Bấy nay nói đến Tố Hữu, người ta nghĩ ngay đến một nhà thơ của cách mạng, nghĩ ngay đến một đỉnh cao của thơ trữ tình chính trị Việt Nam trong thế kỷ XX. Lối nghĩ đó rất đúng, nhưng cũng từ lối nghĩ quen thuộc đó dễ làm cho người ta lầm tưởng rằng Tố Hữu “dị ứng” với thơ tình, xa lạ với thơ tình...
Tố Hữu (1920 – 2002) không chỉ là nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỉ XX, ông còn là nhà thơ Quân đội. Có thể nói như vậy bởi ông đã từng tham gia tổ chức phong trào Văn nghệ sĩ đầu quân và là Trưởng ban Văn nghệ Quân đội (nhà thơ Chính Hữu là Phó ban) những ngày đấu kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Sinh thời, đến thăm Tạp chí Văn nghệ Quân đội ông thường bảo, “không phải đến thăm mà là về thăm”.
Nhà thơ Tố Hữu thời trẻ. Ảnh: TL
Bấy nay nói đến Tố Hữu, người ta nghĩ ngay đến một nhà thơ của cách mạng, nghĩ ngay đến một đỉnh cao của thơ trữ tình chính trị Việt Nam trong thế kỷ XX. Lối nghĩ đó rất đúng, nhưng cũng từ lối nghĩ quen thuộc đó dễ làm cho người ta lầm tưởng rằng Tố Hữu “dị ứng” với thơ tình, xa lạ với thơ tình, bản thân nhà thơ, trong một cuộc nói chuyện về thơ với sinh viên ông cũng tự nhận “tôi chỉ là anh viết biên niên sử, chép sử đất nước, sử cách mạng bằng thơ” và lưu ý bạn đọc, khi đọc thơ ông hãy chú ý đến những con số ghi ngày tháng, năm ở cuối bài để đặt nó vào đúng bối cảnh ra đời. Trong thơ cũng vậy, có lần, ví dụ như trong bài Bài ca mùa xuan 61, ông cũng tự nhận phần hồn của ông dành cho “em” là rất “khiêm tốn”:
Mà nói vậy: Trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu
Trên thực tế, tình yêu của Tố Hữu có thể nói là rất mê say và lãng mạn. Chúng tôi thực sự bị bất ngờ khi có lần ông nói rằng, ông thích thơ Nguyễn Bính, và rằng, Nguyền Bính rất xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông nói ra điều này trong một lần đến thăm toà soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội và nói chuyện thân mật với anh chị em nhà văn quân đội đang công tác tại đây, cùng dự có nhiều sinh viên Khoa Văn Đại học quốc gia Hà Nội.
Nhà thơ Tố Hữu với các nhà văn Văn nghệ Quân đội. Ảnh: TL
Lần giở lại hành trình đi theo cách mạng và hành trình thơ của Tố Hữu mới hay cái sự “bất ngờ” nọ của chúng tôi hôm ấy chẳng bất ngờ chút nào. Một cậu bé sinh ra giữa đất “Huế mộng mơ”, từ sáu bảy tuổi đã được cha mẹ truyền cho niềm say mê văn học, yêu quý vốn cũ dân tộc qua việc sưu tầm ca dao, tục ngữ và học tập cách làm thơ, một thanh niên tuấn tú, mười bốn tuổi đã từng học dưới mái trường Quốc học Huế như Tố Hữu không thể, không lẽ nào lại xa lạ, lại “dị ứng” với thơ tình những năm 1930 - 1945… Có lẽ bởi hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc và những năm chiến đấu với cái đói nghèo của cả nước sau đó đã khiến cho những câu thơ về tình yêu của ông bị vóng rợp, bị khuất lấp. Thơ tình của ông rõ ràng, hiển nhiên là chịu “lép vế” khi đứng cạnh những vần thơ trữ tình cách mạng của ông. Một Nhớ đồng (1939), một Mưa rơi (1948)… hay một Đêm thu quan họ, Một tiếng đờn... sau này không thể nào lại có thể chiếm chỗ hoặc vượt cao lên được những Huế - tháng Tám, Việt Bắc, Bài ca xuân 68, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Hãy nhớ lấy lời tôi, Ta đi tới, Nước non ngàn dặm... đầy cảm hứng thời đại với những câu thơ hào sảng vừa thể hiện ý chí, niềm tin, sức mạnh như một lời vẫy gội như: Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi, Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước, Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu...
Nhưng vóng rợp, khuất lấp không có nghĩa là không có. Ngay ở chính những bài gọi là “trữ tình chính trị” nhất như Nước non ngàn dặm, Tố Hữu vẫn có những trường đoạn thật tình như: Nửa đời tóc ngả màu sương/ Nhớ quê anh lại tìm đường thăm quê và Anh còn lặn lội đường xa / Sông Hương đành nhớ chưa qua sông Bồ với lời đề trích từ câu Nam bình:
Nước non ngàn dặm
Ra đi
Cái tình chi...
