Hoang tưởng, ngốc nghếch và minh triết

Thứ Tư, 10/06/2020 09:20

.LÊ PHONG

Lao Mã sinh năm 1962, là một giáo sư triết học, nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Tác phẩm của ông luôn có mặt trong các tuyển tập hay nhất, kinh điển nhất của tiểu thuyết, truyện ngắn đương đại Trung Quốc. Tuy nhiên, với nhiều người Việt Nam, cái tên Lao Mã còn khá xa lạ, khi ông mới chỉ được biết đến qua một tập truyện ngắn dịch sang tiếng Việt năm 2012 (Trăm phần trăm hạnh phúc). Lần này, Lao Mã đến Việt Nam bằng một tập truyện gồm bốn “trung thiên tiểu thuyết” (cũng có thể gọi là bốn truyện vừa) với tên gọi Phỏng vấn đặc biệt, qua bản dịch của Minh Thương (Nxb Hội Nhà văn, 2019). Có thể nói, Lao Mã đã đem đến cho công chúng một trải nghiệm đọc thú vị khi ông dẫn chúng ta vào một thế giới đầy tính phúng dụ, hài hước, giễu nhại, nhưng luôn lấp lánh ánh nhìn nhân văn, ẩn chứa chiều sâu của sự minh triết.

Tập truyện Phỏng vấn đặc biệt gồm bốn truyện vừa (Phỏng vấn đặc biệt, Giẻ lau, Bá Bà Ma Phật, Cười ngốc nghếch). Lao Mã lựa chọn lối kể chuyện nhiều hơn là viết văn, ưu tiên cho nhân vật và sự kiện. Có nhiều vấn đề cần bàn luận ở tập truyện này, tuy nhiên, theo tôi ba vấn đề lớn nổi lên trong tập truyện đó là: sự hoang tưởng, kẻ ngốc nghếch và giá trị minh triết. Trong đó, sự hoang tưởng và ngốc nghếch là bề nổi, minh triết là phần chìm của tảng băng trôi.

Hoang tưởng là một hội chứng đang ngày một biểu hiện rõ hơn trong đời sống hiện nay. Đây là hệ lụy sinh ra từ những tương tác ảo trên mạng xã hội. Truyền thông Trung Quốc (không chỉ Trung Quốc) đã dấy lên những lo ngại về việc con người, nhất là giới trẻ phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, có thể làm chủ công nghệ, linh hoạt trong không gian ảo nhưng hoàn toàn bị động trước thực tế. Cùng với những hệ lụy khác, chứng hoang tưởng, ái kỉ (còn gọi là hội chứng tự si, narcissism) hình thành đã khiến một bộ phận giới trẻ có những nhận thức lệch lạc về chính bản thân mình. Truyện vừa Phỏng vấn đặc biệt được xây dựng theo mô hình các cuộc trò chuyện, xoay quanh một cô gái: có vẻ đẹp hoàn mĩ, tuyệt thế giai nhân, thiên sứ, tiên nữ giáng trần, đẹp từ trong trứng, hạt giống của minh tinh, sự thiên vị của Thượng đế, thiên tài, thần tượng của mọi người, minh tinh chói sáng, duyên dáng yêu kiều, nhành hoa thơm xuất chúng siêu phàm, phượng hoàng vàng, biểu tượng của thời đại, bảo bối quốc gia, cực phẩm nữ siêu đẳng cấp… Như cách nói vui của giới trẻ và cư dân mạng hiện nay, quả là “cạn lời”, “sa mạc lời” khi diễn tả vẻ đẹp và sự tài năng của cô gái này.

