. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Giễu nhại luôn là thứ vũ khí của kẻ mạnh, của người hiểu đên tận chân tơ kẽ tóc đối tượng về những cái đáng phê phán. Vì thế giễu nhại luôn phải ở tầm cao hơn đối tượng để “khóa mõm” đối tượng.
Nhại là nhắc lại, bắt chước lời nói của người khác để trêu chọc, bỡn cợt, là sự miêu tả những sự vật, hiện tượng với bề ngoài có vẻ bóng bẩy, mực thước, khuôn mẫu nhưng nhằm mục đích phê phán, đả kích, chế giễu, phơi bày cái thối nát, mục ruỗng bên trong. Bằng sự giễu nhại tác giả của tiếng cười làm trúi nhào, hạ bệ những cái gì gọi là nghiêm túc, lột cái vỏ hào nhoáng để cho trơ ra cái giả dối, cái lố bịch, cái đáng cười. Bài viết Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp vốn là sự đối thoại với một ông Pôn Tápponniê phát biểu ý kiến ơ Hạ nghị viện Quốc hội Pháp: “Nước Pháp vốn hào hiệp và đức khoan nhân của nước Pháp được biểu hiện trong mọi trường hợp. Không có gì có thể sánh tầy nền văn minh Pháp”[1]. Nhưng theo lời một tạp chí thì, như lời tuyên bố của các Thống chế “Bởi vì mục đích nahwmf đạt tới dĩ nhiên không phải là giết cho được nhiều người phiến loạn, mà là nhanh chóng làm cho họ phải hàng phục”
1.Nhại âm, lái âm
Truyện Viện Hàn lâm thuộc địa in trên báo Le Paria, số 12 tháng 2/ 1923 và số 14 tháng 5/ 1923 được viết theo lối hư cấu, có nhân vật chính là Xôra. Xôra được giới thiệu là một người “Tuy đã ở thuộc địa lâu năm, bạn Xôra của tôi là một người dễ thương. Anh lại rất là hóm hỉnh, điều rất hiếm thấy trong giới anh. Anh có thói quen kỳ quặc là khi nói, gặp vần nào bắt đầu bằng âm cờ là cứ lặp đi lặp lại hai lần liền, khiến cách nói của anh sẽ trở nên ngọt ngào và thú vị khác thường”. Thế cho nên khi anh ta phát âm Académie des Sciences Coloniales (Viện hàn lâm khoa học thuộc địa), vào âm cờ là bị nói lắp, trong tiếng Pháp vần ca, co bị phát âm thành ca- ca, cơ- cơ thì gợi ra những gì thô tục gây cười, caca có nghĩa là phân, coco có nghĩa là kẻ nghịch ngợm. Xôra lại là kẻ “ba hoa”:
“- Này ông cụ mình, này! Anh bắt tay tôi, nói. Một viện hàn..hàn lâm khoa học thuộc... thuộc địa đã được thành lập, cậu biết chứ?
- Biết, ừ! Thì sao? - Ở đấy có một ban địa lý, một ban mỹ nghệ, một ban giáo dục, tức là có bao nhiêu người cần gán vào thì có bấy nhiêu ban. Nhưng ngược lại, thế vẫn còn thiếu một ban, ban quan trọng nhất để cho một viện loại có tầm cỡ nổi bật lên.
- Là ban gì vậy?
- Tớ đã nói đấy: là ban đạo lý... thuộc... thuộc địa.
- Để mexừ Xôra làm trưởng ban chứ gì?
- Không! Đít tớ đâu có cái thớ hàn... hàn lâm, nhưng tớ có một danh sách những người lương thiện, liêm khiết, yêu nước, xứng đáng được đề nghị đưa vào hàng bất triệt (hay bất tử như người ta gọi theo cách thông tục). Đây là họ, tên, nghề nghiệp của những vị ứng... ứng cử viên của tớ!
Các ông:...”[2].
Đoạn văn gây cười ngoài tật nói lắp của nhân vật ở hình thức vỏ ngữ âm còn là nội dung: Viện hàn lâm thuộc địa đó đủ cả ban bệ nhưng còn thiếu một ban quan trọng nhất là ban… đạo lý, nghĩa là cái gọi là viện kia thiếu …đạo lý. Cái thâm thuý của truyện còn ở chỗ lái âm, tên Xôra được lái từ âm Xarô, tức Anbe Xarô (1872 – 1962) Toàn quyền Pháp tại Đông Dương những năm 1911- 1914 và 1917- 1919. Trong những năm 20 là Bộ trưởng Thuộc địa. Một cách mỉa mai kín đáo, trí tuệ.
