.THANH NGUYÊN
Xuất phát từ quan niệm người cách mạng phải biết tiếng nói của Lê nin nên ngay từ trước 1924 (năm Nguyễn Ái Quốc tới nước Nga) Bác Hồ đã học tiếng Nga. Chủ yếu người tự học, học qua bạn bè để rồi đọc được báo chí Nga ở Pháp.
Trước khi đi vào nội dung bài viết, cho phép chúng tôi trích lại một đoạn trong tác phẩm Một cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Rut Bersatxki (Liên Xô cũ) in trong cuốn Bác Hồ với văn nghệ sĩ (Nhà xuất bản Tác phẩm mới - 1985, tr.349):"Đồng chí Hồ Chí Minh lặng đi trong giây lát, suy nghĩ. Sau đó Người nói tiếp:
Có điều các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần phải dứt bỏ văn hoá nào đó, dù là văn hoá Pháp đi nữa. Ngược lại, tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc phải mở rộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hoá Xôviết - chúng tôi thiếu, - nhưng đồng thời phải tránh nguy cơ trở thành những kẻ bắt chước. Không thể lấy từ nghệ thuật của dân tộc khác chỉ riêng mặt nào đó - chẳng hạn, tính ước lệ nổi tiếng của văn nghệ Trung Quốc - cái đó sẽ chẳng hay ho gì; Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình…".
Theo chúng tôi chỉ từ mấy câu nói này cũng đã toát lên tư tưởng của Bác Hồ về việc mở rộng tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới. Học tập tiếp thu phải trên cơ sở "nghiên cứu toàn diện" để hiểu một cách đầy đủ nhất văn hoá bên ngoài, và dĩ nhiên, tuy Bác không nói ra nhưng người đọc cũng tự hiểu là phải hiểu sâu sắc cả văn hoá nước mình, có thế mới tránh được nguy cơ "bắt chước" để giữ được cá tính, bản sắc của mình. Nhưng ở đây chúng tôi quan tâm tới việc Bác nhấn mạnh tới văn hoá Xô viết "…phải mở rộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hoá Xô viết…". Sinh thời, Người đã dành cho văn học Xô viết niềm cảm tình đặc biệt.
Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, chính Người đã khẳng định: "Anatôn Phơrăngxơ (Anatole France) và Lêông Tônxtôi có thể nói là người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn". Như vậy cũng có thể nói L.Tônxtôi đã ảnh hưởng lớn tới nhà văn, nhà thơ Hồ Chí Minh. ảnh hưởng rõ nhất ở mặt nào? Trong bức thư gửi cho Báo Văn học Liên Xô, in trên báo này ra ngày 19 tháng 11 năm 1960 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào, Người viết: "Cách viết của Tônxtôi rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu, làm tôi rất thích. Tuổi trẻ thường bồng bột, tôi nhảy vùng dậy khỏi giường mặc dù mùa đông rất lạnh, nhất là trong căn phòng bé nhỏ của tôi lại không có lò sưởi. Tôi nói to: "Viết một cuốn truyện ngắn chẳng có gì là khó. Mình cũng có thể viết được"(1). Dễ thấy học tập trước tiên là cách viết, một cách viết "giản dị, rõ ràng và dễ hiểu" như Người đã bàn về "Cách viết":"Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi.
…Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng…"(2).
Học tập thứ hai là cách dựng truyện. "Đọc những truyện ngắn của Anatôn Phơrăngxơ và của Lêông Tônxtôi, ông Nguyễn thấy hứng thú về văn chương giản đơn và tự nhủ: Người ta chỉ cần viết điều gì người ta thấy và cảm, bằng cách nắm lấy màu sắc và hoạt động của sự vật như thế thì viết cũng không khó lắm"(3). Vấn đề này cũng được Người nhấn mạnh trong "Cách viết": "Viết truyện có nhiều ngóc ngạnh thì phải nắm lấy cái chính, không nên kể con cà con kê. Nhằm lấy điểm chính mà viết"(4).
Học tập thứ ba là về nội dung tư tưởng. Trong bức thư gửi Báo Văn học Liên Xô, sau khi kể lại câu chuyện được đọc một cuốn tiểu thuyết của Tônxtôi, tuy quên tên cuốn sách nhưng Người đã tóm tắt nội dung cuốn sách rồi đưa ra nhận định về chủ đề tác phẩm: "Từ đó rút ra kết luận: Sự chỉ trích đạo đức phong kiến"(5). Như Người nói "đã bốn mươi năm rồi còn gì", thế mà Người vẫn "rất nhớ nội dung" chứng tỏ cuốn tiểu thuyết đã có một ấn tượng sâu sắc tới tâm trí Người. Người ta vẫn nói những tư tưởng lớn thường hay gặp nhau, ở đây giữa đại văn hào Tônxtôi và nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc đã cùng gặp nhau ở tư tưởng: sự chỉ trích đạo đức phong kiến. Lời cuối của bức thư này, Người viết:"Và bây giờ, các đồng chí biên tập thân mến, các đồng chí có cho rằng tôi có quyền nói tôi là người học trò nhỏ của nhà văn vĩ đại Tônxtôi không?".
Chân thành và khiêm tốn biết bao!
