Một vài motif trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Thứ Hai, 28/09/2020 00:56

. NGUYỄN THỊ ÁI THOA

Trong tự sự dân gian, motif là đơn vị tham gia cấu tạo cốt truyện, được hình thành ổn định, bền vững, xuất hiện lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm như một ấn tượng nghệ thuật, nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó. Mỗi motif thường ẩn chứa nhiều lớp văn hóa gắn với những thời đại lịch sử khác nhau. Vào thế kỉ XIX, người đầu tiên sử dụng khái niệm motif là nhà nghiên cứu người Nga A.N.Veselovsky - đại diện của trường phái thi pháp học lịch sử trong nghiên cứu folklore học.

Trong Thi pháp học lịch sử, Veselovsky khẳng định, motif là yếu tố cố định và luôn có trước cốt truyện, nằm trong cốt truyện và tạo nên cốt truyện bằng cách kết hợp với nhau. Đây được xem là phát hiện quan trọng khi nghiên cứu về bản chất của motif. Nhà nghiên cứu folklore người Nga E.M.Meletinsky trong công trình Nhân vật truyện cổ tích thần kì - nguồn gốc hình tượng đã đề nghị coi motif là hạt nhân của hành động và chia motif thành hai loại: motif cổ xưa và motif sinh hoạt xã hội, trong đó “các motif cổ xưa là cái cốt lõi còn các motif sinh hoạt thì thường làm thành đường viền, cái khung của cốt truyện”(1).

Soi chiếu vào trong các tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay có sử dụng yếu tố huyền thoại, chúng ta nhận thấy có sự hiện diện xuyên suốt và dày đặc các kiểu motif cổ xưa vốn quen thuộc trong văn học dân gian, tiêu biểu như motif tái sinh, motif giấc mơ…

Motif tái sinh

Motif tái sinh trong tiểu thuyết đương đại thể hiện quan niệm về sự luân hồi của con người. Người chết được đầu thai ở những kiếp sau hoặc nhân vật có thể chết đi rồi sống lại. Xây dựng hai kiếp người với hai số phận khác nhau, Hồ Anh Thái mang đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị về cuộc đời của nhân vật qua những thăng trầm, biến cố đầy đau thương nhưng kì diệu trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi.

Nhân vật Savitri trải qua hai kiếp sống: tiền kiếp là công chúa Savitri, hậu kiếp là hướng dẫn viên du lịch, cựu nữ thần đồng trinh Kumari. Hai kiếp sống là hai con người, hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu ở tiền kiếp, công chúa Savitri có tính cách mạnh mẽ, phần nào nổi loạn và nuông chiều khát vọng tự do, phóng khoáng trong tình yêu thì ở hậu kiếp, cựu Kumari lại là người sống nguyên tắc, chuẩn mực. Nếu Savitri của kiếp trước luôn khao khát đàn ông, có nhiều mối tình thì cựu Kumari vẫn còn và mãi là trinh nữ.

Việc tồn tại hai kiếp của nhân vật Savitri cho thấy Hồ Anh Thái muốn mang đến những gam màu tươi mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật huyền thoại. Qua ngòi bút của Hồ Anh Thái, nhân vật Savitri vừa có những nét tính cách khác thường, vừa chân thực, sinh động, vừa phủ mờ khói sương huyền thoại. Điều đọng lại trong lòng độc giả có lẽ là niềm tin về thuyết luân hồi, và đặc biệt, ở cả hai kiếp, nàng đều dành cho Đức Phật một tình yêu thành kính, thiết tha.

Tiếp nhận từ cốt truyện về nhân vật Từ Đạo Hạnh trong dân gian như Sự tích Thánh Láng hay trong chính sử như Thiền uyển tập anh, tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo đã sử dụng motif tái sinh khi xây dựng nhân vật Từ Lộ. Tiền kiếp là nhà sư Từ Đạo Hạnh với những trầm luân, khổ ải trong cuộc đời. Hậu kiếp là vua Lý Thần Tông sống trong quyền lực và nhung lụa.

Tiểu thuyết Người sông Mê của Châu Diên cũng có motif tái sinh, với nhiều yếu tố, tình tiết làm khó người đọc bởi nó không tuân theo một trật tự, logic nào của tư duy. Độc giả có cảm tưởng như mình đang lạc lối vào mê cung nào đó, hun hút, tối mù và hỗn độn. Trong mê cung ấy, hai kiếp sống của Hương - Hoa không ngừng luân chuyển, hoán đổi cho nhau.

