Văn học và y học nhìn từ mối quan hệ liên ngành

Thứ Tư, 26/08/2020 00:27

. NGUYỄN HỮU MINH

Thế kỉ XIX, sự xuất hiện đặc biệt của hai vị bác sĩ tâm thần nổi tiếng là John Charles Bucknill (1817-1897) và Sigmund Freud (1856-1939) được công nhận là khởi điểm cho việc nghiên cứu một cách nghiêm túc về mối quan hệ giữa văn học và y học. Bởi Bucknill và Freud là hai trong số những nhà y học đầu tiên sử dụng văn học để tạo nên bước đột phá mới trong lịch sử y học.

Việc Bucknill nghiên cứu những tác phẩm của Shakespeare nhằm khám phá những ý tưởng mới về bệnh lí tâm thần và việc Freud đặt nền tảng cho sự ra đời của phân tâm học là những trường hợp tiêu biểu minh chứng cho mối quan hệ giữa y học và văn học. Đặc biệt, từ khoảng nửa sau thế kỉ XX, nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều tờ báo, tạp chí khoa học, nhiều hội thảo… chuyên sâu trên thế giới đã khám phá các vấn đề liên ngành giữa hai lĩnh vực y học và văn học từ nhiều bình diện cụ thể.

Nhìn từ tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, văn học và y học vốn được xem là hai lĩnh vực có mối quan hệ tương hỗ lâu dài. Cùng lấy con người làm đối tượng trung tâm để tiếp cận, cả văn học lẫn y học đều có mục đích là khám phá, thấu hiểu con người trên mọi phương diện, từ đó đồng hành cùng con người trên hành trình vươn đến một đời sống khỏe mạnh, tốt đẹp cả về thể xác lẫn tinh thần.

Thực tế đã chứng mình có vô vàn áng văn thơ vang danh đông tây kim cổ trở thành những “thần dược” chữa trị tâm bệnh hữu hiệu. Việc đọc một tác phẩm văn chương hay, có giá trị được ví như việc uống những viên thuốc bổ giúp bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn con người. Tương tự, từ y học cổ truyền đến y học hiện đại đều cho rằng một cơ thể khỏe mạnh không chỉ được biểu hiện ở sự cường tráng về mặt thể chất mà còn ở sự sảng khoái, minh mẫn, tinh anh về mặt tâm lí, tinh thần, trí tuệ.

Tính chất liên ngành giữa văn học và y học có thể thấy rõ qua một số khía cạnh nhất định. Nhiều đặc tính của y học được phản ánh trong văn học như những đối tượng cụ thể và ngược lại. Có không ít thuật ngữ y khoa từng được nhắc đến, minh giải trong các tác phẩm văn học.

Thoạt đầu, một số chứng bệnh di truyền có liên quan đến sự đột biến gene như bệnh ma cà rồng, bệnh người sói, bệnh người lùn, bệnh người cá… đều được đặt tên theo các nhân vật trong một số truyện cổ dân gian. Nhiều tên gọi chứng bệnh của tâm lí học cũng có khởi điểm từ thần thoại Hi Lạp như mặc cảm Oedipe, mặc cảm Electra, mặc cảm Prométhée, bệnh lí Narcisse...

Đến khi nền văn học viết được xác lập, nhiều tác giả văn học đã gọi tên và diễn tả các chứng bệnh trước cả khi y học ghi nhận về chúng. Ở Nhật Bản, xuất phát từ kiệt tác Truyện kể Genji của nữ sĩ Murasaki Shikibu, thuật ngữ “phức cảm Genji” đã được nhiều nhà tâm lí học cũng như người dân Nhật Bản đời sau sử dụng để miêu tả hiện tượng người Nhật luôn có ham muốn nương tựa vào mẹ của họ suốt cuộc đời.

