Murakami Haruki và “cuộc săn cừu hoang”(1) chưa kết thúc

Thứ Sáu, 22/01/2021 06:43

. HOÀNG LONG

 

Trong khoảng mười năm trở lại đây, đến hẹn lại lên, mỗi lần Viện Hàn lâm Thụy Điển sắp sửa công bố chủ nhân của giải Nobel văn chương là bao nhiêu độc giả nói chung và nhà phê bình nói riêng lại phấp phỏng hi vọng cái tên Murakami Haruki được xướng lên. Ấy nhưng, cho đến nay, đối với nhà văn Nhật Bản hiện đại có trường văn hóa toàn cầu này thì giải Nobel vẫn cứ như một chú “cừu hoang”… bất kham.

Trong khi xem một trận đấu bóng chày vào năm 1978, ý nghĩ viết văn đến với Murakami như một định mệnh. Và tác phẩm đầu tay Lắng nghe gió hát của ông được giải thưởng Gunzo - giải thưởng dành cho tác giả mới - vào năm 1979. Sau đó, ông cho ra đời một loạt tác phẩm lấy đề tài là tình yêu và tuổi trẻ lồng trong khí hậu văn chương ẩn dụ đầy sương khói nhưng cũng rất thực tiễn; trong số đó nổi lên là Rừng Na Uy, một kiệt tác của văn học Nhật hiện đại với những nghi vấn thiên thu của tuổi trẻ muôn thuở cô đơn. Sáng tác của Murakami còn là trường khúc về “những tâm hồn mất mát, lang thang đây đó để tìm hạnh phúc nhỏ nhoi” (theo lời Shame North). Mỗi tác phẩm mà nhà văn người Nhật này viết ra đều được chuyển ngữ và chinh phục đông đảo bạn đọc trên khắp thế giới.

Sinh năm 1949 tại Kyoto, trong một gia đình gia giáo, bố mẹ đều là giáo viên dạy văn chương Nhật Bản truyền thống, nhưng ngay từ nhỏ, Murakami đã có khuynh hướng phản kháng lại văn hóa truyền thống Nhật Bản. Ông cùng vợ từng sống ở Mĩ lâu năm và có ý muốn định cư tại đó. Khi được Matt Thompson hỏi về những con rối Kabuki, Murakami đã trả lời: “Tôi thấy chúng chán ngắt!” Martin Heidegger từng bình luận: “Chắc ông cũng biết rằng sân khấu Nhật Bản vắng lặng - sự vắng lặng này muốn một sự liên kết khác thường. Việc đó nhờ người nghệ sĩ chỉ bằng một động tác nhỏ cũng đủ để thực hiện một điều gì to tát từ sự yên tĩnh.” Murakami muốn phá vỡ và thay thế sự “vắng lặng” của “sân khấu” văn hóa Nhật Bản truyền thống bằng những hình nhân múa may quay cuồng bế tắc trên nền nhạc Jazz. Đấy đích thực là thế giới của Murakami.

Kenzaburo Oe, tác giả Nhật Bản thứ hai đoạt giải Nobel văn chương sau Kawabata Yasunari, tuyên ngôn rằng Murakami Haruki thuộc về dòng “văn chương không thanh cao” và chê tác phẩm của Murakami là “hôi mùi bơ” (batakusai) vì các tiện nghi văn minh và giá trị văn hóa Âu - Mĩ ngập tràn trong đó. Đi xa hơn, Oe còn cho rằng các tác phẩm của Murakami thể hiện sự tha hóa của nền văn học Nhật Bản đương đại. Nhận định trên của Oe đã tỏ ra không xác đáng. Bởi vì không chỉ Murakami mà các nhà văn viết theo lối hậu hiện đại đều không thuộc về một trường văn hóa nào cả; hay chính xác hơn là họ thuộc về một trường văn hóa duy nhất: văn hóa tiêu dùng đang chiếm lĩnh toàn cầu. Nếu như Kawabata, nhà văn Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương, miêu tả trong các tác phẩm của mình một trường văn hóa đặc thù Nhật Bản với những nghi lễ cổ xưa như trà đạo, thư pháp, lễ hội, phong tục giặt vải Chijimi bằng tuyết... thì đến Murakami và các nhà văn viết theo lối hậu hiện đại bắt đầu có sự khác biệt. Tác phẩm của Kawabata là những cuộc du hành tâm linh cao nhã của người lữ khách đi tìm cái đẹp bị đọa đày, mang theo vết đau riêng về ước mộng tuyệt vọng tàn xiêu của đuổi bắt tình yêu ảo ảnh, được viết bằng thứ văn phong thanh thoát bay như gió nhưng tuyệt diễm riêng mình trong cõi hắt hiu, pha nhuốm chút hào quang say đắm phũ phàng của Dostoyevsky. Trong tác phẩm của Kawabata, tình yêu chủ yếu được nhấn mạnh đến chiều kích tâm linh, và tình dục được nâng lên hàng nghệ thuật. Còn Murakami thẳng thừng tuyên bố: “Tình dục chỉ là một loại thể thao.” Tác phẩm của Murakami Haruki phơi bày không che giấu sự rỗng rượi của người trẻ với nỗi đau, tình yêu và cái chết, nhưng tất cả được làm cho huyền ảo và mờ tối đi qua màn sương mù ẩn dụ. Thế giới nhân vật của Murakami nhờ vậy hiện ra dưới một làn mưa bay, nửa hiện thực nửa hoang đường. Rõ ràng, bất cứ người trẻ tuổi nào trên thế giới đều thấy mình hiện diện trong tác phẩm của Murakami. Nhà văn Anh gốc Nhật Bản Ishiguro Kazuo - giải Nobel văn chương 2017 - cũng từng phát biểu về tác phẩm The remains of the Day (Những ngày còn lại) của mình là “có một phần thuộc về Nhật Bản và nó là câu chuyện của cả thế giới”. Như vậy, toàn cầu hóa tác phẩm không phải là cách thế riêng của Murakami.