Không phải lúc nào, sự chuyển kiếp, đầu thai cũng được tác giả xây dựng thành một câu chuyện hoàn chỉnh mà đôi khi nó gắn liền với những ám dụ, với những tình tiết mang sắc màu huyền bí, không rõ ràng, không chắc chắn, gieo vào lòng người đọc sự lưỡng lự và hoài nghi. Trong tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương, nhân vật “ông” dường như chính là hóa thân của Hải. Điều đó thể hiện qua những chi tiết nói về bi kịch đứa em gái trùng khớp với cuộc đời Loan: học năm cuối ở một trường sư phạm trên thị xã, là đứa em gái duy nhất lại chửa hoang, sống bê tha, trụy lạc.

Tuy nhiên, khi Lình - cô gái có khả năng tiên tri lại quả quyết rằng cô đã nhìn thấy “một người đàn ông giống ông Trình như đúc ngồi trên xe với hai thanh niên trông rất lạ”, “nhìn thấy được những suy nghĩ mà một người nào đó rất giống ông Trình đang nghĩ”(2) thì người đọc hoài nghi rằng đó chính xác phải là hóa thân của ông Trình. Hoàn trong Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương) lúc nằm trên giường bệnh còn gặp lại cả tiền kiếp của mình - một đứa bé gái. Khẩn trong Ngồi (Nguyễn Bình Phương) một lần lên Yên Tử cũng lờ mờ nhìn thấy kiếp trước của mình mang bóng dáng của một nhà sư. Tất cả những chi tiết đó đều mang đậm nỗi băn khoăn, ám ảnh của con người về tiền kiếp của mình với ước muốn được tìm hiểu, khám phá.

Tiếp nhận motif người hóa thân thành con vật, cây cối, vật thể… trong các tác phẩm văn học dân gian như Sự tích trầu cau, Sự tích đá Vọng phu, Nguyễn Bình Phương cũng xây dựng nhiều cuộc hóa thân đầy bí ẩn trong tiểu thuyết của mình. Có thể kể đến lần hóa thân thành cây của lão Hạng, hay sau khi chết người mọc đầy lông tóc của lão Biền trong Những đứa trẻ chết già.

Lão Hạng là một người đàn ông nghèo, ít nói, tốt bụng và đặc biệt mê cây. Khi chết, lão hóa thân thành cây: “Lão Hạng mỉm cười rì rào. Hai tay lão mọc đầy lá xà cừ. Tóc lão xanh um”(3). Cũng trong hồi ức của “ông”, cái chết của lão Biền “hiện lên cũng vô cùng kì dị, nhưng mang một sắc thái, bản chất hoàn toàn khác: Người lão đầy lông… Chôn lão xong, mộ lão mọc lên một loại cây đen và nhỏ…”(4).

Trong quan niệm của người xưa, lông tóc là cái gì đó xui xẻo, không hay, dùng để yểm bùa, ám hại lẫn nhau. Phải chăng, việc mọc lông tóc đã phanh phui tội lỗi tham lam của lão. Cái chết của lão như một báo ứng. Đặt trong thế đối sánh với lão Hạng, ta sẽ thấy lão Hạng tốt bụng đã được hóa thân thành thứ mà lão muốn, thành cây. Cây cũng là một biểu tượng của dân gian, được xem như tiềm tàng sự sống, sự tái sinh.

Dân gian cho rằng con người ta sống sao thì chết đi, hay tái sinh ở kiếp sau vẫn giữ được những nét phẩm chất cố hữu của mình nên cái cây “lão Hạng” mới “cười rì rào”, vẻ điềm đạm, mãn nguyện trong khi bụi cỏ “lão Biền” thì lại dữ dằn như gương sáng, như lưỡi dao phay chém vào bầu trời vô tận.

Bên cạnh hiện tượng hóa thân thành cây, nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương chết đi còn hóa thân thành đá. Thủy trong Bả giời đã hóa đá sau mối tình loạn luân với chính người anh cùng cha khác mẹ của mình. Như vậy chức năng của motif hóa trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không chỉ thể hiện quan niệm luân hồi mà còn là phương thức để hóa giải bi kịch.

