. NGUYỄN VĂN THUẤN
Trong mối quan hệ giữa người và người, Khổng Tử đề cao quy tắc “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Thực hiện được quy tắc cơ bản này sẽ đạt đến đức nhân theo quan điểm của Khổng Tử. Ông giải thích chữ “nhân” mỗi lần mỗi khác, nhưng xét đến cùng thì là quan hệ đối đãi giữa người và người phù hợp với đạo trời. Đạo trời biểu thị nhân cách, ý chí, tình cảm của Trời, là cái gốc của nhân đạo. Luật trời là mệnh lệnh đạo đức tuyệt đối trong tư tưởng Khổng Tử. Tư tưởng này được thể hiện sâu sắc trong Tiệc xòe vui nhất, Giọt máu, bàng bạc trong Những người thợ xẻ và những truyện khác của Nguyễn Huy Thiệp.
Trong Tiệc xòe vui nhất, cảm động trước lòng trung thực của Hặc mà Then đổ mưa, nhờ đó, chàng vượt qua thử thách của dân bản và nhận phần thưởng là cô gái Hà Thị E xinh nhất bản làm vợ. Hặc sống trong một cộng đồng thích quy giản, lòng trung thực của chàng bị đặt vào tình thế cá cược trong ngặt nghèo thời gian và theo cách thức hoang đường như lí thuyết thiên nhân cảm ứng thần bí của Tống nho. Cần phải tỉnh táo mà nhận rằng, trời không phải chỉ là những quy luật đã được nhận biết hoặc có thể nhận biết mà còn gồm vô số điều ngẫu nhiên, bất ngờ không theo quy luật nào.
Trời cũng chẳng quan tâm đến người hoặc chẳng có ý đồ đạo đức nào khi gây ra mưa gió sấm chớp… Hặc không biết đến những rủi ro trong quyết định đặt cược của mình vì trời và người không phải lúc nào cũng kết nối hoặc đáp ứng thuận chiều. Điều này được thể hiện khá rõ trong Những người thợ xẻ. Trong cuộc kéo cưa lừa xẻ giữa Bường và Thuyết, trời đã nghiêng về phía Thuyết dẫu hắn là một kẻ có địa vị mà keo kiệt, bủn xỉn, ti tiện.
Tư tưởng của Khổng Tử đặt nền móng cho đạo đức tông pháp của Nho giáo, thứ đạo đức được xây dựng nhằm điều hòa các mâu thuẫn đối kháng trong xã hội, yêu cầu sự nhượng bộ lẫn nhau giữa vua/tôi, cha/con, anh/em, chồng/vợ, kẻ thống trị/kẻ bị trị, kẻ giàu sang/kẻ nghèo hèn... hình thành tiêu chuẩn đạo đức tam cương ngũ thường. Kế thừa và phát triển tư tưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử đã xây dựng một lí luận tự giác về “chữ tính”, xây dựng thuyết tính thiện làm căn cứ cho các học thuyết về chính trị và kinh tế của mình.
Đối lập với Mạnh Tử và khác với Khổng Tử, theo Tuân Tử con người sinh ra vốn ác. Cái ác là cái bản năng, dục vọng của con người, là tiên thiên, là lẽ tự nhiên. Để khắc phục, chế ngự bản tính ác của con người cần phải dùng đến lễ nghĩa, pháp độ. Nhờ lễ nghĩa, pháp độ, mọi người đều có thể tu dưỡng thành thánh nhân. Với Nho giáo, thiện/ác đã thành đối kháng, thành quan hệ mâu thuẫn loại trừ nhau, vĩnh viễn, bất biến, bởi trong cội rễ sâu xa, tư duy về đạo đức của Nho giáo phản ánh tinh thần của thuyết lưỡng nguyên thiện ác cổ điển.
