.NGUYỄN MINH HUỆ
Nhiều nhà lí luận văn học xem kí là thể loại nằm ở phần giao nhau giữa văn học và cận văn học (báo chí, chính luận, ghi chép tư liệu các loại), chủ yếu là văn xuôi tự sự. Kí bao gồm nhiều tiểu thể loại: phóng sự, kí sự, nhật kí, hồi kí, du kí, truyện kí, tùy bút... Kí báo chí là một trong những thể loại thể hiện trực tiếp và rõ nét nhất những chuyển biến tư tưởng trong cuộc tiếp xúc Đông - Tây giai đoạn giao thời. Phụ nữ tân văn (PNTV) là một trong số ít tờ báo dành cho phụ nữ và do phụ nữ sáng lập có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX. Đây là nơi đăng đàn của nhiều cây bút nữ thuộc thế hệ thứ hai thức nhận và đấu tranh cho nữ quyền. Trong vai trò là những nữ phóng viên năng động, họ đi sâu phân tích hiện trạng cuộc sống, tâm lí, tư tưởng phụ nữ đương thời từ con mắt người đồng giới. Kí của họ có thể coi là một diễn ngôn mới mẻ về các vấn đề phụ nữ.
Trong chuyến đi “xuyên Việt” năm 1934, các phóng viên Nguyễn Thị Kiêm, Phan Thị Nga đã ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình về những nơi đặt chân qua trên PNTV. Nguyễn Thị Kiêm có nhiều cảm tưởng suy nghĩ về Hà Nội, từ các công trình lịch sử, cảnh quan cho đến con người, lối sống. Là một phụ nữ có tư tưởng nữ quyền, bà có nhiều nhận xét đáng chú ý về người phụ nữ ở Hà Nội. Trong bài du kí dưới dạng một bức thư gửi cho chị Huê, Nguyễn Thị Kiêm ghi lại các ấn tượng, suy nghĩ của mình về phụ nữ Hà Nội trong sự so sánh với phụ nữ Nam Kì. Qua nghe nhìn của bà, phụ nữ Hà Nội ưa... tự tử: “...thấy hồ Gươm... tôi vụt hỏi: Có phải hồ này người gọi là mồ hồng nhan? Người ta gật đầu, tôi lại ngạc nhiên: Làm sao mà tự tử được giữa chốn đông đảo vui đẹp thế này... Vì trước kia, nghe nói đến sự tự tử ở hồ Gươm, tôi tưởng tượng ra một cảnh sầm uất, vắng vẻ, xa thành phố, chỗ có chim ụt đếm giờ, dế gọi tỉ tê. Thế mà, sự thật hồ Hoàn Kiếm là nơi nhiều người đắm đuối. Vợ chồng cãi cọ với nhau một chút, vợ toan nhảy xuống hồ...” Vấn đề khiến Nguyễn Thị Kiêm quan tâm cũng là đối tượng quan tâm chung của những ai chú ý đến biến động trong quan niệm sống của các thiếu nữ đương thời, nói rộng hơn là những biến đổi văn hóa trong chiều sâu của tâm lí phụ nữ.
