Thân phận con người trong một số tiểu thuyết hậu chiến nước ngoài

Thứ Sáu, 23/10/2020 11:09

. HOÀI NAM

 

“Văn chương hậu chiến” là khái niệm cần được hiểu theo hai tầng bậc nghĩa. Thứ nhất, nó chỉ những tác phẩm được viết ra sau khi một cuộc chiến tranh chấm dứt. Thứ hai, những tác phẩm ấy viết về cuộc sống và con người sau chiến tranh, nhưng là thứ cuộc sống và con người dường như đã bị cái bóng ma của cuộc chiến trùm phủ, cách này hay cách khác, và không sao dứt ra thoát ra được. Theo cả hai nghĩa ấy, nhìn gần, ta thấy một nền văn chương hậu chiến tranh Việt Nam (1945 - 1975) với những cái tên tác giả, tác phẩm nổi bật: Nguyễn Minh Châu với Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Mùa trái cóc ở miền Nam; Chu Lai với Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng; Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Phạm Ngọc Tiến với Tàn đen đốm đỏ…, cùng hàng loạt trường ca như những khúc dội của chiến tranh được viết trong khoảng thời gian 1980 - 1990.

Và nhìn xa, ta thấy những nền văn chương hậu chiến tranh thế giới thứ II (1939- 1945), ở Mĩ và các nước châu Âu, những nền văn chương hợp thành một khối giá trị khổng lồ trong lịch sử văn chương nhân loại, những nền văn chương nói với ta rằng người ta có thể sống hoặc chết đi như thế nào khi cuộc chiến tranh vô cùng khủng khiếp ấy đã tận. Đã khổng lồ thì không ai và không có cách nào ôm xuể. Nên tôi đành phải tạm bằng lòng với việc “gẩy” ra, đọc vài dịch phẩm mới được xuất bản gần đây.

Trước hết, là tiểu thuyết Lạc lối về (Huỳnh Phan Anh dịch, Phanbook & Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2018) của nhà văn người Đức Heinrich Boll (1917 - 1985), chủ nhân của Nobel văn chương năm 1972. Heinrich Boll viết và công bố tác phẩm này khoảng vài năm sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Ở đó, như nhận định của dịch giả Huỳnh Phan Anh, “Từ thân phận của một cá nhân, từ một kinh nghiệm lịch sử dù sao hãy còn mang nặng tính cách đặc thù, Heinrich Boll đã vẽ lên bộ mặt hiện thực nhất của chính con người thời đại này. Một bộ mặt thảm thương tan nát nhất của một thời đại phi nhân trong đó bi kịch ngày một đạt tới cao độ của nó” (Không gian và khoảnh khắc văn chương, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr. 437, 438).

Có thể nói, cái bi kịch trong Lạc lối về không phải là bi kịch của sự phải chết trong chiến tranh, mà là bi kịch của sự phải sống sau chiến tranh. Heinrich Boll không đẩy nhân vật chính của mình, Fred Bogner, chìm vào vũng lầy của nỗi ám ảnh về cuộc chiến đã đi qua, vùng vẫy trong những cơn mê sảng bom đạn, những giấc mơ đầy chết chóc kinh hoàng - như nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, nhà văn Việt Nam sau này - mà ông để Fred Bogner phải lê lết buồn bã trong cái khung cảnh của một thành phố xám xịt, đổ nát, rách rưới, nghèo nàn, thiếu đói… vì chiến tranh.

Với Fred Bogner, chiến tranh chỉ thỉnh thoảng mới vọng lại như những âm thanh buồn chán mà có lần anh kể với vợ: “Ngày này qua ngày khác, ngồi tám tiếng đồng hồ liền bên máy điện thoại: thông báo, thi hành, đặt tất cả vào công tác, mệnh lệnh, báo cáo, thanh sát, thi hành, giọt máu cuối cùng, giữ đến kì cùng, Fuhrer, trước hết, tránh sự lung lạc… Và những tiếng nhảm nhí nữa. Các đồn lính thì còn nói gì nữa. Anh đã ở gần ba năm trong chức vụ điện thoại viên, sự buồn chán mà anh uống ở đó, anh phải mất nhiều năm để khạc ra”.

