Một vài biểu hiện cần tránh trong sáng tạo văn học nghệ thuật

Thứ Tư, 05/08/2020 00:06

. HẢI NGUYÊN

1. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh thần đặc biệt gắn liền với cái tôi chủ thể, sáng tạo bằng cái tôi cá nhân. Cái tôi phải hằn rõ mới có thể làm nên cái cá biệt, cái riêng, vốn là những tiền đề cơ bản để tạo ra cái bản sắc. Mà với một tác phẩm nghệ thuật nếu không có bản sắc chỉ là con số không, thiếu sức sống, nhợt nhạt, ít giá trị. Một nền văn hóa lớn cố nhiên vừa là sự tổng cộng số học vừa là sự tích hợp, tiếp biến của nhiều tác phẩm có bản sắc. Nói tổng cộng số học là nói về hình thức, cái thấy được; nói sự tích hợp, tiếp biến là nói về giá trị nội dung (nhất là giá trị văn hóa). Các tác phẩm lớn luôn có sức ảnh hưởng, chi phối, thậm chí trở thành “mẫu gốc” vượt cả không gian và thời gian. Nhìn ở góc độ nào cũng thấy sự tối cần thiết của cá tính nghệ sỹ, vì nếu thiếu không thể có tác phẩm giá trị. Những nghệ sỹ lớn trước hết là những cá tính độc đáo.

Nghệ sỹ vẫn là con người, phải sống với đời thực, phải sinh hoạt, học tập, quan hệ xã hội…nhưng thiên chức của anh ta là tạo ra “cuộc sống thứ hai”, tức tác phẩm. Anh ta phải sống, phải “đi, về” giữa hai thế giới, thế giới của đời thực và thế giới trong tưởng tượng với bao những nhân vật, hình tượng, chi tiết... Người ta hay dùng các từ “phân thân”, “hóa thân”, “nhập thân”…khi nói về quá trình sáng tạo là vì vậy. Dựa vào đặc trưng này tâm lý học nghệ thuật hiện đại cho rằng nghệ sỹ dễ sa vào tình trạng đa nhân cách, thất thường, dễ ảo tưởng, hay xúc động, cực đoan,…Đây sẽ là điểm yếu khi có người thiếu bản lĩnh, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt…Nếu nghệ sỹ không tỉnh táo, nhà quản lý lại nhìn nhận đơn giản, một chiều sẽ dễ đẩy vấn đề càng đi về phía tiêu cực, có hại…

Con người văn hóa - theo quan niệm của triết học văn hóa đương đại như một cây xanh cắm ba chùm rễ sâu vào ba mảnh đất văn hóa: cuộc sống lao động của quần chúng nhân dân; văn hóa dân tộc; văn hóa nhân loại. Một tác phẩm lớn luôn mang giá trị phổ quát, phải nói lên được mẫu số chung của văn hóa nhân loại, dân tộc và con người. Nghệ thuật là quá trình kiến tạo và kiến giải các mã văn hóa nên nhà nghệ sỹ phải hút dưỡng chất văn hóa từ ba mảnh đất trên mới có thể làm dầy thêm các mã, tức làm lớn tác phẩm về ý nghĩa, giá trị. Tác phẩm nghệ thuật luôn thoát thai từ cái nôi cuộc sống nhân dân. Đấy là quy luật. Không như một quan niệm cho rằng không cần đi vào cuộc sống miễn là nghệ sĩ có tưởng tượng tốt. Một biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực văn nghệ ở bất kỳ thời nào là thoát ly cuộc sống, xa lạ với tư tưởng, tâm hồn, cách nghĩ, cách cảm của người lao động. Cá biệt lại có những suy nghĩ viết để nổi danh, có tên tuổi, muốn thế phải “gây hấn”, phải viết ngược, phải tạo ra scandal để gây chú ý. Chả khác gì cô gái không đẹp phải tự “lộ hàng” quảng cáo “đóng đinh” vào mắt người yếu bóng vía…!!! Cũng vì “ăn xổi” mà “tác phẩm” không chịu kế thừa tinh hoa truyền thống, không chịu tiếp thu giá trị văn hóa nhân loại nên thiếu chiều sâu, hàm lượng văn hóa thấp, nhạt nhẽo. Nhưng vì sao vẫn có người đọc? Vì gợi vào tâm lý thích cái lạ, cái bản năng của số ít độc giả, hoặc thủ thuật câu khách, quảng bá giật gân…

