. LÊ THỊ HƯỜNG
Nhân loại ngày càng giảm thiểu những cuộc thánh chiến đẫm máu khởi nguồn từ độc tôn tôn giáo. Trong sự va chạm và tương hỗ giữa các nền văn minh, đối thoại liên tôn giáo đáp ứng yêu cầu bức thiết của thời đại trên nhiều lĩnh vực. Fromm khi nghiên cứu tôn giáo đã đưa ra chân lí đơn giản: “Vấn đề tôn giáo không phải là vấn đề Thượng đế mà là vấn đề con người”. Dẫu đức tin có khác nhau nhưng các tôn giáo lớn đều hướng đến khổ nạn kiếp người; xoa dịu, mong mỏi cuộc sống an lành cho muôn loài. Trong văn chương, đối thoại liên tôn giáo thể hiện một cách nhìn, một tư duy đa chiều về thế giới và con người.
Có một kiểu nhà văn như thế
Văn chương Việt hiện đại ghi nhận một kiểu tác giả sáng tác từ cảm quan tôn giáo. Nguyễn Khải nhìn nhận: “Mọi niềm tin hướng về sự cao thượng đều có giá trị như nhau”. Luận bàn về tôn giáo, Hồ Anh Thái cho rằng, tôn giáo “như một cái phanh hãm, có thể phanh thắng con người dừng lại bên bờ vực tội lỗi, trước vùng ranh giới thiện - ác, bóng tối - ánh sáng” (Dấu về gió xóa). Các nhà tiểu thuyết đều gặp gỡ nhau ở quan niệm tôn giáo chạm đến nhiều vấn đề của đời sống, là nhu cầu tinh thần của con người, rộng hơn là giá trị văn hóa của nhân loại. Theo Nguyễn Việt Hà, tôn giáo “giống hệt như cuộc sống nhưng luôn tái tạo cuộc sống theo chiều kích hướng thượng hoặc hướng nội” (Khải huyền muộn). Viết về tôn giáo, các nhà văn đều muốn nhấn mạnh hai mặt liên thông là đạo và đời.
Thật ra, kiểu nhà văn mà cảm thức tôn giáo làm nên văn hiệu không nhiều. Ở giai đoạn trước, triết luận tôn giáo là nguồn cảm hứng chủ đạo trong tiểu thuyết của Nguyễn Khải. Từ Xung đột đến những tác phẩm về sau có sự thay đổi trong tư duy và lối viết của nhà văn. Từ chỗ viết về quyền lực tối thượng, Nguyễn Khải quan niệm: Tôn giáo là sự thăng hoa, “nó sẽ thuộc phạm trù của văn hóa chứ không còn thuộc phạm trù quyền lực như hiện tại” (Cha và con, và…); “Tôn giáo phải tự giải phóng ra khỏi cái ám ảnh về quyền lực thì mới tồn tại được, kể cả quyền lực về tinh thần” (Thời gian của người). Nhà văn này đi từ cái nhìn đối kháng nhị nguyên (linh mục - nhân dân, tôn giáo - chủ nghĩa xã hội, địch - ta) đến tư duy hòa hợp (Thời gian của người, Điều tra về một cái chết). Những suy niệm tôn giáo trong nhiều tác phẩm công bố những năm cuối thế kỉ XX càng khẳng định tầm sâu triết luận trong tiểu thuyết Nguyễn Khải. Ông chính là nhà văn khơi nguồn cho dòng văn học thế sự - chính luận, có tính tư tưởng. Đầu thế kỉ XXI, cảm quan hậu hiện đại chi phối lối viết của cả một thế hệ nhà văn, nên không nhiều tác giả sáng tác từ cảm thức tôn giáo; trong số ít ỏi này có thể kể hai trường hợp tiêu biểu là Hồ Anh Thái và Nguyễn Việt Hà.