Xuất phát từ tình thương yêu, lòng cảm thông đối với thân phận con người, Nguyễn Huy Thiệp nhận rõ đạo thiện/ác không hoàn toàn là cặp đối kháng một mất một còn, không thể đánh giá, phán xét bằng những mệnh đề giản đơn, sơ lược. Qua đối thoại giữa bà Lâm và Hiếu về sự “thập thành” và “thủy chung đức hạnh”, giữa “chơi vung tàn tán” và “mải lam mải làm”, Nguyễn Huy Thiệp trình bày với người đọc sự nan giải, rắc rối của những lựa chọn đạo đức cá nhân: “Sao mà tôi kinh tuổi già đến thế. Sáng nào tôi cũng đi chùa, lạy Phật tổ Như Lai cho chết mà Ngài cứ lắc đầu, Ngài chưa nhận. Chung quy vì tôi mải lam mải làm, đáng lẽ ngày xưa tôi phải chơi vung tàn tán thì đâu đến nỗi... Còn tôi, cả đời chỉ biết mỗi một con b…, mang tiếng thủy chung đức hạnh, chẳng biết báu cho ai, chỉ biết về già sống lâu khổ con khổ cháu” (Những bài học nông thôn).
Không phải ngẫu nhiên mà phê bình luân lí học văn học (ethical literary criticism) nhấn mạnh lựa chọn luân lí của nhân vật văn học. Với Nie Zhenzhao, lựa chọn luân lí khiến con người khác biệt với toàn bộ giới tự nhiên. Lựa chọn luân lí là phương cách cơ bản kiến tạo bản sắc đạo đức của mỗi người. Trong Bài học tiếng Việt, chính Nguyễn Huy Thiệp hình dung tâm hồn con người là trạng thái “lựa chọn” của nó. Đó không phải là trạng thái đèn xanh hoặc đèn đỏ, những chỉ báo đặt ra những mệnh lệnh rõ ràng, đương nhiên cho người đi đường. Tâm hồn là trạng thái đèn vàng mà ta gặp trên đường đời, nó là trạng thái trung gian giữa đèn đỏ và đèn xanh, là trạng thái mập mờ lưỡng lự giữa đi và dừng, tiến lên và lùi lại, vì mình và vì người, trừng phạt và tha thứ, yêu thương và thù hận...
Mệnh lệnh luân lí bao giờ cũng gây ra sự lưỡng lự, mâu thuẫn vì cùng lúc tác động cả phần con và phần người, phần tự nhiên và phần văn hóa trong mỗi con người. Thế nên khi phải chọn lựa giữa ích kỉ vì mình hay vị tha vì người, giữa vì mình và vì lễ tục luôn khiến con người rơi vào thế lưỡng nan. Mọi lựa chọn luân lí đạo đức đều gắn với những tình huống hiện sinh trong môi trường luân lí nhất định.
Trong khi một số nhân vật phụ đảm nhiệm vai trò khai sáng đạo đức thì nhiều nhân vật chính được Nguyễn Huy Thiệp chọn để phơi bày các mâu thuẫn, các tình thế lưỡng nan luân lí. Đấu tranh với những thôi thúc đạo đức trái ngược trong những thời khắc của cuộc đời là cuộc chiến đấu cam go, phức tạp nhưng cao quý.
Lão Kiền trong Không có vua đã phải tranh đấu: Ở vậy hay đi bước nữa khi vợ chết? Rời xa chỗ con dâu tắm hay bắc ghế nhìn trộm? Tướng Thuấn trong Tướng về hưu cũng phải day dứt không yên khi vợ chồng người con trai cho bà Thuấn ăn ở riêng, khi người giúp việc phải lao động quần quật không ngơi tay còn ông thì sắm vai chủ nhà nhàn rỗi…
Đối diện với những lựa chọn luân lí cam go, phức tạp, mỗi nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đều có quyền được dung thứ. Phát biểu của Thủy đâu phải của kẻ chỉ biết lạnh lùng tanh máu cá mang rau thai nhi ở bệnh viện sản về nấu cám nuôi chó lợn: “Vợ tôi bảo: “Em nghe hết rồi, em tính ba chục mâm, tám trăm đồng một mâm, ba tám hai tư. Hai tư nghìn, phụ phí sáu nghìn. Việc mua bán em lo. Cỗ giao cho cô Lài. Đừng nghe ông Bổng, lão ấy đểu lắm” (Tướng về hưu).
