Về vấn đề Truyện cổ dân gian Việt Nam nghèo nàn, thiếu một chiều sâu triết lý cần có?

Thứ Ba, 12/01/2021 08:47

. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

 

Văn học dân gian là thành tố cơ bản của văn hóa. Mà văn hóa là gương mặt tinh thần của một dân tộc. Chê văn học dân gian Việt Nam là một cách gián tiếp chê gia tài tinh thần Việt Nam. Nhưng ngay một sự thật lịch sử là sự đấu tranh để tồn tại đã chứng minh gia sản văn hóa khổng lồ, kỳ vĩ, chứng minh gia tài tinh thần cực kỳ phong phú, vĩ đại của nước Văn Lang – Âu Lạc, Đại Cồ Việt, Đại Việt...Vì ai cũng biết đất nước nhỏ bé ấy đã đấu tranh thắng lợi chống lại sự đồng hóa của người phương Bắc khổng lồ đầy tham vọng và không thiếu âm mưu, thủ đoạn, kể cả thủ đoạn dã man, tàn ác nhất. Và ai cũng biết cuộc đấu tranh ấy, xét đến cùng là cuộc đấu tranh bằng văn hóa. Sau này Việt Nam chiến thắng kẻ thù thực dân, đế quốc mạnh nhất thế giới cũng bằng văn hóa, bằng sức mạnh chính nghĩa, bằng lẽ phải đạo lý bốn nghìn năm. Và nay nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu cũng bằng sức mạnh văn hóa nội sinh, của sự đoàn kết, của lòng tương thân tương ái, bằng sự lãnh đạo của Đảng gần dân, thân dân, tin dân, vì dân...

Chân lý lịch sử chứng minh Việt Nam có một gia tài văn hóa lớn lao với cái lõi truyền thống yêu nước, thương người luôn tỏa sáng!

Truyện cổ dân gian Việt Nam nghèo nàn ư, thiếu chiều sâu triết lý ư? Không. Chỉ xin giới thiệu một vài truyện tiêu biểu theo tinh thần đối thoại.

Mỗi cổ tích như một viên ngọc quý lóng lánh sắc màu văn hóa nên nhìn từ góc độ nào cũng thấy phát sáng những ý nghĩa. Viên ngọc ấy lại được đặt dưới thấu kính hội tụ những luồng quan niệm nhân văn từ nhiều khoảng trời không gian, thời gian nên càng lộng lẫy, chói lọi khác thường. Là sự kết tinh những giá trị tinh thần nên muốn tìm hiểu tâm hồn, tính cách một dân tộc người ta thường tìm đến cổ tích. Đối thoại với thế giới cũng lấy cổ tích làm sứ giả đại diện...Với văn hóa Việt, không thể không “cử” Thạch Sanh hay cô Tấm...Ở đâu cũng vậy, nhân vật cổ tích là một “cổ mẫu” để đời sau xây dựng nên bao nhân vật mới. Hình tượng cô Tấm là rất tiêu biểu. Sẽ có hàng vạn cô Tấm “thoát thai” từ “mẫu gốc” để sống một đời sống riêng.

Không ngẫu nhiên trong văn hoá Việt, Chử Đồng Tử được phong là “Tứ bất tử” (bốn vị thánh không chết). Truyền thuyết “Chử Đồng Tử” trước hết là sự minh hoạ sinh động, cụ thể bằng hình tượng rất mực cảm động và chân thực cho chữ Hiếu. Trước khi chết người cha dặn con cứ táng trần cho bố còn khố giữ lại để con mặc. Chử Đồng Tử không nỡ táng cha trần. Đây không chỉ là chữ Hiếu mà còn là phong tục tang ma ngày xưa với quan niệm “trần sao âm vậy” và “nghĩa tử là nghĩa tận” nghĩa là dành cho người đi xa mãi mãi những điều kính trọng, mến thương, nhung nhớ. Đồng Tử mong cha xuống âm phủ còn có cái khố che thân…Đồng Tử không chỉ tròn chữ Hiếu mà còn tròn với phong tục, tập quán. Không chỉ làm tròn trách nhiệm người con mà tròn cả trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ một công dân!Truyện là sự giao thoa các tư tưởng triết học lớn là Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Sau này nhờ phép thuật mà Chử Đồng Tử có binh hùng tướng mạnh nhưng vẫn không chống lại quân của vua Hùng (tức bố vợ) vì chàng muốn giữ tròn chữ Hiếu!

