Tân Trào - nguồn sóng mới

Thứ Hai, 30/11/2020 06:08

. KIỀU MAI SƠN tổng hợp

Ngôi làng Kim Long giữa rừng già huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từ khi cách mạng về đã được đặt tên là Tân Trào - ngọn sóng mới của cách mạng. Nơi đây trở thành Thủ đô gió ngàn của sáu tỉnh Khu giải phóng (Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên) mới được thành lập ít lâu. Từ đầu nguồn Pắc Bó, giữa tháng 5 năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã băng qua rừng, qua suối, về với Tân Trào, chọn vùng đất này làm đại bản doanh chỉ đạo các lực lượng cách mạng trên đà tiến tới Tổng khởi nghĩa khi thời cơ nghìn năm có một đang đến gần. Tân Trào trở thành vùng thánh địa với tên gọi giản dị: Chiến khu.

Chiến khu Tân Trào.

Vượt sông Cầu đến đất Thái Nguyên thuộc Chiến khu 1 để vào được nơi đầu não của cách mạng, các đại biểu phải qua một cuộc kiểm soát giấy tờ chặt chẽ. Phải có chữ kí của ông Lê Thanh Nghị, người phụ trách An toàn khu lúc đó, các đại biểu mới tiếp tục đi vào Tân Trào. Chặt chẽ như vậy nhưng không gây căng thẳng cho những người xung quanh. Ông Đỗ Đức Dục, một đại biểu lên Chiến khu Tân Trào, đã ghi lại cảm nhận của mình trong bút kí được thực hiện một tháng sau đó: “Hình ảnh đẹp của người cán bộ có vẻ mặt hồn hậu, nói năng ôn tồn, mình bận đơn giản một bộ quần áo ta trắng này ghi lại trong trí nhớ tôi như một niềm tin cậy”.

Từ đầu tháng 7 năm 1945, các tổ chức đoàn thể đã lần lượt lựa chọn đại biểu để lên Chiến khu Tân Trào. Có những đại biểu từ Xiêm (nay là Thái Lan) và Lào về nước. Đại biểu từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ (Cao Hồng Lãnh, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Chưởng…) ra. Đoàn đại biểu Bắc Bộ (Trần Huy Liệu, Trần Đức Thịnh, Trần Ngọc Nghiêm, Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Đình Thi, Dương Đức Hiền, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vũ Quang, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Xuân…) thuộc nhiều đoàn thể khác nhau cũng theo những đường dây giao thông (ZT) bí mật vượt qua nhiều chặng đường khó khăn, hiểm nguy để tới điểm hẹn.

Đoàn đại biểu cứ đi qua một trạm thì lại có thêm người. Lần này, ông Trần Huy Liệu gặp hai nữ đại biểu mà ông đoán là ở Hoàng Diệu (bí danh của Thủ đô Hà Nội lúc đó). Lại có một toán người bận quần áo nâu nhưng từ cử chỉ đến thần thái vẫn không giấu được vẻ người thành thị. Qua câu chuyện của họ ông Liệu đoán rằng trong đó có cả kĩ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà thơ, nhà báo nữa. Quả thật, những đại biểu lên Chiến khu Tân Trào dự Quốc dân Đại hội tháng 8 năm 1945 có kĩ sư Hoàng Văn Đức, bác sĩ Nguyễn Dương Hồng, dược sĩ Vũ Công Thuyết, nhà thơ Cù Huy Cận, nhà báo Vũ Đình Hòe, nhà báo Đỗ Đức Dục… Trong đoàn còn có những nhà cách mạng tên tuổi, đã qua thử lửa ở những địa ngục trần gian Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo… như Khuất Duy Tiến, hoặc trí thức, nữ sinh Hà Nội như Dương Đức Hiền, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thị Như, Vũ Oanh, Vũ Quang, Trần Ngọc Nghiêm…

