Dấu ấn lãng mạn chủ nghĩa trong truyện ngắn Maxim Gorky

Thứ Năm, 07/01/2021 14:19

. ĐỖ THỊ HƯỜNG

 

Nói đến chủ nghĩa lãng mạn là nói đến vai trò của trực giác, cái vô thức, vai trò của thiên nhiên và cái tôi cá nhân. Chủ nghĩa lãng mạn tập trung vào các chủ đề chính: thiên nhiên, tự do, siêu nhiên và cái ngoại lai. Về mặt thủ pháp, chủ nghĩa lãng mạn coi trọng thủ pháp tương phản và kiểu kết cấu truyện lồng truyện. Truyện ngắn Nga cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX có sự xuất hiện nhiều của màu sắc lãng mạn, đặc biệt là trong các sáng tác của M.Gorky.

Trước hết, hình tượng cái tôi cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng được Gorky thể hiện xuất sắc qua những truyện ngắn như Makar Sudra, Tsenkas, Bà lão Izecghin, Một con người ra đời... Đó là cái tôi kiêu hãnh, ngạo nghễ, hi sinh vì cộng đồng. Cũng trong những truyện ngắn này, cá nhân con người đã dám từ bỏ mọi thứ xung quanh để theo đuổi lí tưởng, sự tự do của mình, dù sự tự do ấy phải trả những cái giá rất đắt. Sự hòa hợp giữa vai trò của cái tôi cá nhân và chủ đề tự do còn xuất hiện trong nhiều truyện ngắn hiện thực khác của nhà văn này như Vợ chồng Orlov, Lenka...

Trong Makar Sudra, Radda kiêu hãnh và Loiko tự tin là những cá nhân dám sống cho cá tính của mình, đặc biệt là Radda. Cô nàng Radda chấp nhận chết dưới lưỡi dao của người mình yêu dù cô biết trước điều đó, bởi cô không thể yêu ai ngoài Loiko: “Tôi chưa yêu ai bao giờ, Loiko ạ, tôi chỉ yêu anh. Nhưng tôi còn yêu tự do nữa! Tự do thì tôi còn yêu hơn cả anh. Nhưng không có anh tôi không thể sống được, cũng như anh không thể sống thiếu tôi. Cho nên tôi muốn anh là của tôi, cả linh hồn lẫn thể xác, anh nghe ra chưa?”(1) Radda chỉ chấp thuận làm vợ Loiko nếu anh chàng quỳ xuống và hôn chân nàng. Làm thế nào để không đánh mất sự kiêu hãnh? Làm thế nào để vừa yêu và được yêu, vừa không đánh mất cá tính và tình yêu tự do của mình? Loiko kiêu hãnh chấp nhận: “Nàng yêu tự do hơn yêu tôi, mà tôi thì yêu nàng hơn cả tự do của tôi, cho nên tôi quyết định sẽ phủ phục dưới chân nàng như nàng đã ra lệnh.” Loiko đã phủ phục xuống chân nàng Radda xinh đẹp, rồi rút dao đâm chết Radda và chấp nhận cái chết của bố Radda dành cho mình. Hai con người với hai cái tôi ngạo nghễ thà chết để vừa được sống với cái tôi của mình, vừa được sống với tình yêu của mình chứ không chấp nhận “phủ phục, quỳ gối” như những con người bình thường. Trong Bà lão Izerghin, anh chàng Danko bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng để tìm đường đi cho cả bộ lạc, dám vượt lên trên nỗi sợ hãi của chính mình, sự lung lay niềm tin và những lời chỉ trích của đồng loại. Danko đã sống đúng là mình, vì niềm tin của mình. Ở đây, cái tôi cá nhân kiêu hãnh và kiên định của Danko đã chiến thắng hoàn cảnh, đem lại niềm hi vọng và con đường sống cho cả bộ lạc. Đó là sự khẳng định đầy ngạo nghễ của cái tôi cá nhân, của lợi ích cá nhân khi hòa hợp với lợi ích cộng đồng. Trái với Danko hi sinh tất cả vì cộng đồng, Larra kiêu ngạo, coi thường cộng đồng, coi thường người mẹ sinh ra gã, coi thường sinh mệnh của con người... và gã đã bị trừng phạt bằng hình thức khắc nghiệt nhất: tự do tuyệt đối, đồng nghĩa với bị cộng đồng xa lánh hoàn toàn, trở thành đám mây trôi cô độc trên thảo nguyên mênh mông, hướng đôi mắt “chất chứa bao buồn khổ, tưởng chừng có thể đủ đầu độc cả nhân loại”. Như vậy, trong quan niệm của Gorky thời kì đầu, con người chỉ thực sự kiêu hãnh, thực sự có được chỗ đứng trong cộng đồng nếu cái tôi cá nhân hướng đến cộng đồng, hi sinh vì cộng đồng. Những kẻ kiêu ngạo, quay lưng lại cộng đồng sẽ phải chịu sự trừng phạt ghê gớm. Nhân vật Larra gợi cho chúng ta nhớ tới đức cha Serghi trong tác phẩm cùng tên của Lev Tolstoy. Con người chỉ sống cho cá nhân mình, dù phơi bày cái kiêu ngạo của nó hay che giấu cái kiêu ngạo ấy một cách kín đáo, thì cuối cùng đều phải trả giá, bởi cái tôi của họ không hòa hợp được với lối sống của cộng đồng, không tìm được tiếng nói chung với cộng đồng.

