. ĐỖ HẢI NINH
Nguyễn Nhật Ánh là cây bút viết cho thiếu nhi hàng đầu Việt Nam hiện nay. Hơn ba mươi năm cầm bút, ông có số lượng sách xuất bản kỉ lục. Cái tên Nguyễn Nhật Ánh trở thành thương hiệu, như một đại diện tiêu biểu của dòng sách tuổi học đường, và là tác giả có sức cạnh tranh trên thị trường sách thiếu nhi đang bị lấn át bởi sách dịch, truyện tranh manga... Nhưng Nguyễn Nhật Ánh không phải là một thương hiệu nhất thời, mà vượt qua thời gian, cho đến nay ông vẫn là cây bút bền bỉ viết cho thiếu nhi và liên tiếp gặt hái thành công.
Một số tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.
Sự thành công của Nguyễn Nhật Ánh được lí giải từ tính chuyên nghiệp của nhà văn trong đề tài thiếu nhi - ông là cây bút toàn tâm toàn ý với mảng đề tài này. Một số nhà nghiên cứu phê bình cho rằng tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có sức hấp dẫn lớn đối với trẻ em bởi chính nội dung và lối viết cuốn hút của tác giả, bên cạnh đó công nghệ PR đã góp phần lan tỏa và nhân rộng ảnh hưởng của tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh.
Nhưng Nguyễn Nhật Ánh không chỉ là một hiện tượng best-seller của thị trường xuất bản, ông còn được ghi nhận tài năng, lao động nghệ thuật bền bỉ qua rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Nguyễn Nhật Ánh đã hoàn toàn chiếm lĩnh được ngôi vị hàng đầu của văn học thiếu nhi, chiếm lĩnh trái tim độc giả nhỏ tuổi và thị trường sách xuất bản. Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể điện ảnh và đến với công chúng sâu rộng hơn. Sách của ông được dịch ra tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Thái, tiếng Hàn.
Tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua được đưa vào giáo trình dạy tiếng Việt ở Nga. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ, và vẫn luôn giành được tình cảm yêu mến của những người đã từng đi qua tuổi thơ. Đây là hiện tượng văn học đương đại thành công, cần được lí giải từ sức hấp dẫn của chính bản thân tác phẩm.
Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, Nguyễn Nhật Ánh đã xác định rất rõ đối tượng tiếp nhận tác phẩm của ông là tuổi thơ và ông nguyện chỉ chuyên tâm chuyên chú viết những câu chuyện của lứa tuổi học trò. Ông thú nhận: “Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là tuổi thơ. Tôi sống xa quê hương, xa đất đai quê xứ, xa tuổi thơ rất sớm nên tâm hồn tôi luôn neo vào bến tuổi thơ”; “Tâm tính của tôi phù hợp với tuổi thơ nên có thể tôi sẽ viết mãi về tuổi thơ.
Những đề tài khác đã có nhà văn khác đảm nhiệm”. Hướng tới đối tượng đọc là tuổi thơ, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh bước vào một địa hạt riêng với những đòi hỏi riêng của loại hình: vừa đáp ứng nhu cầu giải trí phù hợp với trẻ em vừa đảm bảo mục đích giáo dục nhận thức, tình cảm cho lứa tuổi này.
Có thể phân loại tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh theo lứa tuổi tiếp nhận: truyện viết cho tuổi nhi đồng, truyện viết cho tuổi thiếu niên và tuổi thanh niên nhưng đều là lứa tuổi gắn với học đường, thời mực tím, áo trắng. Bởi vậy truyện của Nguyễn Nhật Ánh thường là những câu chuyện hàng ngày, giản dị, gần gũi: những ngày đi học với những trò nghịch ngợm; một kì nghỉ hè thú vị ở quê được thỏa sức chơi đùa, quậy nghịch, lang thang; những tình cảm bỗng một ngày hé nở với người bạn hàng xóm hay cùng lớp; những tật xấu, những cái dở hơi, ngốc nghếch và cả những trận đòn roi...
Các nhân vật chính đa phần là lứa tuổi thiếu niên, kể câu chuyện của mình như một nhân vật trải nghiệm với cách xưng “tôi” như Khoa (Bảy bước tới mùa hè), Đông (Ngồi khóc trên cây), Thiều (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), có khi là một con vật nhỏ như con chó Bêtô hay con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (Tôi là Bêtô, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng).
