. TÔN PHƯƠNG LAN
1. Tốt nghiệp khóa 14 Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Đăng An là người duy nhất được Bộ Công an tiếp nhận qua rất nhiều ứng viên và vòng loại. Anh được gửi đi học các khóa ngoại ngữ, nghiệp vụ an ninh trong và ngoài nước, rồi có mười lăm năm công tác ở Campuchia, Pháp và Italia. Những tác phẩm thảng hoặc xuất hiện trên mặt báo như tín hiệu vui để bè bạn hiểu rằng dù ở hoàn cảnh nào thì niềm đam mê văn chương trong chàng trai xứ Nghệ này vẫn không bị phôi pha. Khi truyện ngắn Người đàn bà nghịch cát ra đời, được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, dựng thành phim, đặc biệt khi truyện ngắn Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn 2011-2013 của Báo Văn nghệ thì Nguyễn Đăng An mới chính thức trình diện mình trên văn đàn.
2. Làm thơ, dịch, viết phóng sự, truyện ngắn, năm 2018 Nguyễn Đăng An còn cho ra đời tiểu thuyết Mê cung. Những tác phẩm của anh thường gắn với những câu chuyện cuộc đời của làng quê, những vùng đất anh qua, những câu chuyện bạn bè kể lại, rồi cảm xúc kỉ niệm của một thời học sinh, một thời thanh niên sôi nổi. Ấn tượng và nổi trội hơn cả trong nghiệp văn của anh là truyện ngắn.
Sau Thiên nga lạc bầy, Người đàn bà nghịch cát, tập truyện ngắn Giọt nước mắt người lính ra đời cách đây không lâu có thể coi như một tinh tuyển của anh về thể loại. Truyện của Nguyễn Đăng An kéo người đọc đến với mình không phải bằng lối viết tung tẩy, bằng sự sắc sảo, quyết liệt khi dồn đuổi kịch tính, hoặc bằng một kiểu kết cấu lạ với giọng văn gây ấn tượng mạnh của văn chương hậu hiện đại.
Với kết cấu đơn tuyến mà mỗi truyện là một lát cắt tươi ròng của đời sống, truyện ngắn Nguyễn Đăng An thể hiện rất rõ thái độ của người viết trước những vấn đề của thực tại. Bằng cảm quan của một người làm công tác an ninh, Nguyễn Đăng An đã nhìn thấy trong đời thường tính muôn mặt của một cuộc sống vừa trải qua những năm dài chiến tranh với bao mất mát hi sinh và khi bước vào thời kinh tế thị trường lại đối mặt với những đảo lộn về thang giá trị. Với những phát hiện khá tinh tế mang cảm xúc nhân văn, truyện ngắn của anh truyền đến cho người đọc những thông điệp về chiến tranh, về hậu chiến gắn với khát vọng hoàn thiện con người và lành mạnh xã hội.
Câu chuyện của Ba chàng trai làng Nhãn là câu chuyện khá phổ biến của thanh niên thế hệ chống Mĩ. Cùng lớp, cùng học giỏi và thân nhau nhưng ba chàng trai thỏa thuận mỗi người một lối đi dầu cùng một đích đến. Kết thúc chiến tranh, một người trở thành nhà khoa học giàu sang, một người là liệt sĩ và một người là thương binh làm ruộng ở quê nhà. Người thành đạt trở lại giúp đỡ người khó khăn, kiểu cốt truyện này không mới trong văn xuôi sau chiến tranh, nhưng ở dòng mạch phụ lại đưa đến cho người đọc những cảm xúc, suy nghĩ thấu đáo về nhân tính và hòa hợp dân tộc.
Trong một trận chiến giáp lá cà, chí ít là một trong hai người lính ở hai chiến tuyến có thể chết, nhưng “khi mũi lê của Thao sắp chạm vào ngực đối thủ, Thao bỗng thấy đôi mắt của tên lính mở to, thơ ngây vô tội đến kì lạ..., lúc đó bất ngờ mũi lê của Thao chúi xuống đâm vào đùi tên lính và ngược lại, phía tên lính cũng nhanh chóng chúi mũi lê đâm xuyên phía trên phần đùi bên trái của Thao”.
Sau chiến tranh, thương binh Thao về quê làm ruộng mang theo nỗi ám ảnh bởi đôi mắt và cái nhìn của người lính đối phương từ giây phút đối mặt lần ấy. Trong một lần gặp tình cờ khi Thao vào Bến Tre thì hai người nhận ra nhau. Thao đâu có hay là người lính đối phương cũng luôn nhớ ơn cứu mạng của anh bộ đội quân Giải phóng.