Ngoài Khuất Duy Tiến và Trần Ngọc Nghiêm, các đại biểu không ai biết đích xác trong đoàn có nhà báo, chiến sĩ cách mạng Trần Huy Liệu. Họ chỉ đoán người đàn ông thấp bé nhưng nhanh nhẹn ấy là một “tay kì cựu”. Hai nữ đại biểu thành Hoàng Diệu lại hay nhắc chuyện và thuộc lòng bài thơ lãng mạn của Thu Tâm gửi Hải Khách đăng trên báo khiến cho Trần Huy Liệu lắm lúc muốn phá cả bí mật để cười to lên: “Hải Khách là tôi đây, các chị ạ!”.

Tại một trạm liên lạc khác, Khuất Duy Tiến kéo riêng Nguyễn Đình Thi ra, giới thiệu với Trần Huy Liệu. Lần đầu gặp nhà cách mạng nổi tiếng, Nguyễn Đình Thi không khỏi rụt rè. Trái lại, Trần Huy Liệu rất vui vẻ hỏi han. Ông Liệu cũng tiết lộ, trong thời gian bị giam cầm ở Nghĩa Lộ (Yên Bái), ông có đọc mấy quyển sách triết học phổ thông của Nguyễn Đình Thi: Triết học nhập môn, Triết học Kant, Siêu hình học... Không ngờ tác giả còn trẻ quá, khi viết sách Triết học Nietzsche, Triết học Descartes, Triết học Einstein… còn chưa đến 20 tuổi.

Hai tiếng “Chiến khu” là nơi mơ ước của những người hoạt động cách mạng lúc bấy giờ. Đường gần nhưng vì nguyên tắc bí mật nên những người giao thông lại dẫn đường vòng thành ra xa. Thậm chí, vì bí mật nên ngay chính những người giao thông dẫn đường này cũng không biết dẫn các đoàn đại biểu đi đâu. Họ chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ đưa đoàn đến địa điểm đã được giao nhiệm vụ trước đó. Việc của ai người đấy chịu trách nhiệm. Ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc “ba không” (không nghe, không thấy, không biết). Nhưng rồi, tin Nhật đầu hàng Đồng Minh truyền đi rất nhanh đã khiến cho mọi thứ thay đổi. Đoàn đại biểu phải đi gấp rút cả ngày lẫn đêm. Có giao thông viên còn dẫn đoàn đi đường tắt xuyên rừng để tới Chiến khu. Do đó Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập cũng phải tiến hành gấp rút, không thể chờ đại biểu các nơi đến đông đủ mới khai mạc. Trong điều kiện muôn vàn khó khăn mới triệu tập được đại biểu toàn quốc, trước việc Nhật đầu hàng diễn ra đột ngột quá nên ngày khởi nghĩa cũng phải đề ra kịp thời.

Tân Trào những ngày tháng 8 năm 1945 đông vui và nhộn nhịp như hội. Từng đoàn đại biểu từ các nơi kéo về. Bộ đội Giải phóng quân đi lại nhộn nhịp. Quanh bếp lửa nhà sàn, đại biểu khắp ba miền hội ngộ. Các ông Lê Giản và Hoàng Hữu Nam kể chuyện bị đày sang đảo quốc Ma-đa-gát-xca xa xôi, rồi được đưa về Ấn Độ huấn luyện, đưa lên máy bay của đế quốc Anh thả dù xuống Việt Bắc, tìm đầu mối liên lạc. Ở Tân Trào, các đại biểu cũng được thấy những người da trắng, mặc quân phục Hoa Kì. Họ là Patti, Thomas, Mạc Sin… lính OSS trong đội Con Nai đang huấn luyện quân sự cho quân đội Việt Minh. Ông Hà Huy Giáp đại biểu Nam Bộ cười ha hả kể lại tình huống hú hồn. Đó là khi đi qua Bắc Ninh, ông bị tự vệ Việt Minh bắt vì tình nghi là gián điệp của Nhật… Cũng không ít trường hợp thanh niên vì bị sức hút của hai chữ “Chiến khu” mà không kìm nén nổi tính tò mò của tuổi trẻ, tự động tìm đường lên Chiến khu…