Nguyễn Việt Hà thuộc kiểu nhà-văn-liên-tôn-giáo. Trong các tiểu thuyết của nhà văn này không có tôn giáo nào là duy nhất. Trên nền Kitô giáo, cảm thức liên tôn giáo khúc xạ qua tư duy hiện sinh và lối viết liên văn bản khiến tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà đan quyện nhiều vấn đề thuộc nhân vị bản thể, nhiều suy niệm tôn giáo, đức tin và sự sụp đổ đức tin, nỗi cô đơn của “kẻ lạc Chúa”, lạc cả mọi niềm tin (“Anh là người tin có chúa Giêsu chịu nạn trên cây thánh giá và đức mẹ Maria có con mà vẫn đồng trinh” - Cơ hội của Chúa; “Có những thông điệp của Thiên Chúa tôi đòi thực chứng” - Khải huyền muộn). Đan lồng những suy niệm tôn giáo vào đời sống thị dân, va đập tương hỗ những triết lí siêu hình và triết lí đời sống thực tiễn, tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà là những mẩu đối thoại sinh động giữa đạo và đời. Các tín điều siêu nhiên về tôn giáo ẩn sau số phận của nhân vật, hoặc hiển lộ qua diễn ngôn triết lí của tác giả, nhân-vật-nhà-văn. Trong lời của nhà văn có sự đan xen lời của sách Khải huyền, Kinh thánh, kinh Phật lẫn kinh Qur’an, chưa kể lời Khổng Tử, Lão Tử…, rồi thuyết tiến hóa, tà giáo, thần học, cái ác và đạo đức sinh thái (Cơ hội của Chúa, Ba ngôi của người, Thị dân tiểu thuyết). Quan niệm về văn và nhà văn chêm xen, ẩn lồng trong những ý niệm tôn giáo khiến cho những phát ngôn nghệ thuật của Nguyễn Việt Hà thoát khỏi tính sáo mòn: “Tôi là người mong manh có đức tin và tôi là nhà văn”; “Chao ôi, hạnh phúc làm sao được thành nhà văn mà vô ngôn”. Vô ngôn, “dĩ tâm truyền tâm” là đích đến của các tiểu thuyết gia tầm cỡ. Dẫu vậy, tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà lại rườm rà một cách cố ý. Điều đó làm nên một phong cách. Luận bàn tôn giáo từ lối viết trò chơi hậu hiện đại tung hỏa mù, láo nháo và trang nghiêm, thiêng và tục, hư cấu và siêu hư cấu…, tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà do vậy không dễ đọc.
Hồ Anh Thái là nhà văn mà mỗi tác phẩm là những vỉa tầng hòa nhập và khu biệt giữa các tôn giáo lớn. Trong tiểu thuyết của nhà văn này, bên cạnh nền văn hóa này tồn tại một hay nhiều nền văn hóa khác, bên cạnh tiếng nói của đức tin này còn vang lên tiếng nói của các đức tin khác. Dấu về gió xóa mang triết lí vô thường với những mạch ngầm đối thoại giữa Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo… Năm lá quốc thư bên cạnh những vấn đề về căn tính Việt còn có những mảnh ghép về Hồi giáo. Cõi người rung chuông tận thế đan xen Phật giáo, Kitô giáo và tín ngưỡng dân gian. Đức Phật, nàng Savitri và tôi là cuốn tiểu thuyết về Phật sử, với quan niệm luân hồi, kiếp trước kiếp sau, tuy vậy cũng không đơn thuần là độc tôn tôn giáo. Sự tiếp nhận các luồng tư tưởng lớn, vốn tri thức đồ sộ, những thực chứng từ nhiều vùng đất thánh mà nhà văn đã đi qua… tất cả đã chuyển hóa thành những khái quát nhân sinh mang tầm triết lí. Tầm khái quát trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái cao, dẫu chúng thường khi là những tiểu tự sự về đời phàm, bằng diễn ngôn phi chính ngữ, phi nghiêm túc (đôi khi ồn ào quá do cách cường điệu hóa để cợt giễu của nhà văn). Ở những tác phẩm về sau, giọng bông đùa vẫn là giọng chủ, nhưng không ồn ào