Hay ở Pháp, xuất phát từ vở hài kịch Người bệnh tưởng của đại văn hào Molière, thuật ngữ “bệnh tưởng” được sử dụng để chỉ rối loạn lo âu mắc bệnh và rối loạn triệu chứng thực thể, trong đó người bệnh luôn ám ảnh bản thân có bệnh nặng mặc dù chỉ có triệu chứng bệnh nhẹ.

Còn ở Anh, sau khi nhà văn Robert Louis Stevenson cho ra đời cuốn tiểu thuyết dị kì Bác sĩ Jekyll và ông Hyde, tên gọi “Jekyll và Hyde” đã trở thành thuật ngữ tâm lí học chỉ hội chứng đa nhân cách của con người.

Hơn nữa, trên lập trường lấy các vấn đề thuộc về y học làm đối tượng trung tâm để sáng tác và phản ánh, lịch sử văn học thế giới còn ghi nhận một khối lượng tác phẩm lớn đề cập đến các chứng bệnh của nhân loại: tiểu thuyết Trà hoa nữ (1848) của Alexandre Dumas (con) đề cập đến căn bệnh lao; tiểu thuyết Thằng ngốc (1868) của Dostoevsky đề cập đến chứng động kinh; tiểu thuyết Dịch hạch (1942) của Albert Camus đề cập đến bệnh dịch hạch; nhật kí Một lít nước mắt (1988) của cô gái nhỏ người Nhật Kito Aya đề cập đến căn bệnh thoái hóa tiểu não; tự truyện Chiếc áo lặn và con bướm (1997) của nhà văn Pháp Jean-Dominique Bauby đề cập đến chứng tai biến mạch máu não và tàn phế ở tuổi trung niên…

Bên cạnh đó, không hiếm tác phẩm xây dựng hình tượng trung tâm là y bác sĩ và sử dụng nhiều diễn ngôn y khoa: tiểu thuyết Thành trì (1937) của A.J.Cronin kể về bác sĩ Andrew Manson; tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak kể về bác sĩ quân y Yury Zhivago; tiểu thuyết Sự im lặng của bầy cừu (1988) của Thomas Harris kể về bác sĩ thần kinh học Hannibal Lecter; tự truyện Khi hơi thở hóa thinh không của bác sĩ Paul Kalanithi kể về hành trình chống lại căn bệnh ung thư…

Đặc biệt, khi lấy y học làm đối tượng phản ánh và khảo tả, văn học không ngừng khám phá bản thể vốn đa dạng, chi tiết mà thầm kín của con người, lí giải nhiều nguyên nhân có ý nghĩa về mặt y khoa, cũng như xem xét lại nhiều diễn ngôn truyền thống.

Nhìn từ chiều ngược lại, có không ít tác phẩm văn học là công cụ hữu hiệu trong việc nghiên cứu bệnh tật cũng như điều trị bệnh nhân. Đối với y bác sĩ và sinh viên y khoa, việc đọc các tác phẩm văn học không chỉ giúp họ giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ làm việc, học tập vất vả mà nhiều lúc còn giúp họ có thể diễn giải bệnh tật một cách sinh động, gần gũi đồng thời có thể gia tăng khả năng thấu cảm khi đối mặt với hoàn cảnh và vấn đề mà bệnh nhân mắc phải.

Việc đọc tác phẩm văn học còn có thể giúp cải thiện đáng kể chỉ số lo lắng và trầm cảm của con người. Sách văn học là thứ giả dược quý giúp chúng ta giải phóng số lượng lớn hormone hạnh phúc dopamine trong não, đồng thời gia tăng khả năng ghi nhớ lâu dài.

