. HỒ ANH THÁI
Thản nhiên để viết
Chúng tôi thường gọi ông cụ ấy là bác Tô Hoài. Không nói “nhà văn Tô Hoài”, không nói “ông Tô Hoài”, mà là bác Tô Hoài.
Bác Tô Hoài là cây đa cây đề trụ vững hàng chục năm ở Hội Văn học nghệ thuật Thủ đô. Thế cho nên khi tôi được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội thì có người cười: Chắc Hội Thủ đô đã đổi mới? Hay là Hội để bọn trẻ nó trèo lên cổ mấy ông già? Người ta nói thế vì tôi ba mươi lăm tuổi được bầu vào Ban Chấp hành Hội. Còn năm 2000 tôi làm Chủ tịch Hội nhiệm kì đầu, báo chí viết lâu lắm mới có người làm chủ tịch một hội nhà văn ở tuổi bốn mươi. Bốn mươi thì vẫn là “nhà văn trẻ”.
Nhà văn Tô Hoài.
Tôi hay đến thăm bác Tô Hoài, lúc thì đến nhà trong cái phố cụt Đoàn Nhữ Hài, lúc thì ở nhà con gái bác trong khu tập thể Nghĩa Tân. Có khi tôi gọi điện báo trước, cháu sắp đến. Có khi chẳng báo trước, cứ thế mà đến, đến thì thấy bác đang ra mở cánh cửa sắt như là có linh tính.
Tôi thích nhiều tác phẩm của Tô Hoài, đặc biệt là tập hồi kí gây dư luận Cát bụi chân ai. Có lần bác cho tôi mượn bản thảo tập hồi kí tiếp theo là Chiều chiều, chưa gửi in. Chữ viết tay nhỏ li ti. Ở Hội Nhà văn Việt Nam ngày trước chỉ có vài nhân viên đánh máy quen chữ của bác, khi nghỉ hưu rồi, bác vẫn hay quay lại nhờ họ đánh máy. Một số chữ có dấu sắc “không cần thiết” thì bác có thói quen bỏ dấu: hêt sạch, ich lợi, quả ơt, sưt mẻ…
Ngồi nói chuyện ở nhà trong khu Nghĩa Tân, có lúc bác dẫn tôi ra quán bia hơi cách đấy vài chục mét. Bác hướng về ông chủ trung niên đang chạy qua chạy lại đưa bia cho khách, nói vừa đủ nghe: Ông này đi Đức về, có ba con gái. Người nào việc nào rành rẽ đâu ra đấy. Hay đến chơi như vậy, có ngại làm mất thời gian của bác hay không? Thì chính bác đã bảo: Tôi thì lúc nào cũng bận mà lúc nào cũng cứ là “chiều chiều”. Nhà báo từ Sài Gòn ra, đến đặt bác viết bài. Thói quen cẩn thận của người làm báo, trước khi ra về, nhà báo nhắc: Bác viết đúng hẹn cho cháu nhé. Bác Tô Hoài đáp: Cô yên tâm, ngày rộng tháng dài. Thú vị. Bác Tô Hoài lúc ấy gần chín mươi rồi, thế mà vẫn đủng đỉnh “ngày rộng tháng dài”.
Bác Tô Hoài sinh năm 1920, đến chín mươi tuổi mà vẫn viết hàng ngày, viết đều đặn, viết minh mẫn. Sách in và tái bản, thống kê được là khoảng 150 cuốn. Đầu xuân 2010, Hội Nhà văn Hà Nội chúng tôi tổ chức chúc thọ bác tại nhà. Thuê bàn ghế giản đơn, đặt ngay ngắn trong cái sân nhỏ ở khu Nghĩa Tân, mang hoa quả bánh kẹo đến. Một bó hoa và một phong bao mừng tuổi. Chín mươi xuân, nhà văn vẫn nói năng hóm hỉnh nhẹ nhàng. Hôm ấy, tôi mang tặng bác một con dế mèn bằng đá. Tình cờ thấy con dế mèn trong một hiệu đồ lưu niệm ở Sa Pa, thế là nghĩ mình phải mang nó về Hà Nội cho bác Tô Hoài. Hôm ấy, tôi còn nhắc rằng bác có dự định viết hồi kí về những câu chuyện tình. Có chứ, tôi sẽ viết, bác bảo.
