. Nguyễn Thanh Tú
1. Mỹ học niềm tin.
Lý tưởng, niềm tin luôn là điểm tựa tinh thần trong cuộc sống mỗi người, mỗi cộng đồng. Người ta yêu nhau trước hết là vì tin nhau: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua”. Yêu nhau, tin nhau thì “củ ấu cũng tròn”. Các cụ ta dùng chữ “thuận” để nói về những cặp vợ chồng cùng chung mục đích ước mơ, yêu nhau, tin nhau thì có thể vượt qua mọi trở ngại, dù khó khăn gian khổ đến mấy: “Thuận vợ thuận chồng bể Đông tát cạn”. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt thì vấn đề lý tưởng niềm tin luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong các cuộc kháng chiến. Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chính là một biểu hiện về niềm tin và quyết tâm không gì lay chuyển, cũng là thể hiện một khí phách ngút trời cả nước đồng lòng đuổi giặc Nguyên. Thời đánh giặc Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi được dân tin, quân mến “Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”, “Tướng sĩ một lòng phụ tử…” nên mới có thể làm nên “cỗ nhung y chiến thắng”. Một trong những nguyên nhân cơ bản đã giúp dân tộc ta “đánh thắng hai đế quốc to” Pháp và Mỹ là nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo thiên tài của Bác Hồ, của Đảng. Nhìn rộng ra trên thế giới chưa thấy dân tộc nào trở nên hùng cường tự chủ mà dân tộc đó lại thiếu lý tưởng, niềm tin. Ở phương diện con người cá nhân thì nếu mất lý tưởng, niềm tin là mất tất cả: “Tưởng giếng sâu em nối sợi dây gầu dài. Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây”. Em tưởng anh “sâu sắc” nên trao gởi tình yêu. Ai ngờ anh “nông nổi”, em tiếc cho niềm tin, ước mơ, khát vọng của mình, tiếc cho thời gian nuôi dưỡng tình yêu. Mà những thứ đó thì một đi không trở lại, không bao giờ lấy lại, nhất là tuổi xuân người con gái có thì…Đặt ý tứ bài ca dao này vào hoàn cảnh xã hội phong kiến xưa sẽ càng thấy nỗi đau đắng đót sâu thẳm của những cô gái có thể bị lỡ làng cả cuộc đời vì bị mất niềm tin vào một người con trai nào đó. Ngược lại, có lý tưởng, niềm tin là có tất cả, chúng luôn là cơ sở là động lực để thúc đẩy những phẩm chất khác, như dũng cảm, kiên trì, tự tin, đức hy sinh.
Người Việt chiến thắng kẻ thù bốn chân, không chân, hai chân và đang vươn lên đài vinh quang của hạnh phúc, dân chủ, văn minh bằng niềm tin còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây.
Hồ Chí Minh kết tinh giá trị niềm tin của người Việt. Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, xuất bản lần thứ ba, thao tác trên máy tính qua đĩa CD-ROM), cụm từ tôi tin xuất hiện 245 lần, có 205 lần chủ thể phát ngôn là Bác Hồ. Hai chữ tin tưởng xuất hiện 348 lần, 302 lần biểu hiện trạng thái tâm lý tích cực của chủ thể tác giả Hồ Chí Minh. Mở đầu Di chúc là một niềm tin chiến thắng: Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn.
Ở câu trên mệnh đề song nhất định thắng lợi hoàn toàn là một khẳng định nhưng vẫn được nhấn mạnh một lần nữa ở câu Đó là một điều chắc chắn. Để tác động mạnh hơn nữa vào thị giác người đọc, tác giả còn cho câu văn khẳng định này tách dòng đứng riêng. Các từ nhất định, hoàn toàn, chắc chắn là không thể thay thế, ví dụ dùng phép giả định tỉnh lược, để chỉ còn song sẽ thắng lợi thì nội dung câu văn vẫn giữ nguyên nhưng rõ ràng ý nhấn mạnh niềm tin đã bị giảm đi rất nhiều. Đặt Di chúc trong bối cảnh công bố (1969) khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ còn đang ở giai đoạn cực kỳ gian khổ càng thấy đó là một niềm tin của chân lý. Niềm tin luôn đi cùng quyết tâm, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập. Đó không chỉ là lời Bác Hồ mà còn là lời của lịch sử, của chân lý, lẽ phải và niềm tin.
Bác viết Di chúc nhưng không một lần dùng từ “di chúc”, vì theo quan niệm truyền thống đó là thể văn của người sắp chết viết nhắn nhủ người còn sống. Bác vẫn luôn sống mãi cùng đất nước, đồng bào. Đó là một biểu hiện của niềm tin!