Mối quan hệ liên ngành giữa văn học và y học còn được thấy rõ trong tổ hợp danh xưng nghề nghiệp của khá nhiều bác sĩ. Thực tế, không ít những vị lương y nổi tiếng trên thế giới đồng thời là những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng: Friedrich Schiller - bác sĩ giải phẫu quân đội kiêm kịch gia tài ba nước Đức; Anton Chekhov - vị bác sĩ khả kính và cũng là nhà văn kiệt xuất người Nga; Archibald Cronin - vừa là một bác sĩ đại tài vừa là một trong những người viết truyện hay nhất thế kỉ XX…

Ở Việt Nam, nhiều danh y xuất thân Nho học cũng đồng thời là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Đình Chiểu… Trong không gian đương đại, nhiều bác sĩ, dược sĩ đồng thời là nhà văn, nhà thơ: Trương Thìn, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Đức Phước, Phạm Nguyên Tường, Trần Thanh Cảnh, Triều La Vỹ… Bên cạnh đó, nhiều nhà văn, nhà thơ xuất thân là sinh viên ngành y: Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Lê Minh Nhựt...

Có thể nói, không nhiều ngành độc lập lại có mối liên hệ sâu sắc như văn học và y học. Nếu như văn học chủ yếu bồi dưỡng trí tuệ và tinh thần cho người đọc một cách gián tiếp thông qua các hình tượng thẩm mĩ thì y học chủ yếu giúp bệnh nhân đảm bảo sức khỏe, chống lại bệnh tật một cách trực tiếp bằng các biện pháp và cơ chế y khoa.

Nhìn một cách tổng thể, cả bệnh nhân và người đọc đều tìm đến y học và văn học xuất phát từ nhu cầu sống. Và như đã nói, có không ít người đọc văn học là bệnh nhân, đặc biệt là những người mắc hội chứng thần kinh; lúc này nhà văn như là bác sĩ tâm lí gián tiếp góp phần “chữa trị” cho họ bằng những liệu pháp tinh thần.

Trong quá trình giao thoa và phát triển của hai lĩnh vực y học và văn học, một số trường phái lí thuyết của y học có sự liên hệ, tương tác với văn học mà tiêu biểu nhất là phân tâm học do bác sĩ người Áo Sigmund Freud đặt nền móng. Mặc dù ngày nay, vấn đề phân tâm học có phải là một trường phái thuộc lĩnh vực y học hay không còn gây nhiều tranh cãi, nhưng số đông các nhà y học đã công nhận điều này.

Nhìn về mối quan hệ gần gũi giữa văn học và phân tâm học, dễ thấy nhiều khái niệm mà phân tâm học từng đề cập và sử dụng có nguồn gốc từ văn học như đã trình bày ở phần trên. Thoạt đầu, Freud sử dụng những truyện kể cổ xưa để giúp mọi người tiếp nhận lí thuyết của ông một cách dễ dàng. Đến khi phân tâm học được đón nhận rộng rãi, nhiều nhà nghiên cứu văn học đã vận dụng một số lí thuyết quan trọng của trường phái này như lí thuyết về vô thức, lí thuyết về tính dục, lí thuyết về cơ cấu nhân cách toàn diện… để hướng đến giải mã nhiều vấn đề liên quan đến tác phẩm như việc luận giải các biểu hiện thuộc về vô thức, các mặc cảm của nhân vật hay nhìn nhận hành vi vô thức sáng tạo của một số tác giả văn học.

Kế tiếp Freud, người học trò cũng là người bạn của ông - Carl Gustav Jung (1875-1961) đã đưa ra nhiều thuật ngữ về tâm lí học phân tích được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu văn học như mẫu gốc (nguyên mẫu, cổ mẫu), vô thức tập thể, phức cảm, đồng hiện…

Đặc biệt, phân tâm học còn trở thành tiền đề cho việc ra đời một số khuynh hướng và thể loại văn học thuộc chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Những lí thuyết xuất phát từ phân tâm học như trên không chỉ giúp các tác phẩm văn chương được tái khám phá, nhìn nhận ở góc độ mới mà còn trở thành khuynh hướng sáng tác văn học hấp dẫn được ưa chuộng trên thế giới vào khoảng từ nửa sau thế kỉ XX đến đầu thế kỉ XXI.