Có những tác phẩm trần thuật từ ngôi thứ ba khách quan bởi một người trần thuật đáng tin cậy với giọng văn trẻ trung, hóm hỉnh. Nguyễn Nhật Ánh luôn tạo cảm giác gần gũi cho bạn đọc bởi cách gọi tên nhân vật mang tính khẩu ngữ, dân dã: con Tủn, con Tí sún, thằng Mừng, con Mận...
Các câu chuyện diễn ra trong không gian thân thuộc từ nhà đến trường, nơi một miền quê nghèo, một xóm nhỏ, một thị trấn, hết thảy đều rất đỗi thân thương gắn bó với tuổi thơ. Cốt truyện giản dị, nhẹ nhàng, không quá căng thẳng, kịch tính nhưng có những tình huống bất ngờ, thú vị.
Hướng tới đối tượng đọc là trẻ nhỏ, truyện của Nguyễn Nhật Ánh mở ra thế giới mộng mơ gần với thế giới cổ tích, kích thích trí tưởng tượng và ước mơ của trẻ em. Đó là những ngày hè về quê chơi đùa thỏa thích trong vườn ngoài xóm; là thế giới ngộ nghĩnh đáng yêu của bọn lợn con, gà chíp, chó cún khi chúng chơi trò nói tiếng của nhau và sáng tạo thứ ngôn ngữ riêng; là trại hoa vàng muôn hoa khoe sắc hương hay khu rừng đầy cây lá, hoa cỏ che chở cho lũ thú nhỏ dễ thương…
Các nhân vật trong truyện có những hành động gợi nhắc đến thế giới truyện cổ tích: cưỡi chổi leo lên cây làm phù thủy để nhòm sang nhà bạn gái; đóng giả làm hiệp sĩ, tướng cướp rừng xanh thổ lộ tình cảm với công chúa; tặng bạn đôi giày cỏ bé xinh như đôi hia bảy dặm để tới gần hơn mùa hè năm sau; công chúa ngủ trong rừng được hoàng tử đánh thức...
Những cô bé không chỉ là những công chúa trong tưởng tượng của các cậu bé (cô bé Nhi bị mất trí nhớ trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh luôn sống cách biệt trong thế giới tưởng tượng, cô bé Đào trong Bảy bước tới mùa hè được Mừng tôn xưng là công chúa của lòng mình) mà thực sự đó là những nàng tiên bé nhỏ xinh đẹp và nhân hậu.
Các truyện của Nguyễn Nhật Ánh thường có kết thúc bỏ ngỏ nhưng luôn mở ra niềm hi vọng, có khi những điều kì diệu xảy ra như có phép màu cổ tích. Chàng trai Đông đã vô cùng buồn vì tưởng bị ung thư máu nhưng niềm vui vỡ òa khi biết kết quả đó là sự nhầm lẫn. Và khi từ thành phố trở về quê tìm người bạn gái ước hẹn thì lại được tin cô bị dòng nước lũ cuốn trôi và mất tích.
Điều kì diệu xảy ra khi Đông lang thang trong rừng và phát hiện Rùa vẫn còn sống sót (Ngồi khóc trên cây). Cô bé Nhi bị chấn thương tâm lí, được bố cho đóng vai công chúa, đến một ngày bỗng tỉnh táo, cũng như thằng Tường nằm liệt giường đã nhờ gặp công chúa bỗng có thêm sức mạnh để tự bước đi (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh). Thế giới cổ tích ấy xây đắp tâm hồn, trí tưởng tượng cho mỗi đứa trẻ và cũng mang lại những tầng nghĩa mới cho tác phẩm.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh là cả một “bảo tàng” những trò chơi, những trò nghịch ngợm của trẻ con từ nông thôn đến thành phố như chơi bi, chơi khăng, trèo cây, tắm suối; hay những trò chơi “sáng tạo” như đóng giả làm bố mẹ để quát mắng và khen ngợi trẻ con theo kiểu ngược lại thông thường, đặt tên lại cho thế giới xung quanh, đổi ngôn ngữ của nhau, tạo nên quy ước ngôn ngữ mới...
Những trò chơi hấp dẫn, thú vị mở ra thế giới phong phú, đầy màu sắc tươi vui của tuổi thơ. Các nhân vật trẻ em trong truyện luôn gần gũi với thiên nhiên và thế giới loài vật. Thế giới vô cùng dễ thương của bọn gà, heo, chó, mèo con... chính là sự phản chiếu thế giới trẻ em: nghịch ngợm, sôi động, ngộ nghĩnh, hồn nhiên và cũng rất giàu tình cảm.