Nhưng hậu chiến thì còn buồn chán gấp bội, và chính sự buồn chán ấy đã tàn phá anh đến thê thảm. Một kiểu tồn tại kì quặc đã diễn ra: Để tránh làm tổn thương vợ và các con, những người mà anh hằng yêu quý, Fred Bogner đã rời nhà để dìm mình trong men rượu và đi lang thang trên khắp các ngả đường thành phố, qua những đống gạch vụn, những ngôi nhà đổ nát, kéo lê bước chân vô định vào các quán tiệm tồi tàn, các nghĩa trang hiu quạnh…

Anh làm những công việc lặt vặt để có chút tiền gửi cho vợ con hàng tháng, song vẫn sống như kẻ vô gia cư. Anh vẫn thỉnh thoảng gặp vợ mình, song không phải ở nhà, mà ở các góc phố khuất, trên các bãi hoang, trong công viên, hoặc trong các phòng trọ hạng bét, như một đôi tình nhân vụng trộm. Nhưng đó chưa phải điều tệ hại nhất. Điều tệ hại nhất là sau những lần gặp ấy, đến một lúc, Fred Bogner bất chợt nhìn vợ mình, Kate, như một người cách biệt và xa lạ hoàn toàn: “Nàng, người đàn bà mà tôi mới vừa gần gũi trong trọn một đêm thâu, người đàn bà mà tôi đã cưới làm vợ từ mười lăm năm nay. Tôi được dịp nhìn ngắm nàng, xem xét nỗi buồn rười rượi in sâu trên nét mặt nàng, chiêm ngưỡng vóc dáng của thân thể nàng, thân thể đêm đêm đã từng nằm bên tôi trong suốt những năm tháng dài, thân thể mà bốn tiếng đồng hồ trước đây tôi còn gần gũi chung đụng và mới tức thì đây tôi đã không nhận ra”.

Cái cảm thức xa lạ, thậm chí là thù nghịch ấy của Fred Bogner trước hình ảnh người vợ yêu, chỉ có thể bắt nguồn từ thái độ phủ nhận quá khứ như phủ nhận một mặc cảm tội lỗi mà Heinrich Boll, cũng như hầu hết các nhà văn Đức cùng thế hệ với ông, đều đã trải nghiệm trọn vẹn và đầy đau đớn. (Trước chiến tranh, Heinrich Boll từng tuyên bố không nhập ngũ, nhưng rồi vẫn bị bắt đi lính năm 1939, vài lần bị thương, năm 1945 ông bị quân Đồng minh bắt làm tù binh). Nó cho thấy rằng người ta đã phải khó khăn thế nào để có thể sống tiếp sau chiến tranh, để có thể chọn lựa tương lai từ một thực tại hậu chiến toàn những đổ vỡ. Không cần đến những ma thuật của truyện kể, Lạc lối về vẫn ám ảnh người đọc rất mạnh là vì thế.

“Cha tôi đi tàu thủy tới Thụy Điển vào một ngày hè trời sắp đổ mưa. Chiến tranh kết thúc chưa đầy ba tuần”. Đó là những câu mở đầu tiểu thuyết Cơn sốt lúc bình minh của Gardos Peter (Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & Nxb Lao động, 2018). Khó nói rằng đây là tác phẩm thuộc văn chương hậu chiến. Chính xác, nó là tác phẩm thuộc văn chương viết về hậu chiến tranh thế giới thứ II, bởi vì nó ra đời rất muộn: Năm 1998, sau cái chết của cha, Gardos Peter - một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người Hungary- mới được mẹ đưa cho một xấp thư mà cha mẹ ông đã trao đổi qua lại với nhau trước đó hơn nửa thế kỉ, ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Từ xấp thư này, Gardos Peter đã viết thành tiểu thuyết Cơn sốt lúc bình minh và làm nên một cơn sốt thực sự trong làng xuất bản châu Âu năm 2015.

Cuốn sách của Gardos Peter, có thể nói, lấy chất liệu chín mươi chín phần trăm “người thật việc thật”, ấy là cuộc tình của cha mẹ ông và những bức thư mà hai người đã viết cho nhau suốt từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 2 năm 1946. Một phần trăm còn lại là việc của tác giả: đặt những bức thư vào đúng chỗ của chúng trong mạch truyện, tạo khung cảnh cho các hành động mà những bức thư gợi ra, hình dung những chuyển biến tâm lí và cảm xúc của hai đấng sinh thành lúc họ mới thoát khỏi cuộc chiến và gặp nhau.

Cơn sốt lúc bình minh, tên tác phẩm, chỉ những cơn sốt 38,2 độ vào mỗi sáng sớm của Miklos, chàng trai 25 tuổi người Hungary vừa may mắn thoát khỏi lò thiêu của phát-xít Đức và được đưa đến điều trị trên đất Thụy Điển, với cơ thể nặng 29kg, hàm răng bị đánh rụng gần hết, hai lá phổi bị ruỗng vì bệnh lao và thời gian để sống chỉ còn sáu tháng.

Miklos sắp chết, anh biết, nhưng điều đó không ngăn được tình yêu với sự sống và lòng ham sống cuồng nhiệt trong anh. Miklos đã viết thư làm quen với hàng chục cô gái Hung, những người cũng sống sót qua chiến tranh và được đưa đến Thụy Điển điều trị như anh. Lili, một trong số những cô gái ấy đã trở thành người yêu của Miklos, rồi thành vợ anh, trước tiên, từ những lá thư. Tình yêu kì lạ thời hậu chiến của hai con người trẻ tuổi khốn khổ ấy không phải không gặp những cản trở, song bằng sức mạnh vô biên của niềm tin và mơ ước, họ vẫn vượt qua để đến được với nhau và thuộc về nhau.