Trong hồi kí, ông Trần Huy Liệu chia sẻ, điều mong mỏi thiết tha nhất mà các đại biểu ấp ủ ngay từ khi được tin cử đi đại hội là được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Trong lúc gặp những cán bộ cách mạng thường trực ở Tân Trào, nhiều đại biểu chờ tin nhưng không thấy ai nhắc đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Thấy vậy, Trần Huy Liệu cũng không dám hỏi. Tối đến, trong khi họp trao đổi ý kiến giữa một số đảng viên về việc tổ chức khai mạc Đại hội Quốc dân, khi bàn đến việc bầu Chủ tịch đoàn, ông Liệu đề nghị bầu đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào Chủ tịch đoàn danh dự.

“Một vài đồng chí đưa mắt cho nhau mỉm cười. Tôi biết ý cũng mỉm cười và càng tin chắc đồng chí Nguyễn Ái Quốc hiện đã ở đây rồi, mà ở đây thì việc gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và việc đồng chí tham gia Chủ tịch đoàn là tất nhiên rồi”, hồi kí Trần Huy Liệu viết.

Chiều ngày 16 tháng 8 trước lúc Đại hội Quốc dân khai mạc là giờ xuất quân do đồng chí Văn (bí danh của Võ Nguyên Giáp) lãnh đạo kéo về đánh Thái Nguyên. Một đại đội Giải phóng quân với những vũ khí trang bị mới có, cũ có, tập trung chỉnh tề dưới gốc đa Tân Trào. Đại đội trưởng Đàm Quang Trung chỉ huy đội hình đội ngũ với tiếng hô quân dõng dạc và tư thế oai phong của một vị tướng tương lai gieo vào các đại biểu ấn tượng mạnh mẽ. Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp khiến nhiều người thấy mới lạ khi được nghe giọng nói đanh thép, không còn là chàng “bạch diện thư sinh” vừa viết báo Le Travail vừa đi dạy học tại trường tư thục Thăng Long như năm nào ở Thủ đô.

Đồng chí Văn báo cáo trước đoàn đại biểu Quốc dân xong, ông Trần Huy Liệu thay mặt đoàn nói mấy câu cổ vũ bộ đội quyết chiến, quyết thắng. Đoàn quân Việt - Mĩ ngay sau đó rầm rập bước đi. Ông Trần Huy Liệu cảm động, sung sướng đến nỗi muốn khóc. Cũng ngay chiều hôm 16 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội bắt đầu họp ở đình Tân Trào. Ngôi đình ba gian lợp mái gianh nhìn ra bờ suối. Gian giữa có bàn thờ vẫn để nguyên. Hội nghị họp tại gian bên trái. Gian bên phải trưng bày sách báo cách mạng. Hơn 60 đại biểu từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Việt kiều ở Xiêm, ở Lào ngồi trang nghiêm trên những chiếc ghế gỗ sơ sài. Bên trên, lá cờ đỏ sao vàng căng ở sát vách tường. Đồng chí Toàn (bí danh của Trường Chinh) và đồng chí Tống (bí danh của Phạm Văn Đồng) điều khiển cuộc họp. Hai đại biểu Khuất Duy Tiến và Cù Huy Cận được cử làm Thư kí đoàn của Đại hội.