Cây xanh bao giờ cũng phải quang hợp ánh mặt trời. Con người cũng vậy luôn phải hấp thụ những ánh sáng lý tưởng mới, tiến bộ. Cây xanh con người nghệ sỹ càng phải thế, phải luôn trau dồi tư tưởng chính trị, quan điểm lập trường cách mạng. Đây cũng chính là một tiền đề sáng tạo vì tư tưởng sẽ đẻ ra ý tưởng và kích hoạt cảm hứng. Vấn đề là tư tưởng gì mà thôi. Thực ra mỗi nghệ sỹ đều sáng tạo theo một tư tưởng nào đó, nhất là với các nghệ sỹ lớn thì càng rõ. Nếu tư tưởng này phù hợp với tư tưởng thời đại thì quá trình sáng tạo càng thuận lợi. Thế nên việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị với mỗi nghệ sỹ là rất quan trọng, cần thiết. Xét về bản chất thì hình tượng nghệ thuật luôn là sự cụ thể hóa, vật chất hóa của tư tưởng. Một cô Kiều là hiện thân của tư tưởng Nguyễn Du. Đi ngược lại hoặc mơ hồ, nhầm lẫn con đường tư tưởng làm sao có thể tạo ra hình tượng đúng đắn, chân chính? Cũng dễ hiểu có nghệ sỹ tài năng trong quá khứ nhưng do bị chi phối của cái tôi cá nhân mà ngày một xa dời lợi ích nhân dân khư khư tự ôm lấy cái quan niệm cực đoan, ích kỷ, độc đoán không chịu mở lòng hòa vào thế giới anh em đồng chí cùng lo, cùng vui với số phận đất nước, cứ tách ra, đi riêng, thậm chí đi ngược.

Tư tưởng quan niệm là vấn đề gốc rễ, vì gốc không vững nên có trường hợp ngả theo xu hướng ngoại lai đã lạc hậu với thiên hạ, xa lạ với văn hóa Việt lại đem về “lai ghép” thành ra hỗn độn, tối tăm. Đây không chỉ là quan niệm mà còn là nhận thức và tri thức về văn hóa và thời đại. Ví dụ do không hiểu lịch sử, trường phái, ý thức của xu hướng hậu hiện đại mà có người không lọc ra tiếp thu hạt nhân tích cực mà “bứng” cả cái cũ, cái lạ (không phải mới) tiêu cực rồi “sáng tác”…Đây là sự thiếu tỉnh táo, có thể do quá say mê, do cảm tính yêu thích, ưa khám phá thử nghiệm, không chịu đọc rộng, nhất là tham khảo sự phân tích của dư luận tiến bộ nước ngoài.

2. Nghệ sĩ luôn sống trong cái tôi cô đơn, cô đơn để suy ngẫm, để tưởng tượng không chỉ về cái tốt, tích cực mà cả cái xấu, cái thấp hèn, tiêu cực. Vì sứ mệnh của nghệ thuật chân chính vẫn phải sáng tạo về cái xấu để người đọc hiểu mà tránh xa nó, tiêu diệt nó. Có khi vì sống quá sâu với nhân vật mà có nghệ sỹ phát ngôn không phải cho cá nhân mình mà nói thay cho nhân vật (xấu), nên dễ gây ngộ nhận. Trường hợp này rất cần sự thông cảm, thể tất với đặc thù sáng tạo. Nhưng khi cái tôi bị đẩy đến cực đoan, vượt ngưỡng, thì một hạn chế của số người này là quá đề cao cá nhân, chỉ mình là nhất rồi coi thường, coi rẻ sản phẩm nghệ thuật cũng như nhân cách đồng nghiệp. Thế là dẫn tới quan hệ “cánh hẩu” khen vống những ai hợp mình, vùi xuống bùn kẻ khác mình, có khi “không được ăn thì đạp đổ”. Nguy hiểm hơn là có người như vậy lại là thành viên trong hội đồng tuyển chọn, xét duyệt sẽ dẫn tới sự thiếu công bằng gây ra dư luận không tốt…Với họ sự khen chê chẳng qua cũng vì thỏa mãn cá nhân mình, để làm nổi cá nhân mình. Nguyên nhân của trường hợp này, ngoài sự quá lớn của cái tôi, thì còn là do ít hiểu biết về sự mênh mông vô tận của tri thức nhân loại. “Ếch ngồi đáy giếng” là thế, chỉ nhìn thấy bầu trời bằng cái miệng giếng mà thôi! Lẽ ra, hơn mọi tầng lớp khác, văn nghệ sỹ phải là những người chịu khó học tập, lao động nhiều nhất, am hiểu nhiều nhất, có vậy mới sáng tạo ra được một “cuộc sống thứ hai” sống động, giàu có ý nghĩa.