2. Mỹ học tình thương.
Tình yêu quê hương, thiên nhiên, gắn tình yêu với thiên nhiên. Người Việt lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp: mắt bồ câu, mắt lá răm, mũi dọc dừa, lông mày lá liễu…Con người là một phần của thiên nhiên, thiên nhiên lại là chuẩn mực của con người: Những người con mắt lá răm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền. Ca dao tình yêu luôn mượn thiên nhiên như là một phương tiện để trao gởi, giãi bày: Bây giờ mận mới hỏi đào…Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá nên sàng hay chăng…Thiên nhiên là nhịp điệu sống sinh hoạt: Bao giờ đóm đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng. Thiên nhiên là thước đo tâm trạng, tình cảm: Bèo dạt mây trôi, tang tính tình/ Em vẫn đợi/ Bèo dạt…Bác Hồ là người Việt Nam đẹp nhất vì luôn sống giữa thiên nhiên: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi…
Lịch sử văn hóa cho thấy người Việt coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất. Bác Hồ là người tiếp bước sự thành công của các bậc tiên liệt để lãnh đạo cách mạng: “Các cô, các chú có biết vì sao mà cách mạng của ta thành công không? Vì tinh thần”, “Vì sao đoàn kết? Là do tinh thần!...Như các đồng chí ta mà bị hy sinh trong lúc làm việc bí mật trước cách mạng, bị nó bắt được, nó treo, nó kẹp, nó tra tấn, nó bắn nhưng nhất định không nói, chẳng những không nói mà còn chửi vào mặt nó. Đấy là vật chất hay tinh thần? Trong kháng chiến có chiến sỹ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân ngăn cho súng khỏi lăn, hy sinh lấy tài liệu của địch…, thì đó là tinh thần hay vật chất? - Tinh thần” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 10, tr. 580).
3. Mỹ học cái hài hòa.
Quan niệm cái đẹp ở trong đời sống, gắn liền, hài hòa với đời sống. Chịu sự quy định của môi trường nóng ẩm, mưa nhiều bão lắm, canh tác chủ yếu là cây lúa nước phụ thuộc nhiều vào thời tiết…nên thẩm mỹ người Việt không ưa thích cái hoành tráng, bề thế mà thích cái nhỏ nhắn, tiện dụng, bình dị và giản dị. Nhà ở cũng thấp bé vừa tránh bão tố vừa mát mẻ. Chùa bên Trung Quốc thường ở nơi thâm sơn cùng cốc nhưng ở Việt Nam thường nép mình dưới bóng đa, cộng cư với xóm làng, không quá khác với những ngôi nhà mái lá. Một đặc điểm nổi bật của kiến trúc Việt là hài hòa với thiên nhiên tạo vật, với đời sống Việt giản dị, mềm mại, uyển chuyển. Điêu khắc đình chùa miếu mạo vừa tôn nghiêm với các hình ảnh long, ly, quy, phượng…vừa có các hình ảnh sinh hoạt dân giã, đời thường, có cảnh chèo thuyền, đấu vật, có cả cảnh các cô gái đang tắm, cảnh trai gái nô đùa…Âm nhạc truyền thống thì nhạc cụ thường được chế tác từ tre gỗ với đàn tranh, nguyệt, cò, kìm…Tiếng đàn bầu và cây đàn bầu một dây với bầu đàn, cần đàn đơn sơ, giản dị mà biểu hiện đa dạng, luyến láy, tinh tế: cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha, ngân nga em thánh thót… tiêu biểu cho mỹ học âm nhạc truyền thống. Hội họa với các bức tranh nổi tiếng Đám cưới chuột, Hứng dừa, Đánh ghen…cho thấy mỹ thuật Việt thiên về đời thường, gắn với thường…Cuộc sống, tính cách, tập quán của Hồ Chí Minh rất điển hình cho quan niệm thẩm mỹ gắn với đời sống, hài hòa với đời sống. Kể cả trong kháng chiến và hòa bình Bác Hồ chọn nơi ở gần gũi, chan hòa giữa thiên nhiên. Thậm chí khi là thượng khách của nước Pháp (1946) Người cũng cố chọn một nơi ở giản dị nhưng có vườn cây, có hoa cỏ. Khi là Chủ tịch Nước phải tiếp khách quốc tế thì nơi ở cũng chỉ là căn nhà sàn nhỏ nhắn nhưng giữa vườn cây, Người tự tay trồng cây, tưới cây, trồng rau, trồng hoa và thường tặng hoa, tặng cam của chính mình cho khách. Người là họa sỹ, là nhà điêu khắc (nặn tượng Mác, nặn tượng trang trí nơi nhà sàn Pác Pó…), và đặc biệt là nhà nghệ sỹ hiểu sâu nghệ thuật truyền thống…