Một điểm làm nên thành công nơi truyện của Nguyễn Nhật Ánh là ý nghĩa giáo dục được thể hiện sâu sắc, không phải giáo huấn trực tiếp mà thông qua những câu chuyện con trẻ thú vị. Những nhân vật trẻ con khiếm khuyết được gắn với những câu chuyện xúc động về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm và tình người.
Nguyễn Nhật Ánh không chỉ tinh tế khi nắm bắt những tơ vương, rối mắc trong tình cảm lứa tuổi học trò mà còn thấu cảm những cảm xúc, tâm trạng của trẻ em trong quá trình hình thành nhân cách. Nhờ vậy, người đọc có thể nhận thức được những khiếm khuyết của bản thân, cũng như thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm trong mỗi con người một cách nhẹ nhàng, thấm thía.
Hướng tới đối tượng người đọc là trẻ em, Nguyễn Nhật Ánh tạo nên phong cách riêng cho ngòi bút của mình bằng giọng kể hóm hỉnh, hài hước. Nhà văn cũng quan sát rất kĩ những hành động, tâm lí trẻ em để “chộp” được những chi tiết hài hước đáng yêu. Cái hài hước trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh vừa nhẹ nhàng vừa thâm thúy mà không quá khó nhận biết.
Trong truyện Tôi là Bêtô, con chó Bêtô kể về cuộc sống của mình và thằng bạn Laica hung hăng nhất vì trẻ nhất bọn rồi nhân đó triết lí: “Các bậc có tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có khi nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết. Còn ở tuổi của hắn và của tôi nữa, muốn làm gì thì làm ngay. Rồi sau đó mới ngẫm nghĩ tại sao mình lại làm thế, thường là trong đớn đau và dằn vặt. Để rồi lại quên nhanh, thiệt là may. Vì đó là tính bồng bột, người ta nói thế và tôi cũng tin như thế. Cũng như tôi tin rằng đó không chỉ là tính cách của tuổi trẻ mà còn là phẩm chất của các nhà thơ và các nhà cách mạng”.
Con chó Bêtô không chỉ ngẫm nghĩ như một đứa bé khôn ngoan quan sát cuộc sống mà còn như một triết gia hóm hỉnh. Điều đáng nói là mỗi lứa tuổi, kể cả người lớn, đều có thể tiếp nhận dư vị hài hước thâm thúy đó theo một cách khác nhau.
Nguyễn Nhật Ánh viết khá nhiều truyện về lứa tuổi vị thành niên với những câu chuyện xoay quanh mối quan hệ tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, thầy trò nhưng hầu hết đều là tình cảm trong sáng, đẹp đẽ. Tình cảm của các cô bé cậu bé mới lớn trong truyện Nguyễn Nhật Ánh chỉ là những rung động đầu đời, chấp chới ở giữa ranh giới tình bạn và tình yêu.
Điều hấp dẫn ở truyện của ông là khai thác những tình huống tâm lí tinh tế: bước chuyển từ tình bạn sang tình yêu, những cung bậc muôn màu của tình yêu tuổi học trò: nhớ nhung, hờn giận, hồi hộp, nghi ngờ, tự huyễn hoặc mình, mộng tưởng xa xôi... Đôi khi Nguyễn Nhật Ánh như một bác sĩ tâm lí, một người chuyên “gỡ rối tơ lòng” có vai trò giải quyết mọi tình huống cảm xúc của các cô bé cậu bé. Ông nắm bắt trúng tâm lí tuổi mới lớn: khi không thích đứa nào thì miệng nổ lốp bốp như bắp rang, thích đứa nào đó thì mồm trơ khấc như có mụn nhọt mọc ngay lưỡi, không nói được gì (Bảy bước tới mùa hè).
Tâm lí của Nga trong Thằng quỷ nhỏ là một mê cung phức tạp và rắc rối. Tình yêu trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh “luôn tỏa ra thứ ánh sáng lóng lánh mà với nó bất cứ ai cũng có thể tạo nên phép màu cho thế giới này”. Đó là những xao xuyến không gợn chút sắc dục, như chiếc màng lọc thanh tẩy mọi bụi bặm để chưng cất những điều tốt đẹp trong con người khiến cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
Những suy nghĩ chân thực, ngộ nghĩnh, đáng yêu, cái lãng mạn nguyên sơ... khiến cho truyện Nguyễn Nhật Ánh được đón nhận tự nhiên. Nguyễn Nhật Ánh cũng thể hiện sự từng trải và lịch lãm, vốn sống, vốn văn hóa khi cài vào những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng đó tri thức phong phú về đời sống làng quê, ngôn ngữ đời thường và kiến thức văn học nghệ thuật: thơ, truyện trinh thám, kiếm hiệp, truyện dân gian, truyện hiện đại của Việt Nam và thế giới.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh còn hấp dẫn bởi những kiến thức khoa học, văn hóa, xã hội phong phú. Khi viết Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang, Nguyễn Nhật Ánh biết lựa chọn, lọc ra những kiến thức từ sự nghiên cứu tài liệu về khoa học tự nhiên, hóa học, vật lí, nghiên cứu các tài liệu về phù thủy, pháp sư, ma thuật cũng như các huyền thoại phương Đông.