3. Thông tục hóa thị hiếu thẩm mỹ. Có “tác phẩm” lấy cảm hứng từ những câu chuyện làm tình (được gọi một cách mỹ miều là diễn ngôn tính dục), miêu tả một cách cặn kẽ, chi tiết những cảnh sex khêu gợi sự thấp hèn xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt. Có “tác phẩm” lại tràn ngập những ngôn từ tục tĩu, chợ búa (được núp dưới tên gọi diễn ngôn thế tục)…rất thiếu trong sáng, hoàn toàn khác với sự tinh tế kín đáo của tính cách Việt, cũng nên bị loại trừ khỏi tầm quan tâm của bạn đọc chân chính. Có ấn phẩm lại thẳng thừng chối bỏ văn hoá Việt đã sinh ra chính tác giả, kiểu như: “Bản sắc văn hoá Việt Nam/ Nó giống như một cái xác chết thối/ Giống như một cái gối cũ/ Như một vết thương bưng mủ…”. Cần phải coi đó là những thứ phẩm để gạt ra ngoài đời sống văn hoá. Trong một tập thơ của một nhà thơ trẻ được trao giải cao có những câu: “Hai con thạch sùng làm tình không đủ làm ô uế bàn thờ/ Cởi truồng trước ngàn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ” (Làm tròn - ĐDP). Đúng là “ngàn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ” (vì chúng không tình cảm, không tư duy) nhưng độc giả lại cảm thấy “xấu hổ”! So sánh sau ở một bài thơ thật thô thiển, không “thơ” một chút nào, không thuyết phục được người đọc vì giữa cái so sánh và cái được so sánh không có nét tương đồng nào: “Bầy tinh trùng như bầy đom đóm bay trong đêm” (V.C.H). Trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm người con gái được đề cao đến tuyệt đỉnh, vẻ đẹp của con người sánh ngang với vẻ đẹp của vũ trụ: “Cười như mùa thu toả nắng”. Ở ngày hôm nay hiện đại hơn lại có một sự liên tưởng ngược lại, vũ trụ như là người con gái nhưng câu thơ dưới đọc lên thật phản cảm vì đó là hình ảnh người con gái – vũ trụ ấy đang trong “ngày đèn đỏ”: Những đám mây hành kinh trời xa vòm xanh quần lót, mà đôi chân sông núi thập thò…(V.C.H).

Trong sáng tác của một số ít người viết trẻ xuất hiện những hình ảnh không đẹp, tiếc thay lại được sự cổ vũ quá mức cần thiết. Tập thơ mang tên “Hở” có những câu như: “Tôi hỏi một không tám không/ Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?/ Chị tổng đài giọng nhu mì/ À nhiều màu lắm vặt đi vẫn còn” (Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông). Thế mà lại được đánh giá “Qua tuyển thơ Hở, độc giả sẽ cảm nhận rõ tố chất thi tài, hiền triết trong mỗi câu chữ”…!!! Có những câu: “Em ơi hở sịp rồi kìa/ Tôi không dám nhắc sợ lia lưỡi nhìn” (Hở), thì chất thơ, ý thơ, tư tưởng, tài năng biểu hiện ở đâu?