Ngoài ra, tái sinh còn được hiểu là chết đi rồi sống lại ngay trong kiếp sống hiện tại của con người. Trong tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra của Hồ Anh Thái, chàng trai tên Tân sau khi bị điện giật trong lúc khu tập thể nơi cậu ở bị sụt vỡ đã bất tỉnh suốt hai tháng. Trong thời gian đó, tâm tưởng của Tân lạc vào một miền sương màu hồng huyền ảo và cậu bị đưa ngược trở lại trước đó hai mươi năm, từ năm 1987 lùi trở về năm 1967.

Câu chuyện gợi nhớ ở người đọc việc Từ Thức gặp tiên rồi quay về quê cũ, có khác chăng là Tân ngược về quá khứ hai mươi năm, còn Từ Thức trở về khi thời gian đã trôi qua hai trăm năm. Và khi Tân trở về với thực tại, cậu bước lên con tàu tương lai. Nhận định về việc sử dụng các yếu tố huyền thoại, kì ảo trong tiểu thuyết này, nhà nghiên cứu Jennifer Eagleton cho rằng “Hiện thực đã chìm đi trong huyền thoại chiến tranh, được thế hệ hậu thuộc địa, hậu chiến ghi nhớ vĩnh viễn ở mức độ cao hơn là những người thực sự nếm trải… Sự tái tạo của huyền thoại này đã thành công với sự giản dị, trong sáng của ngôn ngữ và của cả yếu tố kì lạ”(5).

Có thể thấy, motif tái sinh được các nhà văn đương đại sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện tiểu thuyết. Motif này thể hiện niềm tin về sự đầu thai - hóa kiếp hoặc quay ngược thời gian để khám phá và nhận thức lại quá khứ. Bên cạnh việc bảo lưu những giá trị như trong huyền thoại cổ xưa, khi đi vào tác phẩm, motif này cũng được các nhà văn khoác lên những màu áo mới, hiện đại và tinh tế.

Motif giấc mơ

Từ thuở hồng hoang, giấc mơ đi vào tâm thức của người nguyên thủy gắn với ý niệm về linh hồn như nhận định của E. Tylor trong Văn hóa nguyên thủy. Đến đầu thế kỷ XX, khi phân tâm học ra đời, Freud cho rằng, “giấc mơ trọn vẹn là sự thay thế của một biến cố vô thức bằng một biến cố đã biến dạng. Giải mộng tức là khám phá ra vô thức này”(6). Trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, giấc mơ xuất hiện với nhiều dạng thức và ý nghĩa khác nhau. Bên cạnh những giá trị kế thừa từ văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, motif giấc mơ còn gắn liền với việc khắc họa đời sống nội tâm của nhân vật và làm thay đổi đáng kể phương thức trần thuật của nhà văn.

Trước hết, giấc mơ gắn với chức năng tiên tri, dự cảm về định mệnh con người. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, giấc mơ xuất hiện thường xuyên với chức năng của điềm báo. Các nhân vật đều có những giấc mơ mang ý nghĩa của điềm báo như giấc mơ về cái chết của bà nội Nhung của Khẩn (Ngồi), giấc mơ về cái chết của bản thân của Chí (Những đứa trẻ chết già).

Không chỉ đóng vai trò như điềm báo, dự cảm, tiên tri, giấc mơ còn là phương thức để nhân vật hóa giải những bi kịch. Trong Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, những giấc mơ đã giúp Mai Trừng tìm được mộ cha mẹ để cầu xin họ hóa giải lời nguyền, giúp mình trở lại là một người bình thường.

Giấc mơ còn là nơi để nhà văn thể hiện, khắc họa những ham muốn, những khát khao ân ái trong đời sống tâm lí nhân vật. Sống giữa chiến trường khốc liệt, khi nhân tính và nhân dạng bị chiến tranh hủy hoại đến tận cùng thì trong giấc mơ của Kiên (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh) vẫn không nguôi thương nhớ những phút giây đắm say bên Phương. Nàng công chúa Savitri (Đức Phật, nàng Savitri và tôi) cũng trải qua những ám ảnh về ham muốn thể xác với nhiều người tình qua giấc mơ.

Bên cạnh đó, giấc mơ còn là nơi để các nhà văn thể hiện một cách sinh động thế giới nội tâm của nhân vật. Trong Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, giấc mơ xuất hiện khá nhiều lần. Giấc mơ góp phần giải tỏa những trăn trở, đau xót và day dứt của Hồ Quý Ly, thể hiện những diễn biến sôi động trong thế giới nội tâm của nhân vật. Quý Ly gặp lại Nghệ hoàng trong mơ, nhắc lại những ân tình mà nhà Trần đã dành cho ông, đồng thời cũng giải thích cho những hành động của mình.

