Ngôn ngữ Hồ Chí Minh trong bối cảnh văn hóa Đông Á

Thứ Năm, 01/10/2020 11:23

.HẢI THANH

Bài viết chứng minh Bác Hồ sử dụng ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á, châu Á vào mục đích đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đi trước thời đại, soi đường cho văn hóa các dân tộc tiếp bước dưới ánh sáng của tình yêu thương, hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Cả cuộc đời và mục đích cháy bỏng của Người không chỉ là độc lập, tự do cho Tổ quốc mình, hạnh phúc cho đồng bào mình mà còn cho toàn nhân loại, cho mọi dân tộc trên trái đất này. Bác Hồ dùng ngôn ngữ vào mục đích thể hiện tình cảm, tuyên truyền kêu gọi đoàn kết. Ngôn ngữ cũng là sứ giả trung thành nhất trong việc thể hiện tình cảm đối ngoại chân thành, trong sáng.

1. Mục đích của Bác Hồ, xét đến cùng là mong muốn đưa cả dân tộc Việt Nam ta tới đài vinh quang của tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Thế nên Người rất quan tâm tới trẻ em, gửi bao kỳ vọng vào thế hệ trẻ: “Vở này ta tặng cháu yêu ta/Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là/ Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau cháu giúp nước non nhà (Tặng cháu Nông Thị Trưng). Tháng 8 năm 1945 Uỷ ban cách mạng họp ở Tân Trào, nhìn thấy các em nhỏ xanh xao ốm yếu, Người nghẹn ngào nói với các vị đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc”(Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 358). Trong kháng chiến chống Pháp, với cương vị Tổng chỉ huy phải lo nghĩ những việc to lớn nhất nhưng Người vẫn quan tâm đến đồng bào từ những việc thật cụ thể, từ cái nhỏ nhặt nhất. Nhưng chính từ cái nhỏ nhặt ấy mà ý nghĩa lại càng lớn. Ngày 15-1-1948 Người gửi thư cho ông Đinh Công Phủ, người Mường, lang đạo vùng Mai Đà (Mai Sơn, Đà Bắc, Hoà Bình): “Tôi gửi biếu Cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm, cũng như tôi mặc ấm” (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 4, tr 149). Thứ ngôn ngữ chinh phục lòng người nhất luôn là ngôn ngữ chân thành nhất. Thì lời thư này là tiêu biểu, không còn ranh giới giữa vị Chủ tịch Nước và người dân thường, bởi Bác Hồ đã coi cái ấm lạnh của dân cũng là cái ấm lạnh của mình.

Giấc ngủ mười năm được Bác Hồ viết năm 1949 ký tên Trần Lực, được Tổng bộ Việt Minh xuất bản tại Việt Bắc cùng năm đó. Đây là một tác phẩm văn học lớn, biểu hiện ngay chỉ ở một khía cạnh: Khát vọng nhân văn cháy bỏng về giải phóng phụ nữ. Câu chuyện được viết theo bút pháp - mà các nhà phê bình văn học gọi là "bút pháp huyền thoại", bút pháp giả tưởng”... đã thể hiện một niềm tin chắc chắn, một niềm lạc quan phơi phới về sự tất thắng của cuộc kháng chiến, về một tiền đồ tươi sáng của đất nước ta sẽ "tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới". Đứng trên quan điểm lịch sử, đặt câu chuyện vào thời điểm năm 1949 chúng ta càng thấy giá trị, ý nghĩa cũng như tính dự báo thiên tài của tác phẩm. Đây là lời kể của "tôi" - Nông Văn Minh, người Nùng Cao Bằng, từ một kẻ đi ở phấn đấu trưởng thành là một anh Vệ quốc quân đã trực tiếp chứng kiến những tội ác của giặc Pháp nay nhớ lại và viết ra. Lời kể này có ba cấp "bảo hiểm" cho nội dung kể: một là, lời của ”tôi” luôn mang đậm yếu tố chủ quan, "tôi" chịu trách nhiệm về lời kể của mình nên lời kể có xu hướng rất thật; hai là, người dân tộc như "tôi" thì không biết nói dối, nói sai sự thật; ba là, "tôi" - một Vệ quốc quân đã tham gia đánh giặc, đã từng giáp mặt kẻ thù nên hiểu thấu lòng lang dạ thú của chúng. Từ những sự kiện này đã toát ra một hạt nhân tư tưởng của tác phẩm: muốn giải phóng con người phải giải phóng đất nước, muốn con người tự do thì đất nước phải được tự do.Giải phóng con người là đem lại cho họ một cuộc sống mới như “thị Xuân” vốn trước kia chỉ là vợ "thằng đi ở chăn trâu" nay là Chủ tịch xã; “thị Đào”, trước kia là con kẻ làm thuê nay đang tập làm bác sĩ.