Rõ ràng, Thủy biết xót thương mẹ chồng, cảm thông với người chú thuộc giới bình dân nghèo khó, biết dùng tiền làm việc nghĩa. Đoạn kết truyện Tội ác và trừng phạt, cô gái phạm tội giết cha và ba người em đã “treo cổ tự tử trong nhà giam”. Ước nguyện của cô gái là được người kể chuyện đọc cho bài kinh sám hối. Biết sám hối và biết tự trừng phạt nghĩa là còn biết hướng thiện, còn có khả năng nhận được một phần dung thứ ở người đời rộng lượng, ở đức Phật từ bi.
Trong đời thực, biên độ của dung thứ tuy biến thiên nhưng có giới hạn. Phát biểu này của Đoài có thể được chấp nhận một phần trong xã hội văn minh bởi đang có những tiếng nói đòi quyền “được chết êm ái” để chấm dứt đau đớn dai dẳng cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo: “Tôi nghĩ bố già rồi, mổ cũng thế, cứ để chết là hơn” (Không có vua). Nhận thức về cái chết tất yếu sẽ đến để vâng phục nó như Đoài hay chiến đấu trong vô vọng và phi lí để chống lại nó như các anh em của Đoài?
Nguyễn Huy Thiệp đã tung ra những tình huống hiện sinh nan giải và bấp bênh, khiến người đọc khó phán xét nhân vật chỉ sáng suốt hoặc mờ tối, chỉ thiện hoặc chỉ ác. Liệu chúng ta có buông bỏ trách nhiệm, tàn phá sự dung thứ nếu dung thứ cho Đoài, kẻ coi anh em như kẻ thù, khiến hàng xóm thành kẻ lạ, vô cảm, tàn nhẫn trước nỗi bất hạnh của người em tật nguyền và trên hết, sẵn sàng vượt qua cấm kị, phạm vào loạn luân và bất hiếu?
Sẽ là bất công nếu Ngọc xem Bường mãi là “một thằng tù hình sự, một tên lưu manh gin” bởi vì đó chỉ là một thời điểm trong quá khứ. Hiện tại, dù Bường phải ưu tiên cho cái cấp thiết sinh kế mà “kéo cưa lừa xẻ” nhưng điều cốt yếu đạo đức thì Bường luôn gìn giữ: ý thức về lẽ công bằng, về sự trung thực ở đời, về trách nhiệm đối với gia đình. Vì điều cốt yếu đạo đức, Bường thẳng thắn phê phán Ngọc là “trí thức lưu manh chính trị” khi dùng thủ đoạn lừa Biền chơi giả để giành phần thắng.
Trong một xã hội mà càng nhiều kẻ thành công nhất thời nhờ lưu manh như Ngọc thì càng thúc đẩy cộng đồng mau chóng đến thảm họa suy vi, bởi vì chúng góp phần “đẻ ra những đứa con hoang tinh thần”, những “tổ ấm” giả tạo. Độc giả nếu có cơ hội xem kịch Quỷ ở với người ắt sẽ bức bối trước thủ đoạn bất lương đê tiện của Đoài: khiến Cấn bức ép vợ tống tiền em trai để lo đám giỗ cho mẹ.
