Du lịch văn học với việc bảo tồn, phát huy di sản Nguyễn Du

Thứ Năm, 13/08/2020 10:54

. PHAN THỊ THU HIỀN

Tìm hiểu sức sống di sản văn học vĩ đại của Nguyễn Du trong bối cảnh thời đại văn hóa đại chúng, theo chúng tôi, là một câu chuyện có ý nghĩa. Vận dụng cơ sở lí luận và các lí thuyết cần thiết, đồng thời tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, bài viết này phân tích thành tựu, phương hướng xúc tiến du lịch văn học và các thiết chế văn hóa liên quan trong bảo tồn, phát huy di sản Nguyễn Du.

Dù ghi chép sớm nhất về những chuyến thăm các địa điểm liên quan tác giả, tác phẩm văn học của các du khách thuộc giới tinh hoa châu Âu xuất hiện từ thế kỉ XV, và đến thế kỉ XIX, hình thức du lịch này đã dần mở rộng trong du khách đại chúng, nhưng nghiên cứu lí luận về du lịch văn học với tư cách một loại hình chuyên biệt thì mới chỉ bắt đầu từ khoảng những năm 1980.

Du lịch văn học có ý nghĩa khá quan trọng trong bảo tồn, phát huy di sản. Trong bài nghiên cứu “Du lịch văn học như người quảng bá di sản văn hóa” (Literary tourism as a promoter of cultural heritage), L.Ghetau & L.V.Esanu viết một cách hình tượng rằng: “Văn chương là một hình thức du lịch tinh thần, trong khi du lịch là mực để viết nó ra”. Du lịch văn học tạo cơ hội cho du khách tiếp xúc gần hơn, cảm nhận cụ thể, sinh động, và có thể có những suy tư thấm thía, sâu sắc hơn về tác giả, tác phẩm văn học với tư cách những giá trị văn hóa phi vật thể. Do đó, truyền thống văn học được tiếp tục gìn giữ và chuyển giao.

Khu di tích Nguyễn Du tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: TL.

Hiện nay, du lịch liên quan di sản văn học Nguyễn Du hầu như chỉ có một điểm đến đáng kể, đó là Nghi Xuân, quê hương nhà thơ, nơi có khu di tích Nguyễn Du (bắt đầu tiến hành quy hoạch năm 1965 nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ, được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012). Bên cạnh các di tích về họ Nguyễn Tiên Điền (đàn tế và bia đá tưởng niệm dòng họ, hai cây cổ thụ do ông nội nhà thơ trồng, nhà Tư văn - nơi thờ Khổng Tử và bình thơ văn, đền thờ và mộ cha của nhà thơ, đền thờ chú của nhà thơ…), liên quan trực tiếp cuộc đời cá nhân nhà thơ, có nhà thờ Nguyễn Du (do con cháu lập năm 1824, Hội khai trí Tiến Đức hỗ trợ xây năm 1940), mộ Nguyễn Du (xây năm 1990), phòng trưng bày “Di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều” (khai trương năm 2015, nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du). 

Phòng trưng bày được công bố có gần 1000 ấn phẩm, tư liệu, ảnh và hiện vật, vẫn còn khá nghèo nàn, mới chỉ giới thiệu sơ lược cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ. Liên quan đến tác phẩm Truyện Kiều, chỉ có một số bản sách đã được in ấn, dịch và xuất bản trong nước và nước ngoài (nổi bật là cuốn sách Thư pháp Truyện Kiều cỡ lớn) và một số bức tranh minh họa tác phẩm. Như vậy, khu di tích ở Nghi Xuân chủ yếu đặt trọng tâm ở tác giả (kiểu thức Authorial - Placing the Author) hơn là chú ý đến tác phẩm nghệ thuật (kiểu thức Fictive - Locating the Fictive).