Nguyễn Thị Kiêm còn quan tâm đến phụ nữ miền Bắc ở nhiều phương diện khác. Vẻ đẹp nền nã, cổ điển toát lên từ cách phục sức và nhất là hàm răng đen của họ gây cho bà ấn tượng mạnh. “Nói đến chị em Hà thành, tôi nhớ đến một câu của người bạn trai Nam Kì: Các cô gái ấy mĩ miều, có hơi kín đáo, có hơi bí mật, mà cái miệng là cái hang sâu thẳm lọt mất biết bao lời lẽ thâm trầm.” Tinh thần phụ nữ mới của Nguyễn Thị Kiêm còn bộc lộ ngay trong cái nhìn ngầm phê phán phong khí có vẻ suy đồi của thanh niên Hà Nội: “Cách Hà Nội chừng hai cây số ngàn, có xóm Khâm Thiên, đây là xóm ả đào, xóm đăng-xinh (dancing - N.M.H), chiều tối nào cũng tấp nập khách chơi, xe cộ…”
PNTV số ra ngày 15/5/1930 có bài Con mắt tôi thấy chị em ta tấn hóa ra thế nào của V.A, dài hơn ba trang báo, nhận xét về những thay đổi “trong khoảng năm sáu năm tới đây” của phụ nữ khắp ba miền, mà tác giả gọi là “sự tấn hóa”. Sự thay đổi đến từ hình thức bên ngoài, “từ cái kiểu áo, cái mũi giày, cho tới một cuộc làm, một việc mới của chị em ta”, cho đến nhận thức, hành động, thái độ dấn thân của phụ nữ Bắc, Trung, Nam, đều là dấu hiệu của sự tiến hóa. Phụ nữ đã bước chân vào các “trường cao đẳng hay trung học, ngồi bên con trai, học chung với con trai mà cách đi đứng giao thiệp có cái vẻ coi mình như đàn ông vậy”; phụ nữ theo học các ngành trước nay chỉ dành cho đàn ông, như “canh nông, y khoa, bào chế, mĩ thuật”; phụ nữ tham gia thương trường bán buôn lớn, làm việc trong nhà băng, sở dây thép, làm phóng viên; phụ nữ tham gia làm từ thiện, lập hội Dục-anh ở Nam Kì, hội Tế-bần ở Bắc Kì, tổ chức chợ phiên ở Trung Kì; phụ nữ tham gia thể thao, lập hội tennis, hội đi bộ, “lại nghe nói đang rục rịch lập hội đá banh nữa”... Không chỉ ở thành thị, mà ở nông thôn, sự chuyển động tuy diễn ra chậm chạp và lặng lẽ hơn nhưng cũng đã có những chỉ dấu cho thấy phụ nữ không cam chịu, nhẫn nhịn và u tối như trước: “Trong hồi tôi đi ngang Bồng-sơn (Bình-định) và huyện Sơn-tịnh (Quảng-ngãi) mới rồi. Không phải một vài người như vậy đâu, cả chục cả trăm người, nếu mình hỏi chuyện thì đều nghe họ đối đáp lại mạnh dạn và có sự lí cả. Tôi đã phải dựt mình mà có cái cảm tưởng rằng đàn bà nhà quê mình nhiều nơi đã tấn tới thay đổi lắm rồi.”
Kí trên PNTV thường xuyên cập nhật tình hình đấu tranh nữ quyền thế giới, cập nhật tình hình chính trị thế giới sau Chiến tranh thế giới I. Mục “Nói chuyện thế giới” ngày 11/4/1935 của Trần-Thị Thanh-Nhàn dưới hình thức “thơ cho bạn” đưa tin về Đại hội phụ nữ quốc tế ở Paris và cho rằng đại hội này đã “...nhắc cho chị em cái nghĩa vụ cấp bách phải đoàn kết cùng nhau, tổ chức nhau lại và cùng nhau phấn đấu... để binh vực quyền lợi của mình.” Trong bối cảnh phong trào nữ quyền trên thế giới đang đến cao trào và có nhiều thành tựu, PNTV hưởng ứng rất tích cực làn sóng đó, và luôn giới thiệu thành tựu của phong trào nữ quyền ở các nước từ châu Âu tới châu Á. Nêu gương phụ nữ châu Âu, bài Sự dạn dĩ của một người đàn bà Pháp (số ra ngày 31/3/1932, mục “Ý kiến chúng tôi với thời sự”) đưa tin và đăng ảnh bà Jane Valbot “mang xiềng sắt, một đầu thì quấn trong mình, một đầu thì buộc nơi bành ghế, khua động có tiếng lổn cổn om sòm”, xuất hiện ở cuộc họp Thượng viện để đòi các nguyên lão nghị viện thông qua quyền tuyển cử và ứng cử cho phụ nữ.
Sử dụng phương pháp nêu gương, PNTV số ra ngày 6/8/1931 giới thiệu thành quả phong trào nữ quyền của hai nước được xem là “đồng văn đồng chủng” với Việt Nam là Nhật Bản (“...từ khi cái phong trào bên Âu - Mĩ tràn qua, phụ nữ Nhựt-bổn cũng đã thấy biến hóa và tấn bộ nhiều”) và Trung Hoa (“Bên Tàu... bây giờ họ rủ nhau bỏ tục bó chưn và lập trường nữ học khắp nơi..., đến năm 1916, nước Tàu có cuộc vận động về Tân văn hóa, thì cuộc vận động về phụ nữ cũng nhơn đó mà đổi phương hướng đi, đặt mục đích lên một bậc cao nữa. Nghĩa là họ bỏ cái chủ nghĩa hiền mẫu lương thê mà khuynh hướng về cá nhân chủ nghĩa”). PNTV ngày 4/6/1931 lược thuật cuộc đại hội phụ nữ châu Á, với tiêu đề Toàn Á-châu phụ nữ đại hội-nghị do nữ sĩ Vân Đài thực hiện từ tài liệu của đại hội này.
