Nhại ý thức – một phương thức nghệ thuật độc đáo của nhà trào phúng vĩ đại Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 06/07/2020 08:38

.PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ

Nhìn vào các tiếng cười lớn trên thế giới chúng sẽ thấy trong nghệ thuật tiếng cười nhại của họ chủ yếu là nhại hình tượng, nhại ngôn từ. Ở Hồ Chí Minh chúng tôi tìm thấy một phương thức nhại đặc sắc, độc đáo là là nhại ý thức. Đây là một nét để đi tìm cá tính nghệ thuật tiếng cười Hồ Chí Minh và cũng cho thấy Hồ Chí Minh là nhà trào phúng tầm cỡ thế giới.

1. Nhại tư tưởng.

"Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy". Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư­ nết xấu như­: l­ười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội" (Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2002,12 tập,tập 10, tr.306. Các dẫn chứng trong bài đều lấy từ bộ sách này). Thế nào là chủ nghĩa cá nhân, đã được Bác định nghĩa bằng cách nhại lại qua một thành ngữ có hai vế đối lập trái ngược nhau nói về tính ích kỷ, chỉ biết đến mình mà không biết đến ai khác.

Hôm nay chúng ta đang cùng nhau gắng sức chống căn bệnh tham nhũng, một "quốc nạn" cần phải sớm loại trừ trong thời đại dân chủ, văn minh. Bác Hồ đã sớm nhận thấy căn bệnh đó có từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước:

"Ban quản trị phải chống tham ô, lãng phí. Có nơi khi bắt đầu cày bừa cũng làm mấy con lợn để "liên hoan". Hễ có cơ hội là bày ra chè chén. Hay khi gặt về tuốt lúa dối rồi chia "rơm" cho xã viên và bà con mình đem về tuốt lại. Như­ thế là tham ô, lãng phí. Không được dung túng những việc như­ thế" (Tập 10, tr.411).

Đây cũng chỉ là dạng manh nha của tham nhũng, mới chỉ là "liên hoan", là "tuốt lúa dối rồi chia "rơm" cho xã viên và bà con mình đem về tuốt lại" mà Bác Hồ còn cho là "Không được dung túng những việc như­ thế". Thế thì hôm nay những kiểu tham nhũng ghê gớm như ăn dự án, ăn đất, bán chức, bán quyền… chúng ta càng phải loại trừ quyết liệt hơn, triệt để hơn!

"Vì vậy, Đảng nói: cần cán bộ già, đồng thời rất cần nhiều cán bộ trẻ. Các đồng chí già đánh Tây. Đánh Tây là dọn đường. Nhưng không thể nạnh kẹ: chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà ch­ưa được đi xe, các anh mới lớn lên đã được đi xe. Thế là nạnh người đi xe. Có đúng không? Sau này đến chủ nghĩa cộng sản, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia. Già có việc già, trẻ có việc trẻ. Tục ngữ có câu "măng mọc quá pheo". Măng mọc sau, mà tốt hơn tre đấy. Không lẽ ta ngồi nói: "Măng, sao mày mọc quá tao?".

Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học.

Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc, thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm. Một cháu bé bây giờ đã nghe nói đến vệ tinh, biết nghe rađiô. Tôi và các đồng chí hồi đó không biết. Trước đây, có đồng chí nào biết rađiô không? Tôi cũng ch­ưa biết. Thế mà các cháu bé bây giờ đã biết. Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: "Con hơn cha là nhà có phúc". Ta hiểu như thế, nhưng không có tư­ tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm, v.v…" (Tập 10, tr.464, 465).

Trên đây là sự phân tích của Bác về tư tưởng "nạnh kẹ" của không phải là ở một số ít người, không chỉ có ở thời ấy mà có lẽ thời nào cũng có, ở đâu cũng có, do vậy mà chúng mang tính phổ biến nên càng phải chú ý để loại trừ dần. Dưới đây là đoạn văn Người phân tích tư tưởng công thần. Chúng tôi thấy sự phân tích này đã quá sắc sảo, quá cụ thể, thuyết phục nên chỉ biết chép lại dẫn chứng:

"Cũng có một số đồng chí hoạt động không tích cực, nói mình già, yếu, mệt, nhưng lại trách Đảng, trách nhân dân, trách phong trào sao lại không đ­ưa mình lên. Cái đó không nên. Đó là mắc bệnh công thần. Mình mới làm nên một chút đã cho bằng trời rồi. Đảng không đ­ưa mình lên thì mình tìm cách dìm đảng viên trẻ mới đề bạt lên. Đảng rất quý, rất trọng các đồng chí già, nhưng Đảng cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ để làm những việc mà đảng viên già không làm được. Tôi cũng là một trong những đồng chí già. Tôi có lái được xe không? Không, phải nhờ đồng chí trẻ. Muốn học lái xe thì phải học các đồng chí trẻ. Chớ có nói: Sao mình không được đi, nó lại được đi xe.

Có đồng chí nói: có những thành phần không tốt, khi trước nó phản cộng sản, nay nó được đề bạt; mình trung thành với cách mạng thì không được chú ý" (Tập 10, tr.466).