Truyện ngắn Một con người ra đời lại là một tiếng nói đầy mạnh mẽ và hào sảng về hai tiếng “con người”. Miêu tả quá trình ra đời của một con người trên hành trình rong ruổi kiếm sống của người mẹ, khẳng định niềm vui vô bờ bến của người mẹ và người đồng hành khi chứng kiến giây phút một công dân tí hon cất tiếng khóc chào đời, nhà văn ca tụng tính chất thiêng liêng của sự kiện “một con người ra đời” và giây phút con người ấy tự khẳng định sự hiện diện của mình trên cõi thế. “Ya-a… Ya-a” (“Tôi... Tôi”) - cái tiếng nói đầu tiên dưới con mắt của người kể chuyện thật đáng tự hào: “Cái thằng người tí hon này tuyệt nhiên chẳng cần ai cẩn thận hết: nó siết chặt nắm tay và cứ thế mà gào mãi, như thể thách ai đánh nhau. (…) Ừ thì mày, mày! Chú mày phải tự khẳng định cho khỏe vào mới được, chứ không thì kẻ đồng loại sẽ vặt cổ chú mày.” Trong một số truyện ngắn hiện thực khác của Gorky, nhiều nhân vật cũng dám khẳng định cái tôi cá nhân của mình trong một hiện thực chôn vùi cá tính. Đó là Grigori Orlov trong Vợ chồng Orlov, một người thợ giày đã dám đoạn tuyệt với cuộc sống nhàm chán đen tối, bất công, giả dối, tai quái mà anh cho rằng “mụ phù thủy là bà nội nó” để sống theo cách của riêng mình, dù là cách sống của một kẻ lang thang, vất vưởng - một kẻ đáng bị xa lánh và nguyền rủa trong xã hội thời ấy. Nhưng rõ ràng, Orlov là người duy nhất trong truyện ý thức được hiện thực cuộc sống và mong muốn cần phải làm gì đó để thay đổi nó. Nhân vật Orlov của Gorky gợi nhớ tới những nhân vật khát khao đổi thay nhưng bất lực trong truyện ngắn của Chekhov: cô nàng Nadia trong Người vợ chưa cưới, bác sĩ Ivan Ivanưt trong Khóm phúc bồn tử… Suy nghĩ của họ, ý thức của họ về vị trí, vai trò, sự tồn tại của mình trong xã hội giúp họ trở thành một cá nhân nổi bật trong xã hội. Như vậy, rõ ràng, bên cạnh những cái tôi mờ mịt, ủ rũ, chán nản, bị vùi lấp mất ý thức bởi hiện thực xã hội thì vẫn có những cái tôi đầy trăn trở và suy tư. Họ đứng cao hơn cộng đồng, cao hơn cả những kẻ vốn coi họ là “những người thừa” trong xã hội (Orlov là một điển hình). Đó là dấu ấn của tinh thần lãng mạn với ý thức hiện diện cá nhân một cách cao cả.