Tư tưởng của Freud về vô thức, về kĩ thuật liên tưởng tự do cũng như việc tái khám phá tầm quan trọng của những giấc mơ đã khuyến khích các tác giả văn học thử nghiệm sử dụng kĩ thuật dòng ý thức, đề cao lối viết tự động, cái ngẫu nhiên, từ chối tư duy phân tích logic mà tiêu biểu là các tác phẩm của chủ nghĩa dada và chủ nghĩa siêu thực. Bước sang địa hạt của văn chương hậu hiện đại, việc quá đề cao yếu tố trò chơi trong sáng tác, xem sự viết như một nghệ thuật phối ngẫu những mảnh ghép tự động, đặc biệt ở thể loại thơ, là minh chứng cho thấy sự gần gũi giữa phân tâm học và văn học.

Một trường phái khác của y học cũng được nhắc đến khá nhiều trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI và có mối quan hệ tương đối gần gũi với văn học chính là y học thẩm mĩ. Hướng đến việc sử dụng các phương pháp điều trị thẩm mĩ xâm lấn tối thiểu để tăng cường sự hài lòng của bệnh nhân về ngoại hình, y học thẩm mĩ đặc biệt quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài và sức khỏe của con người.

Đây cũng là vấn đề rất được chú trọng trong phê bình nữ quyền phương Tây về các phạm trù như lí tưởng cái đẹp và thực hành làm đẹp. Chính sự xuất hiện những quy chuẩn, lí tưởng về vẻ đẹp đã trở thành tiền đề, nguyên nhân cho việc thực hành làm đẹp, cải tạo vẻ đẹp thân thể. Bản thân văn học cũng lấy thẩm mĩ làm đối tượng sáng tác và nghiên cứu, đặc biệt là vẻ đẹp ngoại hình của người nữ.

Thần thoại cổ đại của phương Tây lẫn phương Đông đều nhắc đến các vị thần đại diện cho sắc đẹp nữ giới như Aphrodite (thần thoại Hi Lạp), Freyja (thần thoại Bắc Âu), Cliodna (thần thoại Celtic), Lakshmi (thần thoại Ấn Độ), Hathor (thần thoại Ai Cập), Oshun (thần thoại Yoruba - châu Phi), Ixchel (thần thoại Aztec)…

Ca dao, dân ca Việt Nam cũng đề cập rất nhiều đến chuẩn mực vẻ đẹp của người phụ nữ xưa: Những người con mắt lá răm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền; Ai xui má đỏ, môi hồng/ Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu; Những người thắt đáy lưng ong/ Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con; Một thương tóc bỏ đuôi gà/…/ Ba thương má lúm đồng tiền/ Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua; Lưng ong, mắt phượng, mày ngài/ Cổ cao ba ngấn kém ai trong đời…

Đến thời kì văn học trung đại, vẻ đẹp hình thể của nữ giới càng được quan tâm khi xuất hiện rất nhiều phép ước lệ so sánh như khuôn trăng, nét ngài, da tuyết, mắt phượng, gót sen, tóc mây, tay măng… Bước sang thời kì văn học hiện đại và đương đại, vẻ đẹp hình thể người nữ trở thành một trong những chủ đề được bàn luận khá nhiều, đặc biệt là xuất hiện dày đặc trong các sáng tác của nữ giới lớp diễn ngôn thân thể và diễn ngôn chấn thương: “Cả thảy có mười một hồ sơ xin việc. Ba cô loại ngay vòng đầu vì quá xấu” (tiểu thuyết Chân trần của Thùy Dương); “…vợ hắn thừa hưởng từ cha đẻ hầu như toàn bộ hình thể, nhất là khuôn mặt với quai hàm vuông gấp bốn người thường; đã hơn bốn lần hắn nài nỉ vợ hắn nuôi tóc dài nhưng vợ hắn một mực từ chối, hắn đành bó tay để âm thầm chịu đựng” (tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn của Thuận); “Sân khấu lúc này diễn trích đoạn balê Cái chết của con thiên nga, nữ diễn viên vai chính có khuôn mặt tuyệt đẹp nhưng đôi chân hơi béo, không múa mà chỉ đưa đẩy cặp mông vĩ đại gần như hở hoàn toàn dưới chiếc váy bồng, người xem không thể không liên tưởng đến một con vịt bầu” (tiểu thuyết Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư của Thuận)…

