. THANH HẢI
Khái niệm “Dân chủ” đã có từ lâu, thời Hy Lạp cổ đại gọi là “Demokratia” vốn là sự ghép của hai âm tiết Demos (nhân dân) và Kratein (cai trị) nghĩa là “nhân dân cai trị” tức đề cao vai trò, vị trí nhân dân trong xã hội. Trong trước tác của Hêrôđốt hay Arixitôt đã thấy xuất hiện nhiều lần “Demokratia”. Đến thời Khai sáng, các nhà tư tưởng Môngtexkiơ, Rútxô hay Vônte...được dùng nhiều hơn nhưng vẫn theo nghĩa gốc. Nhưng khái niệm “Văn hóa dân chủ” thì lại mới xuất hiện, khoảng cuối những năm thế kỷ trước, tức chỉ mới mấy chục năm. Theo GS Hoàng Chí Bảo thì “cái cốt lõi của văn hóa dân chủ là sự giải phóng cá nhân và giải phóng xã hội về mặt tinh thần, thực hiện tự do tư tưởng, khẳng định cá tính sáng tạo, tôn trọng chân lý và tôn trọng nhân cách con người”. Cơ sở xã hội của “văn hóa dân chủ” là một đời sống chính trị ổn định, một nền kinh tế phát triển, nhu cầu tự do cá nhân về đối thoại, về khát vọng giải phóng cái tôi...Do vậy “văn hóa dân chủ” là lý tưởng vươn tới của bất cứ quốc gia nào, chính vì thế mà nó lại bị lợi dụng, với các đế quốc thì dùng chiêu bài “xuất khẩu dân chủ”, “truyền bá dân chủ”...Ở một số quốc gia thì các thế lực đối lập mượn “tự do dân chủ” làm cớ gây rối...
Còn tranh luận nhưng hầu như nhiều người thống nhất ngôi lầu văn hóa dân chủ phải được đặt trên ba bệ đỡ chắc chắn là tư tưởng (dân chủ), nguyên tắc (dân chủ) và thực hành (dân chủ).
Soi những điều mang tính lý thuyết trên vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhiều nghiên cứu phương Tây ngạc nhiên: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kiến tạo nền văn hóa dân chủ ở Việt Nam từ 1945 với một chủ thuyết rõ ràng, tiến bộ cùng một hệ nguyên tắc đúng đắn và chính Người tiên phong thực hành dân chủ một cách triệt để và mẫu mực nhất. Đúng vậy. Tư tưởng Bác Hồ đã đi trước thời đại!
Tư tưởng dân chủ ở Hồ Chí Minh có cơ sở là tình yêu thương, sự kính trọng nhân dân sâu sắc, thật sự chân thành. Trong thẳm sâu những suy nghĩ nhỏ nhất đến tư tưởng lớn Người đều vì mục đích độc lập cho nước hạnh phúc cho dân. Từ lúc bước chân xuống tàu đi tìm đường cứu nước đến khi về với các Các Mác, Lê Nin, cả cuộc đời Bác đau đáu một chữ Dân. Trong nhiều bài báo nguyên bản tiếng Pháp các năm 1922,1923 Nguyễn Ái Quốc đều viết các chữ “con gái”, “nhà quê”, “dân” bằng tiếng Việt mang sắc thái biểu cảm rất rõ. Trong văn cảnh cụ thể đó có thể là sự mỉa mai những tên thực dân khinh thường dân An Nam thuộc địa hoặc là tâm trạng xót xa trước cảnh đồng bào mình bị bóc lột tàn tệ…
Thế giới ca ngợi Bác có cách giải quyết tuyệt vời nhất dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau tháng 9/1945 nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong giặc ngoài nhưng Bác vẫn chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, là tầm trí tuệ kiệt xuất trên cơ sở một tình yêu nước, yêu dân lớn lao hiếm thấy. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào và ngược lại.
Năm 1947 trả lời một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập thống nhất, dân chủ”[1]. Bác Hồ đã hy sinh tuyệt đối hạnh phúc riêng để vì hạnh phúc chung. Mọi người dân Việt Nam là “thân thích”, là “chị em” của Người. Không hề có khoảng cách giữa vị Chủ tịch Nước với người dân thường!
