Nhà phê bình Ngô Thảo: Người hiền gom dĩ vãng

Thứ Hai, 07/09/2020 00:42

. VĂN THÀNH LÊ

1. Tôi có hơn bốn năm làm biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi thôi nghề dạy học. Tạp chí nằm gọn trong cơ quan Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh nên càng có nhiều chuyện để nhớ. Một trong số đó là, có lần xe tải của bưu chính thả xuống mấy bao tải hàng lớn, khui ra toàn sách là sách. Đồng phục bìa cứng, màu ngà, thiết kế đơn giản nhưng sang chảnh, dòng chữ “Tác phẩm văn học được Giải thưởng Nhà nước” chạy ở cả bìa trước và bìa sau, đính kèm ba chữ “Sách không bán” ở dưới mã vạch ISBN.

Nhà phê bình Ngô Thảo.

Tôi hoa mắt giữa ngổn ngang tác phẩm ưu tú chắt lọc từ đời văn của những tên tuổi văn học nước nhà. Nhưng soi kĩ lại, phần đa những sáng tác tiêu biểu nổi bật thì tôi đã đọc, nên cuốn sách đầu tiên trong loạt này tôi nhặt ra để nhăm nhe đọc không phải thể loại sáng tác, mà là nghiên cứu phê bình, của nhà phê bình Ngô Thảo. Phải tự thú là, cho đến thời điểm đó, tôi mới chỉ đọc rải rác một số bài phê bình của Ngô Thảo trên các báo, tạp chí, chứ đọc ông một cách hệ thống, với từng cuốn sách riêng, thì chưa.

Còn nhớ thời sinh viên, vớ được cuốn Nhà văn bàn về nghề văn, say sưa nghiến ngấu, tôi “âm mưu” học nghề từ những Aragon, Aitmatov, Brecht, Hemingway, Márquez, Kant, Simonov… Đến cuối sách thì bất ngờ gặp một tác giả Việt, tên Ngô Thảo. Sau này tôi mới vỡ lẽ, thì ra ông là người biên soạn cuốn sách nên viết “Thay lời cuối sách”.

 

2. Với hai tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước là Đời người, đời văn (2000) và Văn học về người lính (2001), có thể nói Ngô Thảo đã theo sát, ôm khít các trang văn thế hệ đi trước và thế hệ của ông, đặc biệt là những nhà văn mặc áo lính.

Đọc hai cuốn sách, tôi vỡ ra thêm nhiều câu chuyện văn chương, trải dài từ chống Pháp qua chống Mĩ, cùng con người của những Trần Đăng, Thôi Hữu, Thâm Tâm, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu… Ngô Thảo trở đi trở lại với những nhà văn và tác phẩm của họ, ở từng thời điểm khác nhau, để soi rọi và làm sáng lên những gì hay nhất theo góc nhìn của ông.

Khác với một số nhà nghiên cứu phê bình “hàn lâm” thường nhìn từ xa… tác phẩm, phê bình trên bề-mặt-chữ, ốp lí thuyết văn học lên văn bản, Ngô Thảo đồng hành với các nhà văn, cả trong đời sống cá nhân lẫn tác phẩm, nên văn phê bình của ông lấp lánh phơi tỏa chất đời riêng của từng tác giả cùng giá trị nghệ thuật của mỗi tác phẩm, cộng với đó là ngôn ngữ phê bình gần gụi, lôi cuốn và tươi mới, không nặng nề học thuật nhưng vẫn đầy sức nặng với những nhận định riêng, xác đáng: “Ở Nguyễn Ngọc Tấn không có cái sắc sảo trong đối thoại và phân tích tâm lí rạch ròi của Nguyễn Khải, không có cái hào hùng của Nguyên Ngọc, nhưng có ưu thế đặc biệt về giọng tâm tình: tâm tình trong đối thoại, tâm tình trong lời kể của nhân vật và cả trong phần tường thuật, tả người, tả cảnh…”; Nguyễn Minh Châu “là một người thiếu tự tin giữa những nhà văn rất tự tin, tự tin đến mức không biết cái họ viết ra là dở. Anh là người cán bộ từng trải sợ sệt thật sự trước những phát hiện, suy ngẫm của chính mình về con người, về thời thế”...