Có thể thấy, hầu hết những diễn ngôn trên đều gián tiếp nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sở hữu một hình thể đẹp, dễ nhìn. Đặc biệt, bản thân “vẻ đẹp” là khái niệm thường được gắn cho nữ giới như một đặc trưng phái tính. Chính vì mong muốn đạt được vẻ đẹp ngoại hình, một bộ phận không nhỏ người nữ trong xã hội đã buộc bản thân lệ thuộc và tự ép mình theo những tiêu chuẩn đó. Thế kỉ XX và đặc biệt là đầu thế kỉ XXI, các dịch vụ phẫu thuật thẩm mĩ không ngừng nở rộ và văn hóa làm đẹp được đề cao.

Đáng chú ý, tự bản thân văn học cũng đã từng tạo ra những hình tượng nhân vật được nhiều độc giả nhìn nhận là có ngoại hình lí tưởng, là động cơ để họ quyết định đi phẫu thuật thẩm mĩ sao cho giống với nhân vật đó nhất, bất chấp hệ lụy khôn lường.

Báo chí từng ghi lại trường hợp Melynda Moon - một cô gái người Canada vì quá say mê bộ phim được chuyển thể từ thiên tiểu thuyết Chúa tể những chiếc nhẫn đã quyết định phẫu thuật đôi tai của mình trở nên nhọn hoắt. Và thậm chí, hiện tượng này còn xảy ra đối với cả nhiều người nam: chàng trai có tên Henry Rodri vì quá yêu thích nhân vật Red Skull trong bộ truyện tranh của Mavel đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ, sửa mũi và cấy ghép thêm những nối lồi trên trán; Richard Hernandez - cựu Phó Chủ tịch của Ngân hàng Commerical Banking (Mĩ) vì quá cuồng mộ Voldemort - một nhân vật trong bộ tiểu thuyết Harry Potter đã quyết định trải qua hơn hai mươi lần phẫu thuật để biển đổi các bộ phận trên cơ thể…

Chính điều này vô hình trung góp phần giúp ngành y học thẩm mĩ phát triển đa dạng hơn. Theo thị hiếu riêng của khách hàng, phạm vi chuẩn thẩm mĩ từ đó được mở rộng, mà có khi được “đo” từ những nhân vật trong các bộ tiểu thuyết hay truyện tranh nổi tiếng. Từ đó, các tác phẩm văn học dần trở thành đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ nói riêng và ngành y học thẩm mĩ nói chung.

Như vậy, nhìn từ mối quan hệ liên ngành, văn học và y học có nhiều sự gặp gỡ và giao thoa thú vị. Ngày nay, trên thế giới, việc nghiên cứu mối quan hệ đặc biệt này đã không còn xa lạ, nhiều vấn đề đang bỏ ngỏ rất cần được tiếp tục minh giải. Với văn học, việc định hướng nghiên cứu từ góc nhìn y học giúp giải mã và thấu thị các hình tượng nhân vật có liên quan đến bệnh tật và thân xác, đặc biệt là những chấn thương về tinh thần.

Xét thấy, không ít tác phẩm văn học Việt Nam, từ tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng đến tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hay nhiều tác phẩm của Y Ban, Võ Thị Hảo, Đoàn Minh Phượng, Dạ Ngân, Thuận, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Khắc Ngân Vy… đã sử dụng không ít diễn ngôn y khoa như một hình thức liên văn bản trong truyện kể, nhìn nhận một cách đa chiều về tâm sinh lí con người. Thiết nghĩ, góc nhìn y học hứa hẹn là hướng mở giàu tiềm năng của khoa học văn chương.

N.H.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)