. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Tư tưởng về đối ngoại của Bác Hồ thực sự là một tài sản quý gia vô ngần cho quan hệ quốc tế hôm nay!
1.Về tình hữu nghị “tinh thần thân thiện muôn năm!”
Trong bài viết Đoàn kết giai cấp viết khoảng tháng 3,4/1924, Người nhận định: “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[1]. Tinh thần này xuyên suốt tư tưởng của Người về đoàn kết hữu nghị của giai cấp vô sản trên toàn thế giới góp phần làm vững chắc thêm tư tưởng Lê nin: “Vô sản các nước liên hiệp lại”
Trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng nhau, ngay vừa khi tuyên bố độc lập, Hồ Chí Minh khẳng định với người Pháp (cả thực dân và lương thiện): “trên khắp đất nước Việt Nam, sinh mệnh và tài sản của người Pháp vẫn được che chở và tiếp tục được che chở miễn là các người ấy chịu sống yên ổn và không tìm cách gây chuyện.
Tôi trịnh trọng cam đoan rằng những người Pháp làm ăn lương thiện và sống yên ổn sẽ mãi mãi được chúng tôi trọng đãi như bè bạn, như anh em. Chúng tôi là một dân tộc ưa hòa bình, trọng quyền lợi và tự do của người khác”[2].
Ngày 2-9-1945, lúc 19h, tức là chỉ vừa sau Lễ mít tinh lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam mới mấy tiếng đồng hồ, Người gửi thư cho Hoa kiều: “Tôi xin thay mặt Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam và toàn dân Việt Nam đưa bàn tay nồng nhiệt hoan nghênh anh em Hoa kiều sinh sống trên đất nước ta, mong rằng anh em hai nước chúng ta thân mật đoàn kết…không được vì những tranh chấp nhỏ của cá nhân mà gây điều bất hạnh ngăn cách giữa hai dân tộc”[3]. Điều này cho thấy Bác Hồ hết sức chú ý tới tình hữu nghị hai nước Việt Trung, thể hiện một tầm nhìn không chỉ ở hiện tại mà nhìn về quá khứ và cả tương lai.
Hiểu rất rõ bản chất chống cộng, bản tính tham lam, chỉ thích vơ vét của tập đoàn Tưởng Giới Thạch, ngay cả khi với danh nghĩa Đồng minh kéo vào giải giáp quân đội Nhật, quân Tưởng đã đưa ra những yêu sách ngang ngược, vô lý đối với Chính phủ lâm thời, với tầm nhìn chiến lược, vì lợi ích quốc gia lên trên hết, vì hòa bình là cần hơn cả, Hồ Chí Minh vẫn chủ trương “Hoa - Việt thân thiện”. Trên báo Cứu quốc ngày 12/11/1945 Hồ Chí Minh có bài Hoa-Việt thân thiện: “Gần 50 vạn anh em Hoa kiều, hoặc sinh trưởng ở nước Việt Nam, hoặc đến đây kinh doanh sinh ý. Chẳng khác gì anh em bà con một họ, một nhà, đồng cam cộng khổ.
Vì nghĩa vì tình, đồng bào Việt Nam đối với anh em Hoa kiều và anh em Hoa kiều đối với đồng bào Việt Nam, phải thương yêu giúp đỡ nhau, như anh em cốt nhục”[4]. Ngày 27/11/1945 Người lại có tiếp bài Hoa Việt tinh thành đoàn kết, khẳng định “tình nghĩa giữa Hoa và Việt là như môi với răng”[5].
Trong Thư chúc mừng năm mới (1946), Người viết: “Nhờ có anh em Trung Hoa mà miền Bắc nước ta tránh được họa binh đao, đồng bào ta được làm ăn yên ổn, do đó mà có thể giúp đỡ đồng bào miền Nam. Tinh thần thân thiện đó, chúng ta phải biết và phải nhớ luôn luôn.
Vậy trong dịp Tết này, tôi kính thay mặt toàn quốc đồng bào mà chào mừng toàn thể anh em Trung Hoa ở đây và ở Trung Quốc, năm mới muôn sự tốt lành.