mà kín và sâu qua lối liên tưởng bất ngờ dí dỏm. Hồ Anh Thái thường giành lời của nhân vật (những tri thức, suy ngẫm, luận bàn kết nối nhau tải dài mạch truyện). Nhưng phải chăng, bên trong một cái tôi bông đùa, châm biếm là một cái tôi khác trầm tư day dứt về cõi thế, về đức tin (“…càng đi càng mất dấu. Tìm dấu một cơn gió vừa đi qua trên bãi cỏ. Tìm dấu một con tàu vừa đi qua giữa đại dương” - Dấu về gió xóa). Khi Hồ Anh Thái viết về nhân quả, báo ứng, cảm giác đắng chát nhiều hơn là phẫn nộ. Quyền lực trần thế đã lấn át, niềm tin chao đảo, phận người chênh chao. Câu hỏi về bản thể day dứt sau những luận bàn tôn giáo: “Đi hay về? Đi đâu cho thoát kiếp người? Đi đâu cho thoát chính mình?” (Dấu về gió xóa). Những suy niệm tôn giáo ẩn sau giọng châm biếm cợt nhả, kể cả sau những trường đoạn viết về tính dục - lạc thú muôn thuở của con người. Và phải chăng cái hài, grotesque hay cường điệu… cũng chỉ là để khỏa lấp, che chắn nỗi cô đơn giữa một cõi thế quen thuộc mà xa lạ.
“Tôn giáo là thông dự chứ không phải là bàn thuyết” (Mircea Eliade). Nhà văn khi viết về đức tin tôn giáo cần có diễn ngôn riêng. Hồ Anh Thái ít “bàn thuyết”. Không quá thiên về trích dẫn Kinh thánh, sách Phúc âm, Tứ diệu đế..., những ý niệm siêu hình ẩn ở mạch ngầm văn bản, qua sự liên kết, chêm xen, ghim vào những huyền tích, biểu tượng thể hiện niềm tin tâm linh. Từ một biểu tượng xuất hiện với tần suất lớn trong nhiều tác phẩm của Hồ Anh Thái là tiếng chuông, có thể đọc được đối thoại liên tôn giáo khúc xạ qua cái nhìn thế tục hóa. Dấu về gió xóa là tác phẩm luận bàn nhiều về đa thần, đa giáo. Tôn giáo nào cũng hướng con người đến an lành. Vì vậy, ở Đảo Xanh (thiên đường và địa ngục cũng tại chốn này) có một ngôi nhà đa giáo, hợp chủng giáo, ở đó có tiếng chuông dành cho mọi tín đồ: “Chuông nhà thờ đánh suốt ngày, ban đầu là đánh chuông cho người Tin Lành, người Thiên Chúa giáo. Sau rung chuông cho người Hindu, người Hồi giáo, người Hỏa giáo, sau thỉnh chuông cho Phật giáo”. Âm thanh tiếng chuông mang nhiều “tiếng nói”. Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi, khi cái ác của tà giáo nấp bóng, tiếng chuông không còn mang ý nghĩa từ bi hỉ xả hay cứu rỗi. Ngày phán xử cuối cùng đã đến, khi tế sư lảo đảo tóm được quả chuông nhỏ trong lòng bàn tay, tiếng chuông chỉ “leng keng vài tiếng rồi bị đứt ra khỏi dây rơi xuống cùng thân hình tế sư đổ xuống” giàn thiêu đang bốc lửa từ bên dưới. Trong Cõi người rung chuông tận thế là tiếng chuông nguyện hồn cho cái chết tức tưởi của một phận người rách nát không chốn nương thân, không một niềm tin cứu rỗi (“Âm thanh như một núi mảnh thuỷ tinh sắc vụn trút xuống, xây thành mộ cho một linh hồn đột tử oan uổng”); là một “bản hòa âm những tiếng chuông xôn xao, phấp phỏng, vang động những lời cảnh báo” trên con đường sám hối đầy nhọc nhằn của Đông, kẻ từng đứng về cái ác. Kết thúc câu chuyện về cái ác là thông điệp mang tinh thần thuyết mạt thế, diễn ra trong thế kỉ của văn minh công nghiệp và đạo đức sinh thái. Vang lên từ không gian Phật, nhưng như một mặc khải tận thế, tiếng chuông chùa hối hả như một lời cảnh tỉnh về sự tận diệt, khi con người mù mờ trong cõi vô minh, để cái ác ngự trị: “Bất đồ chuông chùa