Đồng chí Trường Chinh chững chạc trong bộ âu phục, còn đồng chí Hoàng Quốc Việt thì vẫn bộ quần áo nâu tàng, lại đội chiếc khăn xếp đã tã. Các ông Bút (bí danh của Trần Huy Liệu), ông Sao Đỏ (bí danh của Nguyễn Lương Bằng), ông Tống (bí danh của Phạm Văn Đồng), và ông Dương Đức Hiền được đề cử làm Chủ tịch đoàn, thay phiên nhau điều khiển Đại hội. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Đại hội làm việc khẩn trương từ chiều 16 và suốt ngày 17. Sau khi Đại hội đã thông qua nghị quyết và sắp bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng toàn quốc thì có tin báo cụ Hồ Chí Minh sắp lại thăm. Bên trong hội trường bắt đầu xôn xao với câu hỏi: Cụ Hồ Chí Minh là ai? Một số đại biểu đã biết, nhưng đa số đều chưa biết. Có những đại biểu thì ngờ rằng cụ Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhưng chỉ để bụng chứ không dám nói ra.

Không phải chờ lâu, một người xắn quần, đội mũ nồi, tay chống gậy đi qua trước đình nhưng không vào thẳng hội trường mà rẽ xuống suối rửa chân rồi mới vào. Cụ Hồ Chí Minh bước vào đình, mọi người vỗ tay vang. Đó là một ông già gầy ốm, da xanh nhợt, má hơi hóp vào; tuy vậy vầng trán cao và đôi mắt sáng vẫn nổi bật lên. Huynh trưởng Hướng đạo sinh toàn Đông Dương, ông Hoàng Đạo Thúy, với “tên rừng” Hổ Sứt, ghé sang nói nhỏ với Nguyễn Đình Thi ngồi ngay cạnh: “Đúng rồi! Đúng rồi!”. Cụ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc chứ không phải ai khác.

Đại hội Quốc dân bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng toàn quốc gồm 15 thành viên. Những người được đề cử đều có người giới thiệu quá trình công tác cách mạng một cách sơ lược. Chỉ có cụ Hồ Chí Minh thì không cần giới thiệu. Ủy ban Dân tộc Giải phóng được bầu ra theo quyết định của Đại hội, một khi cần thiết sẽ đổi thành Chính phủ Lâm thời. Ủy ban do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, ông Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch.

Lễ tuyên thệ của Ủy ban Dân tộc Giải phóng trước Đại hội diễn ra trang nghiêm và cảm động. Trong khi đó, một đoàn đại biểu nhân dân địa phương gồm cả già trẻ, trai gái dắt một con bò và mang mấy sọt gạo đến mừng. Các ủy viên trong Ủy ban Dân tộc Giải phóng ra bắt tay với các đại biểu nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ vào một em bé cởi trần, bụng giun to tướng nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các em bé như em bé này được có cơm ăn, áo mặc, khỏe mạnh và học hành”. Câu nói giản dị nhưng các đại biểu ai nấy đều cảm động và ghi nhớ cho đến nhiều năm sau này. Các đại biểu thay mặt các đảng phái, tổ chức quần chúng như đồng chí Trường Chinh (Đảng Cộng sản Đông Dương), Hoàng Quốc Việt (Công nhân cứu quốc), Hoàng Đạo Thúy (Hướng đạo), Trần Đức Thịnh (Nông dân cứu quốc), Nguyễn Đinh Thi (Văn hóa cứu quốc)... đều lần lượt phát biểu trao đổi tại Đại hội Quốc dân.