Làm quản lí ở Hội Nhà văn Hà Nội, không ít khi tôi gặp chuyện gây ức chế hoặc có nguy cơ phản ứng bột phát. Những lúc ấy, tự lấy làm lạ, chả lẽ thời công tác ở Hội, bác Tô Hoài không bao giờ nóng nảy, không bừng bừng phẫn nộ, không cãi cọ với bất kì ai?
- Không. Không bao giờ đến mức ấy. Tôi vẫn nghĩ chẳng đáng gì.
Lại hỏi bác có khi nào ngồi ở văn phòng Hội mà bất chợt tự thấy đang làm những việc thật là vô nghĩa. Ông già lại cười cười, hình như một câu nói lại thoảng qua, đừng có để mọi việc làm bận tâm, không viết được nữa. Chẳng đáng gì.
Chẳng đáng gì. Ngẫm cho cùng ở cái cuộc đời vô thường này cái gì cũng đáng mà cái gì cũng chẳng đáng. Sự thản nhiên ấy chỉ có ở người đã ngộ. Chưa bao giờ Tô Hoài nói chuyện về Phật giáo, nhưng tôi nghĩ ở bác có điều gì đó như là giác ngộ, như thành chính quả. Không hẳn là cái đắc đạo của người hiểu giáo lí, mà của người sống nhiều, sống kĩ, ngộ qua con đường trải nghiệm.
Có người ví thái độ sống của Tô Hoài là thản nhiên như nước. Dòng chảy tự nhiên có thể là sức nước đẩy thuyền, là nước chảy đá mòn, nước cũng là môi trường đón nhận và thanh lọc mọi thứ. Hầu như ai đặt bài là viết, không ngại dăm ba bài báo vặt làm hư hại uy tín. Không ngại nhận việc này việc khác bị người ta kêu là tham. Không ngại. Nước đón nhận mọi thứ, rửa sạch mọi thứ trong lòng nó.
Vấn đề là ở chỗ phải tu luyện thế nào để có thể trở thành nước.
Phải là nước thì mới có thể theo dòng lên thác xuống ghềnh như thế. Không phải là bác đã vô trùng miễn nhiễm được giữa thời cuộc, nhưng duy trì được việc viết, và viết có chất lượng, đấy là cách tốt nhất thể hiện đạo đức của nghề.
Phải là nước mới thản nhiên được trước những điều bất như ý trong và ngoài hội đoàn. Qua bác Tô Hoài, tôi biết nhiều chuyện về thời trước của các hội viên kì cựu. Ông tác gia giữa cơ quan ôm mặt khóc hu hu rằng Khrushchev đưa di hài Stalin ra khỏi lăng rồi, tôi đi tự tử đây. Thế là ông Chế Lan Viên chỉ mặt mắng: Anh đương ngồi với những người đứng đắn cả, anh không được nói dối, tôi thách anh dám đi thắt cổ đấy… Rồi chuyện hai ông nhà thơ cao ngạo “chỉ chơi với nhau chứ chẳng chơi với ai”. Rồi chuyện ông nọ một thời phải im lặng, giờ thời thượng trở lại, “chúng tôi từng đặt biệt danh ông ấy là Vương” - bác không giải thích nhưng rõ ràng hàm ý ông ấy một thời nếu khốn khổ thì cũng là vì cái mồm, nói năng như vương như tướng. Rồi chỉ bằng vài chữ mà bác bình đích xác, thơ ông nọ giống như “giấy trang kim”. Một thứ giấy sặc sỡ, bóng bẩy, thường dùng để trang trí hoặc làm hàng mã…
Có khi nói chuyện thế sự, tôi mang mấy cái băng video phim gốc mua ở Mĩ, chất lượng hình ảnh tốt, đem đến văn phòng Hội thuyết minh cho bác xem. Phim Vĩnh biệt ái thiếp của Trần Khải Ca và Phải sống của Trương Nghệ Mưu về cách mạng văn hóa Trung Quốc. Phim Mặt trời thiêu đốt của Nikita Mikhalkov về số phận trí thức Liên Xô thời Stalin.