Gấp lại gần 800 trang sách, không chỉ ấn tượng với các chân dung văn học do Ngô Thảo dựng nên, tôi còn thích cái sự sòng phẳng, rõ ràng, trung thực, cái tư duy độc lập của ông: “Khi in lại, tôi không sửa chữa, bởi vì tôi nghĩ, người ta chỉ có thể sửa nắn những việc định làm, chưa làm. Người trung thực không tô điểm lại quá khứ. Nếu đọc tập sách này, đồng đội tôi ở mặt trận và bạn đọc hôm nay tìm thấy những kỉ niệm của một người buộc phải cầm súng trước khi cầm bút, lúc đất nước có chiến tranh, gặp lại những suy luận không được uyển chuyển, mềm mại, thì cả hai phía tôi đã trung thực với tôi, với các đồng đội của tôi”.

 

3. Quê hương Vĩnh Linh, Quảng Trị của nhà nghiên cứu phê bình Ngô Thảo từng được lịch sử gọi tên, thành “mặt tiền” của miền Bắc sau Hiệp định Genève 1954. Lạ kì, thời đi học tôi từng thắc mắc mảnh đất bên này sông Bến Hải ấy sao không sáp nhập về với Quảng Bình mà vẫn sừng sững đứng riêng, bật hẳn lên thành đặc khu, ngang hàng với một tỉnh, trực thuộc Trung ương? Vĩnh Linh hiên ngang với địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ, cửa Tùng, dòng sông vĩ tuyến 17, đứng vững trước 560.000 tấn bom và 727.000 quả đại bác. Vĩnh Linh bi tráng với cuộc “vạn lí trường chinh” tránh chiến tranh của 30.000 học sinh ra đất Bắc.

Nhưng Vĩnh Linh vẫn nói cười với chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Ngô Thảo sinh ra, lớn lên đúng thời điểm lịch sử này, trong một gia đình cách mạng nòi. Cha ông là một trong những người thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Vĩnh Linh năm 1930. Mẹ ông là con gái một hàn lâm học sĩ triều đình nhà Nguyễn. Mối tình của hai người từng được cụ Huỳnh Thúc Kháng cổ vũ trên báo Tiếng dân, xôn xao miền Trung vào những năm 1939- 1940.

Nhưng cha hi sinh. Rồi mẹ mất. Sáu tuổi Ngô Thảo đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bốn anh em bơ vơ, lớn lên cùng dì. Từ cấp ba Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An, Ngô Thảo thi vào khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, về Viện Văn học công tác. Nhưng nửa năm sau thì vào bộ đội. Từ 1965 - 1971, Ngô Thảo lần lượt trải qua binh nhì anh nuôi tiếp phẩm, binh nhất trinh sát pháo binh, rồi trung đội trưởng pháo binh, chính trị viên đại đội. Đánh đấm ra trò. Từ pháo binh bám biển ở Thanh Hóa đến chiến trường miền Tây Trị Thiên. Chuẩn bị xong cho chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ông được cử về Hà Nội học chính trị tại Học viện Chính trị. Nhưng học xong, chuẩn bị vào lại chiến trường thì, với “nỗ lực” chèo kéo từ phía nhà phê bình Nhị Ca, sau cuối Ngô Thảo nhận quyết định về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm biên tập viên Tổ Lí luận phê bình - Tin văn nghệ.

Mặc dù từng nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên cho thành tích học tập thời sinh viên, rồi trở thành nghiên cứu viên của Viện Văn học, nhưng sau 5 năm sống và chiến đấu ở chiến trường, khi về nhận công tác tại địa chỉ Nhà số 4, Ngô Thảo không khỏi nỗ lực hồi cố và tích nạp về chuyên môn. Được cái, ngay từ thuở ban đầu, ý thức với chữ ở Ngô Thảo đã rất rõ ràng. Trong thư gửi về cho vợ hồi mới vào bộ đội, nhắc đến bài báo được in, ông viết: “Đọc xong bài báo in anh thấy hơi thất vọng, không phải vì các bạn sửa đâu mà đó là cảm giác anh thường thấy sau mỗi lần đọc lại những bài viết của mình đăng trên báo. Anh thấy nó nghèo nàn, khô khan và ngô nghê quá”. Khi đọc đến đoạn này trong Thư chiến trường - từ nhà văn Ngô Thảo, tôi đã nghĩ, với người viết trẻ, khi thấy bài mình trên báo thì ít ai giữ được sự điềm tĩnh, tỉnh táo cần thiết như Ngô Thảo. Vậy nên, sự trưởng thành của Ngô Thảo trong nghề, từ anh phụ trách thư viện, làm tư liệu, viết bài giới thiệu hoạt động nghệ thuật của các đơn vị đến việc gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn tên tuổi, trở thành biên tập viên lành nghề, thành nhà phê bình được chú ý, rồi giữ chức Trưởng ban Lí luận phê bình của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, là cả một quá trình, nhưng không gây bất ngờ với bạn đọc và đồng nghiệp.