Mỗi số PNTV đều có mục “Thế giới phụ nữ tiêu tức”, mục đích là “...biên chép những tin tức của phụ nữ khắp nơi trên thế giới, để cho chị em ta biết phụ nữ thế giới tiến bộ ra sao, cải cách thế nào, hay là có tin gì hay, chuyện gì lạ. Biết những tin tức ấy, vừa có thể rộng kiến văn, tri thức của mình, lại vừa có thể khuyến khích trừng giới lấy mình nữa.” Mục này chủ yếu dùng hình thức nêu gương, qua những thông tin cụ thể về con người, vùng đất, tin tức sự kiện... Ví dụ: Trung-Hoa: đàn bà ra dự Quốc dân hội nghị; Bỉ: Người đàn bà đi xe máy dầu (motobicyclette) từ Paris qua Saigon; Na-oai: Đàn bà làm chúa tàu; Úc-châu: Đàn-bà lội dưới nước 72 giờ 9 phút; Hồng-mao: Đàn bà làm Tổng-trưởng một công-ti lớn...
Kí trên PNTV còn cập nhật hiện trạng cuộc sống, tâm lí, tư tưởng phụ nữ đương thời. Vì quyền bình đẳng giới, đấu tranh cho quyền lợi của lao động nữ, các nữ phóng viên vạch trần chế độ nhơn-công “chưa hạp với nhơn-đạo” để “...bọn tư-bổn bất-nhơn còn lợi dụng đến cả mồ hôi nước mắt của chị em ta.” Những phóng sự này đã trình bày thực tế điều kiện sống và làm việc của phụ nữ lao động Việt Nam ở nông thôn, cũng như trong các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền, cả ở đô thị. Một ngày làm việc của họ thường kéo dài từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối trong khi lương rất thấp (chỉ bằng một nửa của nam giới), luôn bị quấy rối tình dục, tai nạn lao động không được bảo hiểm... Điều tra về lao động phụ nữ, phóng sự Đi mót tư tưởng ngoài đồng ruộng của Nguyễn Thị Kiêm trên PNTV (8/1934) cho thấy thực chất cuộc sống của phụ nữ nông dân. Họ phải “ở ngoài ruộng tối ngày, còn chia nhau đi ở đợ nữa” mà cũng không đủ sống. Các bài Chị em Nam Kì dưới con mắt thoáng qua của tôi, Cảnh ngộ và tính tình người điên và tạo vật của Phan Thị Nga trên PNTV (8/1934) phản ánh cuộc sống của phụ nữ công nhân mỏ, công nhân đồn điền cao su, phụ nữ nghèo ở thành thị...
PNTV cũng là tờ báo đầu tiên dè dặt đề cập đến vấn đề mại dâm. Những từ ngữ đầy tính cấm kị như “đĩ”, “gái điếm”, “đi khách” lần đầu xuất hiện trên mặt báo, bên cạnh các từ ngữ khác như “tánh dục”, “hun/ hôn”, “thú tánh”, “thú dục”..., cho thấy PNTV đã thực sự góp phần vào việc thay đổi định kiến và những quan niệm mang tính giới như thế nào. Ngay từ năm đầu tiên hoạt động của mình, PNTV không đứng ngoài vấn đề nhức nhối này, và đã lên tiếng một cách tích cực nhằm tìm ra giải pháp cứu vớt cuộc đời của những người phụ nữ không may phải dấn thân vào con đường tăm tối. Ở ngoài Hanoi: Việc trừng trị nghề mại dâm (số ngày 5/12/1929) có nói về con số phụ nữ làm nghề mại dâm ở thành phố này, bày tỏ thái độ thương cảm đối với những người sa chân vào chốn bùn nhơ và lo ngại cho việc họ có thể là tác nhân lây lan bệnh tật trong xã hội.