2.Nhại lời nhân vật.
Trong đoạn văn có hai giọng cùng tồn tại, giọng nhân vật và giọng người kể, giọng nhân vật bị nhại lại trong giọng người kể. Trong mảnh đoạn lời người kể vừa có giọng nhân vật vừa có giọng người kể, hai giọng này bất bình đẳng, mang nội dung mâu thuẫn nhau, ngược chiều nhau trong một hình thức tưởng là cùng chiều, thuận chiều. Tư cách giọng nhân vật chỉ là tư cách bị đưa ra làm trò nhại, trò cười, ngược lại, tư cách giọng người kể là tư cách chủ nhân của trò nhại:
“Ngài còn nói: "Tôi tin rằng trong một thời gian không xa nữa, xứ Đông Dương sẽ không tiêu mất một đồng xu nào nữa của chính quốc và nó sẽ tự hào và hạnh phúc được đem lại sự đóng góp của mình" (giọng nhân vật chúng tôi in nghiêng).
Nhất định thế, đến thời kỳ đó, không còn xa lắm, như ngài nói, giai cấp vô sản chính quốc sẽ làm nhiệm vụ của mình: họ sẽ tống cổ tất cả bọn ăn bám ra khỏi cửa; sau khi đã giải phóng mình, họ sẽ giải phóng những người anh em ở Đông Dương; được giải phóng khỏi ách đế quốc chủ nghĩa, nhân dân Đông Dương nhất định sẽ tự hào và hạnh phúc, tự hào và hạnh phúc hơn là ông tưởng, đem lại sự đóng góp của mình, cùng với những người lao động Pháp xây dựng Tổ quốc chung. Trong khi chờ đợi, hãy cứ bắt những người bại trận ở Đông Dương trả tiền. Ngài hãy khéo xoay xở theo phương pháp D. Nếu hòm tiền của nhân dân rỗng, thì còn có các lăng mộ của vua chúa”[3].
Trong mảnh đoạn sau giọng nhân vật bị nhại lại để đay đả: đến thời kỳ đó, không còn xa lắm…sẽ tự hào và hạnh phúc, tự hào và hạnh phúc hơn …đem lại sự đóng góp của mình…Một mũi tên nhại nhưng trúng hai đích: chỉ trích, nhạo báng đối tượng “Ngài” (tức Xarô - Bộ trưởng Thuộc địa Pháp) và khẳng định sự thắng lợi tất yếu của nhân dân Đông Dương. Tính chất mỉa mai “Ngài” còn thể hiện rõ ở phép viết tắt nửa kín nửa hở: phương pháp D, D viết tắt từ débrouillard có nghĩa là tháo vát, linh hoạt. Tháo vát linh hoạt là cách nếu đã vơ vét hết tiền của dân thì còn cách đào mồ mả “các lăng mộ của vua chúa”. Cũng vẫn một mũi tên mỉa mà trúng hai đích: tố cáo sự xa hoa nhờ bóc lột dân, xa hoa khi sống và xa hoa cả khi đã chết của bọn vua chúa và sự táng tận lương tâm của “Ngài”.
“Ông nói rằng, về mặt thuộc địa, nếu nước Pháp có phạm lỗi thì chẳng qua là do có quá nhiều tinh thần cao cả đấy thôi. Thưa ông Acsimbô, xin ông cho chúng tôi biết có phải vì tinh thần cao cả ấy mà người ta tước mất của người bản xứ tất cả mọi quyền ngôn luận, đi lại, v.v. không? Phải chăng cũng vì tinh thần ấy mà người ta buộc họ phải chịu cái thân phận dân bản xứ hèn mọn, mà người ta tước hết ruộng đất của họ để cho bọn xâm lăng, và sau đó buộc họ phải lao động như kẻ nô lệ? Chính ông đã nói rằng giống người Tahiti vì nghiện rượu mà đã chết mòn dần và hiện đang đi đến diệt vong. Phải chăng cũng vì quá ư cao cả mà các ông đã tìm đủ cách để làm cho người An Nam say khướt với rượu cồn của các ông và trở nên u mê, đần độn với thuốc phiện của các ông?
Sau cùng, ông nói đến "bổn phận", đến "nhân đạo" và "khai hoá"! Vậy bổn phận ấy là cái gì? Ông đã đem phô bày trong suốt cả bài diễn văn của ông rồi”[4].
