. MINH NGỌC
Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến cuộc chơi ngành phim ảnh thay đổi. Các rạp chiếu phim phải đóng cửa, nhiều liên hoan phim bị hủy bỏ hoặc hoãn lại, hàng loạt bộ phim đầu tư lớn bị hoãn trình chiếu, hoạt động sản xuất phim cũng bị ngưng trệ. Nền công nghiệp điện ảnh thế giới trước những tác động ở nhiều cấp độ khác nhau đang phải xoay xở tìm kiếm những giải pháp tạm thời để chờ ngày “sóng yên gió lặng”.
“Phim hoãn chiếu” là cụm từ đáng sợ nhất với thị trường điện ảnh, vì những hậu quả đi kèm: tốn kinh phí tiếp thị, lịch trình của hàng nghìn con người phải thay đổi, tổn thất kinh phí sản xuất, nguy cơ “chen chúc” về lịch chiếu và giảm doanh thu mạnh sau khi ra rạp trở lại. Năm 2020 đã phải chứng kiến một loạt dự án bom tấn phải lùi ngày ra rạp, những cái tên như “Black widow” (Góa phụ đen), “Wonder woman 1984” (Nữ thần chiến binh 1984), “Fast & Furious 9” (Quá nhanh, quá nguy hiểm 9), “Mulan” (Hoa Mộc Lan), “No time to die” (phim phần 25 về điệp viên 007),... Đại dịch Covid-19 ước tính đang làm thị trường điện ảnh thế giới thất thu ít nhất 5 tỉ USD.
Rạp chiếu thua lỗ, phim trực tuyến lên ngôi
Vạn Đạt Film, chuỗi rạp chiếu phim hàng đầu Trung Quốc, báo lỗ 550-650 triệu nhân dân tệ (92 triệu USD) trong quý đầu năm nay, so với lợi nhuận 400 triệu nhân dân tệ quý I năm 2019. Theo Vạn Đạt Film, việc thua lỗ là do tất cả các rạp chiếu phim bị đóng cửa vì Covid-19. Trong khi đó, doanh thu quý I năm 2020 của phòng vé Mĩ giảm 23% và dự kiến giảm tới 96% trong quý II. Cổ phiếu của Cineworld Group Plc, một trong hai chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất của Mĩ, đã giảm hơn 75% trong năm nay. Các chủ rạp đồng loạt phản ánh tình trạng rạp chiếu không có doanh thu, nhưng vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng. Việc các rạp chiếu phim phải đóng cửa đã vô tình khiến một số nền tảng chiếu phim khác bất ngờ lên ngôi trong mùa dịch. Dịch vụ chiếu phim ngoài trời, một biểu tượng văn hoá Mĩ vào những năm 1950 - 1960 bỗng nhiên thu hút khách trở lại, sau một thời gian dài không chống chịu được trước sự phát triển vũ bão của tivi cũng như các rạp chiếu phim hiện đại. Nhiều rạp chiếu phim ngoài trời đã chứng kiến mức tăng doanh số lên tới 50-60%. Bên cạnh đó, các dịch vụ xem phim trực tuyến như Netflix cũng ghi nhận nhu cầu gia tăng kỉ lục. Cổ phiếu Netflix tăng 32% trong năm nay tính đến ngày 15/4, giúp tăng tài sản của nhà đồng sáng lập Reed Hastings thêm gần 1 tỉ USD lên 5,2 tỉ USD. Chiều ngày 16/4, cổ phiếu Netflix vẫn tiếp tục tăng thêm 3,5% chạm mức chưa từng có. Trên thực tế, lĩnh vực phát hành phim trực tuyến chưa bao giờ sôi động đến thế. Bộ phim Trolls World Tour trở thành một hiện tượng khi ra mắt trên nền tảng công nghệ số vì dịch bệnh Covid-19, rồi bất ngờ thu về doanh số 100 triệu USD chỉ trong vòng 3 tuần. Nếu trước đây, phim mới phải ra rạp được khoảng 3 tháng, các hãng phim mới cho ra mắt phim trên kênh trực tuyến, đĩa DVD... thì hiện nay họ đang đưa thẳng phim mới tới công chúng, để công chúng có thể xem phim tại nhà giữa bối cảnh dịch bệnh. Thành công mà