. THANH HÀ
Chữ “Nhà” vốn là một biểu tượng giàu có ý nghĩa biểu cảm bậc nhất trong kho từ vựng tiếng Việt. Với nghệ sĩ Hồ Chí Minh thì các giá trị ấy còn lung linh đa dạng sắc thái hơn nhiều. Ở đây chúng tôi chỉ dám xin khuôn vấn đề vào một hai luận điểm mà thôi
Trước hết chữ “Nhà” là biểu tượng của sự làm chủ, quyền tự quyết. Chúng tôi xin nêu một ví dụ tiêu biểu. Để tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế, sự ủng hộ của các nước Đông Dương trong nhiệm vụ chống kẻ thù chung, Hồ Chí Minh phỏng theo ý của Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc (lúc bấy giờ Cămpuchia đang theo đuổi chính sách trung lập) kể một ngụ ngôn chính trị lên án, đả kích tội ác của giặc Mỹ xâm lược đã đi ngược lại chân lý thông thường, chà đạp trắng trợn quyền sống, quyền tụ do, quyền dân chủ của nhân dân Việt Nam:
“Thái tử đã nêu một ví dụ rất rõ rệt, đại ý như sau: Nước Việt Nam như là một ngôi nhà. Nhân dân Việt Nam là người chủ nhà. Giặc Mỹ là lũ ăn cướp xông vào nhà người ta. Lũ cướp tự cho chúng có quyền chiếm lấy ngôi nhà, giải quyết mọi việc trong nhà, xử trí tính mạng của những người nhà; nếu họ chống cự thì chúng khủng bố, tra tấn, giết chết họ; chúng đập phá đồ đạc trong nhà và nếu cần thì chúng đốt cả nhà lẫn người nhà. Lũ cướp tự cho cái “quyền” đó, chỉ vì chủ nhà muốn sơn nhà mình bằng màu hồng hoặc màu đỏ; cái màu sắc mà lũ cướp xâm lược không ưa.
Trước sự kiện đó, thì xuất hiện những người “từ thiện” (như Liên hợp quốc, các chính phủ hoặc các quyền lực tôn giáo, tự xưng là những sứ giả hoà bình). Họ bảo người chủ nhà bị nạn rằng: Này bạn, chúng tôi thương hại anh. Song kẻ địch của anh cũng có lòng tốt. Anh xem, họ muốn hoà bình với anh. Với lòng nhân từ, họ bàn với anh chấm dứt chiến đấu và cùng họ thương lượng cách xử trí các việc trong nhà anh. Tốt nhất là anh đồng ý cùng họ chia của cải trong nhà anh và phân phối một cách công bằng những công việc, những trách nhiệm và những quyền hạn quản lý cái nhà của anh. Anh có thể bàn bạc với họ mà không cần đến vũ lực. Anh hãy thương lượng với họ một cách êm ái đi!
Chúng tôi biết rằng anh đòi các ông ấy trước hết phải ra khỏi nhà anh. Nhưng anh phải hiểu rằng các ông ấy không thể làm theo sự yêu cầu quá đáng của anh nếu không có cái gì bảo đảm, ví dụ anh hứa sẽ không sơn nhà anh với màu đỏ và sẽ không xây dựng gia đình anh quá đoàn kết, vì các ông ấy không thích những điều đó.
Đó là một hình ảnh hầu như khó tin, nhưng là hình ảnh thật sự của vấn đề Việt Nam”[1].
Ví dụ đã làm nổi bật một nghịch lý: kẻ cướp lại có quyền bắt chủ nhà làm theo ý của chúng, thế mà, trên thế giới vẫn có người không hiểu, hoặc cố tình không hiểu dã tâm của kẻ cướp ấy!
Đồng chí Lê Trang, nguyên Vụ trưởng Vụ Liên Xô - Đông Âu Bộ Ngoại giao kể: Tháng 1-1967 Bác gặp ông Quyntania, giáo sư Pháp, H.S. Axmôrơ, giáo sư Mỹ. Trả lời câu hỏi về vấn đề thương lượng, Bác nói: muốn nói chuyện, trước hết, Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc, sau đó, hai bên sẽ thỏa thuận về ngừng bắn ở miền Nam. Chúng tôi đang sống yên lành. Mỹ đến ném bom, rồi rêu rao ra điều kiện: muốn Mỹ ngừng ném bom, thì Việt Nam dân chủ cộng hoà phải trả giá nào đó. Như thế có khác gì một tên cướp ở Sicagô xông vào nhà đánh và doạ giết chủ nhà, rồi lại bảo nếu muốn nó ra thì chủ nhà phải trả giá!”[2].
Chữ “Nhà” là biểu tượng của cải quý giá. Tháng 4-1945, trên đất Trung Quốc, Hồ Chí Minh nói với Hoàng Quốc Việt về âm mưu của tướng Trương Phát Khuê: “Không trông cậy gì chúng nó được đâu. Nó sẽ nói như sẻ nhà sẻ cửa cho ta đấy, nhưng đang chuẩn bị để nuốt tươi chúng ta. Trong nước đang có biến động lớn. Các đồng chí nên liệu thu xếp công việc về cho nhanh. Phải giữ gìn cẩn thận, các đồng chí đang ở trước miệng hùm nọc rắn cả đấy”[3]. Có lẽ không có cách diễn tả nào hay, rõ hơn về âm mưu thâm độc của giặc, miệng lưỡi thì dẻo quẹo mà bụng dạ thì hung hiểm, bằng hai thành ngữ mang tính chất đối lập trên: nói như sẻ nhà sẻ cửa (nhưng là) miệng hùm nọc rắn.