Đoạn văn trên đúng là “vũ đài vật lộn của hai giọng”, các cụm từ chúng tôi in nghiêng: tinh thần cao cả, quá ư cao cả, bổn phận, nhân đạo, khai hoá từ giọng nhân vật bị nhại lại trong giọng người kể nên chúng từ địa vị hào nhoáng trang trọng bị hạ xuống địa vị thảm hại, trống rỗng, vô nghĩa. Sự “vật lộn của hai giọng” còn rõ hơn ở sự đối lập triệt để: sự cao cả, quá ư cao cả của nước Pháp đã làm cho “thân phận dân bản xứ hèn mọn”, “người An Nam say khướt với rượu cồn… và trở nên u mê, đần độn với thuốc phiện”…
“Trong cơn sóng hằn thù và thú tính, những kẻ tham gia hành hình lôi người da đen đến một khu rừng hay một quảng trường công cộng nào đó. Họ trói người đó vào cây, tưới dầu lửa vào người đó, lấy những chất dễ cháy phủ lên người đó. Trước khi châm lửa, họ bẻ dần từng chiếc răng một của người đó. Rồi móc mắt người đó. Từng nhúm tóc xoăn bị rứt khỏi đầu, mang theo từng mảng da, để lộ ra một sọ người đẫm máu. Nhiều miếng thịt nhỏ rời khỏi cái thân hình đã tím bầm vì bị đánh đập.
Người da đen không kêu được nữa: lưỡi đã sưng phồng lên vì một thanh sắt nung đỏ gí vào. Toàn thân người ấy quằn quại như một con rắn bị đánh, dở sống, dở chết. Một nhát dao, thế là rụng một tai. Ái chà! Nó mới đen làm sao! Nó mới đáng tởm làm sao! Thế là bọn đàn bà rạch nát mặt người đó ra...
Có kẻ hét: “Châm lửa lên đi!”. Một kẻ khác góp thêm: “Đốt vừa đủ để thui nó từ từ thôi”.
Người da đen bị nướng chín, thui vàng, cháy thành than. Nhưng người đó phải chết hai lần mới đáng đời. Cho nên họ liền treo người đó lên, nói cho đúng là treo cái xác không còn là một cái xác nữa lên. Và bây giờ, tất cả những người không được tham dự cảnh thiêu sống ấy, vỗ tay. Hoan hô!”[5].
Đoạn văn trên, xét dưới góc độ chức năng có hai phần, phần tả và phần bình luận, phần tả làm sống lại cảnh hành hạ dã man có lẽ chỉ có ở thời Trung cổ, phần bình luận (chúng tôi in nghiêng) có vỏ ngôn ngữ là của người kể còn nội dung bình luận là của nhân vật đám đông. Vẫn có hai giọng, một giọng của thú tính vô cảm nổi lên:…phải chết hai lần mới đáng đời… Hoan hô! Một giọng căm hờn bi phẫn uất nghẹn đau đớn xót xa của người kể chìm lắng vào trong.
3.Nhại trong lời người kể
Nhại trong lời người kể thì thường đoạn văn chỉ có một giọng chủ âm, giọng của người kể nhưng trong giọng này vì mang hình thức nhại nên có nhiều quan niệm, quan niệm của người nhại và quan niệm của kẻ bị nhại. Chúng xung đột, đấu tranh với nhau, đả phá, hạ bệ nhau, phần thắng luôn thuộc về người mạnh- chủ thể nhại:
“Việc thay đổi mới đây của Chính phủ Poăngcarê đã không khỏi có những vang dội sang các thuộc địa. Nước Pháp luôn luôn tự cho mình là một cường quốc thực dân số một biết cách thực dân. Ngay cả ông Anbe Xarô cũng vậy, ông ta luôn luôn khoe mình là người Pháp số một biết cách khai thác thuộc địa. Để làm công việc khai thác ấy, ông ta đòi phải có 4 tỷ phrăng. Để tìm cho ra món tiền ấy, ông ta đã viết một cuốn sách dày những 674 trang. Ấy thế mà vị bộ trưởng vĩ đạiấy lại vừa bị đuổi ra khỏi đảng của ông ta vì ông ta đã bỏ phiếu cho quan thầy là Poăngcarê. Rồi cái ông Poăngcarê bạc bẽo này cũng lại vừa mới đuổi vị bộ trưởng vĩ đại ấy ra khỏi chính phủ nốt. Thế là vị bộ trưởng vĩ đạiấy bị cách tuột hết cả, chẳng được một tý nào, cũng chẳng khai thác được thuộc địa nào của ông ta. Thay thế ông ta là một anh lính, xin lỗi, một “đại tá không tên tuổi”. Việc cách chức này một lần nữa lại chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chế độ thực dân Pháp đã phá sản”[6].