Trolls World Tour đạt được có thể vĩnh viễn làm thay đổi thói quen ra rạp xem phim. Hãng Universal Pictures đã cân nhắc về việc sẽ cùng lúc cho phim mới của họ ra rạp truyền thống và ra mắt trên dịch vụ số cùng thời điểm, thay vì ưu ái ra rạp sớm hơn. Động thái của Universal Pictures đã đánh động vào mối lo âm ỉ lâu nay của các rạp chiếu về việc đánh mất thế độc tôn trong lĩnh vực phát hành phim. Hai chuỗi rạp lớn nhất tại Mĩ ngay lập tức đã ra tuyên bố sẽ không hợp tác chiếu phim nào ra mắt cùng lúc trên nền tảng số và rạp truyền thống. Dù vậy, các chuyên gia phân tích thị trường tin rằng nền tảng số vẫn chỉ là một giải pháp tình thế hoặc nếu có phát triển cũng chỉ dành cho các phim kinh phí thấp bởi dịch vụ số không thể nào đưa lại doanh thu lớn như hệ thống rạp chiếu đối với phim bom tấn. Những phim đầu tư lớn như Mulan và Black widow hay No time to die của Disney, Wonder woman 1984 của Warner Bros hay Minions của Universal... là những phim có dự báo doanh thu lên tới hơn 1 tỉ USD. Những phim này sẽ luôn ưu tiên việc ra rạp.
Nghệ thuật giữa dòng chông chênh
Ngày 6/3, việc South by Southwest, Liên hoan phim và âm nhạc thường niên được tổ chức tại bang Texas (Mĩ), thông báo huỷ sự kiện năm nay vì sự bùng phát của Covid-19 đã trở thành “sét đánh giữa trời quang” với nhiều nhà làm phim. Số phận của South by Southwest cũng là tình cảnh chung của nhiều liên hoan phim quốc tế trong mùa dịch. Giải thưởng César lần thứ 45 (ngày 28/2) bị hủy; giải thưởng Phim hàn lâm Nhật Bản lần thứ 43 (6/3) bị hủy; Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh (dự kiến vào tháng 4) hoãn vô thời hạn; Liên hoan phim Cannes 2020 sau khi lùi lại đến tháng 6 hoặc tháng 7 cuối cùng cũng thông báo huỷ. Các liên hoan phim, dù lớn hay nhỏ, đều đóng vai trò như mạch máu của ngành công nghiệp điện ảnh, là sân chơi để các nghệ sĩ mới được phô diễn tài năng và xây dựng khán giả cho sự nghiệp làm phim kéo dài. Đối với các nhà làm phim độc lập, dòng chảy liên hoan phim bị gián đoạn là một đòn giáng nặng nề không kém các nhà làm phim thương mại, dù cho tác động phần nhiều không thể thể hiện rõ ràng qua những con số. Nhưng cũng giống như dòng chảy phim thương mại, nền tảng số một lần nữa được vời đến như phương án “cứu tinh” cho những bộ phim “bơ vơ” khi liên hoan phim đóng cửa. Tính đến ngày 20/3, đã có 32 liên hoan phim khu vực đã kí “Cam kết Sinh tồn” của Liên hoan phim 2020, theo đó cho phép chiếu trực tuyến các bộ phim đáng lẽ được trình chiếu tại các liên hoan phim trong khi không ảnh hưởng đến việc các phim này được tham gia vào các liên hoan trong tương lai. Đây là giải pháp được đưa ra để duy trì cơ sở hạ tầng kinh tế của phim độc lập. Nếu không có đường để tìm được đến với khán giả và người phân phối, cơ hội cho những sản phẩm điện ảnh độc lập trong tương lai sẽ ngày càng ít hơn. Một số chuyên gia cho rằng các liên hoan phim thậm chí nên hướng tới các nền tảng trực tuyến như một giải pháp cho những bất cập của hệ thống liên hoan phim hiện nay. Trình chiếu trực tuyến có thể giúp tạo ra một sân chơi công bằng hơn, khi các nhà phân phối sẽ không