Chắc chắn nhiều độc giả cùng một ước nguyện như Bường sau khi anh ta ném phần thịt ngón chân hoại tử đã bị chặt bỏ của Ngọc vào lửa: “Tôi chỉ ước toàn bộ chất lưu manh trong con người nó cũng cháy như cục thịt này”. Đây có lẽ là quan điểm đạo đức nhất quán trong cả đời cầm bút của Nguyễn Huy Thiệp. Ngay từ năm 1981, trong truyện Tiệc xòe vui nhất, nhà văn đã đặc biệt ca ngợi sự trung thực của con người.
Lòng trung thực được xem là “đức tính quý nhất mà khó kiếm nhất”, hơn cả lòng dũng cảm, sự khôn ngoan, sự giàu có. Người trung thực như Hặc không tỏa ánh hào quang như người dũng cảm, khôn ngoan, giàu có để người đời dễ nhận ra sự hiếm quý. Hặc là chàng trai của thế giới cổ tích, một thế giới đã bị quy giản, nơi mọi thứ đều minh bạch, kể cả tâm hồn con người. Thế giới nội tâm con người Việt Nam sau 1975 đa đoan, phức tạp.
Chẳng hạn, Ngọc chán chường, chứa chất lòng căm hận, có thói quen tự biện hộ, sẵn đối sách lưu manh nhưng luôn tự ý thức, tự phê bình, biết xét đoán nội tâm chính mình và người khác, biết nuôi dưỡng ước mơ vươn tới thiên đường. Ngược lại, sự trung thực mà Bường mong muốn như một chuẩn đạo đức liệu có “dứt tình” với mầm vờ vịt, trí trá trong thực hành sống thản nhiên “kéo cưa lừa xẻ” của hắn?
Nhiều người đồng tình rằng nhân vật Nguyễn Du trong chùm truyện Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết vô cùng trong trắng, lương thiện. Thế nhưng một nhân vật khác - người nước ngoài - tên Phăng lại đánh giá thấp lòng tốt của Nguyễn Du khi so sánh với người có khả năng “dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt phục vụ cho chính bản thân mình” là Nguyễn Ánh. Phăng hiểu biết hay mù lòa thật khó quả quyết. Nhưng Phăng ít nhất cũng khiến độc giả tránh được cái nhìn giản hóa về lòng tốt.
Lòng tốt là sản phẩm của bối cảnh cụ thể, nó bấp bênh vì phụ thuộc vào hệ tiêu chuẩn, cách nhìn, tầm nhìn ngắn/dài của người phán xét. Những người tốt tuyệt đối như chị Thắm trong truyện Chảy đi sông ơi, trớ trêu thay, thường chỉ là nhân vật phụ, họ ít khi được Nguyễn Huy Thiệp tạo cơ hội đặt vào mạng lưới các cám dỗ.
Phát biểu của chị Thục là một minh triết đạo đức, một sự hợp trội cả lí trí và tình cảm, được chứng minh bằng sự tôn trọng và tình yêu thương thực sự của chị với cánh thợ xẻ: “Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người” (Những người thợ xẻ).
Bường đã nghi ngờ điều tốt đẹp ấy, bởi như Edgar Morin đã viết, nghi ngờ là đạo đức của hiểu biết. Quả thực, để tránh nguy cơ rơi vào nhận thức và hành động cảm tính thì phải biết hoài nghi. Từ minh triết đến hành động thực tiễn luôn có khoảng cách và rủi ro thất bại. Dẫu vậy người đọc có quyền nghi ngờ sự nghi ngờ của Bường, bởi vì, nếu chỉ biết nghi ngờ, thiếu hẳn lòng tin vào người phụ nữ xởi lởi hào phóng có lòng tốt không thể hoài nghi như chị Thục thì sẽ không có thứ đạo đức của gắn kết, yêu thương, nghĩa tình.