Yêu nước, thương người luôn thường trực trong con người Hồ Chí Minh, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. Người vẫn coi đồng bào các dân tộc thiểu số là bà con anh em ruột thịt. Ngày 20-2-1961 Người về thăm Pác Bó, xe dừng bánh, đồng bào ùa ra xúm xít, Người hỏi:

  • Bà con làm gì mà đông thế này?
  • Đón Bác ạ! Năm mới chúc Bác mạnh khoẻ ạ!

Người lần lượt nhìn mọi người rồi nói:

Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi!”(Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2008, Tập 8, tr 31).

Chỉ một câu nói mà toát ra cả một tư tưởng lớn: cả đất nước này là ngôi nhà, mọi người dân Việt Nam là anh em sống trong ngôi nhà ấy.

2. Bác Hồ nhiều lần gửi thư thăm hỏi động viên tới đồng bào các dân tộc Ngày 19-4-1946 Hồ Chí Minh có Thư gửi đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây Cu, có đoạn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hayBa Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruộtthịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...

Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để

mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 4, tr 217).

Ông Trần Viết Hoàn nguyên Giám đốc Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn giữ bút tích của Bác Hồ trong một lần Người về thăm Cao Bằng: “Chúc đồng bào pi mư đạy lai”, có nghĩa là: Chúc đồng bào năm mới nhiều tốt đẹp, và kèm theo mấy dòng tiếng phổ thông: “Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng” (Theo Hoàng Quảng Uyên - Báo Công an nhân dân, số 2140, ngày 6/6/2011). Đáng lưu ý trong lời văn Người vẫn dùng hai chữ “đồng bào” theo chữ viết tiếng Việt vì nó đã phổ thông quen thuộc với bà con, nghĩa của nó lại chứa đựng ý nghĩa về tinh thần đoàn kết keo sơn của các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam.

Hai nét nổi bật trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh là tình thương yêu con người và sự đoàn kết dân tộc. Không ngẫu nhiên những câu ca dao ngụ ngôn "Một cây làm chẳng nên non/ Nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao", “sẻ áo nhường cơm”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”… rất hay được Người sử dụng. Khi nói về đoàn kết, nhất là nói với đồng bào dân tộc thiểu số Bác Hồ rất hay dùng ngụ ngôn. Người thường mượn hình ảnh sông, núi để khẳng định ý chí đoàn kết không gì lay chuyển của người dân Việt Nam, và nhất là hình ảnh bàn tay:

“Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 4, tr 246).

Ngụ ngôn về hình tượng bàn tay có sức chinh phục rất mạnh vì nó quen thuộc, gần gũi, đặc biệt sự so sánh dựa trên cơ sở tương đồng cao tạo nên giá trị biểu cảm lớn. Tháng 9-1958 về thăm tỉnh miền núi Yên Bái, Người nói: “Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996, tập 9, tr 226).

Giữa tháng 5- 1959 lên thăm nhân dân Sơn La, Người có một ngụ ngôn quen thuộc với đồng bào miền núi:

“Bây giờ chúng ta, tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mán, Xá, Puộc, v.v. đều là anh em ruột thịt một nhà chứ không phải Kinh ăn hiếp Thái, Thái ăn hiếp Xá, Puộc như trước nữa. Cũng ví như một bó que, đây là đồng bào Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường. Từng cái một có thể bẻ gãy. Bây giờ đoàn kết lại thế này có ai bẻ gãy được không? Chẳng những không ai bẻ gãy được, mà ai bẻ chúng ta đánh vào cái đầu nó. Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay này.

Cán bộ, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay thế này. Nếu mà Tây, Mỹ muốn xâm phạm nước ta, ta sẽ đánh vào đầu nó” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 9, tr 443)..

Bác Hồ hay dùng ngụ ngôn để nói với đồng bào vì Bác hiểu và Bác thực sự đã là người của đồng bào, như sống cùng trong một mái nhà để sẻ chia những buồn vui tâm tư của đồng bào!