Khi biết thái độ kì thị của xung quanh đối với người phế binh có hoàn cảnh nghèo khó và gia đình anh ta bị đẩy vào bi kịch mới, Thao không khỏi xót xa, day dứt. Về sau, Thao đã kể cho bạn mình nghe đồng thời muốn chia sẻ bớt phần quà bạn tặng cho người phế binh. Nghe chuyện, bạn Thao đã khóc vì cảm thương hoàn cảnh của người lính ấy và cả vì tấm lòng cao cả của Thao.
“Cuộc chiến tranh đi qua đã hơn ba mươi năm rồi. Khoảng thời gian nửa đời đã đủ xóa đi lòng thù hận từ cả hai phía. Nhưng xóa bằng cách nào?”. Đó không chỉ là nỗi trở trăn của nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Đăng An mà còn là câu hỏi đặt ra cho mỗi người con dân Việt.
Câu chuyện và cái kết của Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm thành một ám ảnh nặng nề đeo bám người đọc. Có ai ngờ nhân vật người phụ nữ với vẻ ngoài xinh đẹp và sang trọng lại mang nỗi đau thấu trời của số phận. Chị rời bỏ quê hương chạy sang trời Tây nhưng không thể bỏ lại những đứa con tật nguyền vì đó là những giọt máu tình yêu của chị với những người bạn thân cũ từng tham chiến ở vùng Mĩ thả hóa chất diệt cỏ.
Gặp được “tôi” - một người đàn ông yêu, hiểu và chấp nhận những đứa con tật nguyền - chị tái hôn, hi vọng sẽ sinh ra một đứa trẻ bình thường. Nhưng chiến tranh lại tung thêm quả bom sát thương vào số phận người đàn bà “chạy trời không khỏi nắng” này khi bác sĩ thông báo cho chồng chị biết về dấu hiệu không bình thường của thai nhi.
Kịch tính truyện được đẩy lên cao khi người chồng bắt đầu sống trong một vai diễn mới: dưới vẻ ngoài bình thản để “làm chỗ dựa cho vợ” là một bên trong đau đớn, khốn khổ. “Ông trời ơi, con xin ông cứu giúp vợ chồng con tai qua nạn khỏi... Xin ông truyền cho vợ con lòng can đảm đủ sức không suy sụp nếu như thêm một bi kịch bất hạnh nữa xảy ra”.
Truyện kết thúc bằng tình huống nghi vấn của bác sĩ nhưng cuộc đời bầm dập của người đàn bà xinh đẹp ấy thật sự là một dấu chấm than lơ lửng trước mắt người đọc về hậu họa khủng khiếp của chiến tranh bởi không ai có thể san sẻ nỗi đau này với chị cũng như ghé vai chia bớt bất hạnh mà những đứa trẻ tật nguyền gánh chịu. Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm là một trong những truyện ngắn đặc sắc về dư chấn chiến tranh.
Một nhà văn nước ngoài đã viết “chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ”. Nhưng với Nguyễn Đăng An, chiến tranh hiện hữu trong cuộc sống của đàn bà dù họ không trực tiếp tham chiến. Một người mẹ cho đến lúc gần đất xa trời vẫn không thôi nghĩ về đứa con liệt sĩ chưa tìm thấy mộ phần (Tạ tội). Một thôn nữ khỏe mạnh mới chỉ biết mùi chồng trong đêm tân hôn không trọn vẹn, sáng hôm sau chồng đã lên đường vào mặt trận phía Nam.
Sống cùng người bố chồng góa vợ đã lâu, một bóng một mình, đêm ngày cô vò võ mong đợi tin chồng nhưng bặt tăm. Người bố chồng nhận giấy báo tử của con trai, đau đớn đến tê dại nhưng ông đề nghị ủy ban giấu, không muốn con dâu nhận ngay tin dữ. Ông thương và chăm sóc cô nhiều hơn. Những điều kiện cần và đủ cho một tình huống hợp lí đã được tác giả tạo ra để cái gì đến sẽ đến, dù sau sự việc xảy ra cả bố chồng và nàng dâu đều hết sức đau khổ và xấu hổ.
Cái nút thắt của truyện vừa được tháo bung khi có thêm đứa trẻ trong nhà nhưng lại buộc chặt thêm khi chồng cô gái từ mặt trận trở về với thương tật, vừa đến đầu làng đã hay tin vợ mình có con mà xét về huyết thống là em cùng cha khác mẹ với mình. Truyện ngắn Giọt nước mắt người lính như tiếng kêu thét của những phận người - nạn nhân của hoàn cảnh, của chiến tranh.