buộc phải lựa chọn ngồi vào buổi trình chiếu của phim nào và bỏ phim nào. Tuy nhiên, không phải liên hoan phim nào cũng chia sẻ quan điểm trên. Các nhà tổ chức của Liên hoan phim Munich (Đức), dự kiến diễn ra từ ngày 25/6 đến 4/7, đã quyết định huỷ sự kiện năm nay thay vì trì hoãn hay chuyển sang nền tảng số. Những quan ngại được đặt ra là vấn đề bản quyền, tình trạng phim lậu, vấn đề tính toán giá cả và cách thức thu phí hay tìm đúng đối tượng khán giả cho phim độc lập. Một vấn đề quan trọng nữa là chuyện trải nghiệm. Điện ảnh là một trải nghiệm cộng đồng và liên hoan phim là nơi mọi người có thể gặp gỡ, tận hưởng môn nghệ thuật thứ bảy và thảo luận về các bộ phim. Đó là thứ không thể vận chuyển đến không gian kĩ thuật số.
Giống với các hãng phim, nhiều liên hoan phim đã tìm đến với nền tảng số như giải pháp tạm thời. Hơn 20 liên hoan phim trên khắp thế giới đã cùng nhau phát trực tuyến phim miễn phí trên youtube. Liên hoan phim We Are One: A Global Film Festival kéo dài 10 ngày từ ngày 29/5 sẽ bao gồm các nội dung được tuyển chọn bởi các liên hoan phim hàng đầu như Berlin, Cannes, Sundance, Toronto, Tribeca hay Venice. Chương trình có các cuộc thảo luận và giải trí âm nhạc cùng với các buổi giới thiệu cho các bộ phim dài, ngắn, phim tài liệu và hài kịch độc lập. Hiện chưa có thông tin chi tiết về chương trình cụ thể và ban tổ chức cũng không thông báo về việc cho ra mắt tại sự kiện này những bộ phim lớn vốn dự định trình chiếu tại các liên hoan phim trên. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng We Are One sẽ chiếu các đầu phim tuyển lựa từ những kì liên hoan trước, bên cạnh các nội dung chia sẻ kinh nghiệm làm phim. Bằng hình thức này, các liên hoan phim vẫn giữ được thương hiệu trong mắt công chúng trong thời gian khủng hoảng. We Are One sẽ không phải là sự thay thế cho các liên hoan phim truyền thống. Về lâu dài, không có sự kiện trực tuyến nào có thể thay thế lợi ích kinh tế, cũng như uy tín của các liên hoan phim, và không một liên hoan phim nào sẵn sàng đánh đổi những điều này cho một sự kiện ảo.
Một giải pháp khác là tự thay đổi cơ cấu tổ chức. Đây là giải pháp được nhiều giải thưởng điện ảnh lựa chọn. Giải Quả cầu vàng và Emmy của Mĩ đều thông báo thay đổi thời gian và hình thức gửi tác phẩm dự giải. Theo đó, giải Quả cầu vàng 2020 không còn yêu cầu các tác phẩm điện ảnh phải được trình chiếu tại các rạp và các kênh truyền hình kĩ thuật số có tính phí ở khu vực Los Angeles ít nhất 7 ngày trước khi kết thúc năm, thay vào đó các bộ phim chỉ cần có lịch phát hành dự kiến tại Los Angeles hoặc được chiếu lần đầu trên các kênh truyền hình là sẽ đủ điều kiện tham gia. Trong khi đó, giải Oscar lần thứ 93 cũng thông báo cho phép những phim phát trên các dịch vụ trực tuyến thương mại hoặc dịch vụ xem truyền hình theo yêu cầu tranh giải hạng mục Phim hay nhất mà không cần điều kiện phải được chiếu tại rạp phim thương mại liên tục trong ít nhất 7 ngày. Tuy nhiên, thông cáo của ban tổ chức cũng nhấn mạnh đây chỉ là ngoại lệ dành riêng cho mùa giải thứ 93, và sẽ huỷ bỏ ngay khi các rạp chiếu mở cửa trở lại.