Ngô Thảo có 15 năm công tác ở Nhà số 4, chính là khoảng Văn nghệ Quân đội rực rỡ nhất, quy tụ nhiều tài năng với điểm rơi phong-độ-chữ tốt nhất, nhiều tác phẩm của các nhà văn tại đây làm nên sự sôi động của đời sống văn chương hậu chiến và Đổi mới. Và Ngô Thảo, cùng với Vương Trí Nhàn (đồng nghiệp cùng cơ quan) và Lại Nguyên Ân (ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới) tạo thế kiềng ba chân, như ba chàng ngự lâm trong làng nghiên cứu phê bình không gắn học hàm học vị. Đó là kết quả của việc tự đọc, tự học, lao động nghiêm túc, sẵn sàng nhảy bổ vào đời sống văn chương.

 

4. Văn nghệ Quân đội là cơ quan nhà binh mà cán bộ, biên tập viên có trần quân hàm là đại tá. Nhưng nhà phê bình Ngô Thảo mới đến thiếu tá đã buông quân phục ra dân sự. Trong xu hướng các nhà văn quân đội ra chia lửa với các cơ quan dân sự, như Vũ Cao, Xuân Sách sang Nhà xuất bản Hà Nội, Vương Trí Nhàn sang Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hữu Thỉnh sang Hội Nhà văn Việt Nam…, Ngô Thảo sang Tạp chí Sân khấu.

19 năm gắn bó với sân khấu, từ Tạp chí Sân khấu đến Phó Tổng thư kí thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu, dù xuất phát điểm là người ngoại đạo nhưng cho đến bây giờ Ngô Thảo vẫn luôn được anh em sân khấu yêu quý. Và nói như dân gian là “Ăn cây nào rào cây ấy”, Ngô Thảo cũng nghiêng bút về sân khấu với các tác phẩm Như cuộc đời (Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, 1996), Mấy vấn đề của sân khấu Việt Nam trong cơ chế thị trường (2000), Mây bay về núi (2007). Tuy nhiên, ông vẫn nặng nợ với văn chương khi liên tục ra thêm các cuốn sách Đời người, đời văn (2000), Văn học với đời sống, đời sống văn học (2000) và Văn học về người lính (2001, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam).

Đồng đội và chiến trường ám ảnh Ngô Thảo khôn nguôi. Nhật kí những năm đầu hòa mình vào cuộc sống thời bình của ông có đoạn: “Hằng ngày sống lúng túng, khổ sở, ân hận chen lẫn bực bội với mình và những người thân. Đi đâu cũng như thấy những đôi mắt đang dõi theo mình… Đó là ánh mắt dò hỏi của những người đã giúp mình trưởng thành, là đôi mắt đầy chờ đợi của những người bạn đã từng bàn luận về những ước mơ khi chung chiến hào, cùng nhau sống trong những ngày dài thiếu ăn, ốm đau, thương vong ở chiến trường. Và hơn tất cả là đôi mắt đã đứng lại của những đồng đội thân quen và không quen mình đã để lại đó đây trên những cánh rừng mênh mông của Trường Sơn và đất nước bạn Lào. (…) Tất cả trông, nhìn, chờ đợi, phán xét, theo dõi cuộc sống hằng ngày của mình, phần đời chung cũng như riêng… Những suy nghĩ miên man ấy biết chia sẻ cùng ai? Cùng ai?...”.

Phải vậy chăng mà ngoài làm việc vì mình, Ngô Thảo còn làm việc vì bạn văn nữa. Ông là người xác định con đường làm tư liệu văn chương từ khá sớm. Điển hình là với trường hợp văn chương Nguyễn Thi. Bắt đầu với Năm tháng chưa xa (sổ tay, ghi chép của Nguyễn Thi, 1985), rồi đến Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Thi, toàn tập (4 tập, sưu tầm, biên soạn, giới thiệu, 1996) - những công trình công phu, mất nhiều thời gian, tâm trí và công sức. Việc Ngô Thảo làm với bạn văn Nguyễn Thi khiến tôi nghĩ, mỗi nhà phê bình nên gắn mình với một vài tác giả nhất định, thậm chí từ khi tác giả còn trẻ. Nhà phê bình lúc này chính là bạn đồng hành, thậm chí cao hơn, là người trao áo bào cho người viết ngồi lên ngai chữ nếu thấy xứng đáng, chứ dứt khoát không phải là “người đến sau”, “theo đóm ăn tàn” như nhiều nhà văn hay khiêu chiến, khích bác.