Văn học viết cho thiếu nhi Việt Nam đã có không ít tác giả thành công và chiếm được trái tim của độc giả nhỏ tuổi như Tô Hoài, Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ... Gần đây có thêm nhiều tác giả viết cho thiếu nhi, tuy nhiên số lượng tác giả và tác phẩm đến được với trẻ em vẫn còn khá khiêm tốn.
Thị trường sách cho thiếu nhi dường như nhường chỗ cho văn học thiếu nhi nước ngoài với sự đa dạng, phong phú về thể loại, bút pháp và sức hấp dẫn mạnh mẽ từ thế giới hư cấu đầy phóng khoáng và đa sắc điệu. Nhìn lại bức tranh văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay, có lẽ chỉ có tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là có khả năng cạnh tranh với sách dịch.
Hiếm có nhà văn nào chỉ chuyên tâm với dòng sách này và luôn có ý thức trách nhiệm với bạn đọc nhỏ tuổi, khi vừa ở trong giới hạn “viết cho trẻ em”, vừa tự vượt lên giới hạn đó bằng việc viết một tác phẩm văn chương hấp dẫn, để tồn tại lâu dài cùng thời gian. Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, đôi khi việc viết sách cho trẻ em và tuổi mới lớn khiến ông mang cảm giác như “vác thánh giá” trên người.
Nhiều độc giả dễ hiểu nhầm ông không thể đụng chạm đến các vấn đề người lớn trên trang sách. Điều này thôi thúc Nguyễn Nhật Ánh để cho các nhân vật của ông lớn dần. Chính tác giả cũng tò mò về cách “các cô bé, cậu bé sẽ hành động như thế nào, suy nghĩ ra sao khi đối diện với các vấn đề của tuổi trưởng thành trên trang sách của mình”. Có lẽ vì thế, ông luôn tìm cách chuyển đổi khẩu vị cho bạn đọc.
Nguyễn Nhật Ánh được coi là nhà văn “chỉ viết cho tuổi thơ” nhưng tác phẩm của ông có sự đa dạng phù hợp với tâm sinh lí nhiều lứa tuổi. Ông viết nhiều truyện đơn thuần dành cho tuổi mầm non và tiểu học, nhưng ông cũng dành nhiều quan tâm hơn cho lứa tuổi mới lớn, tuổi teen, tuổi “dở dở ương ương” với những rung động đầu đời, từ thích chuyển sang yêu; có những tác phẩm mang màu sắc kì ảo hiện đại như Chuyện xứ Lang Biang.
Thể loại chính trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh là truyện dài. Không trói buộc vào tiểu thuyết, truyện dài của ông là một khúc đoạn, lát cắt của đời sống: một mùa hè về quê, một học kì hay một năm học, một quãng thời gian tuổi thơ. Các truyện dài kì Kính vạn hoa và Chuyện xứ Lang Biang là thử nghiệm thành công của ông khi kết hợp các yếu tố kì ảo, khoa học và phiêu lưu.
Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh còn viết tản văn Người Quảng ăn mì Quảng, Sương khói quê nhà, trực tiếp bày tỏ cảm xúc, suy tư của cá nhân trong thể loại đang được ưa chuộng này. Gần đây, truyện Ngày xưa có một chuyện tình là một thể nghiệm khác của Nguyễn Nhật Ánh với cốt truyện phức tạp hơn, đề cập tới vấn đề khúc mắc, éo le trong cuộc sống và sát gần với lối sống thanh niên đương đại hơn.
Nhìn lại vai trò, vị trí của Nguyễn Nhật Ánh trong hành trình của văn học viết cho thiếu nhi, có thể thấy đây là cây bút hội tụ đủ những yếu tố để trở thành tác giả viết cho thiếu nhi tiêu biểu nhất của văn học đương đại Việt Nam.
Đ.H.N
VNQD