Câu chuyện trong nước
Theo thống kê của báo chí trong nước, trong tháng 3/2020, doanh thu của các phòng vé Việt giảm 500 tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái. Theo thông tin từ Công ti TNHH CJ CGV Việt Nam, trong tháng 3/2020 lượng vé bán ra đạt khoảng 1 triệu vé, chỉ bằng 1/5 tổng lượng vé so với cùng kì năm trước. Hiện tại công ti này đang phải chịu các khoản chi phí cố định như tiền lương, tiền thuê mặt bằng. Công ti BHD cho biết hiện doanh thu rạp bằng không, nhưng chi phí cố định cho rạp hằng tháng vẫn ngốn cả chục tỉ đồng nên khó khăn chồng chất. Công ti cổ phần Thiên Ngân (Galaxy) cho biết vẫn phải chi 5-10 tỉ đồng một tháng để trả tiền thuê mặt bằng cho hệ thống rạp, trả lương nhân viên và nhiều chi phí khác.
Không chỉ các đơn vị phát hành phim phải “đóng băng” vì đại dịch Covid-19 mà các đơn vị sản xuất phim cũng dừng các dự án gây ra những tổn thất không hề nhỏ. Hiện nay việc sản xuất các phim cũng bị lùi hoặc hoãn vô thời hạn. Theo TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, điện ảnh là ngành không thể làm việc online mà phải ra hiện trường để thực hiện việc quay phim. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, các rạp chiếu phim của Việt Nam và các hãng phim tư nhân sẽ phá sản và đóng cửa hàng loạt dẫn đến vấn đề nghiêm trọng sau dịch là thị trường chiếu phim, phát hành phim sẽ chỉ có doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến ổn định văn hóa - xã hội và chiến lược của đất nước và bảo vệ văn hóa dân tộc... Cùng với đó, việc dời lịch chiếu khá xa (sang đầu năm 2021) của nhiều bộ phim có thể dẫn tới tình trạng thưa vắng phim Việt tại các rạp trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là khi hết dịch, phim ngoại ồ ạt trở lại rạp. Các nhà sản xuất đều cho biết 6 tháng tới phim Việt sẽ khan hiếm nghiêm trọng. Những phim Việt dự kiến ra mắt trong năm nay như Bí mật của gió, Chị Mười Ba, Trạng Tí, Lật mặt 5... dời lịch chiếu. Từ đó, phim Việt tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả, cạnh tranh doanh thu với phim nước ngoài.
Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, điện ảnh Việt Nam đang phải đối mặt với một cơn khủng hoảng chưa từng có. Nhằm tìm ra các giải pháp tình thế, mới đây Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, có thêm các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh rạp chiếu phim, sản xuất và phát hành phim. Trong khi đó, các nhà làm phim Việt Nam hầu hết đều duy trì tâm thế lạc quan “vượt bão”. Nhiều người cho rằng đây cũng là dịp để hoàn thiện kịch bản cho những dự án đang phải tạm dừng, trau chuốt hậu kì, nâng cao chất lượng cho những bộ phim đã hoàn thành phần ghi hình. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng nhận định, thời gian này là dịp để các nhà làm phim đẩy mạnh việc phát hành trên các nền tảng trực tuyến. Bởi theo đạo diễn, khi xu hướng, nhu cầu và cách thức giải trí của khán giả thay đổi (trong đại dịch), các nhà sản xuất, phát hành cũng cần thay đổi tư duy, cách thức làm việc để tiếp cận khán giả, tạo nguồn thu để vượt qua giai đo.ạn khó khăn gây nên bởi Covid-19.
M.N
VNQD