Chủ nghĩa lãng mạn vốn coi trọng thiên nhiên. Tìm về với thiên nhiên tươi đẹp để vượt thoát khỏi hiện thực đen tối, khắc nghiệt là một cách mà con người khát khao tìm đến. Bởi thế, ngay trong những tác phẩm được coi là “rất hiện thực” của Gorky, chúng ta vẫn bắt gặp những bức tranh thiên nhiên đẹp huyền ảo đến hoang đường. Đó là mùa thu ở Kavkaz với “những cây dẻ đã nhuộm một màu vàng rực”, với “những người khổng lồ râu dài tóc bạc, có đôi mắt mở rõ to của những đứa trẻ vui tính, đang xuống núi để tô điểm cho đất đai, đến đâu cũng hào phóng tung ra những châu báu muôn màu, bịt lên các đỉnh núi những tấm bạc dày và phủ lên chân núi những tấm thảm sinh động gồm những loài cây muôn vẻ và dưới bàn tay họ, mảnh đất diễm phúc này đẹp lên một cách lộng lẫy đến hoang đường”. Khung cảnh thiên nhiên lộng lẫy đến mức tác giả ví như “một thánh đường tráng lệ dựng lên do những bậc đại hiền… - một ngôi đền bằng vàng, bằng ngọc bích, ngọc thạch, bằng những tấm thảm đẹp nhất của người Tuyecmen dệt bằng lụa tại Xamarkand, tại Senakh, họ đi vơ vét báu vật của khắp thế giới đem về đấy, trải ra dưới mắt của Mặt trời”. Trên bờ lá thu vàng trải một lớp thảm rực rỡ cho chú bé Oren mới sinh, còn dưới biển không gian ngập tràn sắc xanh và trắng: “Thế là cả tôi nữa cũng đang bước trên dải đường mòn hẹp màu xám. Bên phải là biển cả một màu xanh thẫm đang chập chờn tựa hồ như thể có những người thợ mộc vô hình đang đưa hàng ngàn cái bào bào lên mặt biển - những dãy vỏ bào trắng muốt thi nhau rào rào chạy vào bờ trước làn gió ướt, ấm và thơm như hơi thở của một người đàn bà khỏe mạnh.” Còn đây là con đường ven biển thơ mộng và lãng mạn dưới mắt nhìn của một nhà văn hiện thực: “Con đường dần dần mon men ra gần biển, nó uốn khúc trườn ra sát dải cát nơi sóng vỗ vào bờ, các bụi rậm cũng muốn nhìn tận mắt sóng, chúng nó nghiêng mình qua dải đường mòn như cúi chào bãi sa mạc nước xanh mênh mông.” Trước thiên nhiên đẹp đẽ ấy con người cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản: “Đi cứ nhẹ nhõm như bơi trong không khí. Những ý nghĩ thích thú, những kỉ niệm muôn màu sặc sỡ đang quay nhau im lặng nhảy trong vòng kí ức tôi: điệu múa này trong tâm trí tôi cũng như những lớp bọt trắng xóa trên biển, nó nổi lên trên còn ở chiều sâu thì yên tĩnh lắm, ở đây đang ung dung bơi lượn những niềm hi vọng tươi sáng và mềm mại của tuổi trẻ như một đàn cá bạc đang lướt đi dưới đáy biển sâu thẳm.”

Về mặt thủ pháp, chủ nghĩa lãng mạn Nga thiên về lối kết cấu truyện lồng truyện đa tầng. Mỗi tác phẩm là những lớp truyện đan cài nhau, lớp truyện này mở ra những lớp truyện khác tạo nên sự hấp dẫn thú vị cho người đọc. Kết cấu truyện lồng truyện xuất hiện trong các truyện ngắn của Gorky như Bà lão Izecghin, Makar Sudra... đã tạo nên những tiểu thuyết thu nhỏ với nhiều lát cắt khác nhau của cuộc sống.

Trong Bà lão Izerghin, Gorky kể cho người đọc nghe bốn câu chuyện lớn: hai câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại và hai câu chuyện của thời hiện đại mà trong đó cũng có những sắc màu li kì hấp dẫn. Hai câu chuyện cổ xưa là câu chuyện về đám mây tối tăm cô độc Larra kiêu ngạo và câu chuyện về chàng Danko với trái tim cháy rực vì cộng đồng. Hai câu chuyện thời hiện đại là câu chuyện về cuộc đời của bà lão Izerghin và câu chuyện về nhân vật “tôi”. Câu chuyện về bà lão Izerghin lại bao gồm rất nhiều câu chuyện nhỏ khác, tất cả đều là những câu chuyện tình yêu: tình yêu của bà lão lúc mười lăm tuổi với anh chàng thuyền chài, với anh chàng Guxun; tình yêu của bà lão thời trẻ với lão lái buôn Thổ Nhĩ Kì giàu có và cậu con trai yếu ớt của lão; tình yêu của bà lão thời thanh xuân với gã thầy tu Ba Lan và gần nhất là câu chuyện tình của bà lão khi đã gần bốn mươi tuổi nhưng vẫn còn rất xinh đẹp và đầy sức sống với những gã quý tộc người Ba Lan, với người anh hùng mặt bị chém. Ám ảnh bà lão nhất có lẽ là câu chuyện tình với gã quý tộc người Ba Lan mà bà đã cứu sống khi bị người Nga bắt. Những câu chuyện của bà lão Izerghin cứ lồng vào nhau trong không khí cổ tích do chính bà tạo nên, từ giọng điệu, cảm xúc cho đến không gian kể. Sự đan cài thú vị giữa những câu chuyện làm tăng thêm màu sắc thần thoại lãng mạn cho tác phẩm của Gorky.

