. NGUYỄN VIỆT ANH
Tranh phong cảnh là một trong những thể loại quan trọng của hội họa. Tranh phong cảnh không đơn thuần là “hoa lá cành” mà còn ẩn chứa trong đó tầm nhìn, tư tưởng của họa sĩ về thiên nhiên, cuộc đời. Trong giới mĩ thuật Việt, nhiều họa sĩ đã thành danh, lưu lại dấu ấn của mình với công chúng yêu hội họa bằng dòng tranh này.
Họa sĩ Tạ Thúc Bình, bên cạnh công việc chính là một họa sĩ vẽ minh họa truyện tranh lịch sử dành cho thiếu nhi còn rất thành công ở mảng tranh phong cảnh nhờ lối đi riêng. Đề tài yêu thích của họa sĩ là phong cảnh làng quê Việt Nam. Ông đã từng tâm sự về cái duyên của mình với dòng tranh phong cảnh: “Có lẽ mình nặng tình với đồng quê. Với tôi, cái đẹp phải gắn với không gian mà người nghệ sĩ đã đến, đã sống, đặc biệt là ở quê hương mình. Mỗi lần vẽ, tôi lại nhìn thấy ở đấy một vẻ đẹp mới, và càng vẽ thì cảm xúc càng dâng cao. Chính từ đó đã tạo cho tôi cái nhìn ngày một phong phú, chính xác hơn trong thế giới quan và nhân sinh quan của người nghệ sĩ”.
Tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân.
Tạ Thúc Bình vẽ tranh phong cảnh trên chất liệu lụa truyền thống. Họa sĩ khai thác triệt để vẻ đẹp của sự tĩnh lặng nơi miền thôn dã bằng những nét cọ chân thật, mềm mại và khúc chiết. Bức tranh Mùa lúa chín (sơn dầu, sáng tác năm 1952) là một trong những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Tạ Thúc Bình vẽ sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bức tranh được ông vẽ chỉ trong nửa ngày nhưng đã toát lên vẻ đẹp trù phú của mảnh đất sau này là chiến trường rực lửa. Trong tranh, cảnh vật bao la rộng lớn được bao trùm bởi màu vàng rực của lúa chín đương mùa, người nông dân phấn khởi thu hoạch thành quả lao động với những thúng gánh nặng trĩu sau những ngày lao động vất vả, xa xa cái điếm canh nép mình bên gốc đa cổ thụ bình yên.
Bức Trên cánh đồng Đồng Giao tạo cho người xem sự choáng ngợp bởi không gian rộng lớn với điểm nhìn từ trên cao xuống. Người phụ nữ đội chiếc nón lá đứng quay lưng đang chăn đàn bò mấy chục con của mình. Những chú bò nhởn nhơ ăn cỏ, cùng nhau uống nước ở một vũng nước được tạo sau cơn mưa lớn, xa xa dãy núi nhấp nhô xanh thẫm và một bầu trời như lại sắp có mưa giông. Tác phẩm thật thơ mộng như chính tên gọi của nó, như thể một bản nhạc được đánh lên dịu dàng, nhẹ nhàng, thanh âm trong trẻo đến bình yên hiếm có.
Danh họa Lưu Công Nhân cũng để lại dấu ấn của mình trong dòng tranh phong cảnh với những bức vẽ bằng màu nước trong trẻo, giản dị không lẫn với bất cứ họa sĩ nào. Những bức tranh nổi tiếng của ông ở dòng tranh phong cảnh có thể kể đến Cổng làng, Cột điện góc đường, Sương sớm trên núi Ba Vì, Hà Nội buổi sáng…
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến khi đến nhà chơi đã nói với con trai họa sĩ rằng: “Với tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân, đó là sự gần gũi cội nguồn, quê hương. Được ở phòng tranh của cụ, giữa thế giới rất riêng, tôi thật sự hạnh phúc”.
Các bức tranh màu nước của họa sĩ Lưu Công Nhân đa phần là trực họa trong những chuyến đi rong ruổi một mình hoặc cùng vài người bạn thân. Tức cảnh sinh tình, cứ thấy cảnh vật chỗ nào đẹp khiến lòng rung động là ông dừng lại, dựng giá vẽ và phóng bút.
Họa sĩ Tô Ngọc Thành chia sẻ về tranh phong cảnh màu nước của Lưu Công Nhân: “Anh thành đạt về tranh màu nước, vẽ trực họa rất điêu luyện. Màu của anh rất ngon, nhuyễn và đầy gợi cảm, có nhiều chất hội họa”.
