Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Nghệ thuật dùng biểu tượng của Bác Hồ

Thứ Tư, 09/09/2020 09:09

. NGUYỄN HÀ THANH

Là một nhà văn hóa lớn, tất nhiên Bác Hồ mượn những biểu tượng để chuyển tải quan niệm, ý kiến, nhận định về một vấn đề nào đó. Đặc điểm biểu tượng của Bác là tính khái quát rất cao, mà dưới đây chúng tôi xin chứng minh qua nghệ thuậ Bác sử dụng biểu tượng tàu, thuyền.

Tàu, thuyền biểu tượng cho một chính thể, một đất nước: “Muốn có một hạm đội Đông Dương, thì phải có một chiếc tàu Đông Dương. Thế là người ta cho đóng “con tàu”. Rồi người ta lấy tên vị cầm lái lớn đặt tên cho cái lái lớn. Dung lượng con tàu chạy hơi nước này, khi ra khỏi xưởng, chỉ là 3.500 tấn. Mấy hôm sau, trong bài diễn văn của vị cha đỡ đầu lừng danh của nó, nó có dung lượng 6.000 tấn. Mấy tháng sau, trong bài đăng trên một tờ báo lớn thì dung lượng nó là 60.000 tấn. Phải cái là đáng lẽ phải chạy 12 nút, thì thoạt đầu nó chỉ chạy có 6 nút thôi. Bây giờ nó chết giấc.

Để tán thiên hạ, người ta dẫn nó sang chơi Trung Hoa. Vì quên không cho nó đi tàu hoả, đến Thượng Hải, cái của ấy không chịu đi nữa, nó hỏng, nó rỉ nước, nó hư súpde, nó định tự tử, nó chỉ còn là cái... nút thòng lọng. Tưởng chừng con tàu khốn khổ mắc bệnh tim la. Nhưng không hề gì, Đông Dương vẫn kiêu hãnh có hạm đội của mình và có những Xarô của mình.”[1]. Câu văn trong bản dịch: “Rồi người ta lấy tên vị cầm lái lớn đặt tên cho cái lái lớn” của Nxb Chính trị Quốc gia, lẽ ra nên được dịch sát nghĩa hơn để làm nổi lên nghệ thuật chơi chữ mỉa, mỉa mai quan Toàn quyền Anbe Xarô trong bản phiên âm. Trong tiếng Pháp, chữ gouvernail có nghĩa là bánh lái, còn gouverneur có nghĩa là người cầm lái, gouverneur cũng còn có nghĩa là toàn quyền, cho nên theo chúng tôi có thể dịch: Rồi người ta lấy tên vị toàn quyền vĩ đại đặt tên cho cái bánh lái vĩ đại (Bản dịch của Phạm Nguyễn trong Hồ Chí Minh, truyện và ký - Nxb Văn học, 1985, tr 63, dịch như sau: “Rồi người ta ghi vào tấm lái vĩ đại tên của vị Toàn quyền vĩ đại”). Dịch là đặt tên (của Nxb Chính trị Quốc gia) thì đúng với tinh thần hài hước của câu văn hơn là ghi (của Phạm Nguyễn), vì đặt tên mang nghĩa bóng rộng rãi hơn, còn ghi có khi chỉ đơn thuần mang nghĩa đen hạn hẹp. Một phép chơi chữ rất tinh tế khác là, trong bản phiên âm, noeud có nghĩa là hải lý, đơn vị chỉ độ dài trên biển, tàu chạy 12 nút là chạy 12 hải lý trong 1 giờ, còn noeud coulant lại là nút thòng lọng. Cho nên mới có câu “Vì quên không cho nó đi tàu hỏa, đến Thượng Hải, cái của ấy không chịu đi nữa, nó hỏng, nó rỉ nước, nó hư súpde, nó định tự tử, nó chỉ còn là cái... nút thòng lọng”. Văn Bác rất Pháp là như thế nên rất khó dịch.

Ngày 9-4-1925 với bút danh L.T, Nguyễn Ái Quốc có Thư trả lời ông H.(Thượng Huyền) nói rõ quan niệm của mình về phê bình văn học, về cách dùng ngôn ngữ mẹ đẻ hay ngoại lai...trong đó có tranh luận về từ “cách mệnh”, tác giả đưa ra một ngụ ngôn: “Giả thiết rằng có ba chiếc ô tô: xe thứ nhất là xe Ấn Độ, xe thứ hai là xe Ai Cập, còn xe thứ ba là xe An Nam. Hai xe đầu, bánh xe lắp vững vàng, có đủ xăng dầu, máy móc tốt, các xe ấy lại có hai hoặc ba người lái giỏi thay nhau lái xe. Còn xe thứ ba chỉ là một bộ khung (?); bánh xe lắp xộc xệch, lại thiếu xăng dầu và không có người lái; thế mà ông muốn xe thứ ba chạy theo hai xe kia đang bon bon ở phía trước. Làm sao mà xe thứ ba có thể nổ máy được?”[2]. Ngụ ngôn này toát ra một ý nghĩa: muốn làm một cuộc cách mạng thì phải có đầy đủ các yếu tố, các yếu tố ấy lại phải thống nhất trong một hệ thống, cụ thể hơn là phải có một tổ chức đảng tiên phong đủ mạnh để lãnh đạo.

