(Đọc Một người - thơ - tên gọi của Nguyễn Thế Kỷ, Nxb Hội Nhà văn, 2019)
. TRẦN THỊ MINH TÂM
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, trong đó có các nhà thơ. Các nhà thơ sáng tác về Bác bằng nhiều thể thơ khác nhau, với dung lượng khác nhau. Một bài thơ thuộc các thể tự do, lục bát, song thất lục bát… có độ dài trung bình khoảng vài chục câu thơ, riêng với thể trường ca thường gồm khoảng vài trăm hoặc dao động trong phạm vi một nghìn câu thơ như các trường ca Theo chân Bác của Tố Hữu, Bác của Lê Đạt, Mùa thu nhớ Bác của Ngô Văn Phú, Bác Hồ và người chiến sĩ của Lê Huy Quang…
Bằng tình yêu, niềm kính trọng, cảm phục vô biên với Bác, qua hàng chục năm trời lao động nghệ thuật miệt mài, bền bỉ, trong năm 2019 nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã cho ra mắt bạn đọc thi phẩm Một người - thơ - tên gọi viết về Người. Bên cạnh cảm hứng ngợi ca, khẳng định công lao trời biển của Bác đối với dân tộc: Bảy chín năm - Cuộc vĩnh hằng/ An dân phục quốc hoa đăng cờ hồng/ Thăng Long - Văn hiến - Tiên rồng/ Bốn nghìn năm hóa núi sông MỘT NGƯỜI, thi phẩm này còn chứa đựng nhiều điểm thú vị, mở ra những cách tiếp cận mới về đề tài Hồ Chí Minh.
Một người - thơ - tên gọi chính xác là một bản trường thiên lục bát với dung lượng đầy ấn tượng: 12668 câu thơ. Theo hiểu biết của tôi, trước khi Một người - thơ - tên gọi của Nguyễn Thế Kỷ ra đời, tác phẩm lục bát thành văn dài nhất của văn học Việt Nam là Hát ru Việt sử thi của Phạm Thiên Thư với 3310 câu lục bát. Như vậy so với thi phẩm của một trong những “đại gia” của giới lục bát nước nhà, Một người - thơ - tên gọi có dung lượng gấp gần 4 lần. Một kỉ lục vô tiền khoáng hậu mà chắc phải rất lâu sau mới có một tác phẩm khác vượt lên được.
Một điểm khác cũng rất đáng lưu tâm ở tập trường thiên lục bát đồ sộ này là bên cạnh hàng nghìn câu thơ viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi sinh thành đến lúc về với “thế giới Người Hiền”, Nguyễn Thế Kỷ đã dành khoảng 700 câu lục bát (từ câu 1195 đến câu 1868) để tái hiện lịch sử nước nhà với điểm bắt đầu là khi vua Lý Công Uẩn lên ngôi định đô ở Thăng Long: Đó là Công Uẩn tài hoa/ Nước cơm chùa mớm, Di Đà kinh luân/…/ Rồng bay lồng lộng Thăng Long/ Vua Lý Thái Tổ thong dong liệu lường và điểm kết thúc là chuỗi ngày vua Duy Tân bị lưu đày trên đảo Réunion: Trắng như chiếc bóng bềnh bồng/ Trôi trên hoang đảo Rê-uy-ni-ông cuối trời.
Trong quá trình tái hiện ấy, Nguyễn Thế Kỷ dành một dung lượng đáng kể viết về nhà Nguyễn. Nguyễn Thế Kỷ viết kĩ về cuộc đời của những vị vua yêu nước như vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, vua Duy Tân. Ngòi bút của ông toát lên sự kính trọng, cảm phục những bậc quân vương biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích hoàng gia, không chịu cam tâm làm bù nhìn cho thực dân Pháp.
Đó là hình ảnh vua Thành Thái kiên quyết không chịu kí những điều khoản bất lợi cho đất nước: Những khi kí giấy, Pháp dồn/ Vua rời khỏi chỗ, chân bôn lánh ngoài; hình ảnh vua Duy Tân khẳng khái đòi xem xét lại hiệp ước bất bình đẳng giữa hai bên: Đến mười lăm tuổi, lệnh đem/ Toàn Hiệp ước Pháp ra xem sớm, chiều/ Nhuận xong, lệnh xuống Nam triều/ Cử người sang Pháp vạch điều bất công; can trường từ bỏ vinh hoa phú quý, vùng lên khởi nghĩa chống quân xâm lược: Cải trang Vua vận dân thường/ Dòng Hương bến Bạc đón vương canh tàn/ Hà Trung thuộc huyện Phú Vang/ Mọi người chờ lệnh, tùng đoàn lướt xông.