Mạnh Tử đã dám đặt cược vào tính thiện như là bản chất của con người, nối gót ông, Nguyễn Huy Thiệp cũng dư dả tin rằng con người có sẵn mầm thiện. Thái độ tích cực của họ đã trao cơ hội cho tình yêu và niềm hi vọng vào con người. Nhưng đó là niềm hi vọng khó khăn, một đức tin không dễ dãi, đòi hỏi cả một nỗ lực tinh thần: “Tất cả những cố gắng của con người hướng về điều thiện đều là những cố gắng đau đớn, nhọc lòng. Điều thiện hiếm như vàng và sau đó phải được vàng bảo đảm nữa mới có giá trị thực” (Vàng lửa).
Nguyễn Huy Thiệp, cũng như Nguyễn Việt Hà sau này, đều tin rằng các giá trị đích thực cần phải trải qua thử thách: “Lửa thử vàng. Vàng thử đàn bà. Đàn bà thử đàn ông. Đàn ông thử ma quỷ với thánh thần… Hóa ra ma quỷ hết! Thánh thần ít lắm…” (Đời thế mà vui). Nếu chưa từng kẹt tay trong bình gốm cổ quý giá, chưa từng bị kiềm chế và tự kiềm chế, chưa từng phạm sai lầm dẫu vô ý, chưa từng mang gánh nặng nào của quá khứ, liệu đứa bé trong truyện Sang sông có vung vẩy dư thừa, hăng hái thiếu cân nhắc, phát tiết năng lực tùy tiện, hao tâm tổn sức cho những điều vô bổ?
Với Nguyễn Việt Hà thì, “Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy vào tiền. Cái thứ dung dịch siêu thượng này làm trôi tất cả những màu mè bọc ngoài. Đạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật” (Cơ hội của Chúa - Nguyễn Việt Hà). Như Mạnh Tử đã từng viết, “hằng sản” là điều kiện để “hằng tâm”. Những kẻ thiếu thốn, quẫn bách, nóng vội, từng phút từng giây đều nghĩ đến tiền bạc như Hạnh trong Huyền thoại phố phường ắt rất khó giữ được phẩm hạnh lành mạnh, lương thiện.
Mạng lưới những cám dỗ giăng trước mắt các nhân vật là phép thử đối với nhân cách của họ. Đó là mấy chiếc nhẫn vàng Cún phô bày trước Diệu; là nhan sắc trẻ trung, vô tư của Quy trình hiện trước Bường, là “cái cờ tiến sĩ” phất phơ trước nhà họ Phạm… Không thể đòi hỏi thế giới toàn thiện vì đến thần Phật nếu từng toàn thiện thì giờ đây cũng khá khó khăn khi giữ mình toàn thiện, bởi vây quanh là đám tín đồ như bà Thiều, những kẻ luôn hăm he báng bổ, vấy bẩn, phỉnh nịnh và hối lộ ngài. Nguyễn Huy Thiệp không viết về các thánh nhân, không dựng lên một thánh nhân nào. Ông viết về bọn giả thánh nhân. Ông viết về những con người đời thường đang ngụp lặn trong đầm lầy tăm tối dính bê bết bùn đất nhưng nếu ngắm nhìn kĩ sẽ thấy lấp lánh sa khoáng quý giá.
Những vấn đề đạo đức mà Nguyễn Huy Thiệp thể hiện qua sáng tác của ông cho thấy nhà văn đã có cái nhìn phức hợp về đạo đức - một cái nhìn tân nhân văn về thân phận con người. Như Morin đã bàn luận, với tư duy phức hợp về đạo đức, Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần giúp người đọc tránh vết xe của chủ nghĩa hiện thực một chiều thường cao ngạo cắt xén và bóp méo thực tại, tránh nguy cơ thiếu hiểu biết bản thân và người khác. Tư duy phức hợp về đạo đức nơi ông đã góp phần đáp ứng những thách thức của cuộc sống hiện tại vốn phức tạp, mâu thuẫn, bấp bênh, bất trắc, nhiều rủi ro, mang lại cho chúng ta những nguồn lực tinh thần cần thiết để can đảm chấp nhận thân phận con người như nó vốn thế.
N.V.T
VNQD