Đối tượng bị nhại ở đây trước hết là thực dân Pháp: Nước Pháp luôn luôn tự cho mình là một cường quốc thực dân số một biết cách thực dân. Thế nào là thực dân? Chính Bác Hồ trong một bài báo đã định nghĩa Thực dân là ăn cướp dân[7]. Như vậy “biết cách thực dân” là “biết cách ăn cướp dân”. Trong câu văn tiếp theo nhân vật ông Anbe Xarô là đối tượng nhại thứ hai.Người Pháp số một này bị đay đả qua 7 lần từ ông ta, 3 lần qua cụm từ vị bộ trưởng vĩ đại ấy, 1 lần tên thật Anbe Xarô. Còn cái ông Poăngcarê thì bị hạ bệ hai lần: quan thầy là Poăngcarê… cái ông Poăngcarê bạc bẽo này. Mà cái ông này lại đứng đầu chính phủ Pháp (Chính phủ Poăngcarê), thì cái chính phủ ấy càng “chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chế độ thực dân Pháp đã phá sản”.
“Thế là người Marốc đã làm tròn “bổn phận” của mình, bổn phận người nô lệ. Nhưng để xứng đáng với quyền con người và quyền công dân, họ còn phải làm bổn phận của họ là những con người và những công dân nữa, nghĩa là phải tổ chức nhau lại và đấu tranh để giành lấy các quyền đó, như người Pháp từng làm hồi 1789 và như giai cấp vô sản cách mạng ngày nay đang làm. Bổn phận đó, những anh em chúng ta ở Marốc chưa hiểu”[8].
Hai chữ bổn phận được nhại lại 4 lần để diễn tả thân phận khổ sở tối tăm của người Marốc phải chịu mấy lần bổn phận: bổn phận người nô lệ, bổn phận của họ là những con người và những công dân, bổn phậndùng rượu cồn, thuốc phiện và nhà thổ. Giá trị “khai hoá” của bọn thực dân là như vậy!
4.Nhại tin tức báo chí, công luận, dư luận.
“-Phải. Giải phẫu. Ông ta ở đấy là hợp khít. Thế cậu không nghe ông ta nói về “bàn giải phẫu” ở Quảng trường Hoà hợp sao?
Cậu không biết là cả trường đại học y khoa nhốn nháo cả lên vì cái bản tuyên ngôn khoa học của Cụ lớn à? “Ngài yêu quý nhiệm vụ đến quặn cả lòng. Niềm say đắm đối với nỗi cùng cực cao cả gắn những cơn sốt nóng của nó vào da thịt ngài. Nó hoà lửa của nó vào máu ngài, trong huyết quản ngài, cũng như vào đường gân ngài, thớ thịt ngài, cứ như chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật”[9].
Đây là một đoạn văn trích ra từ tiểu phẩm Viện hàn lâm thuộc địa đăng trên báo L’Humanité ngày 19/2/1923, phần chúng tôi in nghiêng là lời của nhân vật Xôra nhại lại dư luận từ trường đại học y khoa. Lời nhại chỉ có ba câu mà có tới 6 chữ ngài, và rất nhiều các tính từ cực tả sáo mòn rỗng tuếch: yêu quý nhiệm vụ đến quặn cả lòng…niềm say đắm đối với nỗi cùng cực cao cả…Lời nhại có xu hướng xoá nhoà ranh giới cái trừu tượng với cái cụ thể: nó hoà lửa của nó vào máu ngài, trong huyết quản ngài, cũng như vào đường gân ngài, thớ thịt ngài, cứ như chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật . Tất cả để bật ra một mỉa mai: trường đại học y khoa vốn được coi là nơi nghiêm túc, trang nghiêm, chính trực… thế mà nay cũng nhốn nháo cả lên vì cái bản tuyên ngôn khoa học của Cụ lớn, thế thì về thực chất, cái trường đại học ấy cũng chẳng có gì nghiêm túc khoa học cả, cũng nhốn nháo, cũng a dua theo Cụ lớn, cũng nịnh hót… và nhất là chẳng có gì trí tuệ mà bằng chứng là dư luận, công luận từ nơi đó không đứng đắn (với rất nhiều các tính từ cực tả sáo mòn rỗng tuếch), nhập nhằng, không rõ ràng (xoá nhoà ranh giới cái trừu tượng với cái cụ thể). Vẫn chỉ một mũi tên nhại mà găm đồng thời vào hai đối tượng thật đáng giễu cợt: Cụ lớn và trường đại học y khoa.
N.T.T
[1]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000,tập1, tr 269.
[7]Báo Cứu quốc, số 1887, ngày 20/8/1951-Sđd.tập 6, tr 284.
VNQD