Sự thực như thế nào? Đây là một cô gái mắc chứng hoang tưởng ái kỉ. Sự hoang tưởng của cô lần lượt bị các nhân vật khác có liên quan phanh phui. Trong mắt họ, đó là một cô gái xấu xí, khùng điên, dị hợm, là thảm họa của cộng đồng. Nếu cô không còn lời nào để diễn đạt về sắc đẹp, tài năng, sự quyến rũ, thành công của mình thì cộng đồng cũng không còn lời nào để bày tỏ cho hết sự hoang tưởng kì dị ở cô. Khi người ta trố mắt nhìn cô vì sự xấu xí cô lại tưởng người ta đang chiêm ngưỡng nhan sắc của mình. Khi người ta xì xầm bàn tán về dáng vẻ kệch cỡm, dị hợm, cô lại tưởng là người ta bình luận về sức hấp dẫn, yêu kiều. Khi người ta đổ đến xem một hiện tượng xấu kì dị, cô lại cho là người ta đang theo đuổi cô. Khi người ta xa lánh, né tránh, cô lại cho là người ta đố kị. Khi người ta xua đuổi, cô lại tưởng là người ta ghen ghét… Đi đến đâu, tiếp xúc với ai, làm gì, cô đều cho rằng mình đang ban phát vẻ đẹp, tài năng và sự xuất chúng của mình cho cộng đồng. Nhờ có cô mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, cô là hiện thân của sự kì vĩ, sự cứu rỗi con người trước mọi sự tầm thường, thấp kém. Tuy nhiên, trong mắt mọi người, cô lại là một hình ảnh trọn vẹn của địa ngục hoang tưởng, xấu xí và dị hợm. Hội chứng hoang tưởng, ái kỉ, tự si xuất hiện do những rối loạn về nhân cách, trong đó có nguyên do rất lớn từ môi trường sống cũng như những diễn biến nghịch vị từ chính bản thân chủ thể. Một trong số những nguyên nhân của hội chứng này là sự tâng bốc quá đáng của cha mẹ và cộng đồng. Cùng với đó, những trạng thái stress kéo dài, mất khả năng cân bằng trong nhận thức của não bộ và hành vi cũng dẫn đến rối loạn nhân cách. Người mắc chứng hoang tưởng, ái kỉ không có khả năng thấu cảm với người khác, tự cho mình là đỉnh cao, là trung tâm, ở trên hết thảy, có xu hướng xem người khác - kéo người khác xuống thấp hơn mình. Biểu hiện của cô gái hoang tưởng trong Phỏng vấn đặc biệt cho thấy, người hoang tưởng ái kỉ luôn xem mình ưu việt hơn, để bảo vệ chính mình, để tự trấn an, vỗ về mình. Dần dần, cơ chế đó trở thành vô thức, thành hội chứng. Trong truyện, không lúc nào cô gái ngớt lời ca ngợi mình và hạ thấp mọi thứ xung quanh. Ở một khía cạnh chuyên sâu hơn, các nghiên cứu tâm lí học tội phạm chỉ ra, hoang tưởng ái kỉ là một rối loạn phản xã hội. Cụ thể là, với những người ái kỉ, cộng đồng luôn bị đặt dưới cái nhìn thấp kém, đối nghịch, đố kị, ghen ghét, tầm thường. Người ái kỉ không thể chịu nổi khi có ai đó hơn mình. Như vậy, kẻ ái kỉ chính là kẻ đố kị bậc nhất. Trong tất cả các đoạn trò chuyện mà cô gái nói, hầu như cô đều quy kết cho cộng đồng những sai lầm, liên quan đến việc họ ganh ghét, đố kị với cô.