Có nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm của Murakami Haruki thuộc về văn học đại chúng, bình dân, hơn là văn học thuần túy, bác học. (“Văn học thuần túy” với tư cách là một thuật ngữ văn học xuất hiện đầu tiên vào thời Minh Trị chỉ “những tác phẩm văn học chú trọng đến cái đẹp chứ không phải thứ văn chương học vấn”. Trong tác phẩm Thần tủy của tiểu thuyết, Tsubouchi Shoyo đã nhận định lợi ích lớn nhất của tiểu thuyết là nâng cao phẩm giá con người chứ không phải để phục vụ những đam mê trần tục. Nhà văn Kikuchi Kan thì phân biệt văn học thuần túy và văn học đại chúng đơn giản như sau: “Văn học thuần túy là cái mà nhà văn viết theo ý mình còn văn học đại chúng viết theo thị hiếu của người đọc.” Có thể nói, dòng văn học đại chúng chú trọng đến tính giải trí hơn là tính văn học. Dòng văn học này bắt đầu phát triển từ năm 1920 với sự phổ cập của các phương tiện truyền thông đại chúng và gần như nhắm đến tầng lớp trung lưu chiếm đa số trong xã hội Nhật Bản thời kĩ nghệ hóa. Có những giải thưởng văn chương danh giá dành riêng cho dòng văn học đại chúng như giải thưởng Naoki hay giải thưởng Yoshikawa Eiji.) Không chỉ riêng trường hợp Murakami mà văn học Nhật Bản từ thời Heisei trở lại đây luôn xóa mờ ranh giới giữa các phạm trù thuần túy và đại chúng. Một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Ishiguro Kazuo là Never let me go (Mãi đừng xa tôi) viết về chủ đề viễn tưởng là nhân bản vô tính và tìm lại căn cước thân phận của mình khi ý thức mình chỉ là một bản sao của kẻ khác. Tuy có thể xếp tiểu thuyết viễn tưởng này vào dòng văn học đại chúng nhưng xét về tính nghệ thuật thì nó không thua kém bất cứ một tác phẩm văn học thuần túy/ tinh hoa nào. Sự kết hợp tuyệt hảo giúp chúng ta nhận ra bản chất muôn đời của văn học: Một tác phẩm nếu đi đến tận cùng Chân - Thiện - Mĩ, mang đậm tính nhân văn, giúp soi sáng thân phận con người, thì cho dù viết về đề tài gì, thể loại nào đi nữa cũng sẽ luôn được vinh danh. Quay trở lại với Murakami, nhắc đến ông là người ta thường nhắc đến những tiểu thuyết về tình yêu và tuổi trẻ có công chúng đọc rộng rãi, nhưng giá trị tác phẩm của ông còn được giới tinh hoa ghi nhận ở tầm cao tư tưởng, ở chiều sâu của những suy tư mang tính triết học về tồn tại người.

Độc giả Việt Nam thường biết đến tài năng của Murakami qua hầu hết tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Việt như Rừng Na Uy, Biên niên kí chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Người tình Sputnik, Phía nam biên giới phía tây mặt trời, 1Q84, Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, Cuộc săn cừu hoang, Nhảy nhảy nhảy… Thế nhưng chắc hẳn ít người biết rằng tài năng của Murakami còn nằm ở thể loại truyện ngắn cũng như truyện cực ngắn. Theo tôi, Murakami viết càng ngắn lại càng hay. Chẳng hạn như tập truyện cực ngắn Khỉ Nam Mĩ ban đêm của Murakami có thể liệt vào hàng ngũ những tác phẩm đỉnh cao. Không cần đến cả một tiểu thuyết như Rừng Na Uy, nỗi đau về tình yêu và tuổi trẻ trong truyện ngắn Folklore của thời đại chúng ta đã được thể hiện rất mực tài hoa. Tác phẩm đặt ra vấn đề khi sự cấm đoán do quan niệm về trinh tiết như một bức tường thành ngăn cách thì tình yêu trở thành một vết thương sâu. Hay chỉ bằng vài nét gợi tả, nỗi cô đơn sâu thẳm của những nhân vật trong các truyện ngắn Người đàn ông băng, Người thứ bảy hay các truyện cực ngắn Điều ngạc nhiên ở Bangkok, Con lươn đã trở thành điển hình cho nỗi cô đơn của con người muôn nơi muôn thuở(2).