Truyện là bài ca ca ngợi tình yêu hôn nhân tự do đã đi vào lịch sử văn hoá Việt như là một mối tình đẹp nhất, chung thuỷ, bình đẳng và cực kỳ dân chủ. Một truyện cổ về tình yêu hay hiếm hoi không chỉ ở nước ta mà còn so với cả trên thế giới. Chử Đồng Tử là chàng trai nghèo nhất, nghèo đến mức không thể nghèo hơn thế mà được Tiên Dung là công chúa, con gái vua Hùng cành vàng lá ngọc, cao sang, quý phái, vương giả chấp nhận lấy làm chồng. Nàng đã vượt cả quyền cha mẹ để nghe theo tiếng gọi của trái tim mình. Nàng vượt qua bao tín điều, bao nội quy, quy tắc, nguyên tắc thành văn và bất thành văn của một triều đình. Nàng đích thực là một “nghịch tử” làm “ô uế” triều đình: con vua mà lấy chồng không hề tương xứng, không hề “môn đăng hộ đối”. Nàng phải vượt qua bao thành kiến và định kiến là lấy chồng “hoang” (Đồng Tử đích thực là kẻ “hoang”, tứ cố vô thân, không nghề nghiệp, không quần không áo, lại sống chui rúc ở bãi lau bờ sậy…). Không có một sức mạnh nhân văn cao cả, một tình thương lớn lao với những con người dưới đáy không thể sáng tạo ra được những chi tiết, hình tượng đầy nghịch cảnh mà tuyệt vời trong sáng như vậy. Truyện đã cách xa hàng ngàn năm, mà ở ngày hôm nay, chỉ một cô gái bình thường thôi, có gia cảnh bình thường, nghề nghiệp, nhan sắc, học vấn bình thường, liệu có ai “dũng cảm” dám lấy chồng có thân phận như Chử Đồng Tử? Thế cho nên, không ngẫu nhiên dân gian thờ không chỉ một Đồng Tử mà còn thờ cả Tiên Dung là vì thế.

Bất cứ một đối thoại nào cũng phải có các yếu tố cơ sở: hiểu nhau, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe nhau. Trước hết phải có tiếng nói. Ta thấy các nhân vật trong “Tấm Cám” đều nói để làm nên một cuộc đối thoại mà ý nghĩa nội dung của nó sẽ vang mãi muôn đời sau. Tiếng nói nhân vật nào cũng “văn vẻ”, đa tầng đa nghĩa của “kẻ hiểu đời”. Mẹ Cám nanh nọc ác độc cũng biết “làm văn” đầy ẩn dụ: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”. Cổ tích luôn là nỗi khát khao của một tinh thần nhân bản nhưng ở “Tấm Cám” đậm đặc hơn cả. Phải tràn đầy sự mong muốn một tinh thần dân chủ mới “sáng tạo” ra ông vua bình dân, gần dân, sống giữa dân gian, đi hội như mọi người, cũng như người thường khi nhặt một chiếc hài rơi. Chọn vợ cũng rất “dân chủ” là bất kể ai “ướm vừa hài” là lấy!...Đây là “ông vua” lý tưởng! Các ông “vua con”, các quan chức ngày nay có được thế không?!