Mặc dù là vẽ phong cảnh, nhưng đa số tác phẩm của Lưu Công Nhân lại có sự xuất hiện của con người, hoặc những địa điểm, đồ vật nhắc nhớ đến con người. Đó là cô gái thôn quê đang lúi húi mải bẻ chuối dưới gốc cây bên đụn rơm vàng, là mấy bà nông dân chân lấm tay bùn đang đánh bò cày bừa ngoài đồng ruộng rộng mênh mông, là các bà nhà quê đang tát nước bên đường xanh mơn mởn, là cô gái lái đò chở người trong vùng mênh mang sông nước xa xa có rặng cây râm mát, là vài người dắt xe đạp đứng nói chuyện hoặc xách xô đi lấy nước, là ụ rơm xếp cạnh nhau trước cái miếu canh, chuồng chim bồ câu được dựng trên cao, là những mái nhà nhấp nhô được bao bọc rêu đen bởi thời gian, cột điện góc đường với một dãy phố dài…
Dẫu có bố cục khác nhau, gợi nên những cảnh sắc khác nhau của mỗi vùng miền đất nước nhưng mỗi bức tranh phong cảnh màu nước của ông đều toát lên tinh thần lạc quan của người họa sĩ trong hoàn cảnh gian khổ, đem lại cho người xem cảm giác trong trẻo lạ thường như được trở về với tuổi ấu thơ.
Đặng Tiến là một họa sĩ thành danh ở đất cảng Hải Phòng. Trong danh sách họa sĩ đất cảng sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến anh. Tranh phong cảnh của anh là sự kết hợp của hiện thực pha lẫn trang trí, trầm lặng nhưng rất đỗi nên thơ, trữ tình. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu thuộc dòng tranh này của anh như Đang là mùa xuân (sơn dầu, 2017), Phong cảnh Đà Lạt (2014), Trực họa tại Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng (sơn dầu)…
Dường như trong những bức tranh phong cảnh ấy, người xem còn cảm được cả thơ, cả nhạc. Với lối bố cục quen thuộc đơn giản nhưng không “đụng hàng” bất kì ai, người xem thấy “nhàn” mắt bởi sự vật được phác họa rõ ràng, không hề rối ren hay có một sự bon chen nào. Các mảng miếng mồn một, khúc chiết, nhịp điệu lên xuống từ từ không đột ngột. Cảnh vật họa sĩ chọn có khi là con đường dài tít tắp ẩn hiện sau hoặc đan cài với hàng cây cao vút; những mái nhà bé nhỏ, xinh xinh đặt cạnh nhau trong cảnh quê nơi có bụi cây dại mọc ven đường; cột điện ô vuông với những chiếc loa; những thuyền, ghe đang đậu; một quần thể những căn lều tạm mang vẻ lam lũ chạy dọc các bờ sông, kênh rạch; hoặc có khi bắt kịp nhanh khoảnh khắc chuyển đổi của khí hậu, thời tiết như màu của bầu trời, rặng cây, mặt nước hồ sau một cơn mưa chiều; cảnh vật khi vào buổi bình minh sương sớm; mùa cây thay lá, tiết trời đang giữa mùa xuân…
Ngược với hai họa sĩ gạo cội trên, một điều dễ nhận thấy là tranh phong cảnh của Đặng Tiến không hề có sự xuất hiện của con người. Dường như họa sĩ không muốn sự xuất hiện này làm ảnh hưởng đến cảm xúc, dòng suy nghĩ của người xem. Tranh phong cảnh đúng nghĩa chỉ là phong cảnh. Trung thành với chất liệu sơn dầu, với nét bút phóng khoáng và một bảng màu ấn tượng, xem tranh Đặng Tiến vẽ, cảm nhận đầu tiên không gì khác ngoài cái nhìn đầy thi vị, bình yên. Nó như một “bến đỗ” mà ở đó người xem tìm thấy sự nhẹ nhàng, êm đềm từ những cảnh vật dễ thương rất đời thường, một miền yên tĩnh quý giá giữa dòng đời. Với nội lực và bút pháp điêu luyện, độc đáo, không ngạc nhiên khi tranh phong cảnh của anh luôn được công chúng yêu hội họa ghi nhận, săn đón.
Ngày nay tranh phong cảnh được ra đời với nhiều phong cách, trường phái khác nhau. Mỗi họa sĩ đều mong muốn tìm cho mình tiếng nói riêng mang dấu ấn cá nhân ở thể loại này. Thật mừng là có những họa sĩ trẻ, vì đam mê và yêu mến thiên nhiên nên đã có thành công nhất định ở dòng tranh này qua những cuộc triển lãm hay những lần công bố, ra mắt tác phẩm. Có thể kể ra những gương mặt 7x, 8x thậm chí 9x của dòng tranh phong cảnh như Phạm Bình Chương, Mai Duy Minh, Trịnh Ngọc Liên, Hà Phước Duy, Đặng Hiệp, Đoàn Văn Tới… Họ đã, đang và sẽ kế tục sự nghiệp của những họa sĩ lớp trước, đem lại những sắc màu mới, diện mạo mới, sức sống mới cho dòng tranh phong cảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
N.V.A
VNQD