Dĩ nhiên, cũng là một biểu hiện của chứng hoang tưởng ái kỉ, cô gái trong truyện không nhận ra mình hoang tưởng. Nghĩa là, nhân vật được đặt vào trong tình thế có tính lưỡng diện - một phúng dụ. Không bao giờ cô là kẻ hoang tưởng, thế thì đương nhiên, lời của cô không phải là lời của một bệnh nhân hoang tưởng. Lớp ngụy trang ấy dần được hé mở khi ta xem xét kĩ hơn các bình luận, phát ngôn của cô. Cực phẩm nữ siêu đẳng cấp ấy nói gì? Kì lạ thay, giữa những hào quang chói sáng hoang tưởng, chúng ta nhặt ra những viên ngọc của minh triết. Như một cây kim nhọn, minh triết ấy châm vào quả bóng hơi đang trương lên vì bao thói tật, giả dối, rởm hợm của đời sống mà chúng ta ngụp lặn. Tự cho mình là tuyệt thế giai nhân, cô gái nhận định: “Một phụ nữ nếu không thể kích thích được bản năng của đàn ông, thì có thể gọi là phụ nữ nữa hay không” (tr.10). Ở đây, cô đã vạch trần những diễn biến tinh thần liên quan đến giới tính, sắc dục trong đời sống. Nó có vẻ không trật đi đâu được với ý nghĩ của chúng ta. Nói về mình, cô bình luận, “ba chữ chân thiện mĩ bị lạm dụng, dùng nhiều quá” (tr.11). Điều đó, quả là thế thật trong các diễn ngôn văn hóa nghệ thuật hiện nay. Người ta, dĩ nhiên là xem cô không bình thường, cô hoang tưởng. Nhưng, điều này thì lại đúng với thực trạng đời sống: “Tôi rất ghét cái thói trông mặt mà bắt hình dong, nhưng biết làm thế nào đây? Ai bảo chúng ta sống trong một thế giới tầm thường này” (tr.11). Khẩu khí vẫn chứa đầy tính vĩ cuồng, nhưng nội dung lại không sai với thực tại đang từng ngày tha hóa, hời hợt, nông cạn và vô cảm của xã hội đương đại. Phản ứng của cô gái trở nên quyết liệt hơn khi cô buộc phải vào bệnh viện vì chứng bệnh hoang tưởng ái kỉ. Nhưng, đằng sau lời phẫn uất ấy là gì? “Tôi thà chung sống với những người bệnh thần kinh chứ không muốn nhìn thấy những gương mặt hung ác và những đôi mắt tham lam đó” (tr.30). Nếu không có người hoang tưởng, thì xung quanh chúng ta vẫn đầy rẫy kẻ hung ác và tham lam. Đó là thực tại, và nó chỉ được gửi gắm qua cái miệng ngụy trang của một kẻ hoang tưởng. Chưa hết, trong cõi nhân sinh, xét đến cùng, điều gì minh triết hơn nhận định này: “Khoan dung là sự trừng phạt lớn nhất” (tr. 35). Cô gái hoang tưởng về sắc đẹp và sự nghiệp huy hoàng của mình, nêu lên chất vấn: “Vì sao phụ nữ lại cứ phải giao hạnh phúc và niềm vui của mình cho đàn ông” (tr. 39). Sau lớp ngụy trang hoang tưởng ái kỉ là bộ mặt thật của đời sống với bao vẻ tệ hại, mà chỉ cái nhìn nghịch dị đôi khi mới nhận ra cùng thái độ phê phán mới dám cất tiếng. Phúng dụ về hoang tưởng là một chiêu vọt lên cao để quan sát của Lao Mã. Lên cao là cách để chúng ta thoát khỏi tình thế ngụp lặn, che khuất bởi không gian bề ngang, có thể thâu tóm các góc nhìn, rọi sáng được các điểm mù. Có lẽ, đó là điều mà Lao Mã đã hình dung, gửi gắm khi kể cho chúng ta nghe câu chuyện về một bệnh nhân hoang tưởng ái kỉ.

Tập sách Phỏng vấn đặc biệt còn ba truyện vừa khác (Giẻ lau, Bá Bà Ma Phật, Cười ngốc nghếch) mà hạt nhân là sự ngốc nghếch - người ngốc, cộng đồng ngốc (tăm tối, lạc hậu). Giẻ lauBá Bà Ma Phật là hai truyện liên hoàn kể về lịch sử gia đình họ Y và thị trấn Hồ Lô. Thị trấn Hồ Lô thực ra không có lịch sử - thứ lịch sử được ghi chép bằng văn tự, chỉ có trong kí ức của người già. Đó là một biểu tượng của không gian sống tù đọng, tăm tối, bị bưng bít, không có sự tương thông với bên ngoài một cách chủ động, đa dạng. Không có lịch sử thì không có khế ước, không có căn cước, không chịu áp lực từ quá khứ. Không có thông tin nên họ hoàn toàn bị động trong mọi hoạt động và bảo thủ trong chính sự tăm tối của mình. Thị trấn Hồ Lô chỉ có hai nguồn thông tin chính: một từ bốn chiếc loa chĩa về bốn hướng trên nóc nhà văn hóa; hai từ bến sông nơi tụ tập giặt giũ của phụ nữ trong trấn. Kênh thông tin thứ hai chủ yếu là những chuyện đàm tiếu trai gái, buôn dưa lê, bán dưa cà, lông gà vỏ tỏi, ông ăn chả, bà ăn nem, cô nào ngực lép, chị nào ễnh bụng, cậu nào đũng quần cứng lên… Cả một cộng đồng bị rơi vào tình thế ngớ ngẩn, ngốc nghếch nhưng lại luôn tỏ ra say sưa, hào hứng, bần cùng nhếch nhác, ngu dốt mà kiểu cách, mù quáng dưới bộ dạng trịnh trọng… Thị trấn Hồ Lô và gia đình họ Y là những biểu tượng được Lao Mã bồi đắp bằng nhiều sự kiện, biến cố, tạo nên một thực tại điển hình của không gian và con người tù đọng trong lòng đất nước Trung Hoa. Những biến cố lớn đã thể hiện rõ tính chất bị động của đời sống chính trị, xã hội nơi đây như đại cách mạng văn hóa, đại nhảy vọt, đại trại, những phong trào thanh niên đô thị về nông thôn… Trong cách người dân Hồ Lô ứng xử với các phong trào này, người ta nhận ra sự ngớ ngẩn, buồn cười của nó. Nguyên nhân đến từ việc họ không hề có một ý thức chính trị hay hiểu biết gì về thời đại cũng như sự vận hành của lịch sử. Thành ra, viết về một cộng đồng trong cơn bão của lịch sử, nhưng ẩn giấu sau đó là thái độ giễu nhại, phê phán khá rõ của Lao Mã.

