Nhà văn trung úy, đồng chí ở đâu?

Thứ Năm, 10/09/2020 15:22
Nhân dịp Đại hội Chi hội Nhà văn Quân đội nhiệm kì 2020 - 2025 đang diễn ra, VNQĐ Online xin giới thiệu một số tham luận của các nhà văn áo lính, nói về việc xây dựng đội ngũ kế cận, duy trì chất lính... Dưới đây là tham luận của Thượng tá, nhà văn Đỗ Tiến Thụy - Trưởng Ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Suốt thế kỉ 20 Việt Nam phải tiến hành 4 cuộc chiến tranh. Trong hàng triệu thanh niên nhập ngũ có hàng ngàn người tiềm ẩn năng lượng văn chương. Trải qua những tháng năm cầm súng chiến đấu, đầm mình trong khói lửa đạn bom, chứng kiến bao nhiêu tình huống hùng tráng bi thương, hiện thực chiến tranh ngổn ngang đã thôi thúc họ cầm bút. Họ viết bằng nhu cầu tự thân, viết bằng cảm quan của người lính, viết về chính những trải nghiệm của mình và đồng đội.

Những người vừa cầm súng vừa cầm bút có mặt từ kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, chiến trường K và mặt trận biên giới phía Bắc. Nhiều người bị thương, có người đã anh dũng hi sinh. Nhờ gắn bó với đơn vị, với chiến trường như thế nên họ luôn giàu vốn sống. Do đó ngay cả khi xuất ngũ trở về đời thường thì họ vẫn viết từ nguồn nguyên liệu quá khứ và tình cảm của người lính. Những tác phẩm viết về chiến tranh luôn được đón nhận nồng nhiệt, bởi trong đó ôm chứa không chỉ những thông tin thẩm mĩ, mà còn là thông tin thời sự, là tri thức chiến tranh, đúng “tầm đón đợi” của độc giả. Nhờ thế một thời kì dài, văn học đề tài chiến tranh với nhân vật người lính làm trung tâm trở thành dòng chủ lưu trong nền văn học nước nhà. Và những người lính viết văn được độc giả gọi bằng một danh hiệu trìu mến “nhà văn áo lính”.

Thượng tá, nhà văn Đỗ Tiến Thụy:
"Để điểm danh đội ngũ “nhà văn áo lính” trưởng thành sau chiến tranh, thì chỉ có vài chục, tập trung chủ yếu ở các cơ quan văn nghệ, báo chí của Tổng cục Chính trị, còn ở đơn vị thì vô cùng hiếm hoi, có thể đọc từng tên: Đó là Trần Hoài, đại diện Báo Quân đội nhân dân tại miền Trung; Nguyễn Minh Đức, Trường Sĩ quan Lục quân 2; Nguyễn Minh Cường, Trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh; Nguyễn Phú, Học viện Biên phòng; Lê Mạnh Thường, Cảnh sát biển Việt Nam; Hồ Kiên Giang, Quân khu 9... Nhưng những tác giả này đều tuổi trên bốn mươi và đều mang quân hàm cấp tá. 

Đọc một cách hệ thống dòng văn học chiến tranh của Việt Nam dễ nhận thấy các tác phẩm đều tươi ròng chất sống, diện phản ánh rộng từ mặt trận tới hậu phương. Bên cạnh cảm hứng chủ đạo là cổ vũ tinh thần dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tôn vinh sự cao cả của chiến tranh chính nghĩa..., thì các “nhà văn áo lính” cũng không né tránh những vấn đề gai góc của xã hội, lên án quyết liệt cái ác, cái xấu như sự hèn nhát, phản bội trong chiến tranh, bệnh ấu trĩ máy móc, thói lưu manh cơ hội trong cuộc sống đời thường... Dù ngợi ca hay phê phán thì những tác phẩm của “nhà văn áo lính” luôn đề cao tính Chân – Thiện – Mĩ, tuân thủ tôn chỉ vì đất nước và con người Việt Nam. Bằng thế giới quan của “nhà văn áo lính”, mỗi tác giả một giọng điệu, một phong cách nhưng có nét chung là luôn giản dị mà tài hoa, chân phương mà trữ tình, khỏe khoắn mà tinh tế, lãng mạn mà chân thực, quyết liệt mà bao dung, dữ dội mà nhân ái... Tổng hòa những nét này đã tỏa nên một trường thẩm mĩ rất riêng, được độc giả gọi là “chất lính”. Và dòng văn học đề tài chiến tranh với phần lớn tác phẩm do những “nhà văn áo lính” viết đã đồng hành cũng đất nước suốt hơn nửa thế kỉ qua, giữ vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần; nhiều tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong nhà trường có vai trò tích cực trong việc định hướng thẩm mĩ và xây dựng lí tưởng sống cho thanh niên nhiều thế hệ, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm. Bước vào thời kì Đổi mới, xã hội có những biến động lớn. Văn học Việt Nam cũng đã hội nhập, nhiều trào lưu, trường phái văn chương đua nở và tâm thế của độc giả văn chương cũng thay đổi. Các đề tài văn học đã trở nên bình đẳng, cạnh tranh sòng phẳng với nhau với tư cách là các tác phẩm nghệ thuật. Và chiến tranh vẫn được coi là “siêu đề tài”, là nguồn nguyên liệu nhiều tầng vỉa vẫy gọi các nhà văn khai thác.