Chúng ta cùng hô to:Năm mới Hoa - Việt thân thiện muôn năm! Việt Nam kháng chiến thắng lợi!Việt Nam độc lập muôn năm!”[6].Sự “sắp xếp” khẩu hiệu này cũng rất tinh tế. “Thân thiện muôn năm” được đặt lên đầu làm cái nguyên nhân có trước để có cái “kháng chiến thắng lợi” và “độc lập muôn năm” vững vàng. Điều này kế thừa có từ lịch sử để phát triển lên: “hòa hiếu”, “thân thiện” để “tắt muôn đời ngọn lửa chiến tranh”!
Những ví dụ này thể hiện rất sinh động quan niệm “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Người. Lấy cái yêu hòa bình, vì hòa bình, cái độc lập tự do của Tổ quốc, cái hạnh phúc của dân làm cái “bất biến” chiến lược để ứng phó với mọi tình hình mang tính sách lược. Cũng lấy cái “bất biến” đó làm điểm tựa để biến cái “đại sự” thành “tiểu sự”, biến cái “tiểu sự” thành “vô sự”. Điều ấy chỉ có ở thiên tài Hồ Chí Minh, ở nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh!
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ tư Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, phóng viên báo Praxa Thipatay (Thái Lan) phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề hoà bình trong khu vực. Người nói: “Việt Nam phải kháng chiến tranh lại thống nhất và độc lập thật sự đã, sau mới có thể bàn đến việc khác. Đức Khổng Tử có dạy rằng: Quốc trị, thiên hạ mới bình”[7].
Vì Việt Nam và Thái Lan gần gũi nhau về địa lý, văn hoá, cùng chịu ảnh hưởng của đạo Khổng nên Bác Hồ mượn lời Khổng Tử làm toát lên quan điểm không những của mình mà là của cả triết lý phương Đông: mỗi quốc gia hãy thật yên ổn đã thì tự nhiên thế giới sẽ hoà bình.
Trên báo Nhân dân, số 3107, ngày 27-9-1962 với bút danh T.L, Bác Hồ viết bài Sẵn sàng giúp đỡ kêu gọi toàn dân ta đoàn kết với nhân dân Angiêri và các nước Á – Phi đang đấu tranh giành độc lập, có đoạn:
“Trong thời kỳ chúng ta kháng chiến chống đế quốc Pháp, các dân tộc đó đã từng hăng hái giúp đỡ chúng ta, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, hoặc ít, hoặc nhiều. "Một miếng khi đói hơn mười gói khi no". Bây giờ đến lượt chúng ta có nghĩa vụ giúp đỡ các dân tộc anh em đó.
Cuộc đấu tranh của họ cũng như cuộc đấu tranh của ta, đều nhằm mục đích chung là tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc. Người cùng một hội một thuyền, phải giúp đỡ lẫn nhau. Việt Nam ta lại có vinh dự to lớn, là đã được giải phóng trước, được độc lập trước. “Người đến trước phải rước người đến sau". Cho nên chúng ta càng có nghĩa vụ giúp đỡ các dân tộc anh em đó..”[8]. Người dùng thành ngữ ngụ ngôn nói về đạo lý ở đời, theo lẽ thông thường là cưu mang lẫn nhau"Một miếng khi đói hơn mười gói khi no", huống hồ bạn trước đây đã từng giúp mình, là “cùng một hội một thuyền” nên ta càng phải có trách nhiệm giúp đỡ “Người đến trước phải rước người đến sau", về cách thức, phương pháp giúp“Góp gió thành bão”[9], nhiều người cùng chung lòng thì từ ít thành nhiều, sẽ có một lượng tiền to để giúp bạn.