Những biến cố lớn xảy ra trong gia đình họ Y cũng gắn với biến cố của thị trấn Hồ Lô. Biến cố lớn nhất có lẽ là việc ba đứa con nhà họ Y đỗ đại học. Chúng âm thầm, trốn trong nhà để học, trong khi mọi người dân của thị trấn đang say sưa với những vụn vặt, bé mọn của đời sống. Đó là một bước ngoặt để họ Y thoát ra khỏi vũng tù đọng của trấn Hồ Lô. Trải qua biết bao thăng trầm, thị trấn đã thay đổi theo hướng đô thị lớn, gia đình họ Y cũng phát đạt hơn. Nhà họ Y, đứa thì làm giáo sư triết học, đứa làm quan huyện, quan tỉnh, đứa lái tàu viễn dương, đứa kinh doanh thành đạt… Họ rời xa thị trấn Hồ Lô, chỉ để lại đứa con ngốc nghếch - Y Thập, như một kỉ niệm ở chốn quê nhà khốn khổ ấy. Kẻ ngốc nghếch ấy cứ thành thật mà nói rằng: “Đất vốn không bằng phẳng”.

Tiêu đề Giẻ lauBá Bà Ma Phật rõ ràng là mang tính ẩn dụ khi nó hướng liên tưởng của người đọc đến sự nhàu nhĩ và nhốn nháo. Giẻ lau có thể lau sạch mọi vết bẩn, nhưng đến lượt nó cũng trở nên đen đúa, hôi thối. Nó là “một thứ khắc họa của thời đại” (tr. 95). Tính chất giễu nhại, hài hước, bi đát cùng những ẩn giấu đầy minh triết phía sau câu chuyện của trấn Hồ Lô và gia đình họ Y sẽ còn phải được nói tới dài hơn, kĩ hơn trong quá trình đọc và trong sự tương liên với kinh nghiệm đọc của chúng ta.

Kẻ ngốc có thực sự ngốc? Cái nhìn đầy sắc sảo của triết gia tinh quái M. Foucault về chứng điên đã thức tỉnh chúng ta về sự áp đặt, phán xét của cộng đồng tự cho là tỉnh táo lên những kẻ ngốc. Ở đây, Lao Mã chỉ kể chuyện, về một nhân vật ngốc - Đông Phương Ưu trong truyện Cười ngốc nghếch. Đông Phương Ưu là một kẻ ngốc có chứng nhận. Mọi hành vi, lời nói của hắn trong mắt mọi người thật đáng buồn cười, đáng bị mai mỉa, châm chọc. Ví như, khi thầy giáo giảng bài đến chỗ “nhân dân Trung Quốc vùng đứng lên”, hắn hỏi: “Thưa thầy! Trước khi nhân dân Trung Quốc đứng lên thì nhân dân đang ở tư thế nào, là nằm hay bò, ngồi xổm hay ngồi bệt?” (tr. 201). Hắn bị thầy phạt, bắt quỳ. Và, đó là câu trả lời của thầy. Ở một tình huống khác, khi hắn nằng nặc đòi thầy giáo và nhà trường phải cấp giấy chứng nhận ngốc nghếch cho mình, hắn hỏi thầy:

Thưa thầy! Em có ngốc không?

Cậu bé ngốc, em không ngốc.

Như vậy là em cũng giống thầy đúng không ạ?

Không thể so sánh thế được.

Vậy so với các bạn?

Đầu óc em đơn giản hơn các bạn.

Thế nào là đầu óc đơn giản?

Đầu óc đơn giản à? Nói thẳng ra là ngốc.

Vậy thì thầy phải viết cho em cái giấy chứng nhận.