Trong số những bài thơ tình ít ỏi đã công bố của Tố Hữu, đáng chú ý nhất có lẽ là các bài Sợ (1947), Mưa rơi (1948), Đêm quan họ (1986)... Bài Sợ và Mưa rơi có lẽ được Tố Hữu làm khi đang yêu và viết về một mối tình có thật, mối tình đầu của ông. Trong một hồi kí về văn nghệ buổi đầu kháng chiến thấy ông nhắc nhiều đến một người con gái mà ông gọi là “bé Xanh”. Ông viết: “... Tôi chào anh (đồng chí Trường Chinh - PV) ra về, lòng vẫn day dứt, bâng khuâng: Làm thế nào để xây dựng một nền văn nghệ kháng chiến? Bây giờ thì hãy tạm ở cơ quan Trung ương rồi sẽ đi tìm nơi làm việc lâu dài”. Bụng nghĩ như thế mà chân thì tự nhiên cứ theo đường rừng lần ra trạm liên lạc, xem “bé Xanh” của anh thế nào rồi… hai đứa rủ nhau ra quán ở ngã ba mua mấy nải chuối và “mắc cộc” rồi lại dắt nhau về trạm ăn tối một rá cơm và sắn luộc, một đĩa măng chua và một tô bí đỏ”...
Nhân vật mà Tố Hữu kêu là “bé Xanh” còn được nhà thơ nhắc lại nhiều lần trong hồi kí của mình. Có đoạn ông viết: “Một buổi chiều, sắp chạng vạng, một đoàn cán bộ nữ, ba lô oằn lưng, lếch thếch qua chân đồi, nơi chúng tôi đang hóng gió. Tôi chạy xuống bờ đường xem có ai quen. Trời phật ơi! Em của anh!. Em đang lúc cúc đi, tóc xoã trên trán, trên má đỏ bừng mồ hôi, ướt đầm áo nâu. Mừng quá liền túm lấy tay em, làm em hơi hoảng, ai lại túm lấy nhau giữa đoàn chị em thế này”. Có lẽ những « tình ý » đó sau này đã được viết thành bài Mưa rơi với những câu:
Mưa rơi đầm lá cọ
Mái tóc em ướt rồi
Đôi má em bừng đỏ
Muốn hôn quá... mà thôi
Sợ em mìmh xấu hổ
Cầm hai bàn tay nhỏ
Xa nhau chẳng muốn rời
và:
Chiều nay heo hút rừng sâu
Mưa nguồn suối lũ biết đâu mà tìm
Ước gì anh hoá thành chim
Bay theo em hót, cho tim đỡ buồn
Bài thơ nói về một cuộc gặp gỡ rồi chia xa, nói về một tình yêu trong kháng chiến ấy sau này đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc thành bài hát. Đây là một bài tình ca hay nhất trong số những ca khúc của Trần Hoàn. Ca sĩ thể hiện bài Mưa rơi thành công nhất là Thái Bảo. Băng nhạc, băng hình của Trần Hoàn, của Thái Bảo xuất bản đều có bài Mưa rơi. Và Mưa rơi trở thành một trong những bài hát được nhiều người ưa thích nhất trong nhiều thập niên qua.
Viết về “bé Xanh”, về mối tình say đắm ngoài bài Mưa rơi, Tố Hữu còn có bài Sợ. Đây cũng là một bài thơ tình đáng chú ý của ông. Bài thơ chỉ có bốn câu:
Đêm lạnh, lều rơm, không cửa liếp
Hai đứa mình ôm nhau trên sàn nứa
Nằm bên em, nghe mà ấm vòng tay
Sợ tiếng gà gáy sáng hết đêm nay
Dù ngắn nhưng bài thơ đã nói được cái say mê, nồng thắm của tình yêu: sợ tiếng gà gáy sáng, cũng là nỗi sợ phải xa nhau, mong ước được bên nhau mãi mãi...
Viết bài Mưa rơi và bài Sợ vào những năm đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp, ngày ấy Tố Hữu mới 27 tuổi... Và nay, khi ông đã “treo ấn từ quan”, đã ra người thiên cổ, đọc lại tập Một tiếng đờn cùng những bài thơ lẻ in rải rác trên các báo tôi thêm hiểu rằng, Tố Hữu không hề xa lạ, không hề “dị ứng” với thơ tình. Những miền thơ của ông trước đây bị khuất lấp, bị vóng rợp nay người đời đã có điều kiện để nhìn ra. Dẫu không nhiều, dẫu chỉ là “Một tiếng đờn” như ông viết:
Có khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim tự xát muối cô đơn
Em ơi nghe đó... trong đêm lạnh
Đằm thắm bên em, một tiếng đờn
Bài thơ dù ngắn nhưng đó là những vần thơ viết tự đáy lòng mình, chân thật, sáng trong như mối tình đầu, như tình yêu của ông với quê hương, với cách mạng và với thơ.