Đó là tấm lòng thủy chung trước sau như một. Ngày 20-3-1946 Bác Hồ có Thư gửi đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông. Lời thư thân thiết, ân tình, chân tình như người trong một nhà đi xa có thư gửi về thăm gia đình:

“Cùng đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông,

Gần đây các đồng bào các giới phụ lão, nam nữ, thanh niên, nhi đồng và đồng bào Kinh, Thổ, Nùng, Mán, Mèo, v.v. có gửi thư hỏi thăm tôi và tỏ lòng thân ái. Vì tôi nhiều việc, không thể trả lời riêng cho mỗi một đoàn thể hay mỗi một đồng bào, vậy tôi xin cảm ơn chung tất cả. Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào nhưng không bao giờ tôi quên các đồng bào. Tôi luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng tôi ở thượng du. Tôi luôn luôn nhớ đến tình thân mật mà các đồng bào đối với tôi trong những lúc chúng ta gặp gỡ nhau.

Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt.

Vậy xin các đồng bào nhận lời cảm ơn và lời chào thân ái của tôi” (Báo Cứu quốc, số 192, ngày 20-3-1946) (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 4, tr 210).

3. Ngày 9-12-1961 Bác về Nghệ An và có cuộc nói chuyện với cán bộ và học sinh trường sư phạm miền núi Nghệ An. Bác hỏi: “Ở đây có mấy dân tộc? Sao mà lại mặc theo người Kinh cả? - Các cháu Thổ đâu? Mặc sao giống người Kinh?”. Rồi Người hỏi đến các cháu người Thái, Thanh đâu, Tày Mười, Đan Lai, Lào. Hỏi đến các cháu Tày Hãy, thấy chỉ có một cháu, Người nhắc “Sao lại không có cháu gái? Lần sau phải có cháu gái”. Người quan tâm đến ngôn ngữ: “- Các cháu nói chuyện với nhau được không? Nói chuyện với nhau bằng tiếng gì?” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 10, tr 460).

Chúng ta chú ý thấy Bác hỏi cũng là sự nhắc nhở: “Sao mà lại mặc theo người Kinh cả?”, “Mặc sao giống người Kinh?”, nghĩa là Bác mong muốn học sinh dân tộc nào phải giữ gìn phong tục dân tộc đó, tức mỗi dân tộc phải giữu gìn bản sắc dân tộc đó, không được hòa tan, làm mất.

Câu chuyện sau cho thấy Bác Hồ rất tôn trọng, coi trọng “tính chất của dân tộc”:

“Mùa thu năm 1964, chị Choáng Kring Thêm - chiến sỹ người dân tộc Cà Tu, tham gia đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được ra miền Bắc, gặp Bác Hồ. Chị Thêm kể: “Đoàn chúng tôi vừa bước xuống xe thì đã thấy Bác đứng chờ ngay ngoài sân. Bác ôm hôn thắm thiết các thành viên trong đoàn. Chúng tôi theo Bác đến dãy bàn tiếp khách kê ngay ngoài vườn đầy hoa và nắng. Thấy tôi mặc bộ quần áo dân tộc, Bác nói:

- Cháu đúng là con gái dân tộc Cà Tu giữ được tính chất của dân tộc mình” (Ban Tuyên giáoTrung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 315).

Một trong những điều Bác căn dặn là cán bộ phải biết tiếng dân tộc: “Nước ta có nhiều dân tộc, đấy là điểm tốt. Mỗi dân tộc có một tiếng nói riêng, có khi hai dân tộc một tiếng nói. Cán bộ đi làm việc chỗ nào, phải học tiếng ở đấy. Ví dụ các chú đi tuyên truyền ở nơi đồng bào Mèo, mà phải có một người phiên dịch thì không ăn thua. Bởi vì người phiên dịch ấy chưa chắc đã phiên dịch hết ý của chú, có phiên dịch lại sai đi nữa là khác. Cứ làm như thế cũng không gây được tình cảm thân thiết giữa cán bộ với quần chúng. Bác cho rằng học tiếng của các dân tộc không khó lắm đâu. Học làm thơ, làm ca mới khó, chứ học tiếng dân tộc để nói chuyện cho đồng bào hiểu, để hoà mình với đồng bào thì không khó đâu...” (Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, nói ngày 31-8-1963, báo Nhân dân, số 3453, ngày 11-9-1963) (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2004, tập 11, tr 137, 138).