Chiều chiều ngồi đối diện bác Tô Hoài, tôi thường xuyên có cảm giác thú vị như đối diện một ẩn số. Sức khỏe ở đâu mà sang tuổi chín mươi vẫn miệt mài ngồi viết hàng ngày? Xem ra cả đời bác không gắng công thể dục thể thao gì quá mức. Hình như nhờ sự bình ổn điều độ mà giữ được sức lao động. Cảm hứng ở đâu ra mà vẫn bền bỉ đều đều như vậy?
Vẫn còn điều bí ẩn hơn cả: Làm sao để sống thản nhiên như bác, mà viết? Lối sống ấy xem ra thích hợp hơn cả với người làm nghề văn. Chứ lãng mạn quá, nồng nhiệt quá, tôn thờ văn chương quá đi đến lí tưởng hóa nghề, lí tưởng hóa mọi điều… thì sao cũng có lúc giận người, giận đời, giận mình rồi quay ra thấy cái vô nghĩa của nghề. Hết muốn viết.
Chữ nghĩa là gốc của văn chương
Tô Hoài quan niệm, gốc rễ của nghề văn là ngôn ngữ. Thì đúng là như vậy. Người nhiều chữ, dồi dào chữ, điều khiển được chữ thì mới diễn tả được tư tưởng và cảm xúc. Có những cây bút vốn đi nhiều hiểu rộng, tình cảm đầy tràn, nhưng chữ nghĩa thì nghèo và khô cứng, kết quả là sách viết ra không thể hiện được cái tài thực của mình.
Tô Hoài chú trọng tìm chữ, thấy chữ nào hay chữ nào mới trong dân gian là ghi nhớ. Có khi tự cấu tạo từ mới, thao tác theo kiểu sử dụng nguyên âm hoặc phụ âm sẵn có ghép với một phụ âm hoặc nguyên âm khác, ra một từ tượng thanh mới, tượng hình mới. Trên cành lúc lỉu những quả. Chữ lúc lỉu này bây giờ đây đó có người dùng lại thành quen quen, thực ra ban đầu là của Tô Hoài. Phụ âm e lờ gợi cảm giác lung lay lủng lẳng. Hai vần úc ỉu gợi cảm giác lúc nhúc chen chúc. Lúc lỉu là quả rất sai, chen chúc đung đưa trên cành.
Cũng chỉ trong hệ thống ngôn ngữ của Tô Hoài, mới thấy cụm chữ cỏ xanh eo éo. Nó xanh là màu sắc, chứ đâu phải là âm thanh mà eo éo lên như vậy. Nhưng mà nó xanh rợn xanh biếc xanh đinh tai nhức óc, xanh như bật lên cả âm thanh rất chua giọng mái. Xanh eo éo.
Cũng là bác Tô Hoài từng kể, cứ băn khoăn mãi câu Kiều: Một vùng cỏ áy bóng tà/ Gió hiu hiu thổi một và bông lau. Cho đến lần đi thực tế ở Thái Bình, thấy dân vùng ấy gọi cỏ áy là loại cỏ bị héo bị ngả vàng, cỏ úa. Lúc ấy nhà văn mới nhớ ra Thái Bình là quê mẹ Nguyễn Du, đại thi hào đã dùng một chữ của quê ngoại, cũng như đã dùng nhiều chữ của quê nội Hà Tĩnh trong Truyện Kiều.
Viết tự truyện, hồi kí, bút kí, những hồi ức kiểu chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài chủ ý chỉ viết những điều mình thấy mình biết, không viết những gì mình chỉ nghe người khác kể lại. Bác kể trong hồi kí là mình học hành dở dang rồi đi làm cách mạng. Nhưng cái dở dang của anh Nguyễn Sen, tên chào đời của bác, cũng giúp cho nhà văn Tô Hoài tự học thêm để đọc được sách tiếng Pháp. Tô Hoài thích nhà văn Ý Alberto Moravia, thích những cuốn như Thiếu phụ thành Rome, Hai người đàn bà… Bác đọc những cuốn này bằng tiếng Pháp từ rất lâu trước khi sách được dịch ra tiếng Việt. Văn Tô Hoài không ảnh hưởng cái khúc chiết sáng rõ của tiếng Pháp mà hơi dích dắc lan man, theo dòng cảm xúc chập chờn sương khói. Văn chỉ viết những gì mình biết nên cái hiểu cũng là hiểu những gì thiết thực rõ ràng. Nhà văn xa lạ với những học thuyết, những tâm trạng trí thức phức tạp, như kiểu triết gia Trần Đức Thảo có lần nói với Tô Hoài: “Đã lâu, tao không còn muốn quen thêm một ai trên đời này nữa”. Nhắc lại, Tô Hoài bình: “Nghe câu triết lí cùn mà xa xôi, mà lạnh lẽo, tôi đành chịu” và nhấn thêm: “Người đã sợ cả người” (Chiều chiều). Lối nghĩ thiết thực rõ ràng và nhập thế kiểu Tô Hoài thì chắc hẳn phải coi những quan niệm như vậy là xa xôi. Không khác được.