Và về tác giả thì phương diện Being (gia tộc nhiều đời tài năng, vinh hiển) dường như được nhấn mạnh hơn phương diện Doing (thành tựu sự nghiệp của cá nhân nhà thơ). Cuốn sách Họ Nguyễn Tiên Điền và khu di tích Nguyễn Du của Đinh Sỹ Hồng đưa yếu tố dòng họ lên trước trong nhan đề, mở đầu với cảm hứng “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước họ này hết quan”, và viết về dòng họ với số trang nhiều gần gấp đôi số trang về nhà thơ (tỉ lệ 46 tr /26 tr). Văn bản thuyết minh khu di tích cũng tương tự như vậy.

Nói về điểm đến đặt trọng tâm trên tác phẩm thì ta có thể đề cập “vườn Kiều” mà cụ Nguyễn Bá Khoát bắt đầu xây dựng từ năm 1996 ở phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trên bức tường rào dài 200 mét là 20 tác phẩm phù điêu thể hiện 20 cảnh trong Truyện Kiều. Trong vườn, có phòng thờ với tượng Nguyễn Du, xung quanh là các loại cây cối, hoa lá được nhắc đến trong Truyện Kiều, một số bức tượng các nhân vật, một số công trình kiến trúc thể hiện lầu Ngưng Bích “khóa xuân” nàng Kiều, Quan Âm các - nơi Kiều bị Hoạn Thư “giam lỏng”.

Vườn Kiều hướng tới tạo dựng không gian và thế giới nhân vật của tác phẩm hư cấu, tuy nhiên, hoàn toàn chỉ do hứng thú cá nhân, kinh phí của cá nhân, tự thiết kế và xây dựng, nên điểm đến này hết sức khiêm tốn cả về quy mô lẫn trình độ nghệ thuật. “Vườn Kiều” chưa được nhiều du khách biết đến, ngay cả những người quan tâm đặc biệt đối với văn học.

Ở Việt Nam, mới chỉ có khu di tích Nguyễn Du là điểm đến du lịch văn học đáng kể. Điểm đến này, hiện nay, chủ yếu đặt trọng tâm ở cuộc đời tác giả. Liên quan cuộc đời tác giả, đúng như Trần Nho Thìn đã viết, Nghệ Tĩnh - nơi nhà thơ trải “mười năm gió bụi” - có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm đến những không gian văn hóa Nguyễn Du rất giàu ý nghĩa khác, như Thăng Long, nơi Nguyễn Du sinh ra, lớn lên và cả Trung Hoa, theo con đường đi sứ của nhà thơ năm 1813-1814.

Trong quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (kí ngày 6/5/2019) phê duyệt đầu tư tôn tạo khu di tích Nguyễn Du giai đoạn 1, chỉ một hạng mục liên quan trực tiếp đến nhà thơ (mộ), các hạng mục khác được ưu tiên tu bổ vẫn là của dòng họ, của địa phương (nhà bia, nhà Tư văn, chùa Trường Ninh, đền thờ - mộ Nguyễn Nghiễm, đền thờ - mộ Nguyễn Trọng). Khi xây dựng điểm đến liên quan cuộc đời tác giả, tham khảo kinh nghiệm các bảo tàng Pushkin, theo chúng tôi, cần đặt điểm nhấn nhiều hơn trên hoạt động sáng tác và thành tựu văn chương Nguyễn Du chứ không chỉ dòng dõi, nơi sinh, nơi mất.

Cần phát triển từ phòng trưng bày thành Bảo tàng “Nguyễn Du và Truyện Kiều”. Dùng mô hình hoặc tranh ảnh, phim tái hiện bối cảnh lịch sử thời đại cũng như cảnh quan vùng sông Lam núi Hồng ảnh hưởng đến cuộc đời, tư tưởng, cảm hứng và chất liệu sáng tác của Nguyễn Du. Dựa vào tư liệu thơ văn cũng có thể phục dựng hình ảnh Nguyễn Du trong các sinh hoạt văn hóa dân gian ở địa phương cũng như trong quan hệ giữa dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân và dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Thác lời người con gái phường nón của Nguyễn Huy Quýnh, Thác lời người con trai phường vải của Nguyễn Du, thơ văn tặng đáp của Nguyễn Huy Vinh gửi cho Nguyễn Du và Nguyễn Hành).