Cái đẹp hài hòa giàu có tính biểu cảm. Người Việt sống trọng tình: Một bồ cái lý không bằng tý cái tình…Từ vựng tiếng Việt sở hữu lượng từ láy biểu cảm rất cao. Trong văn chương truyền thống cũng thiên về trữ tình mà nhẹ về tự sự, Theo học giả Phan Ngọc trong Truyện Kiều số câu tự sự chỉ chiếm 17%. Trong ca dao thì giọng điệu trữ tình chiếm vị trí chủ đạo. Âm nhạc truyền thống cũng thiên về biểu hiện nội tâm. Những điều ấy cho phép nhận xét người Việt ưa thích sự nhẹ nhàng, tình cảm, xu hướng sống với thế giới nội cảm hơn là phô bày hướng ngoại…Bác Hồ là người Việt Nam nhất khi cách ứng xử, nói và viết đều tuân theo nguyên tắc mang tính biểu cảm cao. Câu văn chinh phục về lý thuyết phục về tình, đọc lên có cảm giác không còn hình thức câu chữ mà chỉ thấy một tấm lòng chân thành rất mực: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột” (Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000,tập5, tr 40). Ở Bác Hồ văn là người, văn là tình người.
Có thể ví tư tưởng mỹ học truyền thống Việt Nam như hình tượng cây tre giản dị mà giàu sức sống, thanh mảnh mà cứng cáp, gần gũi mộc mạc mà hiên ngang cao cả, mềm mại dẻo dai mà dũng khí quật cường. Cây tre luôn gần gũi bầu bạn với người dân lao động, giúp con người lao động, sinh hoạt, và khi cần sẽ là vũ khí đuổi giặc. Tư tưởng mỹ học ấy được Bác Hồ kế thừa và phát triển nâng cao một cách tuyệt vời nhất, sinh động nhất, đẹp nhất.
4. Tiếp thu, kế thừa cái đẹp xưa để làm giàu cái đẹp nay.
Trong bài báo Trong trần ai, ai cũng ghét Ai, Bác Hồ đã “tập” từ hai câu thơ trong Bình Ngô đại cáo: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” mà Nguyễn Trãi đã viết để nói về tội ác trời không dung đất không tha của giặc Minh, thành: “Chẻ hết tre rừng cao, ghi không hết tội/ Múc hết nước biển cả, rửa không sạch thù!” (Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000,tập 10, tr 254) để tố cáo, lên án đế quốc Mỹ mà đầu sỏ là Tổng thống Aixenhao đang cùng bọn tay sai Ngô Đình Diệm gây ra với nhân dân miền Nam Việt Nam. Truy về nguồn gốc thì Cụ Nguyễn Trãi lại “tập” từ câu nói của Lý Mật, một lãnh tụ nông dân nổi dậy khởi nghĩa chống lại nhà Tuỳ: Khánh Nam sơn chi trúc thư tội vô cùng/ Quyết Đông hải chi ba lưu ác lan tận” (Chặt hết trúc núi Nam cũng không ghi hết tội/ Sóng biển Đông tràn ra cũng không rửa hết mùi tanh hôi). Câu nói này kết tội Tuỳ Dưỡng Đế giết cha, giết anh để chiếm ngôi, trong suốt 23 năm trị vì ông ta đã làm biết bao tội đến ma quỷ cũng còn sợ (Diện mạo thơ Đường của GS Lê Đức Niệm. NXB Văn hoá, 1995, tr 5). Hàm ý mỉa mai trong cách “tập cổ” của Nguyễn Trãi, ngoài tố cáo tội ác giặc Minh với dân ta, còn muốn nói rằng: các người có “truyền thống” tội ác, tổ tiên (triều đại nhà Tuỳ) các người (giặc Minh) đã từng có tội ác với anh em mình, dân mình như thế, khi trở thành kẻ xâm lược thì tội ác các người còn hơn thế nhiều.
Quả là văn chương thật vô cùng, càng học càng thấy các vĩ nhân có vốn hiểu biết thật uyên bác, sâu sắc, tinh tế!