rung thảng thốt... Sư cụ đã bị cướp mất bình yên. Chuông giận dữ đổ ập vào không gian… Cả cõi người bị nhấn chìm trong một trận hồng thủy ngập tràn kim loại”. Trong âm thanh tiếng chuông chùa hoảng loạn là “sấm ngôn” về “thời giờ đã gần đến”, về “một điều gì đó sắp phải xảy ra”, trong đó có mặc khải tận thế. Bạo lực làm xói mòn nhân tính, hủy diệt nhân vị. Hồng-thủy-kim-loại là cảnh báo về tình trạng phi nhân dẫn đến tận diệt. Nền văn minh phi tự nhiên phá vỡ thiết chế đạo đức văn hóa loài người. Quyền năng là do đấng sáng thế, nhưng với cái nhìn thế tục và tư duy đối thoại, Hồ Anh Thái đặt ra câu hỏi khác: Đâu là “quyền năng” của con người trong việc biến cuộc sống thành đại họa? Tôn giáo có chức năng cứu vớt con người, nhưng đôi lúc đức tin tôn giáo trở nên mong manh trước quyền lực trần thế: “Tai họa rồi. Tận số rồi. Đảo chìm… quá tải vì tội lỗi của con người… Trời đất trừng phạt rồi…” (Dấu về gió xóa); “Cõi nhân gian như đang kề bên bờ vực huỷ diệt. Động đất ở Nhật. Lụt lớn ở Trung Quốc. Sóng thần ở Bangladesh. Những trận nóng kinh hồn và bất thường ở những xứ như Pháp, Anh, thậm chí cả ở Mĩ, làm chết hàng ngàn người. Vậy thì chẳng phải cái hố đen diệt vong đã bắt đầu hiện ra rồi sao?” (Cõi người rung chuông tận thế).
Thiện - ác và đức tin
Đạo đức xã hội dựa trên nền tảng thiện và ác. Mọi tôn giáo đều ngăn chặn con người làm điều ác. Văn chương viết nhiều về cái ác, có những tác phẩm đẩy đến tận cùng tội lỗi, nhưng bên trong vẫn là hạt nhân thiện lành. Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn sớm viết về cái ác với quan niệm “Cuộc sống chỉ chia ra hai màu thiện - ác, không hơn” (Dấu về gió xóa). Từ cảm thức tôn giáo, motif tội lỗi - trừng phạt trở thành chủ đề đạo đức phổ biến trong văn chương. Nếu Kitô giáo tin vào một đấng Thượng đế toàn năng sáng tạo thế giới thì Phật giáo không có khái niệm về một đấng cứu thế. Phật giáo quan niệm rằng mọi hiện tượng đều tùy duyên, “do cái này sanh, cái kia sanh”, “do cái này diệt, cái kia diệt”, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Kitô giáo không có thuyết nhân quả. Tuy vậy, các tôn giáo đều có điểm tương giao là tin có báo ứng trong cuộc đời như một quy luật tất yếu. “Vì chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc”, “Tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (sách Khải huyền). Đề cập nhân quả, báo ứng khiến các tôn giáo có sự gặp gỡ trong niềm tin tâm linh. Cõi người rung chuông tận thế là tột cùng tội ác và hình phạt. Nhóm gây tội ác phải đền tội, từng người một (mọi thứ làm ác và sự trừng phạt đều cùng khuôn đúc). Giữa cõi nhốn nháo ta bà, cô gái mang vác sức nặng của thập tự giá. “Các chị hãy khai sinh cho cháu là Nguyễn Thị Mai Trừng. Mai ngày cháu lớn, cháu sẽ đi trừng phạt kẻ ác” - lời trăng trối của người mẹ như vòng kim cô trói buộc để cô gái mãi mãi đồng trinh. Nỗi khao khát đàn bà bật lên thành lời cầu khẩn: “Cho con thoát khỏi sứ mệnh ấy”. Với cái nhìn huyền thoại lẫn thế tục, Hồ Anh Thái đã tạo nghi lễ tâm linh mang tinh thần phương Đông để giải thoát cho Mai Trừng, trả cô về cõi người dẫu còn quá nhiều khổ lụy: “Diệt trừ cái ác là việc của mọi người, sao lại bắt một đứa con gái đơn độc như con phải làm việc ấy?”.