Em không ngốc, được chưa.

Vậy thì thầy ngốc, vì thầy không giống em.

Đúng là thiếu thông minh.

Thiếu thông minh còn hơn thiếu đạo đức, đúng không thầy?

Tôi lược thuật cuộc nói chuyện của hai thầy trò để người đọc có thể hình dung được Đông Phương Ưu đã rốt ráo chất vấn thầy giáo như thế nào. Cái ngốc của lời nói hàng ngày, của hành vi, của khuôn mặt lúc nào cũng như đang cười (dù là khi khổ sở nhất, đói, đau, bị hành hạ…) dường như chỉ là lớp ngụy trang mà Lao Mã kì công đắp lên nhân vật. Phía sau đó, Đông Phương Ưu (Kẻ ưu tú của phương Đông) là một biểu tượng của minh triết hồn nhiên trong dân gian. Nó đến từ một kí ức sâu xa nào đó của cộng đồng hơn là từ những tạo dựng ở hiện tại. Có thể, đó là một lịch sử đã khuất chìm hay thầm lặng len lỏi và biểu hiện nơi những cá nhân - tình huống không ngờ nhất. Chàng ngốc ấy có thể lẩm bẩm một câu chuyện ngớ ngẩn: “Một ông già trẻ tuổi, giữa ban ngày trời tối đen như mực, tay cầm một con dao phay mới, giết chết một người đã không còn thở nữa, bị một người mù nhìn thấy, bảo người điếc đi gọi người, bảo người liệt đi truy đuổi” (tr. 203). Ngốc quá, ngốc đến mức kể chuyện một mình bao vây cả tiểu đoàn, hắt xì hơi dập tắt đám cháy… khiến mọi người cười chê, chế giễu. Kẻ ngốc, người điên, người dị tật… thường phát hiện ra những điều mà người bình thường ít khi nhìn thấy. Vậy, họ có ngốc? Trong tình huống này, Lao Mã đã cho độc giả thấy cái ngốc chỉ là vỏ bọc cho một sự tinh anh hơn người nơi Đông Phương Ưu. Khi bị thu thuế và hạch sách quá nhiều về việc buôn bán, Đông Phương Ưu đã tự tay phá quầy hàng của mình. Có người cười chê, cho rằng như thế là hắn tự phá bát cơm của mình. Đông Phương Ưu nói: “Đây không phải là bát cơm của tôi, mà là bát cơm của họ” (chỉ những kẻ quản lí chợ) (tr. 234). Tự nhận mình ngốc, có chứng nhận, nhưng Đông Phương Ưu ân cần nói với vợ: “Anh ngốc, nhưng anh không xấu xa. Người ngốc không biết lừa người khác” (tr. 235). Còn nhiều chi tiết khác cho thấy Lao Mã đã dành tâm huyết vào việc xây dựng Đông Phương Ưu thành một biểu tượng minh triết ẩn sau vẻ ngốc nghếch, ngờ nghệch. Có lẽ, chi tiết cuối cùng Lao Mã hé lộ chính là việc ông để cho Đông Phương Ưu hài hước nhận mình là hậu duệ của Đông Phương Sóc (một kì nhân đa mưu, túc trí thời Hán Vũ Đế - Lưu Triệt của Trung Quốc (154 - 93 TCN). Đông Phương Sóc thường dùng những câu chuyện hài hước để châm biếm, đả kích bọn tham quan ô lại trong triều).

Có thể nói, tập truyện vừa Phỏng vấn đặc biệt của Lao Mã là một chùm phúng dụ đặc sắc. Từ sự hoang tưởng ái kỉ đến sự ngốc nghếch, thông qua lối kể chuyện khá gần gũi, Lao Mã đã đưa người đọc vào thế giới của sự hài hước, giễu nhại, bi hài kịch. Đằng sau những tạo dựng có tính ngụy trang ấy, nhà văn - giáo sư triết học Lao Mã đã gửi gắm những suy tư sắc nhọn và tinh vi về đời sống, dưới vẻ mềm mại của truyện kể. Một điều khá rõ khi đọc xong tập sách của ông là, vượt lên trên những giễu nhại, phê phán, xé bỏ lớp ngụy trang hoang tưởng và ngốc nghếch, câu chuyện của Lao Mã ấm áp một thái độ ân cần, nhân hậu, một tiếng cười trìu mến và một sự tinh anh đáng để chúng ta suy ngẫm khi nhìn về đời sống

 

L.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)