Nguyễn Ái Quốc đọc Tứ thư, Ngũ kinh, dĩ nhiên, nhưng Người tiếp thu ở đó những cái hay, cái đẹp, những nét biện chứng dù còn thô sơ. Ví dụ dưới đây cho thấy Người học tập cái ngắn gọn, hàm súc, giản dị, dễ hiểu của triết học cổ Trung Quốc: “Trong sách Luận ngữ, chúng tôi dẫn câu này: Tăng Tử trả lời "Tất nhiên". Câu ấy chỉ gồm có một từ. Một từ mà cũng đã rất đủ để thể hiện cả nghị lực và toàn bộ kiến thức của Tăng Tử…Tôi thách ai có thể thêm, bớt một chữ nào trong câu ấy. Đó là lối hành văn thật sự trong sáng và cao xa” (Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000,tập 2, tr 157).
Tháng 2-1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Ấn Độ và Miến Điện. Dưới hình thức những lá thư của L.T. “là một trong mấy cán bộ có vinh hạnh được đi theo Bác”, người nhận là “em Hương”, tác giả tường thuật lại cuộc hành trình. Có thể coi đây là sự sáng tạo ra một hình thức thể loại văn học mới: tác phẩm pha trộn hai thể loại thư - nhật ký, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe để gửi cho người thân. Sự pha trộn hai thể loại này đã tạo ra hai đặc trưng nổi bật của tác phẩm là chân thực và tình cảm, thuyết phục người đọc ở cảnh, chinh phục người đọc ở tình. Lá thư cuối gửi từ Rănggun ngày 14-2-1958, phần kết “anh” nói với “em Hương”:“Cuộc đi thăm hữu nghị của Bác và Đoàn đến hai nước bạn thế là kết thúc. Cả đi và về là 10.540 cây số trong 14 ngày. Em có xem truyện "Tây du ký", chắc em nhớ rằng đời nhà Đường (Trung Quốc) ông sư Huyền Trang sang Ấn Độ lấy kinh Phật cả đi và về mất 17 năm (từ năm 627 đến năm 644), dọc đường lại gặp nhiều yêu quỷ và lắm bước gian nan. Nhờ có "Tề thiên đại thánh" mới thoát khỏi mọi nguy hiểm. Ngày nay, đi từ Việt Nam hoặc Trung Quốc đến Ấn Độ chỉ mất một ngày” (Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000,tập 9, tr 130).
Một sự liên tưởng thật thú vị. Cũng là câu chuyện sang Ấn Độ thì người xưa, đi từ Trung Quốc “cả đi và về mất 17 năm”, “dọc đường lại gặp nhiều yêu quỷ và lắm bước gian nan”, còn “ngày nay, đi từ Việt Nam hoặc Trung Quốc đến Ấn Độ chỉ mất một ngày”. Tóm tắt ở mức cô đọng nhất câu chuyện dài vừa phù hợp với đối tượng trẻ thơ (em Hương), vừa làm nổi bật tác dụng của “Khoa học đã chinh phục không gian và thời gian”; vừa gợi cho “em Hương” say mê với văn chương, vừa hướng “em Hương” về con đường khoa học.
Trong bài Vị thành khúc của Vương Duy có hai câu kết: “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/ Tây xuất Dương quan vô cố nhân” (Chén nữa khuyên mời anh hãy cạn / Dương quan bạn hữu mấy người hay). Bác Hồ mượn hai chữ Khuyến quân để tạo ra màu sắc thẩm mỹ mới: “Tảo khởi nhân nhân tranh liệp sắt/ Bát chung hưởng liễu, tảo xan khai/ Khuyến quân thả ngật nhất cá bão/ Bĩ cực chi thì tất thái lai”. Cùng là Khuyến quân nhưng Vị thành khúc buồn, khuyên người uống rượu để giải buồn mà nỗi buồn không vơi, Tảo lại hóm hỉnh, đùa vui dân giã, khuyên người ăn thêm cơm để chờ ngày tự do. Bài Thanh minh nổi tiếng của Đỗ Mục như sau: “Thanh minh thời tiết vũ phân phân/ Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn/ Tá vấn tửu gia hà xứ hữu/ Mục đồng dao chỉ Hạnh hoa thôn”.