Theo Phật, cuộc đời con người được vận hành bởi nghiệp; con người chịu trách nhiệm trước hành vi tội lỗi của mình. Theo Chúa, con người làm điều ác sẽ bị trừng phạt bởi một đấng quyền năng. Sự trừng phạt trong Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng) thật dữ dội. Đối thoại liên tôn giáo xen vào những lời độc thoại vang lên từ hai nửa con người thù hận và hỉ xả cùng tồn tại trong Mai. Tội lỗi của người cha kết hình thành bóng ma lẩn quẩn trong thân thể Mai, không siêu thoát: “Cha yêu mẹ nhưng lại làm dì sinh ra con lúc mới mười lăm tuổi”; “Cha không hiểu đứa con gái bị cha mình úp chiếc gối vào mặt thì nó thèm được thở như thế nào”. Hành động phá trinh chính con gái mình đẩy ông đến tận cùng tội lỗi. Lời kết tội của Chi (bóng ma bé gái chỉ vài tháng tuổi) như lời phán-xử-cuối-cùng: “Tội lỗi này ngang với tội giết tổ tông. Thế giới của ông sẽ vỡ tan. Chỉ trong sự đổ vỡ ông mới nguyên lành trở lại. Người Thiên Chúa rửa tội bằng lửa, Mai có biết không?”. Lời của Mai (đứa con gái mười tám tuổi) như lời-sám-hối, xưng tội: “Thứ định mệnh nào đã bắt tôi ngồi đây, trên hai đầu gối của mình, dưới chân ông, đợi chờ tội lỗi xảy ra”; “Khi vũng máu hồng trinh tiết đã chảy ra và thấm vào làn vải trắng tinh… con sẽ quỳ trước mặt cha và nói: Con là con gái của cha”; “Chỉ một khoảnh khắc nữa thôi. Nhưng tôi không vượt qua được khoảnh khắc đó”. Trong cơn hoảng loạn, chấn thương, hơn bao giờ hết, Mai cần “dựa vào bàn tay của Phật nâng cho tôi không ngã”; “Tôi khấn, van nài, xin Đức Phật đến với con, một lần, trong giờ phút con cần nhất, để con không tan ra trong nỗi khổ đau này”. Nhưng mãi mãi với Mai, kẻ mang vác tội lỗi từ bóng ma Chi, tiếng chuông chùa “tịch mịch hơn cả sự yên lặng” không “làm tan nỗi buồn đã kết tinh thành Chi” trong thân xác của mình. Qua một cốt truyện đầy oan trái, qua sự giằng xé giữa tội lỗi và cứu chuộc, Đoàn Minh Phượng khắc họa một thế giới bên trong quá nhiều bất ổn, có những chiều tâm linh được lí giải bằng đức tin tôn giáo.