Thủ pháp tương phản được sử dụng trong việc miêu tả nhân vật, miêu tả xung đột giữa nhân vật và cộng đồng, nhân vật và chính bản thân mình. Thủ pháp này thể hiện rất rõ trong việc xây dựng các nhân vật anh hùng trong truyện ngắn của Gorky. Cũng ở Bà lão Izerghin, Danko và Larra được miêu tả với hai phẩm chất đối lập nhau. Larra thì kiêu ngạo, sẵn sàng giết người nếu người ấy không phục tùng. Larra từ chối hòa nhập vào xã hội loài người, khi mọi người cố hỏi nó nguyên nhân giết người, nguyên nhân xa lánh cộng đồng thì nó trả lời đầy kiêu ngạo: “Thế các người chỉ dùng những gì các người có thôi ư?” Nó muốn có tất cả mà vẫn “giữ gìn nguyên vẹn bản thân”. Điều này hoàn toàn trái ngược với Danko. Khi dẫn dắt mọi người đi trong rừng tối, khi tất cả phẫn nộ và quay sang oán trách, chửi rủa mình, Danko sẵn sàng tha thứ cho họ, giảng giải cho họ, thậm chí giật tung trái tim đang cháy sáng vì khao khát cứu giúp đồng loại. Sự tương phản trong hình tượng hai nhân vật - một kẻ tội đồ và một người anh hùng đã được khắc họa tương xứng, từ cái nhìn tương phản. Hơn thế, đây lại là hai câu chuyện nhỏ trong một câu chuyện lớn, vì thế, sự tương phản càng nổi bật ý nghĩa. Có thể thấy thủ pháp tương phản trong nhiều tác phẩm khác thời kì này của Gorky. Ở Một con người ra đời là sự tương phản giữa sự khắc khổ và hạnh phúc, nghị lực kiên cường của người mẹ trẻ; tương phản giữa thực trạng đoàn người đói rách với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, tràn đầy sức sống. Ở Makar Sudra là sự tương phản giữa vẻ ngoài kiêu hãnh và trái tim yêu say mê, yếu mềm của Loiko và Radda. Ở Những mẩu chuyện nước Ý là sự đối lập giữa vẻ ngoài nhỏ bé và sức mạnh tinh thần vĩ đại của những bà mẹ… Từ sự tương phản đó, những nhân vật lí tưởng hiện ra như trong những câu chuyện cổ tích, nhưng cũng ẩn giấu màu sắc bi kịch thời hiện đại. Xét ở một khía cạnh nào đó, sự đối lập, tương phản trong xây dựng những nhân vật lãng mạn giai đoạn này cũng là một cách để các nhà văn tôn vinh cái tôi cá nhân của những nhân vật ấy, cái mà ở những giai đoạn trước đã bị khuất lấp.

Vấn đề “yếu tố cá nhân thuần túy chủ nghĩa” ở đây chính là những suy tư của các nhà văn về số phận từng cá nhân riêng lẻ trong quan hệ của nó với cái chung. Tính hai chiều cũng như tính mâu thuẫn nội tại của mối quan hệ này và cách giải quyết nó đã tạo ra những khuynh hướng văn chương khác nhau, làm phong phú bức tranh văn học Nga “thời đại bạc”. Điều này thấy rất rõ trong xu hướng văn chương của các nhà văn giai đoạn này. Và Gorky, bằng quan niệm hòa hợp giữa cái tôi cá nhân và lợi ích cộng đồng, đã trở thành một nhà văn Xô-viết tiêu biểu, một tác giả quen thuộc bậc nhất của nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam.

Đ.T.H

-------

1. Tất cả trích dẫn trong bài viết đều từ Maxim Gorky, Tuyển tập truyện ngắn (hai tập), Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)