Bài thơ Thanh minh của Bác Hồ: “Thanh minh thời tiết vũ phân phân/ Lung lý tù nhân dục đoạn hồn/ Tá vấn tự do hà xứ hữu/ Vệ binh dao chỉ biện công môn”. Bác Hồ chỉ thay mấy chữ mà thay đổi hẳn bài thơ. Cùng là không thời gian “thanh minh” nhưng con người khác, tâm trạng buồn khác nhau. Người khách của Đỗ Mục buồn mà tìm tới quán rượu còn người tù buồn của Hồ Chí Minh đi tìm tự do. Tự do ở đâu? Lính canh chỉ ra công đường. Mà công đường của chế độ phản động ấy đâu có thể đồng nghĩa với công lý, mà là phản công lý. Thì ra tự do nơi ấy chỉ có thể là tra khảo, roi vọt, hành hạ. Thanh Minh của Đỗ Mục buồn trữ tình, Thanh Minh của Hồ Chí Minh buồn xót xa ẩn trong tiếng cười mỉa mai, châm biếm. Trình Hạo đời Tống trong bài Ngẫu thành có hai câu: “Phú quý bất dâm bần tiện lạc / Nam nhi đáo thử diệc hào hùng” (Giàu sang không ham muốn, nghèo hèn vẫn vui vẻ/ Làm trai đến như thế cũng là hào hùng). Bác Hồ “tập” nguyên câu cuối trong bài Giải trào: “Ngật công gia phạn, trú công phòng/ Quân cảnh luân ban khứ hộ tòng/ Ngoạn thuỷ du sơn tuỳ sở thích/ Nam nhi đáo thử diệc hào hùng”. Lời thơ của Trình Hạo là lời tỏ chí của bậc nhà nho quân tử, khí khái nên không thể không trang nghiêm, cũng lời thơ ấy vào thơ Bác lại mang một sắc thái khác, đùa vui, tự trào. Bác cười với hiện tại, coi mình là người nhà nước có lính tráng hầu hạ hẳn hoi, coi tù đày chỉ là cuộc dạo chơi.
Giữa năm 1950 quân dân ta chuẩn bị chiến dịch Biên Giới có sự giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc. Bác Hồ có làm bài thơ Tặng Trần Canh đồng chí: “Hương tân” mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi/ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi”. Cần lưu ý là bài thơ này Bác gửi đồng chí Trần Canh trước ngày 9-10-1950 là ngày quân ta thắng lớn, biết được điều ấy để thấy rõ hơn tinh thần lạc quan và tầm nhìn tiên tri của Bác. Trần Canh là ai? Từ năm 1924 đến 1927 khi Bác Hồ hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người quen và kết bạn với Trần Canh lúc ấy đang học tập ở trường quân sự Hoàng Phố. Sau này Trần Canh trở thành một trong mười vị Đại tướng quân của Trung Quốc. Từ tháng 7 đến tháng 11-1950 Đảng Cộng sản Trung Quốc cử Trần Canh sang làm nhiệm vụ tham mưu giúp quân ta đánh trận Biên giới. Bài thơ đậm chất cổ điển - ở lối tập cổ, phỏng tác theo bài thơ nổi tiếng Kinh châu từ của Vương Hàn- nhà thơ đời Đường. Bản phiên âm bài thơ Kinh châu từ như sau: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi/ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”. Bác Hồ chỉ thay hai chữ “bồ đào” thành “hương tân” ở câu đầu và thay hẳn câu cuối để bài thơ mang một nội dung mới: quân ta thế mạnh thắng địch dễ dàng nên tướng quân có thể say khướt nơi sa trường, còn địch thì chẳng một tên thoát. Bài thơ này cho thấy Bác Hồ là người phóng túng chứ cũng không nhất nhất phải theo quy tắc cứng nhắc, Bác cũng muốn đại tướng quân say rượu nơi sa trường, dĩ nhiên là say sau khi thắng lợi. Một tiếng cười vui, hóm hỉnh, tin tưởng, cổ điển, trang nghiêm mà rất đời thực! Thơ ca cổ điển Trung Quốc, đặc biệt thơ đời Đường là một thành tựu vẻ vang trong lịch sử văn chương thế giới. Bác Hồ tập thơ Đường, Tống cũng là một cách kế thừa tiếp thu di sản văn hoá nhân loại. Cách tập thơ Đường của Bác cũng mang một phong cách riêng. Ngôn ngữ thơ Đường Tống mang màu sắc trang trọng nhưng vào thơ Bác lại trở nên hóm hỉnh, hài hước. Chúng tôi cho rằng không ngẫu nhiên mà trong bài Khai quyển mở đầu tập Nhật ký Bác Hồ lại tập nguyên một câu thơ cổ Trung quốc: Lão phu nguyên bất ái ngâm thi có nghĩa là lão phu vốn không thích ngâm thơ để mở đầu cho bài thơ của mình. Đấy vừa là một tuyên ngôn không coi nghệ thuật là mục đích tối thượng mà chỉ là phương tiện để đợi đến ngày tự do, vừa là một thái độ kính trọng yêu quý nghệ thuật thơ ca cổ điển Trung Quốc. Và phải chăng còn một lý do này: gây cảm tình với bọn cai ngục người Trung Quốc, rất có thể là họ đọc tập Nhật ký này để thấy Lão phu nguyên bất ái ngâm thi…
N.T.T
VNQD