Có thể nói Hồ Chí Minh là sự kết tinh đẹp nhất truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, và “thương người như thể thương thân”. Theo đúng tinh thần “Lọ là thân thích ruột rà,/ Công nông thế giới đều là anh em”[10], Bác coi những đồng chí đảng viên các đảng cách mạng anh em như là người trong nhà. Đây là lời kể của đồng chí Song Tùng, nguyên đại sứ nước ta tại Cộng hoà dân chủ Đức, Bác nói: “ - Các đồng chí đại diện các đảng bí mật thì không được theo nghi thức ngoại giao nhà nước. Phải đối xử như anh em trong nhà”[11].Trong lời phát biểu chào mừng các đoàn đại biểu công đoàn quốc tế dự họp tại Hà Nội tháng 10- 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy câu ca dao của truyền thống Việt Nam yêu nước yêu con người và câu nói nổi tiếng của Mác làm nổi bật lên tư tưởng đoàn kết giữa các dân tộc: “Hội nghị này đủ mặt đại biểu của giai cấp công nhân khắp năm châu, đã nêu cao tình đoàn kết chặt chẽ của giai cấp công nhân quốc tế như lời dạy của Mác: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”. Thật là:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người chung giai cấp phải thương nhau cùng!”[12].
Để thể hiện tình hữu nghị nồng thắm giữa Việt Nam và các nước anh em, Hồ Chí Minh thường làm ca dao trong các bài phát biểu chào mừng, tiễn đưa. Đối với nhân dân và cách mạng Trung Quốc là: “Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình,/Tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời!”[13]. “Mối tình thắm thiết Việt - Hoa,/Vừa là đồng chí vừa là anh em”[14]. Với nhân dân Liên Xô thì: “Quan sơn muôn dặm một nhà,/Vì trong bốn biển đều là anh em”[15].Với Đảng Cộng sản và nhân Tiệp Khắc: “Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay,/ Mối tình đoàn kết, càng ngày càng sâu,/Xa nhau lòng vẫn gần nhau”[16].Với nhân dân Lào anh em: “Bấy lâu cách trở quan hà,/Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau”[17].Với nhân dân Ba Lan: “Tiễn nhau xin có một câu:/ Mối tình hữu nghị nghìn thâu vững bền”[18].Với Đảng Cộng sản Mỹ: “Đố ai che được mặt trời,/ Mặt trời cộng sản sáng ngời năm châu”[19].
Đọc những câu ấy chúng ta như nghe thấy âm hưởng ngọt ngào của ca dao truyền thống ở các chủ đề tình bạn, tình yêu, giã bạn. Đặc điểm trữ tình của ca dao đã góp phần tăng cường sắc thái biểu cảm về tình hữu nghị, nhưng quan trọng hơn là Hồ Chí Minh chủ động dùng ca dao để phá vỡ khoảng cách nghi lễ quy phạm để đưa không khí về sự tự nhiên, chân tình, mộc mạc. Buổi nghi lễ tiễn đưa nhà nước thay bằng một cuộc tiễn giã bạn thân mật chỉ có ở những người bạn thân:“Hôm nay, tiễn đưa các đồng chí lên đường về nước:
Chúng tôi quyến luyến vô ngần,
Quan sơn xa cách, tinh thần không xa.
Chúng tôi rất cảm ơn các đồng chí đã vượt:
Ngàn trùng nước biếc non xanh,
Trao cho nước bạn mối tình anh em.
Nay chúng tôi lại nhờ các đồng chí thay mặt nhân dân Việt Nam chuyển đến nhân dân Anbani anh em:
Mối tình hữu nghị sắt son,
Sông có thể cạn, núi có thể mòn.
Tinh thần đoàn kết dài còn muôn thu!”[20].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam được tổ chức ngày 5-9-1960 mời 16 đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản và một số Đảng anh em khác. Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc. Trong không khí hết sức trọng thể ấy, Người làm cử toạ ngạc nhiên rồi phấn chấn bằng hai câu ca dao: “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em!”[21].
Thế là không khí nghi lễ trang trọng được thay bằng không khí gia đình ấm cúng chan hoà, tất cả dù xa dù gần cũng như là trong một gia đình vô sản anh em gặp gỡ.
