiết.
Là một nhà nhân văn chủ nghĩa Bác rất quan tâm đến cuộc sống nhân dân mà cụ thể là “miếng ăn”. Người nhiều lần nhắc đến thành ngữ “Dân dĩ thực vi thiên” nghĩa là dân lấy ăn làm trời…và câu “Có thực mới vực được đạo” nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả” (3). Người quan niệm cùng với ăn là mặc, ở, đi lại, chữa bệnh, học hành có đầy đủ thì cuộc sống mới phát triển. Mà những vấn đề ấy, chính là “hậu cần”. Nhìn rộng hơn, Bác không chỉ lo “hậu cần” cho riêng bộ đội mà cho cả nhân dân ta, đồng bào ta. Ham muốn tột bậc của Bác cũng chính là điều này, “nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do”, “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
2. Đường lối, phương châm chiến lược của ngành hậu cần nằm trong lý tưởng chung của quân đội “trung với Đảng, hiếu với dân”, “một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Về cụ thể, Bác đã vạch ra từ những ngày ngành còn non trẻ. Trong bài Nói chuyện về nhiệm vụ sản xuất của quân đội 3/1958, Bác giao nhiệm vụ: “quân đội ta có hai nhiệm vụ chính. Một là xây dựng một quân đội hùng mạnh. Hai là tăng gia sản xuất…” (4). Nhiệm vụngành hậu cần ngày một nặng nề hơn, vẻ vang hơn, Bác cũng quan tâm nhiều hơn. Trong bài Nói chuyện tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua của các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần 19/12/1958, Người đưa ra giải pháp hành động: “phải tổ chức việc thi đua cho tốt hơn nữa” (5). Trong Thư gửi công nhân, chiến sĩ, nhân viên Xưởng May 10, Cục Quân nhu, Người nhấn mạnh: “tư tưởng thông thì công việc tốt” (6).Ngày 24/3/1966 trong Bài nói tại Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược Người khẳng định: “Giao thông vận tải rất quan trọng, quan trọng đối với chiến đấu, đối với sản xuất, đối với đời sống của nhân dân” (7). Ngay tên bài nói là một phương hướng cơ bản: Thi đua và Quyết tâm.Trong Lời tặng ngành xe quân sự ngày 5/8/1968 Bác dặn dò, trao trách nhiệm về hướng phấn đấu cho ngành: “Yêu xe như con/ Quý xăng như máu/ Vượt mọi khó khăn/ Hoàn thành nhiệm vụ” (8).
Với ngành Y tế, cho đến hôm nay, những năm đầu thế kỷ XXI có những phát triển vượt bậc sánh ngang với thành tựu y học thế giới, là nhờ đi theo, học tập tư tưởng Bác Hồ. Chúng ta nhớ lại Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế ngày 27/2/1955 Bác nhắc “Lương y phải như từ mẫu” và “Xây dựng một nền y học của ta” dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc, đại chúng” (9). Ba nguyên tắc ấy như ba cột chống vững chãi nâng đỡ ngôi nhà y học Việt Nam truyền thống và hiện đại. Trong Thư khen cán bộ và nhân viên Quân y ngày 31/7/1967 Bác nhắc lại phương châm “luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là một người mẹ hiền” (10).
3. Có thể khẳng định chính Bác Hồ là người Thầy đầu tiên đưa ra các tiêu chí nhân cách cơ bản của người cán bộ hậu cần. Tháng 9/1951 Người có Thư gửi lớp cán bộ cung cấp nhấn mạnh ý nghĩa của ngành: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận”. Bác nhắc nhở vì cán bộ gắn liền với công việc đảm bảo tiền của nên “thường mang tiếng hủ hóa”, vì thế hơn mọi người khác cán bộ hậu cần phải: “làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính”. “Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì”. “Phải: có kế hoạch đầy đủ, sổ sách rành mạch; thấy trước, lo trước; có sáng kiến và phải tháo vát; thật sự cần, kiệm, liêm, chính” (11). Đấy là Lời của Vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Tư lệnh Ngành, còn là Lời của Người Cha, Người Bác, Người Anh, “Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”.
4. Bác Hồ thực sự là một “chiến sĩ hậu cần” chỉ qua một bài thơ “Nhớ chiến sĩ”: Đêm khuya, móc rơi dồn dập như mưa thu/ Sáng sớm sương dày đặc như mây mặt biển/ Mau mau gửi áo rét cho chiến sĩ/ Ánh mặt trời ấm áp đã báo trước tin xuân mới sắp về. Thương bộ đội rét mướt ở rừng núi hay nơi bưng biền, Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá lấy tiền mua áo ấm gửi tới các chiến sĩ. Bác nói đồng chí Thư ký chuyển tiền lương của Bác gom góp lâu nay để mua nước cho bộ đội phòng không. Trong kháng chiến chống Pháp, Bácvẫn thường mặc áo vá, có người nói nên thay, Bác nói: “Chiến sỹ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi!”. Đấy là câu nói của một người Anh thấu hiểu, thấu cảm muốn cùng chia sẻ nỗi vất vả của những đứa em!
Theo Bác cái gốc đạo đức người cán bộ quân đội vẫn là tình thương yêu và sự gương mẫu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt” (12).Đấy đâu phải Bác nhắc riêng cán bộ hậu cần mà là nhắc chung tất cả chúng ta!
N.T.T
---------
(1), (2) Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 518, tr 514.
(3) (9). Sđd, tập 7, tr 572, tr 476.
(4), (5), (6). Sđd, tập 9, tr 143, tr 270, tr 342.
(7), (8), (10). Sđd, tập 12, tr 58, tr 382, tr 283.
(11), (12). Sđd, tập 6, tr 296, tr 207.
---------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1996-2000.
2. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, 10 tập. Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1996-2000.
3. Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, 10 tập. Nxb Hội Nhà văn, 2000.
4. Nguyễn Thanh Tú - Hồ Chí Minh, một tâm hồn nghệ sĩ. Nxb Hội Nhà văn, 2015.
VNQD