Chỉ có lao động mới có hạnh phúc – Đóng góp của Bác Hồ vào triết học con người hiện đại!

Thứ Năm, 21/01/2021 10:50

. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

 

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ không chỉ là “kim chỉ nam” cho đất nước ta đổi mới, phát triển mà còn ảnh hưởng ở tầm nhân loại. Gần đây (05/10/2019), Hội thảo khoa học quốc tế có chủ đềGlobal Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh toàn cầu) được tổ chức ở New York (Mỹ) cho thấy thế giới nghiên cứu Bác Hồ như là một đối tượng ưu tiên. Các chủ đề được các học giả Mỹ và Đại học Columbia đề xuất khi cùng đứng ra tổ chức hội thảo đều tập trung khẳng định không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa, Hồ Chí Minh còn là cầu nối Việt Nam và thế giới, nhân cách của Người sẽ mãi tỏa sáng khắp các châu lục. Di sản tư tưởng và những giá trị văn hoá cao đẹp của Bác Hồ đang được cả nhân loại đón nhận. Lấy cảm hứng về một khía cạnh của chủ đề Hội thảo về quan niệm của Bác Hồ với lao động, bài viết xin cụ thể một ý nhỏ: Với Bác Hồ, chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc thật sự!

Với Bác Hồ học tập gắn liền với lao động. Học tập để thành quả lao động tốt hơn mà phục vụ tốt hơn nữa cho dân cho nước nên học tập và lao động là hạnh phúc: “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”. Bác là người lao động thực thụ với 12 nghề khác nhau. Thời mới đi tìm đường cứu nước Bác làm nghề nấu ăn, quét tuyết, chụp ảnh… Thời kháng chiến Bác trồng rau, nuôi gà tự túc thực phẩm. Khi làm Chủ tịch Nước Bác vẫn tự tay cuốc đất, tự mình tưới cây.

Quan niệm về đạo đức của Bác không bất biến mà luôn gắn liền với môi trường xã hội, với thời đại: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”. Người dạy thanh niên phải biết cống hiến trước khi hưởng thụ: “khi làm bất kỳ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước…, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”. Bác đã dạy chúng ta về hạnh phúc là hài hòa hưởng thụ và cống hiến, phải đặt cống hiến lên trước. Đó là đạo đức của tấm lòng hy sinh vì mọi người! Đó còn là tầm nhìn thấu nhân tâm, thấu thời thế!

Dành cả cuộc đời đấu tranh với thực dân đế quốc để đòi hạnh phúc cho các dân tộc thuộc địa, Bác đã sinh động hóa quan niệm của Mác: Hạnh phúc là đấu tranh. Người mong muốn các dân tộc thoát khỏi trạng thái nô lệ cùng bước lên đài vinh quang của hạnh phúc được làm chủ. Mục đích ấy ngay những năm đầu ở Pháp Người đã xác định cùng những người bạn cộng sản ở các nước thuộc địa: Giải phóng đồng bào, giải phóng nhân loại bị áp bức!

Những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh vào sự nghiệp giải phóng con người đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định. Từ thực tiễn hôm nay, chúng ta thấy Bác còn có đóng góp lớn vào việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Cả xã hội ta đang lên án đấu tranh chống nạn tham nhũng, tệ quan liêu xa dân, hoang phí…thì tất cả những điều ấy đã được Bác Hồ tiên liệu từ trước. Người định nghĩa chủ nghĩa cá nhân rất cụ thể “là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình”, “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nên “Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu…”. Hôm nay cán bộ càng phải học Bác nhiều hơn để “nâng cao đạo đức cách mạng”, thật sự vì dân mới có thể “quét sạch” nó.

Hạnh phúc gắn liền với dân chủ. Một xã hội hạnh phúc là xã hội dân chủ, “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Một biểu hiện cơ bản của dân chủ là tinh thần đối thoại, mà muốn thế phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Nhờ làm nhiều nghề, lăn lộn trong đời sống, tiếp xúc nhiều lớp người, am hiểu nhiều loại hình nghệ thuật, lại thành thạo nhiều ngôn ngữ chính nên Bác Hồ nắm rất chắc và làm chủ các chìa khóa giải mã văn hóa. Bác là một trong số rất ít các vĩ nhân có thể đối thoại với hầu hết các nền văn hóa lớn. Cây đại thụ văn hóa cường tráng ấy có ba chùm rễ rất khỏe cắm sâu vào ba mảnh đất văn hóa của văn hóa Việt (tinh thần yêu nước thương nói), văn hóa phương Đông (tư tưởng tích cực của Nho giáo, Phật giáo) và văn hóa phương Tây (tinh thần khoa học, biện chứng) để cành lá vươn cao lên bầu trời nhân văn thế giới mà quang hợp ánh sáng của chủ nghĩa yêu nước, của tự do, bình đẳng, bác ái, của trí tuệ, tình thương... Nhờ thế Người tạo cho riêng mình một phong cách độc đáo, đặc sắc vừa phương Đông lại rất phương Tây, cổ điển, truyền thống mà mới mẻ, hiện đại; bình dân giản dị mà bác học trí thức; trong sáng hồn nhiên mà lịch thiệp sang trọng....