Đặt những miêu tả này trong thi phẩm viết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ tác giả muốn nhấn đến cái ý hành trình tìm nước của Bác là hành trình tiếp bước các vị quân vương yêu nước nhà Nguyễn. Đây là một luận điểm khả thể mà ít người nói đến.
Một điểm nữa tạo nên sức hấp dẫn và sự khác biệt của Một người - thơ - tên gọi với những thi phẩm trước đó về Bác là Nguyễn Thế Kỷ mạnh dạn khắc họa mối tình của Bác thuở thanh niên. Tập trường thiên lục bát này có những câu thơ mượt mà về mối tình của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành với người em gái Huế Út Lê thùy mị, xinh đẹp.
Cảnh chia tay của hai người được viết bằng những câu thơ bồi hồi, giàu hình ảnh: Huế từ núi Ngự chia li/ Trường Tiền mỗi nhịp sầu bi mấy lần/ Cách ngăn muôn Sở vạn Tần/ Đâu bằng chỉ một tấc phân anh rời. Một người nghẹn ngào, xúc động, tha thiết níu kéo; một người bình tĩnh, cương quyết, bản lĩnh nhưng cũng rất tình cảm: Xuân là hạnh phúc lứa đôi/ Đừng nên để hạ, bồi hồi chờ thu/ Khác nào đôi cánh phù du/ Mưa không đèn sáng hạ, thu cũng đành/ Mơ màng hạnh phúc bên anh/ Không anh hạnh phúc tất thành, ai cho? - Tìm ra độc lập, tự do/ Mới mong hạnh phúc ấm no nhà nhà/ Nhà nhà hạnh phúc có ta/ Gần nhau da diết chia xa não nề/ Hiểm nguy trời biển trăm bề/ Vượt qua giông bão, cố về tìm nhau.
Bên cạnh đó, Một người - thơ - tên gọi còn có cái kết khá đặc biệt. Không chọn một mốc thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Bác (khi bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước, khi đọc luận cương của Lenin, khi mới về nước hay khi mất) như nhiều thi phẩm khác viết về Bác, Nguyễn Thế Kỷ lại chọn một… hội thảo quốc tế về Bác ở thời hiện đại làm cái kết. Sự lựa chọn này là có chủ đích, qua đó Nguyễn Thế Kỷ muốn khẳng định vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trường quốc tế.
Trước cái kết đó, Nguyễn Thế Kỷ cũng tạo ra những bất ngờ cho bạn đọc khi viết kĩ càng về công việc bảo vệ di hài Bác trong những năm chiến tranh từ lúc làm thuốc, lên K9 cho đến khi rước về lăng, qua đó làm nổi bật lên tình cảm yêu thương, kính trọng của nhân dân cả nước đối với Bác: Sâu trong sự sống thi hài/ Mưa nay đã hẹn ngày mai nắng hồng/…/ Khu vườn nhà kính đặc trưng/ Xe tăng ba chiếc trừng trừng đứng canh/…/ Bác nằm thoảng bóng chiều thu/ Hoa bioóc trắng, gió ru hương thầm/ Hoàng hôn sương rớt lâm râm/ Nổi thương hóa đá mưa dầm, nắng phơi.
Và cuộc hội thảo khoa học về Người với sự tham gia của đông đảo các học giả trên thế giới một lần nữa khẳng định vai trò, công lao của Bác đối với dân tộc và phong trào hòa bình thế giới: Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!/ Người soi gương sáng hòa bình thế gian.
Một người - thơ - tên gọi có những câu thơ, thậm chí đoạn thơ được viết khá đơn giản, mang tính ép vần. Tuy nhiên, bên cạnh điều không thể tránh khỏi với một tác phẩm lục bát có dung lượng đồ sộ đến vậy, Một người - thơ - tên gọi có những câu thơ khá hay, gợi. Nhà thơ Thanh Thảo trong lời giới thiệu đã bày tỏ niềm thích thú của mình với những câu thơ như: Lao xao gió rạch nương trầu/ Cau không bửa sáu lấy đâu mỏng dày/ Đã đành một cuộc chia tay/ Nghĩa trong biệt kiến, tình ngoài li hương. Những câu thơ như trên có khá nhiều, nằm rải rác trong tập trường thiên lục bát này.
Hoành tráng về dung lượng và khơi gợi được vấn đề mới trong cách tiếp cận đề tài Hồ Chí Minh, có thể nói, Một người - thơ - tên gọi đã chứng minh cho sức sống mãnh liệt của đề tài Hồ Chí Minh trong văn học Việt Nam và tình yêu của văn nghệ sĩ Việt Nam đối với Bác.
T.T.M.T
VNQD