Ba nhân vật của truyện, ai đau khổ hơn ai? Nhân vật người lính sẽ sống thế nào sau tất cả những gì đã xảy ra? Chọn cái kết bằng sự giải thoát khỏi những đau khổ vì chất độc da cam mà người lính bị nhiễm trước đây, Nguyễn Đăng An đã đẩy bi kịch của người lính đến tận cùng. Dưới một vẻ ngoài mang màu sắc loạn luân, truyện ngắn này đặt ra vấn đề của nhân sinh, của tình người, tính người.
Đề tài hậu chiến còn được Nguyễn Đăng An thể hiện trong một số truyện khác như Tân hôn muộn, Vầng trăng trên đỉnh Ta Lư. Những truyện này cũng có thể đặt trong mạch viết của tác giả về những vấn đề nhân tình thế thái thuộc đời sống đương đại. Đó là tiền bạc, danh vọng và quyền lực. Tiền bạc vốn rất cần cho cuộc sống của con người. Danh vọng và quyền lực, nếu là thực chất, chí ít cũng là thước đo năng lực cụ thể. Tuy nhiên, coi tiền bạc, danh vọng, quyền lực như một mục tiêu tối thượng mà trở thành người vô trách nhiệm, vô cảm, giẫm đạp lên đạo lí thông thường là điều luôn được cảnh tỉnh.
Mẹ xóm Đoài kể chuyện một người mẹ suốt đời hi sinh vì con, nhẫn nhịn và chấp nhận mọi khổ cực về vật chất, tinh thần - điều mà lẽ ra bà không phải hứng chịu nếu như đứa con duy nhất của bà biết nghĩ, không tư duy bằng cái đầu lạnh của cô vợ vô cảm và thực dụng. Sau cuối, bà chọn giải pháp vui vẻ về quê sống với xóm làng, mặc cho vợ chồng anh con trai mải mê với niềm vui quyền lực, với ngôi nhà to đẹp được mua từ tiền bán đất của mẹ.
Anh con trai hàng tháng không về, không liên lạc với mẹ, cho đến khi xong việc của mình mới về thì nhà mẹ đã được bán theo di chúc của bà, mộ mẹ cỏ đã lên xanh lấm tấm... Căn nhà triệu đô xoay quanh câu chuyện của một ông bố - vốn là tướng về hưu - trong sáng tử tế và hơi “lạc loài” giữa thời buổi kim tiền; những đứa con của ông thì quá thực dụng, ích kỉ và vô cảm.
Kẻ cuồng danh đặt ra câu hỏi, liệu mọi thứ cứ “xuôi chèo mát mái” như Cường đã và đang làm thì nạn học giả, bằng giả sẽ đẩy xã hội đi đến đâu. Kẻ lĩnh án tử hình kể chuyện thằng anh nghiện ngập, bất lương, thường xuyên đến trấn lột đứa em, cho đến lần cuối, khi hắn đang hành động thì bị người bố - lúc này không còn bình thường về trí tuệ - dùng chiếc cối giã cua đập vào đầu khiến hắn tử vong; án tử hình mà người bố lĩnh liệu có thấu tình đạt lí?
Cũng như Phía sau tội ác Toàn đổ a-xít vào mặt Tâm là lời anh tự thú với bạn, rằng anh muốn ngăn chặn những việc làm thiếu đạo lí, vô luân của người vợ lăng loàn không chỉ coi thường chồng mà còn gây tai họa cho những người khác. Những Bi kịch đời thường sẽ xảy ra ở cấp độ cao, nếu con người ta không biết sống chừng mực, có trước có sau, rồ dại chạy theo những ý thích ích kỉ...
Nguyễn Đăng An còn mở rộng biên độ hiện thực bằng những truyện mang màu sắc giả tưởng, một thứ cổ tích hiện đại. Tuy mỗi truyện là một câu chuyện cuộc đời với những tình huống khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện khát vọng của tác giả về cách sống, cách hành xử có tình người và đạo lí.
3. Cảm xúc nhân văn là một điểm nhấn, làm nên lực hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Đăng An. Sự chân cảm là một thế mạnh văn chương của nhà văn đang còn có khả năng đi đường dài này, tuy nhiên nếu không cẩn thận thì tay bút dễ thành tròn trịa, thiếu đi cái sắc sảo, quyết liệt của chủ thể sáng tạo cũng như của chính đời sống.
T.P.L
VNQD