Con người thân phận là giao điểm giữa tôn giáo và văn chương. Từ một lối viết khác, trong tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Ngân Vy, sự trừng phạt không đến từ bên ngoài mà diễn ra ở nội giới, làm nên bi kịch số phận đàn bà. “Hãy ăn năn và tin vào Phúc âm”. Lấy tên tác phẩm là Phúc âm cho một người, Ngân Vy không vướng mắc vào những giáo điều, triết thuyết, cũng không quá bị chi phối bởi trò chơi cấu trúc. Niềm kính Chúa cùng những hoài nghi về một đấng cứu rỗi, niềm kiêu hãnh làm mẹ lẫn mặc cảm tội lỗi ngoại tình cứ lẫn lộn trong người đàn bà chịu quá nhiều khổ nạn đời thường. Đối thoại âm thầm diễn ra bên trong. Những dòng tự vấn, độc thoại không tuôn trào mà chậm chạp, hổn hển, đứt nối, như cõng theo mặc cảm về tuổi già, bệnh tật và tội lỗi. Tội ngoại tình của người tuổi xế chiều xuất phát từ niềm khao khát được chở che, được quan tâm, nhưng sự gần gũi về thân xác rốt cục chỉ mang lại cảm giác ê chề, đầy mặc cảm. Ân điển không thuộc về một người đàn bà trót không tin vào Chúa qua những thực chứng đời thường. Triết lí phận người đan xen trong nỗi hoài nghi về sự có mặt của đấng sáng thế trong cuộc sống trần gian khổ ải: “Thượng đế đã chết hay không thuộc về những phận người mong manh nhỏ bé? Ta cứ quay cuồng trong câu hỏi mình là ai, mình từ đâu đến và mình sẽ đi về đâu. Tôn giáo giúp ta trả lời, hay tôn giáo chỉ là lợi dụng cái sự li hương cố hữu trong bản ngã con người để đưa người ta vào u mê bị dẫn dắt bởi quyền lực?”. Chòng chành giữa mặc cảm tội lỗi và nhu cầu chuộc lỗi, bà Khuê cảm thán: “Chúa tôi! Thánh giá này quả là nặng quá”. Vừa kính Chúa vừa mất niềm tin về một Thượng đế nhân từ, vừa cầu mong cứu rỗi vừa hoài nghi được cứu rỗi, người đàn bà ấy lại quay về với thực trạng cô đơn và chìm trong kí ức. Mùi hương trầm trong tang lễ mà đứa bé gái từng hít hà thuở ấu thơ và mùi nước hoa hồng xức mình thánh cứ vừa quyện hòa vừa tách bạch trong kí ức lẫn thực tại rối bời của một người đàn bà tội lỗi. Tiếng chuông nhà thờ giục giã như nhắc nhớ về tuổi thơ đã trôi xa và tội lỗi thật gần. Bà thấy mình “đang bị lột trần ra, không nơi trú ngụ”. Con đường tìm lại đức tin của người đàn bà với “bầu ngực lòng thòng cả đời dâng hiến cho công cuộc bú mớm của lũ con và cho cả bọn đàn ông cả đời khát mẹ” quá nhọc nhằn. Liệu có ân sủng nào cứu chuộc mọi tội lỗi của người đàn bà ấy? Niềm tin Phúc âm phải chăng là ảo tưởng?
“Thượng đế chỉ có một, tất cả các tôn giáo đều chung một mục đích đưa con người ta đến bến thiện, dạy họ ăn ngay ở lành” (Nguyễn Việt Hà). Tư duy liên tôn giáo khiến những tiểu thuyết Việt có yếu tố tôn giáo ngày càng tiệm cận tầm cao. Niềm tin tâm linh khúc xạ qua văn chương trở thành lời cảnh tỉnh, hướng dắt con người đến cái thiện. Hòa hợp tôn giáo, văn chương hướng đến hằng số chung là đưa con người từ cõi vô minh đến chân lí vĩnh hằng Chân - Thiện – Mĩ.
L.T.H
VNQD