Thế nhưng trên thực tế số lượng tác phẩm viết về chiến tranh ngày càng thưa vắng. Nguyên nhân là các nhà văn kinh qua trận mạc đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Số lượng tác giả trẻ trên cả nước mặc dù rất đông, có thể viết rất hay ở những đề tài xã hội, nhưng với đề tài chiến tranh thì họ vẫn e dè. Đó là điều dễ hiểu, bởi theo nguyên lí sáng tạo, nhà văn chỉ có thể viết hay về cái mà mình thân thuộc. Xét theo nguyên lí ấy thì những tác giả trong quân đội sẽ có lợi thế hơn, bởi họ có điều kiện tiếp xúc, nghiên cứu tài liệu, và quan trọng hơn, là có tình cảm của người lính, yếu tố cốt tử tạo nên cảm xúc khi viết về đề tài chiến tranh.

Cũng như ở nước Nga, qua mỗi cuộc chiến tranh vệ quốc chúng ta đều có một thế hệ “nhà văn trung úy”, ghép mình vào đội ngũ “nhà văn mặc áo lính” hùng hậu của đất nước. Nhờ chủ trương đúng đắn của quân đội, nhiều tác giả trưởng thành từ mặt trận sau giải phóng và các tác giả trẻ ở các đơn vị đã được chọn lựa cử đi đào tạo chuyên ngành tại các trường Viết văn Nguyễn Du, Học viện Văn học Gorky..., trở thành những nhà văn chuyên nghiệp, có tác phẩm xuất sắc đóng góp cho văn chương đương đại; nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan văn học của đất nước. Nếu thống kê các thế hệ “nhà văn áo lính” trưởng thành từ chiến tranh chúng ta sẽ có một danh sách dài lên tới hàng trăm. Nhưng để điểm danh đội ngũ “nhà văn áo lính” trưởng thành sau chiến tranh, thì chỉ có vài chục, tập trung chủ yếu ở các cơ quan văn nghệ, báo chí của Tổng cục Chính trị, còn ở đơn vị thì vô cùng hiếm hoi, có thể đọc từng tên: Đó là Trần Hoài, đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại miền Trung; Nguyễn Minh Đức, Trường Sĩ quan Lục quân 2; Nguyễn Minh Cường, Trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh; Nguyễn Phú, Học viện Biên phòng; Lê Mạnh Thường, Cảnh sát biển Việt Nam; Hồ Kiên Giang, Quân khu 9... Nhưng những tác giả này đều tuổi trên bốn mươi và đều mang quân hàm cấp tá. Và điều đáng phải suy nghĩ là phần lớn các tác giả ở các đơn vị trong quân đội hiện nay mới chỉ xuất hiện với tư cách là tác giả của truyện ngắn, bút kí và những bài thơ nhỏ lẻ viết về nhiều đề tài khác nhau; có lẽ vì điều kiện công tác, họ chưa thể toàn tâm toàn ý để viết những tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết, trường ca về đề tài chiến tranh và người lính.

Trước thực tế đội ngũ mỏng và thưa như vậy, liệu những tác giả trẻ trong quân đội có thể tiếp nối sứ mệnh viết về chiến tranh và người lính thành công như các thế hệ tiền bối hay không? Câu hỏi này chỉ có những người làm công tác quản lí văn hóa văn nghệ có thể trả lời. Còn tôi, với tâm thế và tình cảm của một người làm công tác biên tập, tôi luôn dõi xuống các đơn vị để tìm kiếm những tác giả trẻ với câu hỏi tha thiết: “Nhà văn trung úy, đồng chí ở đâu?”

Nhà văn ĐỖ TIẾN THỤY

 

Đ.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)