Truyện là một “liên văn bản” Phật giáo - cổ tích. Một là nhân vật Bụt (phiên âm từ Buddha). Hầu hết mọi khảo dị đều có nhân vật Bụt, cho thấy truyện ra đời sau khi Phật giáo truyền vào nước ta khá lâu. Bụt như một giấc mơ đẹp: giúp kẻ khó, kẻ yếu, hóa giải mọi khó khăn. Nhờ Bụt, Tấm xong việc nhặt thóc gạo. Nhờ Bụt, Tấm có trang phục đi hội. Hai là môtip “hóa thân”. Các nhà sư, tăng lữ đã “nhúng bút” vào văn bản “Tấm Cám” để dẫn câu chuyện đi theo con đường “luân hồi”. Nhưng họ không thắng được tinh thần nhân bản của văn hóa bản địa nên bốn lần Tấm chết đều nằm trong chủ đề chính: khát vọng đổi mới!

Không gian cổ tích không có vật cản nên sự hóa thân cũng dễ dàng, người biến thành vật và ngược lại. Cô Tấm hóa thân tới 4 lần, không lần nào giống lần nào: chim vàng anh xinh xắn vương giả, cây xoan đào đỏ lòng thơm gỗ, khung cửi dân giã quen thuộc, quả thị chân quê mộc mạc. Hạt nhân của môtip “hóa thân” là khát vọng được sống một cuộc đời mới trong một môi trường mới tốt đẹp hơn. Thời hiện đại người ta đi du lịch là từ sự gợi ý của cổ tích: con người phải luôn hướng về cái mới. Dù yêu nhau cũng phải tạo ra môi trường mới, nếu không sẽ nhạt yêu. Ý nghĩa phổ quát bật ra: cái cũ kỹ buồn chán sẽ bào mòn nhân tính. Cái tù đọng là kẻ thù của con người!

Cái kết của cổ tích luôn lôi cuốn mọi chú ý vì dồn vào đấy sự bùng nổ của khát khao thay đổi. Ai chả muốn hạnh phúc, may mắn. Cái kết sẽ thỏa mãn. Cổ tích trước hết dành cho trẻ em nên người lớn phải đọc bằng tâm hồn trẻ thơ để được trở về với trẻ thơ. Chẳng ai thích già nên ai cũng thích cổ tích. “Tấm Cám” (và hầu hết truyện Nôm khuyết danh của ta) có cái kết thật đích đáng, là khát vọng công lý: thiện thắng ác. Các cổ tích của Pháp (như truyện Finnete Cendron), Ả Rập, Tiểu Á, Bắc Phi...cũng có cái kết kiểu này: giết (mụ) phù thủy rồi làm mắm cho con mụ ta ăn. Đây là dấu vết của công lý cổ xưa: “Ăn miếng trả miếng”. Kẻ thù ác với (ta) thế nào, (ta) sẽ “trả lại” y như thế (cho đúng luật) và hơn thế (cho bõ hờn)! Phải như thế mới là “cổ tích”: Người tốt phải gặp thật nhiều tốt lành. Kẻ xấu phải bị trừng trị đích đáng.

Kết cấu cổ tích luôn là sự phân cực tuyệt đối: xấu xa, ác độc, tham lam...(Lý Thông, mẹ con Cám, người anh...)/ tốt đẹp, hiền lành, thật thà...(Thạch Sanh, Tấm, người em...). Nếu nhân vật chính diện “hóa thân” theo chiều lý tưởng (càng tốt đẹp hơn) thì nhân vật phản diện phải ngược lại: Cám phải chịu “hóa thân” thành “mắm”. Tại sao vậy? Đó là “môi trường” không gian tăm tối (luôn đóng kín); có tính chất khủng khiếp, đáng sợ (nồng nặc, khó chịu); chịu đựng thời gian dài (hàng năm. Ngày xưa còn chôn hũ mắm xuống đất) để biến sinh vật sống thành “xác không thối”. Cơ thể “nó” (cá, tôm, cua, cáy...) vẫn có thể còn nguyên (để mà sám hối những điều xấu!) nhưng đã “biến” thành cái khác (mắm). Quan niệm cái ác trở về cái ác, không cho chúng lẫn vào cái tốt nên cho “mẹ/con” chúng ăn là hợp lôgic.