Là người có vốn học vấn sâu rộng, một trái tim yêu dân, trọng dân, tin dân sâu nặng, hơn ai hết Bác Hồ thấu hiểu mọi nguồn mạch cách mạng đều chảy ra từ ngọn núi nhân dân vĩ đại. Một số nghệ sỹ điêu khắc xin nặn tượng Bác, Bác không đồng ý. Bác bảo: “Các chú hãy nặn tượng tập thể bộ đội, dân quân, thanh niên, thiếu nhi anh hùng: không có nhân dân thì không có Bác”[2]. Đó là một quan niệm thực sự biện chứng: nhà văn phải trở về với cuộc sống nhân dân, bởi đấy là cái nôi, là mảnh đất màu mỡ nuôi sống cây nghệ sỹ để kết trái ngọt tác phẩm. Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh đã xây dựng một biểu tượng Nhân Dân thật cao quý, vĩ đại: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[3]. Người dạy cán bộ phải biết trọng dân, vì dân: “Có người cho là “dân ngu khu đen”. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi”[4].
Trong bài báo Tìm người tài đức được viết ngay sau khi giành được độc lập ít ngày, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận...”[5].
Chỉ mấy dòng chữ ngắn nhưng cái tình tin dân, trọng dân, nhất là tư tưởng dân chủ phổ quát cho mọi thời đại: mọi nguồn lực đều có ở dân, vấn đề là biết cách tìm ra và sử dụng nguồn lực ấy có vì dân không. Vì dân, trọng dân thì phải làm theo ý nguyện của dân: “Không gì có thể ngăn cản mặt trời mọc. Không ai có thể đi ngược lại ý nguyện của nhân dân”[6]. Mặt trời luôn toả sáng, tỏa ấm đem sức sống đến cho muôn loài. Có mặt trời mới có sự sống. Ý nguyện của dân cũng như mặt trời vậy. Đó là chân lý! Tư tưởng Hồ Chí Minh lớn lao, vĩ đại là ở đó!
Từ quan niệm coi con người cao hơn tất cả mà nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh rất trọng hoà bình. Khi cả nước chuẩn bị phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ tuyên bố với thế giới: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh...Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm...”[7]. Rõ ràng để trở thành nhà quân sự kiệt xuất là ngoài ý muốn của Người, không hề muốn chiến tranh, nhưng cần thiết thì Người cùng cả dân tộc buộc phải cầm súng để giành độc lập, tự do để cho xứ sở này luôn tràn ngập ánh trăng hoà bình như trong những áng thơ của Người vậy.
Nguyên tắc bao trùm mang tính phổ quát và nhất quán một cách tuyệt đối chi phối tư tưởng, hành động của Bác là làm sao phát huy một cách cao nhất mục đích “Dân là chủ” và “Dân làm chủ”!
Người nói với các Phật tử trong Hội Phật giáo cứu quốc (1/1946): “Đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”[8]. Với cán bộ, Người yêu cầu: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”[9]. Đó không chỉ là chân lý mà còn là đạo lý, nguyên lý. Là nguyên lý vì nhân dân là người làm ra của cải vật chất để ta hưởng thụ, là người sáng tạo ra văn hoá để ta trưởng thành. Là đạo lý vì phụng sự nhân dân là đúng với ứng xử văn hoá Việt “ăn quả nhớ người trồng cây”. Thế nên nhiều lần Bác căn dặn cán bộ: “Du kích như cá, dân chúng như nước. Cá không có nước thì cá chết, du kích không có dân chúng thì du kích chết”[10]. Cũng là chân lý cuộc đời và nguyên lý hoạt động cách mạng.
Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp Bác Hồ viết 6 điều không nên và 6 điều nên làm giáo dục cán bộ, mở đầu bài báo là một lẽ phải “Nước lấy dân làm gốc” có ý nhắc làm bất cứ điều gì thì trước tiên cũng mục đích vì dân. Cuối bài là mấy câu thơ:
“Quân tốt dân tốt,
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[11].
Nếu nói hình thức mang tính nội dung, “hình thức mang tính quan niệm” thì ví dụ này là rất tiêu biểu. Chủ đề 4 câu thơ nói về cái “lầu thắng lợi” thì cấu trúc của nó cũng mang hình “cái lầu” ấy với “thân lầu” là hai câu thơ bốn chữ, “móng lầu” là cặp câu lục bát vững chãi. Văn chương Hồ Chí Minh là nghệ thuật của sự tự nhiên, vượt ra ngoài những cố tình gò câu ép chữ để trở về với những gì tươi ròng sự sống.
Trong bài báo Dân vận (10/1949) nổi tiếng Bác Hồ đã định nghĩa một cách ngắn gọn mà tập trung, khúc chiết mà đầy đủ, cụ thể nhất về “nước dân chủ” lấy “dân” làm nền tảng, làm mục đích, làm động cơ cho mọi hoạt động của thiết chế văn hóa xã hội.