Trở lại với tình yêu của nhà thơ Tố Hữu dành cho người vợ yêu quý của mình. Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kì đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Tố Hữu mới 27 tuổi, chưa qua một lần yêu. Thế là một nữ đồng chí là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh được giới thiệu cho nhà thơ người đồng chí của mình: "Chị Thanh đấy, học ở Ðồng Khánh về rất ngoan mà cũng xinh nữa, hoạt động hăng lắm, chịu không?". Từ lời giới thiệu ấy, Tố Hữu đến với cô gái xứ Thanh, cũng là một huyện ủy viên trẻ tuổi và rồi sau đó, họ nên vợ nên chồng, cùng đi với nhau suốt chặng đường cách mạng và đường đời...
Nhà thơ Tố Hữu và vợ, bà Vũ Thị Thanh khi mới cưới. Ảnh: Trần Văn Lưu
Tố Hữu là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng ít làm thơ tình. Dù vậy, ông cũng có nhiều vần thơ khá xúc cảm tặng người vợ yêu quý của mình. Qua những vần thơ ấy, chúng ta thấy người yêu, người vợ, người đồng chí của ông hiện lên thật đẹp, thật nghĩa tình. Những câu thơ của ông đã đi vào tâm can nhiều thế hệ yêu thơ Việt Nam, nhất là giới trẻ: Mưa rơi đầm lá cọ/ Mái tóc em ướt rồi/ Ðôi má em bừng đỏ/ Muốn hôn quá... mà thôi... Rồi: Mà nói vậy: "Trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Ðảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu..."/ Em xấu hổ: "Thế cũng nhiều anh nhỉ!"/ Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí/ Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay/ Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay... và: Có khổ đau nào đau khổ hơn/ Trái tim tự xát muối cô đơn/ Em ơi, nghe đó... trong đêm lạnh/ Ðằm thắm bên em, một tiếng đờn...
Ở trong thơ là vậy, ở ngoài đời, họ cũng sống với nhau rất đẹp, rất ân tình. Hạnh phúc của họ lồng trong hạnh phúc của nhân dân, theo từng bước thăng trầm của cách mạng, đất nước. Sau những chặng đường kháng chiến gian nan, họ mới được gần gũi, đoàn tụ, sinh con, đẻ cái như mọi gia đình kháng chiến và tiếp tục những đóng góp, hiến dâng cho Ðảng, cho cách mạng. Họ đã đi trọn bên nhau cả cuộc đời.
Trong mỗi bước đi lên của nhà chính trị Tố Hữu luôn có sự động viên, chăm sóc của bà Vũ Thị Thanh. Và trong mỗi vần thơ của nhà thơ Tố Hữu, đều có một nhịp tim cùng đập. Trong những tháng năm thăng trầm của Tố Hữu luôn luôn có bà ở bên chia sẻ, động viên, là bờ vai nương tựa đầy tin cậy của ông... Bà là tình yêu lớn, là người đồng chí gần gũi nhất, là nàng thơ xúc cảm nhất. Và suốt cuộc đời bà Vũ Thị Thanh, cũng là một cuộc đời cách mạng, từng là huyện ủy viên nữ trẻ nhất của Thanh Hóa những năm đầu kháng chiến, từng là cán bộ phụ vận của Trung ương và của Thái Nguyên, từng là Phó Giáo sư Kinh tế, Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Nhưng trên tất cả, bà là người vợ suốt một đời yêu quý, thủy chung của nhà chính trị, nhà thơ Tố Hữu.
Cũng trong buổi trò chuyện thân mật với anh em nhà văn quân đội và một số sinh viên năm ấy, khi được hỏi về thơ tình của lớp trẻ hiện nay, Tố Hữu đã trả lời một cách hóm hỉnh rằng, thơ tình là thơ của tuổi trẻ, nhưng không phải riêng của lớp trẻ, bởi nó cũng như văn nghệ, văn nghệ không bao giờ có tuổi. Ví dụ vui về nhà thơ Trần Đăng Khoa của Văn nghệ Quân đội, ông bảo: “Khoa năm nay (1998 - PV) 40 tuổi, tức là 2 lần 20”!. Rồi ông chấm dứt câu chuyện “thơ tình” bằng nhận xét: “Thơ tình hiện nay nhiều quá, có cái lá me thôi mà cứ rơi hoài. Tôi e một mai me ở các con đường Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn lá!”. Đó phải chăng cũng là cách tự nói về một miền thơ của ông – Thơ tình Tố Hữu, một kiểu thơ tình không như những chiếc lá me, cứ rơi mãi, rơi hoài.
NGÔ VĨNH BÌNH
VNQD