Nhìn từ lý thuyết đối thoại ta cũng thấy Bác Hồ là người hạnh phúc!

Trong đối thoại thì tất cả đều bình đẳng. Đối thoại văn hóa tối kỵ những câu mệnh lệnh thức hay cầu khiến…Trước một vấn đề các bên đều có chính kiến, phản biện, bảo vệ…Hiểu sâu sắc vấn đề này Bác từng nói dân chủ là phải để cho dân được “mở miệng”. Cho nên một nguyên tắc đối thoại của Người với dân là luôn đưa ra những câu hỏi để được nghe trả lời từ bất cứ người dân nào. Hỏi để được biết tình hình, là đưa ra vấn đề rồi khơi gợi để dân nói. Trọng dân, hiểu dân, tin dân...Đấy là phong cách Hồ Chí Minh.

Hạnh phúc còn là một tinh thần khỏe mạnh trong một thân thể khỏe mạnh, là sự vô tư trong sáng, quên tuổi tác:“Tự cung thanh đạm tinh thần sảng”, sống thanh đạm thì sảng khoái, nhẹ nhàng, vô tư, tinh thần sáng suốt, thông tuệ. “Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên”. Bác Hồ có một định nghĩa về sức khỏe ngắn gọn, đầy đủ, chuẩn mực: “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. “Khí huyết lưu thông” tức là có một cơ thể vật chất khỏe mạnh, “tinh thần đầy đủ” là ý chí, bản lĩnh, nghị lực, đạo đức...

Như cụ Nguyễn Trãi ẩn cư nơi vùng Côn Sơn, như Nguyễn Bỉnh Khiêm về với sông nước núi non quê Hồng Châu (Vĩnh Lại), như Nguyễn Khuyến về với núi Quế Sơn (Hà Nam), Bác Hồ mong muốn được sống giữa nơi thiên nhiên thanh sạch trong lành: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Người “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý” để được sống hòa đồng giữa thiên nhiên, bầu bạn cùng thiên nhiên. Hồi ở Việt Bắc (1954), đạo diễn điện ảnh Nga Rôman Cácmen hỏi “Chủ tịch làm việc bao nhiêu tiếng một ngày?”. Bác trả lời: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao”. Thì ra Bác lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để đo thời gian cho cuộc sống của mình. Khi phải gánh vác nhiệm vụ trọng đại Bác vẫn dành thời gian hạnh phúc cùng thiên nhiên, làm thơ cùng “bạn” trăng: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, dành thời gian hạnh phúc cùng con trẻ, cùng cỏ cây: “Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”…

Nhân loại đang đứng trước nguy cơ mất an toàn môi trường sống, vì chiến tranh, vì chính sách phát triển công nghiệp thiếu cân đối, vì khai thác bừa bãi đến cạn kiệt… mà dẫn đến các thảm họa. Triết học sinh thái ra đời đặt mục tiêu nghiên cứu mối quan hệ giữa khoa học, con người và tự nhiên, tìm ở đó những biện pháp khắc phục phần nào hậu quả. Vớivăn học nước ta, như một dòng chảy chính, trong tác phẩm Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh chủ đề sống với thiên nhiên, tôn trọng, chan hòa gần gũi với thiên nhiên rất xứng đáng làm tư liệu để họ nghiên cứu, tìm hiểu.

Xét đến cùng cái đích phấn đấu của vĩ nhân Hồ Chí Minh là sáu chữ vàng “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Độc lập là tiền đề cơ sở, là điều kiện cho Tự do, Hạnh phúc: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đó là một quan niệm biện chứng, một nguyên lý, một chân lýđóng góp một cách xuất sắc vào kho tàng lý luận cách mạng thế giới đã được chứng minh hùng hồn ở Việt Nam!

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)