Mĩ thuật với đề tài bảo vệ môi trường

Chủ Nhật, 28/06/2020 13:21

.ĐỖ THỊ THU THỦY

Lốc xoáy - Triển lãm Hành tinh nhựa tại VCCA

Môi trường là không gian sinh tồn của con người, bao gồm các yếu tố tự nhiên (đất, nước, không khí, ánh sáng…) và các yếu tố vật chất nhân tạo (thành phố, nhà ở, khu dân cư, sân bay, nhà ga…). Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang diễn ra ở khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xuất phát từ sự trăn trở, đau đáu về thực trạng môi trường Việt Nam đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, những người làm nghệ thuật nói riêng, họa sĩ nói chung, thông qua mĩ thuật đã cất lên tiếng nói của mình, tha thiết mong cộng đồng cùng chung tay, chung sức bảo vệ môi trường.

Là một họa sĩ bậc thầy tả thực, Lê Huy Tiếp cũng dành nhiều sự quan tâm của mình đối với đề tài môi trường. Trong tác phẩm Cơn bão đi qua người xem thấy một nỗi buồn hiển hiện không cần che giấu, ý tứ. Sự ngổn ngang, hỗn độn của một bãi biển ngập tràn rác thải vốn là những vật dụng hàng ngày của con người bởi một cơn bão quét qua là hệ quả tất yếu của sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Trên nền rác rưởi hỗn độn ấy, tác giả vẽ người đàn ông và con chó. Người đàn ông có nét mặt buồn, như đang trầm ngâm suy tư về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, về sự tồn tại hay không tồn tại, về sự “báo ứng” của thiên nhiên đối với những hành vi can thiệp thô bạo của con người vào môi trường sống tự nhiên. Bức Gió tháng 7 - sơn dầu trên vải - sáng tác năm 2019 của ông cũng gây ấn tượng mạnh về đề tài môi trường. Hình ảnh gây ấn tượng vào thị giác người xem đầu tiên là hai chiếc túi ni-lông một xanh, một trắng đang theo gió bay phất phơ trên bầu trời. Trong tranh Lê Huy Tiếp, túi ni-lông là một dấu hiệu phản ánh sự có mặt của con người, chính xác hơn là sự vô ý thức của con người trong vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng với ẩn dụ ấy, Rừng xanh - in độc bản - sáng tác năm 2019 là sự phê phán việc chặt phá, đốn hạ cây xanh của con người. Tác giả sử dụng màu đỏ để gợi lên những đau đớn, rên xiết đến bật máu của đại ngàn trước thói tham lam vô hạn của con người.

Kết thúc huy hoàng - Vũ Bạch Liên
Cá biển - Kù Kao Khải

Tác phẩm Chân dung Elnino - sơn dầu (150x150 cm) của Trần Công Hiến vẽ về hiện tượng khô cằn do Elnino gây ra với những gương mặt méo xệch, cây cối chết trắng trong khô hạn. Tác phẩm khắc gỗ Kết thúc huy hoàng của Vũ Bạch Liên gây ấn tượng cùng sự ám ảnh về màu sắc bằng những túi ni-lông xếp vòng quanh. Rác thải, túi ni-lông như đang bóp nghẹt sự sống con người đến mức ngột ngạt, cùng cực. Những hình người màu đen dài ngoẵng, mỏng mình đủ mọi tư thế được họa sĩ khắc ở giữa như thể đang cố tìm đường trốn thoát khỏi vòng vây của túi ni-lông. Tác phẩm là một lời nhắc nhở của họa sĩ với cộng đồng: sớm hay muộn con người cũng sẽ chết ngạt nếu cứ bị mắc kẹt mãi trong thói quen sử dụng túi ni-lông vô tội vạ như hiện nay.

Cá biển (100x120 cm) - đục gỗ tô màu - sáng tác năm 2012 của Kù Kao Khải cũng là một tác phẩm gây ấn tượng về đề tài bảo vệ môi trường. Tác phẩm khắc họa một con cá to chiếm khoảng lớn trong tranh, vài ba con khác nằm xếp ngang trên và dưới cá lớn. Màu đen chiếm diện tích nhiều nhất với mật độ dày, mỏng khác nhau. Chỗ lấm chấm li ti khi diễn tả vảy cá, chỗ nét đen dài để diễn tả đuôi cá, viền mắt và quanh mang cá, khi lại là những vạch xiên xẹo diễn tả những loài cá khác nhau đa dạng. Màu đen là màu của u tối, chết chóc. Những con cá của Khải như đang bị phân hủy dần từ trong ra ngoài. Màu vàng độc tả nền, càng làm tôn bật lên những con cá đen chết chóc. Màu còn lại là sắc trắng. Màu trắng

Gió tháng 7 - Lê Huy Tiếp
Cơn bão đi qua - Lê Huy Tiếp

đan xen màu đen để mảng đen không bị dày đặc, gây sự sợ hãi. Tất cả màu sắc phối hợp với nhau làm toát lên bức thông điệp về ô nhiễm môi trường của tác giả. Những con cá biển sẽ hóa thành màu đen, sẽ chết chồng lên nhau nếu những nguồn nước chưa qua xử lí cứ tiếp tục xả thẳng ra biển.

Khác với các họa sĩ vẽ tranh trên toan, những nghệ sĩ của nghệ thuật sắp đặt lại dùng chính những vật dụng hàng ngày quen thuộc - những nguồn rác thải sau khi sử dụng - để sáng tác nên những tác phẩm độc đáo về đề tài môi trường. Những chiếc chai nhựa, vỏ lon bia, nhiều chiếc ống hút và những hộp giấy, đồ gia dụng… qua bàn tay, óc sáng tạo của họ đã trở thành những tác phẩm thật sự ấn tượng. Triển lãm sắp đặt Xả rác ít thôi được tổ chức từ ngày 15/7/2019 đến 31/8/2019 tại Trung tâm văn hóa Pháp đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng vì ý nghĩa thời sự, cấp thiết của việc bảo vệ môi trường và tính nghệ thuật trong sắp đặt các tác phẩm tham dự. Cùng khoảng thời gian đó, triển lãm Hành tinh nhựa tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom cũng thu hút được số lượng khách tham dự kỉ lục, lên đến hơn 50.000 người. Đây là một thành công lớn trong nỗ lực kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường của mĩ thuật đương đại.

Có thể nói, thông qua các tác phẩm, các triển lãm nghệ thuật, các nghệ sĩ đã cất lên tiếng nói riêng, tạo ra hiệu quả tích cực, hàm chứa nhiều thông điệp mạnh mẽ góp phần bảo vệ môi trường sống trước những hiểm họa từ thiên nhiên và từ chính sự vô tâm, ích kỉ, tham lam của con người

Đ.T.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)