Hiện vật gắn với đời sống của chính nhà thơ và gia đình nhà thơ có thể không còn giữ được bao nhiêu, nhưng di sản phi vật thể liên quan sáng tác của ông thì vô cùng phong phú. Trong bảo tàng có thể tổ chức các phòng/ tủ/ kệ trưng bày theo nhiều chuyên đề, kết hợp các màn hình tương tác, dựng mô hình, nghệ thuật sắp đặt… Chỉ khai thác từ các kỉ lục quốc gia và quốc tế của Truyện Kiều đã đủ đa dạng và hấp dẫn (tham khảo Phạm Đan Quế):

- Truyện Kiều và các truyện thơ Nôm.

- Các văn bản Truyện Kiều (mấy trăm lần xuất bản).

- Hơn 30 bản dịch Truyện Kiều ra các thứ tiếng.

- Các sách nghiên cứu, chú giải, luận án, luận văn về Nguyễn Du và Truyện Kiều (vài trăm cuốn).

- Các bài in báo, tạp chí về Truyện Kiều (hàng ngàn bài).

- Cuốn Kiều nặng nhất.

- Cuốn Kiều dài nhất.

- 7 tác phẩm Hậu Truyện Kiều.

- Bản Truyện Kiều đọc ngược.

- Các sách tập hợp các tác phẩm vịnh Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều.

- Sách tập hợp các giai thoại Truyện Kiều.

- Các bức tranh nghệ thuật về Nguyễn Du và Truyện Kiều, các bộ tranh minh họa Truyện Kiều (vài trăm bức tranh).

- Các phim chuyển thể tác phẩm Truyện Kiều, các phim tư liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều.

- Các tác phẩm sân khấu chuyển thể tác phẩm Truyện Kiều.

- Các tác phẩm âm nhạc về Truyện Kiều.

- Nguyễn Du và các danh nhân văn hóa thế giới được vinh danh cùng năm với ông.

Ngay ở khu di tích Nguyễn Du, cần đầu tư xây dựng chẳng hạn công viên “chủ đề Kim Kiều” thể hiện thế giới nhân vật cùng câu chuyện của họ, rạp phim, nhà hát, gallery, quán sách, thư viện chuyên đề Nguyễn Du và Truyện Kiều. Xa hơn, cũng có thể nghĩ đến một “thành phố văn học” ở Hà Tĩnh, gắn kết từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, các văn nhân dòng họ Nguyễn Huy cho đến Huy Cận, Xuân Diệu…

Trong thực tế, hoạt động của du khách khi đến khu di tích Nguyễn Du cũng như đến “vườn Kiều” nhìn chung còn khá nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là thăm viếng, nghe thuyết minh (hoặc trò chuyện cùng chủ nhân ngôi vườn). Lần gần nhất chúng tôi điền dã khu di tích Nguyễn Du giữa tháng 5/2019, ngoài ba người trong nhóm chúng tôi chỉ thấy lác đác dăm bảy người ghé thăm. Phỏng vấn cô hướng dẫn viên thì được biết trong năm học thường có học sinh, sinh viên các trường đến sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu tác gia văn học có trong chương trình phổ thông và chương trình các khoa văn ở đại học và cao đẳng.

Website của khu di tích tuyên bố nhiệm vụ chính trị “phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập ” (http: //www.nguyendu.com.vn), không thấy thống kê số khách tham quan hàng năm, mục “Tin tức - Sự kiện” chỉ thỉnh thoảng post tin các tổ chức, đoàn thể chính quyền, kiều bào, nhà văn nước ngoài… thăm di tích. Năm 2015, trong dịp kỉ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, một số đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo địa phương, các nhà nghiên cứu về viếng mộ Nguyễn Du, dâng hương tại tượng đài, làm lễ giỗ tại nhà thờ Nguyễn Du.

