Dùng “vũ khí tiếng nói” để đấu tranh – Một phương pháp cách mạng hiệu quả của Bác Hồ!

Thứ Năm, 21/01/2021 09:45

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

 

Đối thoại văn hóa là hữu nghị, hòa bình, hợp tác, trong xu thế hiện nay chỉ có hòa bình, hữu nghị, hợp tác mới thúc đẩy giao lưu văn hóa ngày một mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc hơn. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Tiếng nói, cây cầu nối cơ bản, chủ yếu của đối thoại văn hóa - Nhìn từ thực thể văn hóa Việt.

Tiếng nói là công cụ giao tiếp, là thành quả văn hóa rực rỡ nhất của văn minh nhân loại cũng là phương tiện cơ bản, đầu tiên của đối thoại.

Tiếng nói là biểu hiện rõ nhất, sinh động nhất về nhân cách con người. “Vàng thì thử lửa thử than/ Đồng thau thử tiếng người ngoan thử lời”. Cùng với ý này người phương Tây nói: Tiếng nói là hơi thở của tâm hồn. Vì tiếng nói là kết tinh vốn văn hóa, vốn ứng xử, và cả sức khỏe vật chất. Một người yếu thì không thể có tiếng nói trong trẻo, ấm, vang, tròn vành rõ chữ, chưa nói đến yêu cầu vang, rền, nền, nảy của hát dân ca truyền thống.

Tiếng nói là phương tiện giao tiếp quan trọng bậc nhất, phổ biến nhất. “Lời nói đọi máu”. Lời nói có thể gây nạn binh đao, có thể chuốc thù gây oán nhưng đồng thời lời nói cũng là một giá trị văn hóa. Cần việc gì quan trọng người ta phải “có nhời” với nhau. Ngày xưa lời thế còn quý hơn cả tính mạng. Lời nói như máu, quý giá và thiêng liêng. “Lời nói gói vàng”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Được lời như cởi tấm lòng”, “Người ngoan nói tiếng dịu dàng dễ nghe” là vì vậy.

Thế nên trước nay ngành ngoại giao cử đại diện đối thoại luôn là những người hiểu nhiều, hiểu sâu, hiểu kỹ về đối tượng và những vấn đề đối thoại. Hiểu giản dị nhất thì đối thoại là làm người ta hiểu mình, nghe mình, tin mình, làm theo mình. Vì lẽ này mà chúng ta thấy sau này Bác khuyên cán bộ, thanh niên phải học, học suốt đời, mà Bác là tấm gương tự học sáng nhất. “Nhân bất học bất tri lý”. Có học mới hiểu được mình, hiểu được người, từ đó mới có thể nói tới chuyện thuyết phục người khác nghe theo, làm theo mình. Ở góc độ này, nhiều nhà nghiên cứu nói triết học của Bác là “triết học hành động”, “triết học vô ngôn”, “một tấm gương sống còn hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bác là một cá nhân nhưng suy nghĩ, việc làm của Bác mang tầm thời đại, tầm đất nước, dân tộc. Bác thay mặt những người An Nam bị áp bức đối thoại với chủ nghĩa thực dân để đòi quyền sống cho dân tộc và cho những người bị áp bức trên thế giới. Bác kêu gọi cả nhân loại đau khổ thức tỉnh. Bác kêu gọi cả Quốc tế thứ Ba hành động vì các dân tộc thuộc địa. Vì thế gọi đối thoại của Bác là “đối thoại văn hóa” là đích đáng.

Để hiện thực hóa lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình. Mục đích các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, chính nghĩa, công lý, nhân tính, nói chung là vì con người. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác để dừng, trước hết là giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ để kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi trả lại nhân tính. Muốn vậy trước hết phải trả lại môi trường có nhân tính. Chia sẻ, động viên, kêu gọi (đồng chí), xét đến cùng là nhận chân kẻ thù chung và cùng nhau giải phóng con người.