2. Quan niệm “giúp bạn là giúp mình”
Bác Hồ nhiều lần lấy hình tượng ngụ ngôn “môi răng” để nói về quan hệ hai nước Việt - Trung. Ngay từ năm 1940, trên Cứu vong nhật báo (Trung Quốc) với bút danh Bình Sơn, Nguyễn Ái Quốc có bài thơ Cứu Trung Quốc thị cứu tự kỷ nghĩa là Cứu Trung Quốc là tự cứu mình, có mấy câu cuối: “Giặc Nhật tấn công cả thế giới/ Là kẻ thù chung cả nhân loại/ Mau đứng lên mà giúp Trung Hoa/ Anh chị em Việt Nam ta hỡi/ Ra sức giúp cho người Trung Quốc/ Trung - Việt khác nào môi với răng/ Nhớ rằng môi hở thì răng buốt/ Cứu Trung Quốc là tự cứu mình”. Tự bài thơ đã toát lên tinh thần Bốn phương vô sản đều là anh em, hơn nữa nước ta và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông. Đặt nước ta trong bối cảnh lúc bấy giờ (1940) còn là nước nô lệ lầm than, càng thấy tấm lòng hữu ái của Bác rộng lớn, sâu sắc đến nhường nào. Tháng 9-1945 Người nhắc lại hình tượng này: “Hai dân tộc Trung - Việt chúng ta, mấy ngàn năm nay, huyết thống tương thông, chung nền văn hoá, trong lịch sử vẫn được gọi là hai nước anh em; hơn nữa, đất nước liền kề, núi sông kế tiếp, càng như môi với răng che chở cho nhau”[22].
Về quan hệ với hai nước Miên Lào, Bác Hồ cũng dùng hình tượng “môi răng”: “Vì mọi quan hệ khăng khít về địa lý, quân sự, chính trị, v.v. mà ta với Miên, Lào cũng như môi với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn”[23]. Hình tượng “môi răng” mà Bác dùng là dựa trên thành ngữ: “Môi hở răng lạnh” nhắc nhở mọi người biết thương yêu nhau, đoàn kết không chỉ trong nước mà còn với cả láng giềng. Bác đã khéo kết hợp sức biểu cảm từ bản thân mối quan hệ giữa môi và răng luôn che chở, bảo vệ cho nhau; đồng thời gợi người đọc nhớ về câu thành ngữ quen thuộc trên. Bác Hồ là người đặt nền móng cho tình hữu nghị Việt - Lào đời đời bền chặt: Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt- Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Đây là mấy câu thơ rút ra từ Lời phát biểu trong buổi lễ tiễn vua Lào ngày 13- 3- 1963[24] thật chân tình, nó tựa vững chắc vào một bài ca dao về tình yêu của người Việt: Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua, nâng tình hữu nghị anh em Việt - Lào lên tầm biểu tượng vĩnh cửu qua cách sử dụng hình ảnh hai con sông Hồng Hà, Cửu Long muôn đời vẫn chảy qua hai nước Lào - Việt. Quan niệm giúp bạn tức là giúp mình, quan niệm tình nghĩa thuỷ chung với bạn vốn đậm đà trong tính cách người Việt Thương người như thể thương thân và tinh thần nhân ái trong triết lý Khổng giáo phương Đông được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên một đỉnh cao mới.
Khi ở cương vị Chủ tịch nước Người thay mặt toàn dân ta tuyên bố với thế giới: “Nhân dân Việt Nam vĩnh viễn không để cho kẻ thù nào xâm lược nước mình, đồng thời cũng vĩnh viễn không xâm lược nước khác”[25]. Người quan niệm hoà bình của một đất nước nằm trong hoà bình quốc tế: “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí… Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hoà bình thế giới”[26]. Mục đích đối ngoại của Bác Hồ có thể tóm lại trong một câu nói của chính Bác khi người lên đường sang thăm hai nước ấn Độ và Miến Điện (Myanma) vào tháng 2-1958: “Mục đích cuộc đi thăm này là thắt chặt thêm nữa tình anh em giữa nước ta với hai nước bạn ấn Độ và Miến Điện, do đó củng cố và phát triển thêm nữa mối đoàn kết giữa các dân tộc á - Phi và bảo vệ hoà bình thế giới”[27].