Một người viết suốt đời, không bỏ phí một chi tiết nào trong đời mình, không phí một chi tiết nào thu nhận được từ đời sống. Có lẽ là không. Tô Hoài khác hẳn một vài bạn viết cùng thời, khác với những vị suốt đời chỉ dọa viết. Chữ “dọa” là của bác Tô Hoài. Ông ấy chỉ dọa viết chứ không viết thật. Ông ấy viết tên truyện lên đầu một trang giấy trắng, kẹp trang giấy ấy vào một tấm bảng, để trước mặt. Bao nhiêu ngày tháng trôi đi vẫn chỉ có cái tên truyện, không bắt đầu viết được chữ nào.
Tô Hoài nói phải ngồi vào bàn và huy động cảm hứng đến. Đêm nằm nghĩ ra ý tưởng, nghĩ thì hay ho lắm, nhưng sáng ra ngồi vào bàn thì chữ nghĩa bỏ đi đâu hết. Bác Tô Hoài không nói thêm, nhưng tôi hiểu đấy là một cách làm việc chuyên nghiệp: Nhà văn tài năng là người có đủ kĩ năng để chủ động khơi dậy cảm hứng chứ không thụ động chờ nó đến. Chờ thì có khi chẳng bao giờ cảm hứng đến.
Nhà văn làm gì cũng chỉ để nhằm một mục đích là viết được. Yêu đương. Rong ruổi du ngoạn. Làm việc. Tất cả đều phải gây thêm cảm hứng cho việc viết. Yêu mê mải, đi mê mải, lên diễn đàn tuyên ngôn mê mải… rồi không viết được nữa, thì đấy là điều hại cho nhà văn. Chung cuộc, người ta hỏi nhà văn tác phẩm của anh đâu, chứ không nghĩa lí gì mà biết anh đã trải bao mối tình, đi bao nhiêu chuyến gần xa, khuấy động được bao người trên những diễn đàn ồn ào to tát.
Nghề văn cũng như mọi nghề làm hàng. Viết bài báo tết, Tô Hoài gọi là làm hàng tết. Hầu như ai đặt viết cũng nhận, hầu như báo nào đặt bài cũng nhận. Thập kỉ chín mươi của thế kỉ hai mươi, tôi đặt bác Tô Hoài viết cho một chuyên mục theo kiểu chuyện cũ Hà Nội. Viết. Đều đặn hàng tuần. Bài có khi bị tòa soạn cắt bớt. Có khi nhuận bút hơi thấp. Cầm báo và nhuận bút đến cho bác, tôi tỏ ra áy náy. Nhưng bác Tô Hoài đặt tờ báo và phong bì nhuận bút sang bên, dẫn tôi sang quán bia cạnh nhà, chuyện trò như không. Đấy là xử sự của một người từng trải, một người làm báo đã thành tinh, việc cắt bài, việc hạ nhuận bút không hề xa lạ. Cắt cũng được, trả bao nhiêu cũng được. Tự tin. Không phải vì thế mà suy giảm giá trị của mình.
Một lần tôi kể vừa mua cuốn sách mới của một nhà văn lão làng, rồi đưa cho bác ấy kí lưu niệm. Tô Hoài gật đầu: Ừ, như vậy lịch sự hơn. Đúng là lịch sự hơn người cứ gặp tác giả là nhắc nhở tặng sách.