Trong Đại hội lần thứ ba Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam năm 1961, Bác Hồ nhắc nhở thanh niên: "Nhà thơ Pháp, đồng chí Vayăng Cutuyariê viết: Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại. Nhà thơ Xô viết, đồng chí Maiakôpxki viết:
Chủ nghĩa cộng sản
Là tuổi trẻ của thế giới
Do những người trẻ tuổi
Xây dựng nên.
Bác nói một cách mộc mạc: "Thanh niên Việt Nam, thanh niên thế giới hãy hăng hái tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng sản"(6). Qua dẫn chứng này đã cho biết Bác đọc, thuộc và hiểu thơ Maiacôpxki. Có lẽ ai cũng thuộc câu nói này của Bác: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội", cũng dễ thấy Bác đã mượn ý của hai nhà thơ cộng sản vĩ đại: Vayăng Cutuyariê và Maiacôpxki. Theo Giáo sư Nguyễn Hải Hà, một chuyên gia về văn học Nga, thì giữa hai nhà thơ lớn Hồ Chí Minh và Maiacôpxki có sự gặp gỡ nhau ở quan niệm về sứ mệnh thơ ca. Maiacôpxki viết:
Tôi muốn
đem ngòi bút
sánh lưỡi lê lợi hại
(Trở về, 1925)
Bác Hồ viết:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong(7).
Như chúng ta đều biết Bác Hồ biết rất nhiều ngoại ngữ, và Người đã từng dịch Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng - Tức cảnh Pác Bó - 1941), dịch Binh pháp Tôn Tử… Trong lời tựa cho bản dịch Tỉnh uỷ bí mật của A. Phêđôrốp do chính Bác dịch từ nguyên bản tiếng Nga với bút danh Nguyễn Du Kích, Người viết: "Lần này là lần đầu tiên tôi viết bài tựa cho một quyển sách vì quyển này ra đúng dịp. Nó ra trong lúc chúng tôi đang đẩy mạnh phong trào du kích"(8). Theo chúng tôi đây cũng là bài học dịch thuật ở ngày hôm nay: nên dịch những cái gì bạn đọc cần và phải "đúng dịp".
Chúng ta tự hào có Hồ Chí Minh với tư cách nhà thơ đã có tác phẩm được dịch sang tiếng Nga - tập thơ Nhật ký trong tù nổi tiếng. Bản thân tác giả và tác phẩm đã gây một ấn tượng mạnh với người dịch để rồi lan toả vào đông đảo bạn đọc Nga. Dịch giả Paven Antôcônxky đã kể lại ấn tượng ấy với độc giả trong lời đề tựa bản dịch: "Tôi báo cáo với Người về công việc đã làm được trong một tháng ở Việt Nam và nhắc rằng những bài thơ của Người mới đây được công bố trên một tờ tạp chí Việt Nam. Phản ứng thật hoàn toàn bất ngờ! Người phá lên cười một cách vui vẻ. Trong đôi mắt Người ánh lên những tia hài hước - Nhà thơ gì tôi cơ chứ hả đồng chí? Chẳng qua là những năm kháng chiến, khi còn sống trong khu Việt Bắc, chúng tôi có nhiều thời giờ rỗi rãi quá đi mất. Và thế là chúng tôi làm thơ chơi - cả tôi lẫn những đồng chí khác nữa! ở Việt Nam ai cũng làm thơ cả. Nhưng bây giờ, thơ của chúng tôi là những con số. Vâng, đúng như vậy, những con số về mùa màng và hoa lợi - đó là thơ ca của chúng tôi đấy!".
Chúng tôi không phân tích đoạn hội thoại vì tự nó đã nói một cách sinh động về cách ứng xử văn hoá, chủ động, khiêm tốn và toát lên một quan niệm văn chương phải gắn chặt với cuộc sống, phục vụ cuộc sống của nhà thơ Hồ Chí Minh. Còn đây là lời dịch giả nhận định về tác phẩm: "… gần một trăm bài thơ tứ tuyệt có sức thuyết phục lớn lao đối với lòng người và có sức mạnh nghệ thuật ghê gớm. Sự chân thành của tác giả, tính chân thật, chất phác của Người đã chinh phục được người đọc…"(9).
Có thể khẳng định rằng Bác là người đưa chủ nghĩa Mác - Lênin từ quê hương Cách mạng Tháng Mười vĩ đại về Việt Nam, là cầu nối tình hữu nghị bền chặt giữa hai nền văn hoá Việt - Nga, đồng thời là người góp phần làm giàu có thêm gia sản của cả hai nền văn học Nga - Việt.
T.N
---------------------------
(1) Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008, tr.290, 291.
(2) Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008, tr.182.
(3) Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch - Nhà xuất bản Văn học, 1969, tr.33.
(4) Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008, tr.182.
(5) Tuyển tập thơ văn Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008, tr.290.
(6) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, 4 - Nhà xuất bản Sự Thật, tập 6, tr.169.
(7) Nguyễn Hải Hà - Văn học Nga - sự thật và cái đẹp - Nhà xuất bản Giáo dục, 2002, tr.224.
(8) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch - Nhà xuất bản Sự Thật, tập 6
tr.123.
(9) Bác Hồ với văn nghệ sĩ - Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1985,
tr.310, 311.
VNQD