Nghĩa là các hoạt động có vẻ hành chính, tưởng nhớ Nguyễn Du theo tín ngưỡng thờ cúng tiền nhân được tổ chức ở khu di tích. Còn lễ kỉ niệm với chương trình biểu diễn nghệ thuật khá phong phú, hấp dẫn thì được tổ chức tại quảng trường trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Có thể cảm nhận hoạt động của khu di tích Nguyễn Du chưa nỗ lực hướng tới tăng sức thu hút du lịch đối với đông đảo đại chúng.

Để các hoạt động du lịch văn học có hiệu quả hơn nữa trong bảo tồn, phát huy di sản Nguyễn Du, trước hết, cần tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nguyễn Du và Truyện Kiều. Nếu đồng tình với nhận định nổi tiếng của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, chúng ta có thể gắn kết di sản Nguyễn Du với vẻ đẹp ngôn ngữ, thơ ca dân tộc.

Nhớ đến lời của Lưu Trọng Lư: “Truyện Kiều là một sự không cùng. Hôm qua nó là của Phạm Quý Thích, của Chu Mạnh Trinh “Ngàn liễu rung rinh sóng gợn tình”. Hôm nay là của chúng tôi. Ngày mai là của các bạn. Và mãi mãi là của các mẹ, các chị, các em. Truyện Kiều sẽ nối lại những thế hệ tuổi hoa”, chúng ta sẽ tìm ở di sản Nguyễn Du chủ nghĩa trữ tình, chủ nghĩa nhân văn, nguyên lí nữ tính tràn đầy tình yêu thương, vị tha của tâm hồn dân tộc.

Trên cơ sở đó, có thể đa dạng hóa các hoạt động du lịch văn học mở ra cơ hội rộng lớn cho du khách không chỉ tham quan mà còn thưởng thức và trải nghiệm, tham gia các nghệ thuật phong phú gắn với Truyện Kiều (thư pháp, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, ca múa nhạc, sân khấu, đọc/ ngâm thơ, hát ru…).

Đặc biệt, Truyện Kiều đã sản sinh ra quanh nó một nền văn hóa giàu có và sống động, cả các dạng thức văn hóa tinh hoa lẫn văn hóa dân gian, hoàn toàn có thể tràn đầy phấn hứng khi kết hợp với sức mạnh của văn hóa đại chúng và truyền thông trong những nghi thức, những trò chơi, những sinh hoạt vô cùng thú vị, hấp dẫn: vịnh Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, bói Kiều… Những “lễ hội Truyện Kiều” chắc chắn sẽ tìm được vô số con đường để chinh phục tất cả những ai yêu mến tác giả và tác phẩm.

Việt Nam là một dân tộc yêu văn học và có di sản văn học giàu có, nhiều ý nghĩa. Một số nhà nghiên cứu đã có những suy nghĩ bước đầu về hướng khai thác nguồn tài nguyên này cho du lịch, tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống. Dựa trên khung lí luận và lí thuyết của thế giới, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của Nga (đối với di sản Pushkin) và Hàn Quốc (đối với di sản Xuân Hương truyện), qua phân tích trường hợp khu di tích Nghi Xuân, chúng tôi bước đầu đề xuất phương hướng xây dựng và phát triển du lịch văn học trong quan hệ với bảo tồn, phát huy di sản Nguyễn Du.

Theo đó, cần tái cắt nghĩa, kiến tạo thông điệp của di sản nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người, của dân tộc hôm nay, trên cơ sở đó, xây dựng những điểm đến cũng như tổ chức hoạt động du lịch văn học. Trong các hoạt động này, rất cần lưu ý nắm bắt xu hướng quốc tế của du lịch văn học đang chuyển từ dạng thức cuộc đời Tác giả (Authorial) sang dạng thức Tác phẩm hư cấu (Fictive), từ chú ý Không gian (Location) đến nhấn mạnh Trải nghiệm (Experience), từ chú mục vào Văn bản (Text) thành Sống (Living) với nghĩa tham gia vào các hoạt động thưởng thức, sáng tạo văn chương. Đó là con đường phong phú, sinh động để phát huy hơn nữa di sản vĩ đại của Nguyễn Du.

P.T.T.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)