Báo Nhân dân số 2740 ngày 22-9-1961 in bài Uy tín Mỹ xuống dốc nói về uy tín của Tổng thống Ken xuống dốc và kết luận “Thuyền thế nào có sào thế ấy: chủ nghĩa đế quốc suy sụp thì có kẻ đầu sỏ cũng suy sụp”[3]. Đó là quy luật.

Hồ Chí Minh chưa bao giờ là người tham công danh địa vị, và chính Người từng giáo dục cán bộ của mình phải “dĩ công vi thượng”. Chức vị Chủ tịch Nước, Người cũng coi đấy là một “phận sự”: “Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”[4].

Tàu, thuyền – Biểu tượng cho “tiền đồ tập thể”. Bác Hồ rất hay lấy hình ảnh chiếc tàu làm ngụ ngôn để nói về mối quan hệ giữa “tiền đồ cá nhân” và “tiền đồ tập thể”. Sức chinh phục từ những ngụ ngôn này là tác giả lấy những gì là quen thuộc nhất đối với người nghe. Ví dụ nói chuyện với nhân dân Hải Phòng vốn quen thuộc với những hình ảnh con tàu biển: “Sáng hôm nay, Bác có đến thăm mấy chiếc tàu của nước bạn, Bác lấy ngay đó làm ví dụ. Nếu chiếc tàu chạy nhanh thì tất cả cái gì trên tàu cũng đều nhanh, nếu tàu chạy chậm thì tất cả đều chậm cả, chiếc tàu là tiền đồ chung của cả nước, cả nhân dân, còn tiền đồ cá nhân như cái máy, hàng hoá, thuỷ thủ, v.v.. Nếu muốn tách tiền đồ của mình ra khỏi tiền đồ của nhân dân, thì chỉ có nhảy xuống bể mà bơi. Thế thì người ấy có tiền đồ không? Không! Muốn tiền đồ mình vẻ vang, nhất định vẻ vang thì phải làm cho tiền đồ của Tổ quốc, của dân tộc vẻ vang, phải gắn liền tiền đồ của mình với tiền đồ dân tộc, tiền đồ giai cấp, không thể tách riêng được”[5].

Nói chuyện với cán bộ cao cấp tại Hà Nội quen thuộc với xe lửa: “Tiền đồ cá nhân nằm trong tiền đồ tập thể. Không cố gắng làm cho tập thể sung sướng, vẻ vang thì cá nhân không thể sung sướng vẻ vang được. Ví dụ: Trong một chuyến xe lửa đang chạy (chuyến xe lửa là một tập thể), có người nghĩ rằng: “Cùng đi thế này chậm, ta nhảy xuống chạy chắc nhanh hơn”. Thế là nguy hiểm”[6].

Nói chuyện với tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục, vốn quen thuộc với những chiếc tàu điện (thời ấy): “Tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ chung của dân tộc. Nhưng có người muốn tiền đồ của mình tiến mau hơn tiền đồ của dân tộc. Trong khi kinh tế tài chính của ta có khó khăn lại muốn một mình ăn no mặc ấm. Ví dụ, ngoài đường kia có tàu điện chạy qua. Trong tàu điện có gái, trai, già, trẻ. Tàu điện đi đến đâu thì mọi người đi đến đó. Nhưng có người nói tàu điện chạy chậm quá muốn riêng mình đi cho mau, muốn nhảy ra khỏi tàu điện để chạy lên trước. Kết quả sẽ thế nào? Có thể là què chân, gãy tay. Vì vậy, không thể tách rời tiền đồ của cá nhân mình với tiền đồ của toàn dân, toàn Đảng”[7].

Người xác định nhiệm vụ riêng nằm trong nhiệm vụ chung: “Muốn tiền đồ của mình được vẻ vang thì phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ, xây dựng tiền đồ của Tổ quốc. Ví dụ như một người đang đi trên một chiếc tàu hoả, xe đang chạy nhưng người đó muốn nhanh hơn nên nhảy ra ngoài. Như thế thì sẽ ra sao? Cho nên muốn tách tiền đồ cá nhân ra khỏi tiền đồ chung là không được”[8].

Có trường hợp cả lời văn của Bác gần như là sự tập hợp của các thành ngữ: “Chúc các đồng chí đi đường, chân cứng đá mềm, thuận buồm xuôi gió”[9]. Cần biết thêm về bối cảnh câu nói này: đầu năm 1948 Chính phủ ta cử một đoàn ngoại giao đi đến một số nước để tuyên truyền về cuộc kháng chiến chống Pháp chính nghĩa. Lần đầu tiên chúng ta có một đoàn đông đi ngoại giao với tầm quan trọng như vậy, Bác dùng thành ngữ đầu chúc cả đoàn mạnh khoẻ, thành ngữ sau chúc đoàn mọi việc suôn sẻ nhưng thêm ý đoàn kết, linh hoạt (như tất cả trên một cái thuyền). Cái gốc của căn bệnh xu nịnh, a dua là vì muốn tiến thân nên bằng mọi cách lấy lòng lãnh đạo. Đây là những kẻ cơ hội nguy hiểm được Bác chỉ ra: “Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái”[10].

Bác Hồ là người Việt Nam nhất ở chỗ vận dụng tài tình nhất các thành ngữ, tục ngữ dân gian!

N.H.T


[1].Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 1, tr 164, 165.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 2, tr 163.

[3]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 132.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 4, tr 165

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 380.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 391

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 396, 397.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 8, tr 174.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 384.

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr 261.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)