4. Theo chúng tôi tìm hiểu thì Bác Hồ thành thạo 12 ngôn ngữ chính trên thế giới (có tài liệu nói Bác biết 29 thứ tiếng) nhưng ở khu vực Đông Nam Á, Bác nói được nhiều thứ tiếng như Thái, Tày, Nùng, Hmông...Nhiều người ngạc nhiên năm 1962 lần đầu Bác lên Sơn La mà lại nói được tiếng Thái. Thực ra Bác học tiếng Thái từ hồi ở Thái Lan.

Trong bài Kiều bào ta ở Thái lan luôn luôn hướng về Tổ quốc có câu: “Bác cũng phát nương làm xuốn như các anh em khác” (Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd Tập 10, tr 24). “Xuốn”, âm tiếng Xiêm có nghĩa là vườn.

Lời chào mừng trong buổi đón tiếp vua Lào Xri Xavang Vátthana ở cuối bài có câu: “Việt - Lào Xamăckhi mặnnhưn”, có nghĩa là “Việt Lào đoàn kết muôn năm” (Sđd. Tập 11, tr 36. Bài diễn văn trong buổi chiêu đãi vua Lào, Người cũng dùng: “Paxaxôn Việt - Lào Xamăckhi mặnnhưn” (Sđd Tập 11, tr 41 có nghĩa là “Nhân dân Việt Lào đoàn kết muôn năm”. Trong Lời cảm ơn trong buổi chiêu đãi do Vua Lào tổ chức, Người cũng nhắc lại câu này: “…Chúc hoà bình thế giới. Paxaxôn Việt - Lào Xamăckhi mặnnhưn!”. Lời phát biểu trong buổi lễ tiễn Vua Lào, trước khi dừng lời cũng có một câu tiếng Lào: “Xavátđi” có nghĩa là “chào mạnh khoẻ” (Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd Tập 11, tr 45..

Đầu tháng 2-1958 Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Đảng ta đi thăm Ấn Độ, đáp từ tại sân bay, sau khi đọc những khẩu hiệu hoà bình bằng tiếng Việt, cuối bài Người nói bằng tiếng Ấn:

“Panch Sheela !” (Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd. Tập 9, tr 37..

“Panch Sheela” có nghĩa là 5 nguyên tắc chung sống hoà bình mà lúc bấy giờ

một số nước châu Á đang theo đuổi. “Panch Sheela” lại được Người nhắc lại trong buổi tiệc do Tổng thống Ấn Độ chiêu đãi.

Trong Diễn văn tại cuộc mit tinh của nhân dân Niu Đêli, cuối bài Người nói bằng tiếng Ấn:

“Việt Nam - Hinđi bhai bhai!” (Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd. Tập 9, tr 42..

“Việt Nam - Hinđi bhai bhai!” có nghĩa là Việt Nam - Ấn Độ là anh em! Trước khi rời Ấn sang thăm Miến Điện, trong một cuộc nói chuyện, Người nói:

“Hoà bình thế giới muôn năm!

Jai Hindi!” (Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd. Tập 9, tr 63.. “Jai Hindi!”, tiếng Ấn có nghĩa là Ấn Độ muôn năm.

Tháng 6-1959 Tổng thống Inđônêxia Xucácnô sang thăm Việt Nam, Hồ Chí Minh thật khiêm tốn, chân tình nói: “ Về phần tôi, tôi hết sức vui mừng được gặp lại Bung Cácnô…”. Tiếng Inđônêxia, “bung” có nghĩa là “anh cả”. Cuối bài diễn văn chào mừng Tổng thống, Hồ Chí Minh nói:

“Hiđúp Bung Cácnô!

Mớcđơca!” (Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd. Tập 9, tr 465..

Tiếng Inđônêxia “Hiđúp” có nghĩa là muôn năm; “Mớcđơca” có nghĩa là “độc lập”. Trong diễn văn tiễn Tổng thống Xucácnô, Hồ Chí Minh nhờ Tổng thống: “Riêng Paman Hồ thì nhờ Bung Cácnô chuyển cho tất cả anh em, chị em Inđônêxia lời chúc phúc chân thành nhất,…” (Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd. Tập 9, tr 479.

“Paman” có nghĩa là “bác”. Bác Hồ tự xưng mình là “bác”, không gọi là “Tổng thống” mà gọi “bung”(anh cả) để đưa cuộc tiễn đưa ngoại giao trở về sắc thái gia đình anh em bịn rịn lưu luyến.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)