“Lửa than càng đốt cho lòng càng son”

Thứ Hai, 10/08/2020 00:25

. LÊ TÚ ANH

Cầu Hàm Rồng nổi tiếng gắn với chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XX. Nhưng từ khi chưa trở thành một địa chỉ đỏ về lịch sử, cầu Hàm Rồng đã là một nguồn thi hứng của Tản Đà. Nói là thi hứng, bởi Tản Đà có tới hai bài thơ viết theo thể lục bát về cây cầu này. Đó là bài Qua cầu Hàm Rồng hứng bút và Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng. Cả hai đều được đăng trên An Nam tạp chí năm 1932. Tuy nhiên, nếu chỉ là số lượng thì con số hai bài hẳn chưa phải là điều đáng nói, mà đáng nói hơn là tâm tình của tác giả trong hai bài thơ. Tâm tình ấy không giới hạn trong cảm xúc tức cảnh sinh tình, mà mở ra nhiều suy nghĩ về cá tính con người, về thân phận nhà thơ và nhất là về tình yêu sắt son của Tản Đà dành cho non sông gấm vóc.

Cầu Hàm Rồng

Tản Đà đến với cầu Hàm Rồng trước hết là để được thỏa chí tang bồng hồ thỉ. Sinh thời, ông từng được biết đến là một người rất ham chơi. Tản Đà đi nhiều nơi, biết nhiều danh lam thắng cảnh, sẵn tâm hồn nghệ sĩ giàu rung cảm nên tới đâu ông cũng có thơ vịnh: Hôm xưa chơi ở Dương Quỳ/ Trắng phau ngựa trắng, xanh rì rừng xanh/ Hàm Rồng nay lại qua Thanh/ Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân (Qua cầu Hàm Rồng hứng bút).

Tuy nhiên, làm thơ vịnh cảnh, ở Tản Đà cũng có sự khác biệt so với nhiều người khác. Ông nói “chơi” mà kì thực không chỉ chuyện chơi. Thi nhân còn muốn bằng thơ ấy, cảnh gắn với người. Bài Nhắn Từ Đạm được Tản Đà thuê thợ đục vào vách đá ở núi Non Nước (Ninh Bình) là một ví dụ. Đó là chí thú của Tản Đà, là phương châm sống đầy cá tính mà ông từng tuyên ngôn: Chơi cho biết mặt sơn hà/ Cho sơn hà biết ai là mặt chơi (Chơi Huế). Do vậy, có thể thấy, cầu Hàm Rồng với Tản Đà trước hết là một thắng cảnh, và cảm xúc với cầu Hàm Rồng là cảm xúc tức cảnh, cũng giống như tức cảnh Hòa Bình (Chơi Hòa Bình), chùa Hương Tích (Chơi chùa Hương Tích), hồ Hoàn Kiếm (Vịnh sen hồ Hoàn Kiếm)...

Cầu Hàm Rồng không chỉ là thắng cảnh thiên nhiên, mà còn là công trình do con người tạo nên. Cầu được xây dựng năm 1904 với cả làn đường bộ và đường xe lửa. Vào thời điểm đó, cầu Hàm Rồng không chỉ là một huyết mạch về giao thông mà còn là một công trình kiến trúc bề thế, hiện đại. Qua hai bài thơ, có thể thấy Tản Đà đã nhiều lần ngồi xe lửa qua cầu Hàm Rồng. Trước cảnh non nước hữu tình, nhà thơ không khỏi xúc động. Bởi vậy, thơ về cầu Hàm Rồng cũng xuất hiện tự nhiên như nhiều bài thơ tả cảnh khác trong di sản thơ của Tản Đà. Chỉ có điều ông không tả cầu Hàm Rồng một lần, bằng trực cảm, mà gặp rồi xa cách, ông còn nhớ về nó như nhớ một cố nhân, thậm chí, một tình nhân: Ai xui ta nhớ Hàm Rồng/ Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây (Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng). Hình dung trong xa cách, Tản Đà lo sợ không có người viếng cảnh. Cảnh Hàm Rồng vì thế có thể không còn nguyên vẹn như buổi ban đầu gặp gỡ. Nhà thơ có rất nhiều băn khoăn: Sơn cầu còn đỏ chưa phai?/ Non xanh còn đối? Sông dài còn sâu?/ Còn thuyền đánh cá buông câu?/ Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa? (Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng). Nhưng điều ông lo lắng hơn là không biết cảnh có “đợi chờ cùng nhau”, nghĩa là cảnh có mong gặp lại thi nhân, có đợi chờ thi nhân như thi nhân đang ước ao gặp lại cảnh: Ước sao sông cứ còn sâu/ Non cao còn cứ giữ màu xanh xanh/ Khung cầu còn cứ như tranh/ Hỏa xa cứ chạy, bộ hành cứ đi/ Xuân sang cỏ cứ xanh rì/ Thuyền ai chài lưới con chì cứ tung/ Sơn Tinh, Hà Bá hay cùng/ Giữ nguyên phong cảnh Hàm Rồng đợi ta/ Có ngày xe lửa đi qua/ Trong xe lại có Tản Đà đứng trông (Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng).

Tình với cảnh như thế, Tản Đà đã khác với số đông thi nhân làm thơ vịnh cảnh. Tản Đà dường như không coi cảnh là vật vô tri vô giác. Ông luôn hình dung cảnh có hồn, thậm chí nhiều khi, cảnh có cả xúc cảm ái ân (Thề non nước, Hoa sen nở trước nhất đầm...). Điều này xuất phát từ thói phong tình của chủ thể thơ, và chính nó làm nên chất giọng đặc biệt của thơ Tản Đà.