Đời là những chuyến đi
Bác Tô Hoài đi nhiều. Thời Tây Bắc kháng chiến, dọc ngang khắp rừng núi, viết Vợ chồng A Phủ, sau này là Miền Tây. Thời hòa bình sau 1954 thì được điều đi làm cải cách ruộng đất, đi vào đời sống của công nông gọi là tìm hiểu thực tế. Rồi làm quản lí ở Hội Nhà văn Trung ương được mời đi khắp các nước xã hội chủ nghĩa và các nước thế giới thứ ba. Đi đến mức ông bạn là nhà văn Nguyễn Tuân phải nói thành thực: Mày mới là thằng đi nhiều, tao chỉ là đi vờ mà thôi. Tô Hoài kể lần cuối cùng gặp nhau, Nguyễn Tuân bảo vừa từ chối một chuyến sang Paris, đôi chân phong thấp đi lại đã khó khăn. “Cái tâm sự nát lòng của người ta thì không một lời chữ nào thổ lộ và giãi bày cho hết được. Hai cái chân đã rỗng cả ống của con người vốn khỏe đi ấy gây cái khó vô cùng cho sự đi, xóa mờ cả tấm tình sông hồ rồi” (Cát bụi chân ai). Tô Hoài thấy vậy, không dám khoe rằng mình sắp đi Cát Bà, không thể khoe với người muốn đi mà không đi được nữa.
Nhiều chuyến tôi đi dự hội nghị nhà văn nước này nước nọ về, bác Tô Hoài hỏi chuyện đi những đâu làm những gì, rồi bình một câu: Tôi bây giờ có cho đi như thế cũng chẳng đi được nữa.
Không chỉ là tấm gương lao động, Tô Hoài có lẽ cũng là tấm gương sống nhiều sống thọ. Cứ sống bình thản trước mọi sự, không giận dữ, không dồn sức, không tự gây khó cho mình bằng những cố lên cố lên. Làm việc không ngừng nghỉ, tham gia công việc của cơ quan của phường phố, tản bộ ung dung chứ không nhất thiết phải gắng sức tập tành… Cứ thế mà đi gần trọn một thế kỉ.
Mấy năm cuối, bác Tô Hoài mắt mờ, không đọc được nữa. Tôi nhớ bác Tô Hoài đọc báo hàng ngày, đọc từ bài dài cho đến những mẩu tin con con, “đọc rất tốn báo” như lời bác nói. Rất tốn sách nữa. Bác Tô Hoài nhận được sách tặng của mọi người, đọc, ghi lại đôi dòng để nhớ, rồi bỏ cuốn sách.
Bác Tô Hoài bảo đọc là học, đọc cái dở cũng học được. Đúng là vậy. Không phải học theo cái dở, mà rút được kinh nghiệm từ cái dở. Không nên dẫn chuyện kiểu này, không nên lộ quan điểm và cảm xúc kiểu này, không nên sử dụng ngôn ngữ kiểu này. Một lần, chị bạn văn bảo tôi đang ở xa, vậy để chị mua cuốn sách mới của tôi mang đến cho bác. Tôi phải nói ngay: Chị đừng làm thế, mắt bác giờ không đọc được, sao lại đưa sách đến.
Những điều này, tôi nhớ lại khi đang ngồi giữa thủ đô Tehran của Iran, vào những ngày tuyết bắt đầu rơi cuối năm 2013. Ngồi ở đấy mà nhớ Hà Nội lúc này có lẽ đang chuyển lạnh. Lại nghĩ bác Tô Hoài chín mươi ba rồi, chẳng phải là ngày rộng tháng dài như bác nghĩ đâu. Thế là thấy cần phải viết, muốn độc giả đọc được những điều mình đang viết về bác lúc này, còn một khi bác đã đi rồi, mình không viết gì cũng được.
Đúng là bác Tô Hoài còn kịp nghe đọc bài của tôi vừa in trên báo. Sau đó một thời gian, tôi được tin bác ra đi, ngày 6/7/2014. Tôi không thấy quá hẫng hụt vì phải tiễn biệt bác từ xa. Điều quan trọng là đã được chia sẻ gần gũi đến như vậy khi bác còn trên dương thế.
Ngày 29 tháng 7 năm 2020
H.A.T
VNQD