Cách mạng là của dân, do dân, vì dân nên phải triệt để nguyên tắc dựa vào dân. Năm 1963, một cán bộ từ miền Nam ra báo cáo tình hình, Người hỏi đi bằng đường nào. Đồng chí nói đi đường núi, vì đi đường đồng bằng không an toàn. Bác ngạc nhiên: “Làm cách mạng mà đi trong dân lại không an toàn à? Đi trong dân mới ăn chắc!” [12]. Đấy là quan điểm cách mạng và dân là một, cán bộ phải gần dân, thân dân, tin dân, coi dân như ruột thịt.
Hồ Chí Minh là nhà thực hành dân chủ vĩ đại. Người khai sinh và giáo dục Đảng ta đi theo con đường vì dân, vì nước. Người nhấn mạnh mục đích tối thượng của Đảng: “Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Lúc khổ sở, khó khăn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau…”[13]. Đây là cơ sở nền tảng cũng là kim chỉ nam cho văn hóa Đảng ta hoạt động, phát triển.
Bác nhắc cán bộ: “Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện”[14].
Rất nhiều lần Người dùng hai chữ “đày tớ”, là một danh từ thuần Việt chỉ người phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”[15].
Ở Hồ Chí Minh, trong trước tác cũng như đời thường đều toát lên một văn hóa dân chủ hiếm thấy. Như việc biết lắng nghe người khác, đặc biệt là lắng nghe tiếng lòng của trẻ em. Đồng chí Lê Duẩn nhiều lần nhắc cán bộ học tập Bác Hồ thì trước hết là học tình yêu thương con người từ những việc cụ thể. Ví như một lần đồng chí trực tiếp chứng kiến một đêm mưa rét, nghe thấy tiếng rao bán bánh của một đứa trẻ, đang nằm Người ngồi bật dậy, thế rồi suốt đêm trằn trọc thao thức, chắc là Người thương lắm những số phận còn đang phải chịu nhiều vất vả khổ đau...Giáo sư Hoàng Xuân Sính nhớ mãi một kỷ niệm, khoảng năm 1945-1946, khi nước nhà vừa mới Độc lập, Bác đến thăm trường nữ trung học ở Hà Nội. Bác vào lớp dự giảng một tiết tiếng Anh. Vì hồi hộp nên trò Sính phát âm không chuẩn. Bác đến gần đọc lại, kiên trì chữa lại từng âm. Bác Hồ của chúng ta là thế!
Một tâm hồn giàu yêu thương, giàu lòng trắc ẩn, khoan dung, tôn trọng con người mới có thể biết lắng nghe như vậy…Nhật ký trong tù là cả một thế giới âm thanh, trong đó có tiếng khóc nhức nhối của đứa trẻ nửa tuổi! Nhân loại nghiêng mình trước một Hồ Chí Minh kiệt xuất, vì trên cả sự lắng nghe trẻ em nói là sự thực hành điều trẻ em muốn, mà cách rèn phát âm cho trẻ là một ví dụ cụ thể nhất.
Quan niệm của Bác về quan hệ “Dân” và “Chính phủ” để “thực hành dân chủ” hết sức biện chứng: “Chính phủ Cộng hoà Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi[16]. Chỉ mấy câu ngắn nhưng ba lần Bác nhắc lại hai chữ “đày tớ”. Đó là nhấn mạnh tới bổn phận của Chính phủ. Hai lần Bác nhắc lại hai chữ “phê bình” là nói về trách nhiệm của dân. Dân yêu Chính phủ thì phải phê bình đúng đắn, nghiêm túc (chứ không phải “chửi” một cách vô nguyên tắc) để Chính phủ tiến bộ. Lời dạy ấy hôm nay cố gắng làm sao thấm nhuần đến tận mỗi cán bộ, mỗi người dân!
Quý dân, trọng dân nên Bác rất quan tâm đến vấn đề giữ gìn, bảo vệ dân chủ: “Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khoá và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”[17]. Cái cửa, cái khóa chỉ là vật rất quen thuộc, bình thường nhưng lại được dùng thành một biểu tượng rất sinh động, cụ thể, dễ hiểu mà ý nghĩa: Cái cửa/cái khóa chuyên chính. Đây là một đặc điểm của vĩ nhân: dùng những sự vật, hình tượng quen thuộc, giản dị nhất để nói một cách dễ hiểu những vấn đề to lớn, trừu tượng nhất!
Với quan niệm “một tấm gương sống còn có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn”. Kêu gọi mọi người cứu đói cho dân thì chính Người thực hành trước, mỗi bữa tự tay Người bớt đi một nắm gạo. Ngày hôm nay học theo Bác, mỗi cán bộ đảng viên cố gắng thực hành theo Bác làm những “tấm gương sống” để dân tin theo, noi theo!
T.H
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 171.
[2] Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 357.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 276.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 62.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 4, tr 451.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 3, tr 470.
[12] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập 8, tr 480.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 463.
[14] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr 226.
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 60.
VNQD