Đại biểu Trần Đức Thịnh, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kì phụ trách Nông vận, đã phát biểu rất hăng. Ông nêu ra nhiều vấn đề gai góc. Đại biểu Dương Đức Hiền cũng thẳng thắn nêu những câu hỏi về quan hệ giữa các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh. Đại biểu Vũ Oanh (Đoàn Hà Nội) báo cáo về phong trào cách mạng sôi nổi ở Thủ đô. Còn đại biểu Hoàng Đạo Thúy nói về phong trào Hướng đạo sinh… Những nội dung còn thắc mắc, các câu hỏi của các đại biểu nêu ra đều được cụ Hồ Chí Minh phân tích và giải đáp cặn kẽ. Hội trường lại một phen nóng lên sau phát biểu của đại biểu Trần Huy Liệu. Sự việc bắt đầu từ ý kiến phân tích của cụ Hồ Chí Minh giải đáp vấn đề thái độ của nhân dân ta đối với quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội phát xít Nhật. Theo đó, nhân dân Việt Nam vừa là chủ nhân đón tiếp quân Đồng Minh, vừa cảnh giác, đề phòng thực dân Pháp có thể nấp sau danh nghĩa Đồng Minh để quay trở lại hòng đặt lại xiềng xích nô lệ trên đất nước Việt Nam một lần nữa. Dù tình huống như thế nào, các địa phương cần bình tĩnh để không mắc vào âm mưu khiêu khích của thực dân Pháp. Đại biểu Trần Huy Liệu liền đứng lên phát biểu tỏ vẻ không đồng tình với thái độ mềm dẻo đó. Ông Liệu cho rằng phải đánh Pháp ngay khi chúng vừa đặt chân trở lại đất nước ta, chứ không nhân nhượng. “Mấy thằng Tây quèn quỳ gối đầu hàng Nhật, chúng ló mặt ra là phải quét ngay”. Nghe ý kiến của ông Trần Huy Liệu như vậy, ông Trần Đức Thịnh cũng gật gù tán thành. Cụ Hồ Chí Minh tiếp tục giải thích, phân tích cặn kẽ để hạ nhiệt cả ông Liệu cũng như những đại biểu khác: “Chú Liệu nói mấy thằng Tây quèn, nhưng cả đế quốc Pháp thì không quèn đâu. Nhất định Pháp sẽ lăm le quay lại cướp nước ta. Nhất định chúng ta sẽ đánh lại Pháp. Nhưng đánh thế nào để giành chiến thắng, chứ không phải đánh theo kiểu một trận anh hùng rồi ra sao thì ra”. Lúc này, ông Trần Huy Liệu cùng nhiều đại biểu đã hoạt động lâu năm khác cũng nhớ đến cuộc khởi nghĩa Yên Bái 15 năm về trước với khẩu khí anh hùng của Nguyễn Thái Học: “Không thành công thì cũng thành nhân”. Các ông đều đã hiểu ra…

Họp chính thức đã xong, Đại hội bế mạc. Sau đó, các đại biểu tham dự cuộc liên hoan “trong nhà”. Nguyễn Đình Thi, đại biểu văn hóa, được yêu cầu góp vui một tiết mục. Ông hát bài Thanh niên Cứu quốc. Khi ông hát đến câu Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến/ Tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh, cụ Hồ Chí Minh liền lên tiếng: “Bây giờ mà chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì không hợp nữa. Chú nên hát là “gươm đây, gươm đây”. Nghe xong, các đại biểu đều cười reo vui.

Quả thực, Tân Trào trong những ngày tháng 8 năm 1945 đông vui và nhộn nhịp như những ngày hội với niềm tin, ý chí dâng lên như một nguồn sóng mới. Ông Vũ Oanh, một trong số đại biểu có mặt tại Tân Trào ngày ấy, sau 75 năm nhớ lại: “Cách mạng tháng Tám đã huy động cả dân tộc Việt Nam nổi dậy nắm chính quyền, ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là một sự bất ngờ lớn đối với lực lượng quân Đồng Minh vào tiếp quản Đông Dương, giải giáp và nhận sự đầu hàng của quân Nhật”

K.M.S

TƯ LIỆU NGUỒN:

1. Trần Huy Liệu, Hồi kí, Nxb Khoa học Xã hội và Viện Sử học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 1991.

2. Huy Cận, Hồi kí song đôi - đổi thay và kiên định, tập hai, Nxb Hội Nhà văn, 2012.

3. Kỉ yếu 50 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào, Văn phòng Quốc hội, 1995.

4. Hồi kí viết tay của Khuất Duy Tiến (tư liệu cá nhân của Kiều Mai Sơn).

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)