Phải vậy chăng mà ngoài làm việc vì bạn văn, Ngô Thảo còn sống vì bạn văn nữa. Tình cảm Ngô Thảo dành cho Thu Bồn chắc hẳn trong văn giới sẽ còn nhắc nhiều. Và không chỉ với Thu Bồn, Ngô Thảo vào Nam ra Bắc, cả khi còn trẻ, khi đương chức lẫn khi đã nghỉ hưu, đến đâu cũng hết mình với bạn văn.

Phải vậy chăng mà với riêng mình, Ngô Thảo không có khái niệm nghỉ hưu. Từ ngày nhận sổ hưu ông vẫn viết đều, vẫn ra các sách Thao thức với phần đời chiến trận (2009), Dĩ vãng phía trước (2011), Thư chiến trường (2014).

 

5. Ngô Thảo về hưu, nhưng không nghỉ. Ông thành “ông cố vấn” cho Công ti BHD và Hãng phim Việt đình đám của các con. Người ta lại thấy Ngô Thảo xuất hiện trong các cuộc thẩm định, ra mắt phim, liên hoan phim. Đĩnh đạc, hiền hậu nhưng quyết liệt, trông như bá tước.

Năm 2010 Ngô Thảo cho in tuyển Tiểu luận phê bình văn học, xem như dọn đường tổng kết đời chữ của mình. Dân trong nghề vẫn hơi gai người khi thấy ai đó làm tuyển. Bất thành văn, in tuyển giống như tự khắc bia, làm mộ cho mình.

Đùng cái, năm 2011 tin nhà phê bình Ngô Thảo bị trọng bệnh loang ra khắp làng văn. Trên giường bệnh ở Singapore, trước ngày dao kéo, Ngô Thảo còn viết “Lời vào sách” cho cuốn tư liệu chuyện đời chuyện văn một thuở Dĩ vãng phía trước, như muốn nói tuyển tập đã in chỉ là nháp, vì ông vẫn còn ra sách nữa. Vậy rồi điều thần kì đến, Ngô Thảo trở về trong sự ngỡ ngàng hân hoan của người thân, bạn bè.

Sau cuộc chạm trán thần chết, năm 2012, Ngô Thảo nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội với tác phẩm Dĩ vãng phía trước. Cuốn sách cung cấp cho độc giả đương thời những tư liệu để hiểu hơn về đời sống văn nghệ, nghĩ suy về nghề cũng như cung cách sinh hoạt của các “ông lớn” trong làng văn trước đây, thêm ánh xạ để nhìn thấu triệt hơn con người và tác phẩm của các nhà văn.

Năm 2014, ba người con làm cuốn sách Thư chiến trường cho vợ chồng Ngô Thảo. Độc giả thấy hiện lên một Ngô Thảo rõ nét, đầy đủ hơn, với tuổi trẻ lãng mạn và đầy nhiệt huyết, lí tưởng.

Giờ đây, ở tuổi 80, Ngô Thảo vẫn thoắt Nam thoắt Bắc gặp gỡ bạn bè văn nghệ. Ngồi đâu ông cũng gần gũi, nồng hậu, lành hiền, ân cần. Như người anh người chú người bác. Và trẻ trung cầm iPad chụp ảnh post facebook. Và thời thượng sẵn sàng đưa thẻ cho nhân viên nhà hàng quẹt thanh toán trong các cuộc vui.

Tôi nhớ ở “Lời vào sách” trong cuốn Dĩ vãng phía trước, Ngô Thảo viết: “Thời nào, ở đâu con người cũng có những cái đẹp và không đẹp, hay và chưa hay, đáng nhớ lẫn đáng quên. Nhưng khi qua rồi, cái tốt đẹp bao giờ cũng đáng nhớ. Dĩ vãng bao giờ cũng đẹp là vậy”. Phải vậy chăng mà cả đời văn của ông chính là hành trình đi nhặt dĩ vãng, vun vén lại cho mai sau?

Nghe đâu Ngô Thảo đang chuẩn bị cho ra hai cuốn tư liệu văn học nữa, Nghiêng trong bóng chiều và Bốn nhà văn Nhà số 4 (Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn). Chắc chắn lại là một cuộc gom nhặt “dĩ vãng” cho “phía trước”, cho tương lai. Vậy nên với tôi, ông là người hiền gom dĩ vãng trong văn chương…

Sài Gòn, 3/5/2020
V.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)