Chính vì quý dân trọng dân nên Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề dân chủ. Diễn đạt vấn đề vì gữi gìn dân chủ nên phải có chuyên chính, Người dùng biểu tượng: “Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khoá và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”[4]. Chúng tôi xin nhấn mạnh “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân” được cất giữ trong ngôi nhà nhân dân. Muốn giữ của cải phải có cái khoá, cái cửa chuyên chính. Lôgich lập luận hướng tới ý chính là phải xây dựng chuyên chính để bảo vệ dân chủ. Nói lý luận nhưng dùng biểu tượng nên dễ hiểu, thuyết phục.
Hôm nay chúng ta nói nhiều về chủ quyền biển đảo, mấy chục năm trước Bác Hồ đã căn dặn phải biết trọng dân, tin dân vì nhân dân là “người canh cửa cho Tổ quốc”: “Ở miền biển, dân quân là rất cần. Thí dụ: đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển, vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ ẩn núp ở miền biển để phá phách…Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”[5].
Ở một ví dụ khác, Bác nói chuyện “giữ nhà” để mở rộng ra chuyện “giữ nước”: “Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân...”[6]. Trong quan niệm của Bác “nhà” và ”nước” là một, đều phải giữ, giữ nước phải cẩn thận hơn, vì nước có hòa bình thì nhà mới yên ổn.
Chữ “Nhà” biểu tượng cho sự đoàn kết. Ca dao Hồ Chí Minh có khi hình thức lời là của ca dao còn nội dung là của lịch sử, thế nên có những phát ngôn của Bác mang tầm thời đại, mang tầm lịch sử, vừa là nguyên lý, là chân lý, cũng là đạo lý: “Nước Việt Nam ta là một/ Dân tộc Việt Nam ta là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”[7].
Mối tình anh em ruột thịt của đồng bào hai miền Nam Bắc chúng ta không bao giờ quên biểu tượng của Bác Hồ, vị Cha già dân tộc. Đó là khát vọng chung của cả dân tộc yêu hoà bình: “Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”[8].
Các biểu tượng văn hoá quen thuộc “cội với cành”, “ruột thịt”, “một nhà” nhưng được sử dụng đúng chỗ nên đậm đà về tình, sâu sắc về ý nghĩa. Lấy biểu tượng là ngôi nhà thân thiết với mọi người, Bác mở rộng cấu trúc để đẩy ý nghĩa xa rộng hơn: “Muốn dựng ngôi nhà tốt, thì phải xây nền cho thật vững.
Muốn cây được mạnh, lá được tươi, hoa được đẹp, quả được tốt, thì phải ra sức săn sóc, vun xới gốc cây.
Miền Bắc là cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà”[9].
Người nhắc nhở miền Bắc ngoài nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội còn là nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ thành quả chủ nghĩa xã hội: “Giữ nhà phải cảnh giác, phải có cửa, có khoá để ngăn ngừa bọn trộm cắp. Giữ nước càng phải cảnh giác để ngăn ngừa bọn đế quốc và bè lũ tay sai phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta”[10]. Bác coi cả đất nước ta như một ngôi nhà, một cây xanh, đấy không đơn giản là cách dùng ngôn từ mà còn là quan niệm về tình yêu thương ruột thịt, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau “chị ngã em nâng”, và mong muốn vào sự phát triển mãi xanh tươi của dân tộc...
Nói về sứ mệnh của miền Bắc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước Bác cũng dùng biểu tượng: “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt”[11].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “nền gốc của đại đoàn kết” là đoàn kết đại đa số nhân dân: “Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ. Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố: Nền có vững nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi. Trong chính sách đoàn kết cần phải chống hai khuynh hướng sai lầm: cô độc hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc”[12].
Bác Hồ ví các đoàn thể cách mạng như một ngôi nhà thì “cái cột” chống vững chãi của ngôi nhà đó là Đảng Cộng sản: “Nhà thì phải có cột mới vững chãi. Các đoàn thể cách mạng cũng thế, phải có cái cột của nó mới đứng vững được, nghĩa là phải có đảng lãnh đạo”[13]. Tức Đảng phải là cái cột chống vững chãi của ngôi nhà “các đoàn thể cách mạng”, rộng hơn là của đất nước. Hoặc có khi Người ví Đảng ta là một ngôi nhà thì cái nền móng của ngôi nhà đó là chi bộ: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Cho nên các cô, các chú phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ...”[14].
T.H
[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 42, 43.
[2]Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao - Nxb Chính trị Quốc gia, 1999 tr 272.
[3]Vũ Khoan (chủ biên) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 52.
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 280.
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 151.
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 121.
[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 10.
[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 187.
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 189.
[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 9, tr 602.
[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 66.
[12]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr 438.
[13]Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Thanh niên 2010, tập 1, tr 376.
[14]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 210.
VNQD