Tìm về tận ngọn nguồn của lịch sử âm nhạc thì trong thần thoại La Mã, thần âm nhạc có tên là Apollo mang cả nhiệm vụ là tiên tri (nghe nhạc mà biết trước được những gì sẽ đến) và chữa bệnh. Nhìn vào lịch sử văn học dễ thấy, ở thời La Mã các chiến binh trước khi ra trận thường được nghe các khúc nhạc mạnh mẽ mang tính chất khích lệ để có thêm tinh thần chiến đấu. Khi giao tranh, người ta thường đánh trống, khua chiêng một cách dồn dập để cổ vũ các chiến binh xông lên. Khi trở về qua vùng biển Xiren nguy hiểm chàng Uylitxơ anh hùng trong Ôđixê phải nghĩ cách đút nút sáp ong vào tai các thuỷ thủ, bảo anh em trói mình vào cột buồm. Nhờ thế mà anh em không nghe được còn mình cũng thoát được sự quyến rũ mê hoặc của những tiếng hát du dương bởi các tiên nữ muốn chèo kéo các nam nhi ở lại…Rồi tiếng đàn chàng Thạch Sanh kỳ lạ, mê hoặc lắm, tài tình lắm. Đàn kêu tích tịch tình tang… để minh oan cho chàng: Ai đem công chúa dưới hang trở về…Và đặc biệt là tiếng đàn ấy làm cho quan quân 18 nước chư hầu lăn quay ra ngủ mà quên đi cái tội định gây chiến bằng gươm đao…Quả là không có tiếng đàn thì nguy hại biết bao nhiêu, có khi người chết, có khi nước mất…!!!

Thế mà thời nay, dĩ nhiên phải xin lỗi giới làm nhạc chân chính, lại có thứ âm nhạc không hề tấu lên, xướng lên các bản nhạc có sức mạnh chữa bệnh, ngăn chặn cái ác…mà hình như có phần ngược lại, kích động cho những cái gì không đẹp cũng chẳng hay.. Xin chứng minh, hãy vào các quán bán đĩa nhạc, để xem tên các bài hát: Người yêu tôi ông cũng không chừa, Người đàn ông không được quên hết tình nghĩa, Người đàn bà ích kỷ, Kiếp đàn bà thân xác đàn ông, Tình một đêm, Không còn gì để mất, Bên nhau dù không còn cảm giác, Yêu một người sống bên người khác, Anh chấp nhận là người tình thứ ba, Một lần nữa tôi bị lừa, Yêu một người là dại, Ăn bánh trả tiền...Ok, như vậy đi...

Thật là phản âm nhạc, vì đâu còn là sự nâng đỡ tâm hồn, giáo dục cái đẹp…Còn lời ca, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là ca từ…Xin nghe một vài lời chẳng đẹp, chẳng trong sáng, dĩ nhiên cũng chẳng tình tứ nữa:

...Yêu một lúc đến hai ba bốn năm cô, là cho yêu như vậy là mới yêu! Người đàn ông tham lam mãi là anh, một bàn tay năm ngón anh chẳng biết chọn ai...

...Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người… Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa(?!).. Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao...

...Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ... Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi... Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi....

Có bài hát tên Cái nường 8x có câu: “Bẹn ơi, mông ơi, háng ơi, nọn nường ơi”. Trong bài Ngũ sắc, có những câu mà người tử tế nghe thấy đã đỏ mặt xấu hổ vì những ca từ trần trụi, thô thiển, tục tĩu… Nếu nói về lingayoni, tức nhìn các bộ phận sinh dục nam và nữ dưới góc độ văn hoá phồn thực, thì các tín ngưỡng dân gian nói hay hơn nhiều, và dĩ nhiên, văn hoá hơn nhiều cách nói sống sượng trên. Đấy là còn chưa thể, và không thể so sánh với thơ của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, cũng nói về cái ấy, hành vi về chuyện ấy mà thật tao nhã, trong sáng, thánh thiện…Không thể “biện minh” nghệ sỹ cần một sự “tự do tuyệt đối” trong sáng tạo nghệ thuật. Không sa vào bàn luận khái niệm thế nào là “tự do tuyệt đối”, chỉ cần hỏi: Tại sao rất nhiều nghệ sỹ khác không cần “tự do tuyệt đối” như thế vẫn có những ca khúc mang tư tưởng thẩm mỹ đích thực, có giá trị sẽ còn sống mãi với thời gian?

H.N

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)