Hãy nghe Lili trả lời bác sĩ điều trị của Miklos khi ông nói với cô rằng cái ý định kết hôn của họ là vô nghĩa và rồ dại, vì Miklos sắp phải chết: “Tôi tôn trọng trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm phong phú của bác sĩ, những thành tựu tầm thế giới của y học. Các loại dược phẩm, máy chiếu Rontgen, các máy hút đờm, ống tiêm của các vị. Tôi tôn trọng tất tật! Và tôi xin ông, hãy để chúng tôi được yên! Hãy để chúng tôi được mơ ước! Tôi cầu xin ông, hãy cho phép chúng tôi không để tâm tới khoa học! Tôi khẩn cầu ông, thưa bác sĩ trưởng, hãy để chúng tôi tự bình phục!”.

Họ quả thật đã “tự bình phục”, vì Miklos không chết ở tuổi 25, mà mãi đến năm mươi ba năm sau ông mới chịu từ giã cõi đời. Có sự can thiệp nhiệm màu của Chúa toàn năng và giàu lòng nhân ái chăng? Không rõ. Và vì thế người duy lí đành phải tự giải thích rằng do sức trẻ, do chế độ điều trị tốt, và đặc biệt là do tác động của một đời sống tình cảm đầy những hưng phấn tích cực mà Miklos đã, một lần nữa, chiến thắng tử thần một cách ngoạn mục.

Hiệu quả ấy, phần lớn đến trực tiếp từ những bức thư mà Miklos và Lili viết và gửi cho nhau hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Họ nói với nhau mọi chuyện qua thư: hoàn cảnh sống hiện tại, những nhịp đập thổn thức của trái tim đang yêu, sự cuồng nhiệt với những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, những ý nghĩ chỉ có thể thốt lên thành thơ, những dự định cho tương lai khi được trở về cố quốc… Những điều họ không nói thì đã có tác giả Gardos Peter/ người kể chuyện/ con trai của họ nói hộ, và nó thường là những kí ức khủng khiếp xảy ra trong chiến tranh, ví như: “Cha tôi không nói ở trại tập trung Belsen, ông thiêu xác chết ba tháng ròng. Làm sao ông có thể nói về mùi thối bóp nghẹt, tắc nghẹn cổ họng bốc ra từ đống xác người? Có lời nào miêu tả nổi công việc khủng khiếp này? Làm sao có thể tả nổi những cánh tay trần trụi, vẩy mốc cứ trượt khỏi hai bàn tay ông và khô khốc rơi xuống những thân xác đã đóng băng cứng ngắc”.

Những bức thư chuyên chở những-điều-nói-ra ấy đương nhiên là cái xoa dịu những-điều-không-nói-ra-được của họ, là nhịp cầu gắn kết hai con người trẻ tuổi tưởng như đã bị chiến tranh làm cho tan nát. Hơn thế, chúng là dưỡng chất cho tình yêu và cho chính sự sinh tồn của họ, chúng chứng minh rằng con người ta có thể vượt qua sự hoang tàn của thế giới và vượt lên trên những giới hạn làm người của mình xa đến thế nào. Và, nhìn từ một phía khác, những bức thư ấy còn là chứng nhân của một thời tuổi trẻ bồng bột và ngây dại, khi người ta nuôi trong mình khát khao trở thành một triết gia về đấu tranh giai cấp, khi người ta say mê diễn thuyết về sự phân phối công bằng của cải trong xã hội, khi người ta muốn viết một đại tiểu thuyết về sự tận diệt của nhân loại… Tất cả những điều đó, sau chính biến Hungary 1956, đã hoàn toàn lịm tắt trong Miklos, không để lại một dư vang.

Lạc lối về của Heinrich Boll và Cơn sốt lúc bình minh của Gardos Peter, hai tiểu thuyết ra đời cách nhau hơn nửa thế kỉ, kể những câu chuyện khác nhau, nói về những cách thế sống và những số phận cuộc đời rất khác nhau của con người châu Âu sau khi chiến tranh thế giới thứ II tàn cuộc. Nhưng có một điều trùng hợp trong sự khác biệt giữa hai tiểu thuyết này: Chúng không kể những câu chuyện mang tính phổ quát, mà đây là những câu chuyện hết sức cá biệt, những mẫu hình của sự sống chưa từng được biết đến từ trước tới nay, như một ý về tiểu thuyết mà Milan Kundera từng đề cập. Chỉ cần thế thôi, có lẽ cũng đã đủ để làm nên sự đáng giá của chúng trong văn chương hậu chiến và viết về hậu chiến tranh thế giới thứ II.

H.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)