Truyện là một mô hình dân chủ lý tưởng: có nhiều tiếng nói, ai cũng có thể nói. Muốn có dân chủ phải tạo ra một “môi trường dân chủ”. Truyện đã kiến tạo một “môi trường dân chủ” thật sự bình đẳng, ai cũng như ai (vua như dân, dân lại như vua. Vua chẳng giúp vợ tí tẹo nào, mẹ con Cám lại có thể giết Hoàng hậu dễ dàng như chúng là “vua” vậy!).

Khát khao dân chủ, khát khao đổi mới, khát khao công lý là ba cái chân đế vững chắc nâng đỡ tòa tháp cổ tích “Tấm Cám” sừng sững mãi với thời gian! Truyện đủ tầm “đối thoại” với các đỉnh cao cổ tích trên thế giới!

Vượt lên trên câu chuyện của sự giàu nghèo, truyện “Trương Chi” là một triết lý về lý luận nghệ thuật. Thì ra người Việt xưa, dù nghèo nhưng có tâm hồn thật nghệ sỹ. Nghèo như chàng đánh cá Trương Chi cũng có tiếng sáo thuyết phục, chinh phục lòng người.Đây là sự chứng minh quy luật sáng tạo nghệ thuật thường mang tính mâu thuẫn. Mâu thuẫn càng sâu thẳm tác phẩm càng hay. Càng sa vào mâu thuẫn, tiếng sáo Trương Chi càng hay.

Truyện là tiếng nói đối thoại cực kỳ nhân bản. Sống “cấm cung” giữa cuộc đời, không giao tiếp với ai nên tiếng sáo Trương Chi là sự khát khao giao tiếp,nức nở và bi ai. Bị “cầm tù” trong cung cấm nên Mỵ Nương khát khao gặp người thổi sáo để giãi bày, trao gửi. Không được nên nàng ốm. Tình yêu là đối thoại. Không được yêu nên Trương Chi chết!Mã văn hóa phong tục tượng hình trong chi tiết nước mắt Mỵ Nương làm cốc gỗ cũng tan thành nước là phái sinh từ tục kiêng: người sống không được rỏ nước mắt vào quan tài người chết.

Ánh sáng văn hóa của thời đại luôn hắt bóng vào văn bản nghệ thuật. Nếu dòng sông Trương Chi trẫm mình có “nguyên mẫu” là dòng Tiêu Tương xứ Kinh Bắc thì cái quy định khắt khe của miền Quan họ “liền anh liền chị” dù yêu nhau đến mấy cũng không được lấy nhau đã ánh xạ vào truyện rồi kết thành tình huống Trương Chi thất tình. Càng đau tiếng sáo chàng càng hay. Cái quy định khắt khe ấy và cái tứ truyện là sự sinh động hóa một quy luật: Nghệ thuật là tình yêu, nghệ thuật là khát vọng. Nhưng là người, ai chả có tình yêu và khát vọng. Như thế chưa làm nên nghệ thuật. Phải là nỗi đau đớn yêu mà không được yêu. Phải là nỗi khao khát cực độ muốn thỏa mãn mà được đáp ứng. Nỗi đau, nỗi khao khát ấy cứ bị đẩy lên, thăng hoa, dồn tụ rồi gửi cả vào từng con chữ, từng lời hát. Được vậy lời hát mới “có hồn”, tức hát bằng cả con tim khắc khoải, đau đớn của mình, bằng cả bi kịch con người mình.

Nghệ thuật là quá trình nuôi dưỡng khát vọng. Hết khát vọng là sự sống dừng lại, nghệ thuật cũng không còn. Truyện “Trương Chi” là một cắt nghĩa về nghệ thuật: nghệ sỹ đích thực phải có một Trương Chi trong cuộc đời!

Truyện cổ Việt Nam nghèo nàn ư? Đó chỉ là sự nói ngược. Như ta thấy, mỗi truyện như một viên ngọc long lánh để soi chiếu tư tưởng nhân văn tới tận mãi mai sau!

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)