2. Nhại tập quán

Đã gọi là tập quán thì có tập quán tốt, tập quán xấu, dĩ nhiên không thể chê cười cái tốt mà chỉ có thể là chê cái xấu. Ví dụ dưới đây là cách chê của Bác về những tập quán cần loại bỏ:

"Tổ chức liên hoan để mừng công sau mỗi khi hoàn thành thắng lợi kế hoạch là một điều tốt và nên làm. Có nơi liên hoan thanh đạm bằng chè nước, tổ chức vui chơi văn nghệ bằng những tiết mục tự biên tự diễn giản đơn. Nhưng cũng có nơi lại nặng về chè chén linh đình, hễ nói tới liên hoan là người ta nghĩ ngay đến chuyện ăn uống.Vừa qua, trong thành phố ta có xí nghiệp cũng tổ chức liên hoan theo cái nghĩa mới của nó (tức là ăn uống). Xí nghiệp 1-5 đã "liên hoan" năm con lợn (hơn 200 kilôgam) và mấy chục kilôgam thịt bò của một đơn vị bộ đội chia lại (?).

Theo ý các đồng chí lãnh đạo Xí nghiệp 1-5 thì đây là nguyện vọng từ lâu của quần chúng cho nên dù đã có chỉ thị của cấp trên hạn chế việc tổ chức ăn uống, các đồng chí lãnh đạo xí nghiệp vẫn "mạn phép" tổ chức.

Vì nể cái "nguyện vọng từ lâu" mà không kiên quyết lãnh đạo tư tưởng quần chúng để nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của cấp trên thực hiện việc tiết kiệm thực phẩm trong lúc khó khăn, thì đó là dẫn đầu quần chúng hay đi sau quần chúng? Còn đơn vị bộ đội nào đó giết bò và chia lại cho xí nghiệp thì sẽ nghĩ thế nào về việc chấp hành chỉ thị của cấp trên?

Ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, có đám ma nhà ông D. thôn Xuân Đường, giết lậu một lúc ba con lợn, nấu 50 kilôgam gạo vừa nếp vừa tẻ để làm 121 mâm cỗ, mỗi mâm năm ng­ười. Tiền thu của người đến viếng được 1.257 đồng, ch­ưa kể tiền trầu cau của dân làng đến góp theo tục lệ.

Rõ ràng đây là một tập quán không tốt còn diễn ra khá phổ biến ở Ngũ Phúc. Vì ở Ngũ Phúc có cán bộ chủ chốt ch­ưa gương mẫu, còn vi phạm chính sách. Gia đình có đám ma trên đây là họ hàng của đồng chí Bí thư­ Đảng uỷ xã. Và cách đây độ 20 hôm, một con lợn khác cũng bị chết oan theo kiểu ấy ở nhà cậu đồng chí Phó bí thư­.

Vì cán bộ thiếu gương mẫu, ở xã Ngũ Phúc nạn lạm sát lợn vẫn thường xảy ra. Khánh thành trạm bơm giết hai con. Hợp tác xã tổng kết giết bốn con. Đội sản xuất tổ chức ăn tập đoàn giết một con…" (Tập 12, tr.204, 205, 206).

Ở ví dụ dưới Bác chỉ đích danh nguyên nhân, còn cách khắc phục, mọi người đều hiểu là phải bỏ ngay tập quán đáng chê ấy:

"- Việc đáng chê - Vừa rồi, vì được mùa to, 20 xã ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đã "liên hoan" hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con bê! Đó là ch­ưa kể số tiền chi tiêu vào muối, gạo, rượu, chè. Cũng chư­a kể những ngày lao động của bà con 20 xã đã mất toi!

Lãng phí tiền của và công sức như­ vậy, là lỗi tại ai?

Lỗi tại các cán bộ huyện, cán bộ xã. Lỗi tại đảng viên và chi bộ!" (Tập 10, tr.38).

3. Nhại phong tục

"Trước kia, những nhà giàu sang thường có cái tục rởm là cho trẻ con "chọn nghề" khi chúng mới đầy tuổi. Họ bày ra trước mặt đứa bé nhiều thứ hình mẫu: nào bút nghiên, nào cung kiếm... Lại có cả cày, bừa, cả chiếc cân của người đi buôn, v.v… Hễ đứa bé vớ vào cái gì trước, thì người ta cứ theo đó mà quyết đoán rằng về sau nó sẽ làm nghề này hay nghề khác. Tất nhiên, lúc nào đứa bé cũng "chọn con đường làm quan". Vì một lẽ rất dễ hiểu là những thứ tượng trưng cho con đường ấy đều đẹp và được bày gần nó nhất"… (Tập 10, tr.111).

Chúng tôi cho rằng đã tìm được một thí dụ thú vị về nhại phong tục của Bác, mà Người gọi là "cái tục rởm", thú vị vì qua đây phần nào hiểu được một phong tục, một ước mong của người xưa về con cái. Đồng thời cũng cho ta hiểu thêm về quan niệm giáo dục của Bác: con người ta không nhất thiết cứ phải "chọn con đường làm quan" mà có thể làm bất cứ nghề gì miễn là có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây là một quan niệm hiện đại, ở ngày hôm nay càng mang đậm tính thời sự.

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)