Tuy vậy, qua hai bài thơ cũng có thể nhận thấy, cảnh sông dài trời rộng, “biếc nước xanh non”, trên cầu có xe lửa chạy, có người bộ hành, dưới cầu có thuyền buông câu đánh cá... chưa phải là tất cả nguồn cơn tạo nên niềm xúc động của Tản Đà. Lần đầu đến với cầu Hàm Rồng, soi bóng xuống dòng nước biếc, thi nhân đã có dịp “ngắm” mình. Ông nhận thấy mình “sương tuyết phong trần”, tang bồng nặng gánh nên nhiều phen bôn ba, lận đận “muôn dặm đường trường”. Nhưng con người phong phú với quá nhiều biểu hiện trái ngược nhau của Tản Đà đã không được người đời hiểu đúng. Thậm chí, đương thời có người còn trách lầm ông vì say sưa rượu chè nên bê trễ sự nghiệp, gia đình. Tản Đà không thanh minh, nhưng ông thấy mình như thiếu người tri kỉ. Gặp cầu Hàm Rồng, Tản Đà mở lòng như với một người bạn thân lâu ngày gặp lại. Ông thú nhận: Cảnh còn biếc nước xanh non/ Đầu ai trắng tóc, duyên còn thắm tơ (Qua cầu Hàm Rồng hứng bút). Cho dù thế, tâm tình, hình ảnh của Tản Đà không toát lên vẻ tội nghiệp, đáng thương. Bằng giọng khẳng định, Tản Đà xác quyết một thái độ kiên định, một tấm lòng trung trinh: Dư đồ còn đó chưa phai/ Còn non, còn nước, còn người nước non (Qua cầu Hàm Rồng hứng bút).

Tình yêu ấy, trải bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thăng trầm, “sóng dập gió vùi” vẫn vẹn nguyên: Ruột tằm dù héo chưa mòn/ Tơ lòng một mối xin còn vấn vương (Qua cầu Hàm Rồng hứng bút). Thậm chí, càng gian nan thử thách, tình yêu của Tản Đà dành cho đất nước càng sắt son, mặn nồng: Trăm năm nặng gánh tang bồng/ Lửa than càng đốt cho lòng càng son (Qua cầu Hàm Rồng hứng bút).

Đó không phải là lời ước nguyện suông, mà Tản Đà đã thể hiện nó bằng hành động. Ông dồn hết trí tuệ, sức lực, vật chất để xuất bản tờ An Nam tạp chí. Trên bìa một của tờ tạp chí, số nào ông cũng in bản đồ đất nước. An Nam tạp chí - tờ tạp chí chuyên về văn chương đầu tiên của nước ta, tuy phải “chết đi sống lại”(1) nhiều lần nhưng đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc.

Nhìn chung, dù cùng xúc cảm về cầu Hàm Rồng, nhưng hai bài thơ hai tâm sự. Nếu Qua cầu Hàm Rồng hứng bút khẳng định tấm lòng sắt son với đất nước, cho dù sương gió cuộc đời có làm cho con người già nua, cho dù thời cuộc có làm cho người ta nhiều phen lận đận, thì bài Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng là nỗi lo âu về sự thay đổi, biến cải làm mất đi cái vẻ đẹp thanh bình, dấu yêu của non sông đất nước. Bài Qua cầu Hàm Rồng hứng bút là tức cảnh sinh tình, bài Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng là hồi tưởng và mong ước. Bài Qua cầu Hàm Rồng hứng bút là tâm sự được thổ lộ bằng giọng kể, bài Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng là mong ước được giãi bày bằng nhiều câu hỏi, da diết, khắc khoải. Dù vậy, điểm gặp gỡ của hai bài thơ là tình cảm thủy chung của nhà thơ đối với đất nước. Qua những bài thơ về cầu Hàm Rồng, có thể nhận thấy bên trong dáng vẻ của một con người ham thú ăn chơi là một con người nặng tình non nước, tâm tư lúc nào cũng đẫm trĩu nỗi lo đời và nỗi day dứt về trách nhiệm kẻ sĩ.

Điều đáng quý là, từ hình ảnh cầu Hàm Rồng, dù tức cảnh hay nhớ cảnh, Tản Đà đều nhanh chóng thoát khỏi cảm xúc ban đầu để đi tới những suy tưởng sâu xa hơn. Trong tâm thức của Tản Đà, cầu Hàm Rồng không phải chỉ là một thắng cảnh của xứ Thanh mà còn là biểu trưng của non nước. Đó rõ ràng là một suy tưởng đầy tính dự báo. Mấy chục năm sau, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đi vào giai đoạn cực kì ác liệt, giặc Mĩ đem bom B-52 bắn phá miền Bắc, cầu Hàm Rồng - cây cầu huyết mạch- vẫn “sừng sững hiên ngang đứng giữa trời” trong tinh thần quyết tử để bảo vệ của dân quân du kích nơi đây. Bởi vậy, cầu trở thành một di tích trường tồn, bất diệt trong lịch sử chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc ta. Còn tình yêu đất nước được gửi gắm qua tình cảm dành cho cầu Hàm Rồng của Tản Đà có thể trở thành một trong những biểu tượng của tình yêu, lòng thủy chung, son sắt với Tổ quốc của con người Việt Nam.

L.T.A

--------

1. An Nam tạp chí là tờ tạp chí do Tản Đà sáng lập và làm chủ bút, xuất bản số đầu tiên năm 1926, được chừng mươi số thì bị chính quyền thực dân Pháp đình bản. Năm 1930, An Nam tạp chí xuất bản trở lại nhưng chỉ ra được hai số lại bị đình bản. Tháng 4/1931, tờ tạp chí tiếp tục được ấn bản nhưng rồi lại nhanh chóng bị đình bản.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)