Với Người, tình bạn gắn bó sẽ càng sâu sắc thêm nếu cùng một điểm chung, một cơ sở vững chắc, một niềm tin không bao giờ thay đổi là chủ nghĩa Mác - Lênin: Tiễn đưa, chẳng muốn chia tay/ Bạn về cố quốc nước mây nghìn trùng/ Cầm tay, lòng lại dặn lòng/ Cùng nhau giương ngọn cờ hồng Mác -Lê (Lời phát biểu trong buổi tiễn Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, ngày 16-5-1963, Báo Nhân dân số 3337, ngày 17-5-1963). Hai câu thơ đầu mặn nồng tình cảm anh em, hai câu sau thắm tình đồng chí.
Chân thành mà đãi người, vui với niềm vui của người, lo cùng nỗi lo của người, là hiểu bạn, yêu bạn, tin bạn, hết lòng vì bạn, đấy là một trong những đặc điểm cơ bản trong đối ngoại của Bác Hồ. Tháng 1 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Nam đi Bắc Kinh, sau đó rời Bắc Kinh đi Mátxcơva, dịp này Người có bài thơ Rời Bắc Kinh (Ly Bắc Kinh): Trời Ký Bắc theo vầng trăng rọi/ Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành (Phan Văn Các dịch). Có lẽ ai cũng thấy Bác đã tập Kiều ở hai câu cuối: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường, nhờ thủ pháp này mà ý thơ về tình bạn hữu càng thêm sâu sắc hơn, da diết hơn. Khi qua Hồ Bắc, Người có bài thơ đầy niềm vui, đầy lạc quan về nông dân Trung Quốc: Đồng ruộng khi đi đầy tuyết trắng/ Nay về lúa mạch đã xanh xanh/ Ngày mai cày máy thay cày gỗ/ức triệu nhà nông hưởng thái bình (Qua Hồ Bắc - Phan Văn Các dịch). Bài thơ có kết cấu đối lập, về thời gian, về màu sắc, về công cụ sản xuất để làm bật lên tràn trề một niềm tin tưởng vào hạnh phúc của con người. Văn hoá đối ngoại Hồ Chí Minh là văn hoá vì hoà bình, phát triển, vì tiến bộ chung của nhân loại, xét đến cùng là vì hạnh phúc con người, vì độc lập các dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là di sản riêng của chúng ta mà còn là của chung cho cả nhân loại.
Ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa văn hoá truyền thống, chân tình, ân tình, ân nghĩa coi mọi người như người trong một gia đình: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiếnsĩanh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Và tấm lòng biết ơn, tri ân uống nước nhớ nguồn của người Việt: “Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Ngày nay chúng ta gọi là chính sách đối nội, đối ngoại, thành ngữ người Việt cụ thể hơn dùng trong ấm ngoài êm, nếu có thể gọi là chính sách đối nội, đối ngoại trong Di chúc của Bác thì ta vẫn thấy một nguyên tắc trọng tình, văn hoá trọng tình, rất rõ bản sắc Việt Nam.
N.T.T
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tập 1, tr.266.
[2]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 4, tr 67.
[3]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 2, tr 290.
[4]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 4, tr 95.
[5]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 4, tr 107.
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.170.
[7]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 5, tr 676.
[8]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 10, tr 624
[9]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 10, tr 625.
[10]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 11, tr 258.
[11]Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Tập 2, tr 644, 645.
[12]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 11, tr 160.
[13]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 10, tr 366.
[14]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 11, tr 64
[15]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 8, tr 362.
[16]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 11, tr16.
[17]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 11, tr 36.
[18]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 9,tr 528.
[19]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 10, tr 506.
[20]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 10, tr 155.
[21]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 10, tr195.
[22]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập4, tr 5.
[23]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 6, tr 452.
[24] Báo Nhân dân - số 3274, ngày 14-3-1963.
[25]Nguyễn Duy Niên – Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr 3.
[26]Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995 -2002, tập 7, tr 228.
[27]Tuyển tập thơ văn Hồ Chí Minh. Nxb Quân đội Nhân dân, 2008, tr 229.
VNQD