Chi tiết này cho thấy một tính cách khác của Hồ Quý Ly: Ông không phải là kẻ bạc bẽo, phản nghịch mà là người có lòng tri ân và giàu trắc ẩn. Ông thấu hiểu hết những tâm tư, đau đớn của người đứng đầu vương triều trước tình cảnh suy vong, nhưng vì đại cuộc, Hồ Quý Ly chấp nhận dấn thân và hứng chịu sự chỉ trích, lên án của người đời. Bên cạnh việc sám hối về những lỗi lầm, Hồ Quý Ly còn luôn đau đáu vì không nhận được sự ủng hộ của dân chúng, đặc biệt là tầng lớp kẻ sĩ. Chính vì vậy, “giấc mộng kẻ bôi vôi mặt” là chi tiết phát lộ những trăn trở trong tâm thức nhân vật.

Giấc mơ còn xuất hiện dày đặc trong Tàn đen đốm đỏ của Phạm Ngọc Tiến hay Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng. Mang mặc cảm về tội lỗi đã bỏ rơi Phương tại hang dơi, Vịnh phải lẩn trốn, giấu giếm thân phận trong suốt hai mươi năm. Và cũng ngần ấy thời gian, Vịnh đối diện với sự giày vò của lương tâm. Vịnh thường xuyên có những giấc mơ ám ảnh, kinh hoàng về chiến tranh, về những hi sinh, mất mát và đặc biệt là nỗi ê chề của một kẻ đào ngũ, phản bội chính đồng đội của mình.

Ở tiểu thuyết Mưa ở kiếp sau, Đoàn Minh Phượng đã tạo ra hai thế giới luôn song hành xoay quanh cuộc sống của cô gái tên Mai: thế giới hiện thực và thế giới cõi mộng. Trong những giấc mơ của Mai luôn xuất hiện Chi, người em gái đã mất của cô. Cuộc gặp gỡ của cả hai luôn bắt đầu từ những cuộc tranh luận và kết thúc là cảm giác sợ hãi, bất an của Mai. Chi luôn muốn Mai làm theo ý mình để trả thù người cha táng tận lương tâm. Với Mai, những giấc mơ về Chi là sự ám ảnh khôn nguôi về bi kịch, nỗi đau của đời mình. Chi và Mai, cả hai dường như là một. Chi chính là bản thể của Mai, một con người khác của Mai, lạnh lùng và tàn nhẫn. Khi tấm lòng thiện lương chiến thắng trong Mai thì cũng là lúc Chi bỏ cô ra đi mãi mãi, mang theo cả những giấc mơ của cô, “Đêm của tôi thanh bình, vắng ngắt, tôi hiểu rằng Chi đã đi rồi”(7).

Những motif kể trên đã gợi lên ở người đọc những cảm xúc mới mẻ về hiện thực vốn nghiệt ngã và đa chiều. Sự mới mẻ này đến từ việc hòa quyện giữa những motif trong truyện kể dân gian với tự sự hiện đại. Đó không chỉ đơn thuần là quá trình xâm nhập, tái sinh mà còn là sự hòa kết giữa hai cõi thiêng và phàm, ảo và thực, quá khứ và hiện tại…

Đây cũng chính là biểu hiện cụ thể nhất, sinh động nhất của tính liên văn bản - một trong những đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết đương đại. Cũng vì lẽ đó, phương thức trần thuật trở nên cuốn hút và trí tưởng tượng, khả năng liên tưởng, tiếp nhận của người đọc cũng trở nên giàu có và đa dạng. Qua đó, những mạch nguồn văn hóa tiềm ẩn trong nền văn học dân tộc được khơi dòng, được khám phá ở một tầng bậc mới, sâu sắc và nhuần nhị hơn

N.T.A.T

---------

1. La Mai Thi Gia (2015), Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian - lý thuyết và ứng dụng, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.74 -75.

2, 3, 4. Nguyễn Bình Phương (2013), Những đứa trẻ chết già, Nxb Trẻ (tái bản), Thành phố Hồ Chí Minh, tr.194, 47, 100.

5. Hồ Anh Thái (2015), Trong sương hồng hiện ra, Nxb Trẻ (tái bản), tr.200.

6. Thụy Khuê (2017), Phê bình văn học thế kỷ XX, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.94.

7. Đoàn Minh Phượng (2007), Mưa ở kiếp sau, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.267.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)