Nhân vật trong tác phẩm của Murakami Haruki không bao giờ tìm ra được hạnh phúc tuyệt đối; họ luôn ôm mang những niềm đau và hoài vọng, như thể cứ mải miết đi tìm lối vào địa đàng và rồi cứ mãi chùng chình trong làn sương khói tình dâng kín nẻo hồn hoang. Đọc tác phẩm của Murakami bao giờ chúng ta cũng cảm thấy nỗi hoang vu buốt giá tuổi xuân thì. Có thể nói ông là nhà văn viết tinh tế nhất về nỗi cô đơn. Những câu chuyện nhỏ bé, tỉ tê luôn mang vết dấu của ngấn lệ thoáng qua hồn người. Con người có vẻ từng trải, hiên ngang đi trong gió bụi của đời thực ra lại rất mong manh, dễ chùng lòng vì những điều xưa cũ. Những vết thương tuổi hai mươi dường như không bao giờ lành hẳn, sự vụn vỡ của tình yêu và dư vị cay đắng sẽ theo chủ thể sống đến suốt cuộc đời. Nhiều khi họ muốn tìm lại, đôi lúc muốn để nhạt phai nhưng không bao giờ quên đi mãi mãi. Dưới mái tóc bạc phơ, đâu ngờ còn điều thổn thức. Vì niềm đau luôn còn đó, trong họ vĩnh viễn u hoài.

Cuộc tình nào cũng là một sự phiêu lưu. Cho nên có thể vì thế mà Murakami đưa đẩy cuộc phiêu lưu của mình vượt ra ngoài biên giới ái tình. Thực ra đó là hành trình tìm kiếm chính bản thân mình. Trong truyện ngắn Sinh nhật của nàng, Murakami đã để cho nữ nhân vật chính kết luận: “Bất luận người ta ước muốn điều gì, bất luận họ đi xa đến đâu, cuối cùng cũng trở thành chính mình chứ không phải ai khác. Có vậy thôi.” Sự độc đáo của bản sắc cá nhân riêng biệt cùng với kinh nghiệm từng trải về những đoạn đời tuổi trẻ đã giúp Murakami có thể diễn tả được tiếng lòng của bao nhiêu con người, không chỉ là người trẻ. Bản chất cốt yếu của văn chương là diễn đạt tư tưởng bằng hình ảnh. Và sự lay động của nó vượt qua biên giới của ngôn ngữ hay quốc gia để nhắm đến những cuộc đối thoại tâm hồn. Xét theo quan điểm đó, tác phẩm của Murakami diễn tả tuyệt vời tinh tế, sâu thẳm về tình yêu mà mặt trái của nó là nỗi cô đơn đã vượt qua ngôn ngữ tiếng Nhật trúc trắc mơ hồ để gây tạo sự đồng cảm mãnh liệt và quảng đại, trong trường văn hóa toàn cầu. Giá trị đó không dễ xóa nhòa hay chối bỏ được.

Một phương diện khác của văn chương là khả năng tái hiện và lưu giữ. Có thể đời sống văn minh ngày một khác đi nhưng nỗi niềm con người cả ngàn năm không bao giờ thay đổi. Và chúng ta sau này sẽ phải cám ơn tác phẩm của Murakami nói riêng và văn học nói chung đã lưu giữ những nỗi niềm của tình yêu và tuổi trẻ mà trong cuộc đời dài nhiều lần chúng ta tưởng đã lãng quên. Văn chương không chỉ là kí ức của riêng mỗi người mà còn là trí nhớ của cả nhân loại. Trong sự đồng vọng chung về thân phận con người đó, chúng ta đều nhìn thấy đời mình trong tác phẩm của Murakami.

Có thể, mùa trao giải Nobel văn chương năm sau, rồi nhiều năm sau nữa, cái tên Murakami lại tiếp tục được ghi vào danh sách đề cử, và rồi lại không được xướng lên trên bục vinh quang. Điều đó cũng không hề gì. Đối với nhà văn, tác phẩm là tất cả. Vì thế mà không cần đến giải Nobel văn chương, tác phẩm của Murakami đã và sẽ vượt lên trên bờ cõi và giới hạn, như nhà báo Philipp Vase nhận định: “Thế giới của Murakami có quy mô hành tinh, đụng chạm đến những vấn đề của toàn thể loài người.” Đó là vinh quang lớn nhất mà không phải nhà văn nào cũng có được.

H.L

--------

1. Tên một tiểu thuyết của Murakami Haruki.

2. Xem thêm: Hoàng Long, Truyện ngắn Murakami Haruki - nghiên cứu và phê bình, Nxb Lotus Media tái bản có bổ sung, 2020.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)