Bài phóng sự Điều tra cái nạn mại dâm - vấn đề đĩ điếm ở xã hội ta trên PNTV (7/1/1932) cảm thán trong xã hội hiện nay “...biết bao nhiêu là đàn bà, con gái lao công, thợ cu li, bồi, may, đứng bán... chỉ vì mưu sanh, chỉ vì bị ép uổng, chỉ vì không được luật pháp ủng hộ mà phải làm đĩ.” Bài Vấn đề mại dâm trên PNTV (22/6/1933) phân tích kĩ các nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ phải làm nghề mại dâm. PNTV số ra ngày 31/3/1932 đăng một bài khá dài của Thạch Lan (gửi từ Paris về) bàn về Vấn đề mại dâm. PNTV ngày 14/6/1934 có bài Vấn đề mại dâm trên thế giới rất công phu của Nguyễn Thị Kiêm. Sau đó, PNTV ngày 21/6/1934 đăng bản dịch của một nhà báo nữ người Pháp, Maria Vevers: Vì đâu mà “hạng ấy” sa ngã? Có thể nói nhờ đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của những người đồng giới, các cây bút nữ đã hướng độc giả nhìn trực diện vào một trong những vấn đề được coi là nhạy cảm, nhức nhối của xã hội. Chính sức hút từ một vấn đề gai góc của giới nữ đã thôi thúc các cây bút của PNTV có một nhãn quan nhạy bén khác với góc nhìn của các nhà báo nam đương thời. Sau này, khi vấn đề mại dâm đã được báo chí quan tâm hơn với nhiều phóng sự nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng, Việt Sinh hay Trọng Lang thì những bài kí trên PNTV vẫn đáng ghi nhận bởi tính chất mở đầu, tinh thần quả cảm của các nhà báo nữ.
Bên cạnh sự chia sẻ, cảm thông với những người đồng giới, PNTV thẳng thắn phê bình một trong những tính xấu của phụ nữ xứ Annam. Bài Nữ quốc dân của tác giả Nguyễn Đức Nhuận chỉ ra sự thờ ơ “không biết đến việc nước”, thiếu nhiệt thành với công cuộc tranh đấu nữ quyền của phụ nữ. Tác giả phân tích khá kĩ tình trạng và cũng là quan niệm của phụ nữ Annam, học để làm vợ hiền mẹ lành, trong khi bên Âu - Mĩ, con gái học để làm người. Nhìn ra phong trào nữ học trên thế giới, bà Nguyễn Đức Nhuận nhận thấy chúng ta đã chậm hơn các nước rất nhiều; so sánh ngay với lân bang là Trung Hoa, chúng ta cũng đang ở thời điểm mà họ đã vượt qua 20 năm. Qua sự phân tích, tác giả mong muốn phụ nữ Annam đi học “...mục đích thứ nhứt là phải làm dân của nước. Dân của nước là một phần tử trong xã hội, có nghĩa vụ và có quyền lợi, phải lo lắng cho nước mình. Chẳng phải như thế là đủ, chị em ta phải cổ động cho hết thảy phụ nữ đều có tư cách người dân của nước.”
Kí trên PNTV khác với kí trên các tờ báo cùng thời ở chỗ tính chất xã hội được gia tăng tối đa trong khi tính chất giải trí bị tiết giảm đáng kể. Người viết hầu như dành thời gian quan sát các vấn đề liên quan đến người lao động, cuộc sống cực khổ của giai cấp công nhân, mối quan hệ giữa công nhân/ người làm thuê với giới chủ... ở những nơi mình đặt chân đến, mà ít quan tâm việc miêu tả thưởng ngoạn phong cảnh đẹp hay phong tục khác lạ. Dường như kí của tác giả nữ quan tâm nhiều đến thân phận phụ nữ hơn các tác giả nam giới. Những vấn đề phụ nữ được nêu lên trong kí là kết quả của việc các tác giả nữ đi nhiều, thay đổi không gian văn hóa trên phạm vi địa lí rộng, trực tiếp tai nghe mắt thấy nên có phần khác so với những miêu tả trong các tác phẩm hư cấu thuộc văn học lãng mạn hay văn học hiện thực phê phán, do vậy có giá trị ý nghĩa riêng đối với sự phát triển thể loại trong lịch sử báo chí và văn học cận hiện đại Việt Nam.
N.M.H
VNQD