2. Dùng “vũ khí tiếng nói” để đấu tranh – Một phương pháp cách mạng hiệu quả của Bác Hồ!

Con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở của đối thoại văn hóa để Người trở thành con người của đối thoại văn hóa. Không ngẫu nhiên ngay sau ngày Nước Việt Nam mới ra đời Bác Hồ kiêm nhiệm và hoàn thành cực kỳ tốt đẹp vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Từ đó Người trở thành hiện thân cũng là hình mẫu của ngoại giao văn hóa. Thế giới hôm nay đồng thanh khẳng định Hồ Chí Minh đi trước thời đại, là người đặt nền móng cũng là tấm gương của đối thoại văn hóa với quan điểm “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” và không “gây thù chuốc oán” với một ai. “Vĩnh viễn không bao giờ xâm lược nước khác” và cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược”. Lịch sử nước ta từ 1975 đến nay càng khẳng định tư tưởng vàng về đối ngoại của Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản văn hóa của dân tộc mà còn là tài sản tinh thần của toàn nhân loại. Vì lý do khách quan này nọ mà chúng ta lỡ mất nhịp ngoại giao với nước Mỹ và khối ASEAN ngay sau 1975. Phải mấy chục năm sau chúng ta mới khắc phục được sai lầm...

Ở Hồ Chí Minh khi từ chối đối thoại thực ra cũng là một cách đối thoại, để khẳng định tầm vóc, vai trò của lẽ phải, của công lý, chính nghĩa. Tháng 6/1945 tại lán Nà Lừa, khi nhận được thư hăm dọa của bọn Nhật, Bác Hồ khẳng định với các đồng chí: “Chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không bằng lời nói”. Người cũng kiên quyết không đối thoại với kẻ xâm lược, kẻ giết người, kẻ không xứng đáng để đối thoại. Thế nên Người khen chiến sỹ Hoàng Đăng Vinh đã giữ tư thế người chiến thắng, trong giờ phút lịch sử không thèm bắt tay tướng Đờ Cát khi hắn định “bắt tay” người bắt sống hắn!

Vì “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” nên quan niệm của Hồ Chí Minh là “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta phải cố gắng quét sạch nó đi”, là phải quyết tâm đến cùng để bảo vệ Tổ quốc, dù có phải “đốt cháy cả dãy Trư­ờng Sơn” đi chăng nữa.

Trong quá trình tìm đến Quốc tế cộng sản chân chính, điều quan tâm nhất của Người là “quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?”. Khi còn hoạt động ở Pháp, quan Thượng thư­ Bộ thuộc địa gặp gỡ đe doạ, dụ dỗ nhưng Nguyễn Ái Quốc khảng khái: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập…”[1].Sau này ở cương vị Chủ tịch nước Người thay mặt toàn dân ta tuyên bố với thế giới: “Nhân dân Việt Nam vĩnh viễn không để cho kẻ thù nào xâm lược nước mình, đồng thời cũng vĩnh viễn không xâm lược nước khác”[2]. Người quan niệm hoà bình của một đất nước nằm trong hoà bình quốc tế: “giữ­ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí… Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hoà bình thế giới”[3]. Mục đích đối ngoại của Bác Hồ có thể tóm lại trong một câu nói của chính Bác khi người lên đường sang thăm hai nước Ấn Độ và Miến Điện (Myanma) vào tháng 2-1958: “Mục đích cuộc đi thăm này là thắt chặt thêm nữa tình anh em giữa nước ta với hai nước bạn Ấn Độ và Miến Điện, do đó củng cố và phát triển thêm nữa mối đoàn kết giữa các dân tộc Á - Phi và bảo vệ hoà bình thế giới”[4].

Cả thế giới nghiêng mình trước ngụ ngôn nổi tiếng về ngoại giao của Bác Hồ: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” (Trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo về vấn đề đoàn kết ngày 26-12-1945).Đấy là cách thức đối ngoại quan trọng nhất, vì một lẽ giản dị là ta có thế lực thì địch mới nể sợ ta, các bạn bè mới phục ta. Muốn mình mạnh thì phải biết kết hợp giữ vững độc lập tự chủ, tự cường với đoàn kết quốc tế. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền 1945, Người luôn chủ trương “tự giải phóng”, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Sự giúp đỡ của bạn bè là rất quan trọng nhưng điều quyết định phải là tự chúng ta, Người đã nêu ra một chân lý của thời đại: “sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[5]. Một chân lý cho tất cả, cho mọi người, cho mọi dân tộc, mọi thời đại!

N.T.T


[1]Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008, tr.304

[2]Nguyễn Dy Niên - Tư­ tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tr.3

[3]Hồ Chí Minh, toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 7, tr.228

[4]Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008, tr.229.

[5]Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 6, tr.522.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)