Nhìn lại điện ảnh Việt sau một năm sóng gió

Thứ Ba, 09/02/2021 05:57

. LÊ HỒNG LÂM

 

Vẫn loay hoay trục giải trí

Từ khi thị trường điện ảnh giải trí của Việt Nam được phục hồi trở lại vào cuối thập niên 2000, doanh thu của rạp chiếu phim không ngừng tăng lên sau từng năm. Năm 2019 là năm tăng trưởng đột phá với doanh số toàn thị trường lên đến 4100 tỷ đồng, trong đó khoảng 1/3 đến từ các bộ phim do Việt Nam sản xuất và phát hành, tăng gần 40% so với năm 2018.

Hình ảnh trong phim Song lang

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc đầu năm 2020 và sau đó lan rộng ra toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chiếu bóng. Sau hơn nửa năm đóng băng vì đại dịch, thị trường điện ảnh Việt chỉ thực sự phục hồi vào cuối tháng 9 với bộ phim độc lập Ròm tạo được hiệu ứng mạnh mẽ dù gây chia rẽ khán giả. Sang tháng 10, Tiệc trăng máu - bộ phim làm lại từ tác phẩm điện ảnh Perfect Strangers của Ý - liên tục đứng đầu doanh thu phòng vé trong suốt 5 tuần liên tiếp và đạt tổng doanh thu khoảng 180 tỉ đồng, lọt vào top 3 phim nội địa có doanh thu cao nhất trong lịch sử phim Việt, cùng với Cua lại vợ bầuHai Phượng. Các bộ phim Việt tung ra chào mừng Giáng sinh 2020 là Người cần quên phải nhớChị Mười Ba: 3 ngày sinh tử hứa hẹn đạt doanh thu khả quan, dù phải cạnh tranh với các bộ phim bom tấn của Hollywood là phim siêu anh hùng Wonder Woman 1984 của DC Comics và phim hoạt hình Soul của Pixar.

Mặc dù vậy, năm 2020 số lượng phim Việt thành công tại phòng vé khá ít ỏi. Nếu tính cả mùa phim Tết Nguyên đán Canh Tý, thời điểm Việt Nam chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chỉ có thêm 3 bộ phim thành công hoặc hòa vốn là Gái già lắm chiêu 3, Đôi mắt âm dương30 chưa phải là Tết. Nếu so với số lượng kỉ lục 42 phim phát hành năm 2019 thì năm 2020 điện ảnh Việt chỉ phát hành khoảng 26 bộ phim nội địa. Ngoài những phim kể trên, hầu hết phim còn lại đều thất bại nặng nề tại phòng vé như Hoa phong nguyệt vũ, Sài Gòn trong cơn mưa, Chồng người ta, Bí mật của gió…

Khoảng hơn 10 năm qua, điện ảnh Việt Nam hầu như chỉ xoay quanh trục giải trí với mục đích thương mại. Đây vừa là một tín hiệu tích cực khi phim Việt phải cạnh tranh sòng phẳng với phim quốc tế để thu hút sự quan tâm, chú ý của khán giả nội địa nhưng đồng thời lại khiến mặt bằng chung của phim Việt khá nông cạn và hời hợt. Điều này phản ánh rõ qua các bộ phim ăn khách nhất tại phòng vé phim Việt như Cua lại vợ bầu, Gái già lắm chiêu, Lật mặt, Em chưa 18, Mắt biếc, Hai Phượng, Siêu sao siêu ngố… và một số phim làm lại từ bản gốc nước ngoài như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ (từ Hàn Quốc), Tiệc trăng máu (từ Ý)…

Trừ một vài bộ phim làm lại được Việt hóa khá tốt và ít nhiều để lại những thông điệp tích cực về gia đình, tuổi trẻ, tình bạn hay khát khao được sống một cuộc đời có ý nghĩa, hầu hết bộ phim Việt thành công còn lại đều là những sản phẩm chỉ để “mua vui một vài trống canh” và đôi khi không cần dùng đến… trí não khi thưởng thức chúng. Đấy là đang nói những bộ phim “thành công”, ít nhiều chỉn chu, được làm bởi người có tay nghề, hoặc tạo được hiệu ứng nhờ dàn diễn viên có thực lực. Còn đến lượt hầu hết bộ phim thất bại thì đều có điểm chung: kịch bản non yếu, vụng về; đạo diễn không có tay nghề, thiếu kĩ năng; diễn viên là những gương mặt tay ngang không được đào tạo về diễn xuất...

Hình ảnh trong phim Hai Phượng.

Những thay đổi và thể nghiệm ít ỏi

Mặc dù điện ảnh Việt vẫn xoay quanh trục giải trí với mục tiêu doanh thu phòng vé, vài năm trở lại đây vẫn có một vài bộ phim nỗ lực thay đổi, tìm tòi, thể nghiệm về đề tài hoặc thể loại để đa dạng hóa thực đơn cho phim nội địa: phim hành động võ thuật có Hai Phượng, phim hình sự giật gân có Chị chị em em, phim đồng tính và gia đình có Thưa mẹ con đi, phim độc lập với nhiều yếu tố xã hội, cuộc sống bên lề có Ròm… Khán giả Việt tỏ ra khá cởi mở với những thể loại/ đề tài mới; sau khi thỏa mãn giải trí, họ cũng muốn đến rạp để tìm kiếm những bộ phim khiến họ phải suy nghĩ, trăn trở chứ không chỉ là xem cho vui.

Ròm - câu chuyện nghiệt ngã về những đứa trẻ bán vé dò xổ số bất hợp pháp ở một khu ổ chuột tại thành phố Hồ Chí Minh - là một trong những bộ phim độc lập dám nhìn thẳng vào những vấn đề xã hội hoặc thân phận bên lề. Ngôn ngữ kể chuyện đột phá, giàu tính thể nghiệm điện ảnh là điểm mạnh của bộ phim này, trong khi kịch bản lỏng lẻo là điểm yếu rõ nhất của tác phẩm, khiến Ròm không thực sự chinh phục được khán giả trong nước và thậm chí gây chia rẽ sâu sắc.

Đây cũng là điểm hạn chế chung của những bộ phim mang tính thể nghiệm hoặc thay đổi đề tài. Các bộ phim chạm vào những đề tài hiện thực xã hội, mặt tối nơi nội tâm con người của điện ảnh Việt đều có điểm hạn chế chung là kịch bản mới chỉ được khai thác ở bề mặt hoặc chỉ là những bản phác thảo nội dung, kí họa nhân vật sơ sài theo chủ quan của biên kịch, đạo diễn mà chưa có sự đầu tư mổ xẻ, phân tích, đào sâu các lớp bên trong. Hạn chế này, một mặt có thể do cơ chế kiểm duyệt khiến các nhà làm phim chùn tay và tự trói buộc sáng tạo, mặt khác lại đến từ việc họ thiếu những trải nghiệm và nghiên cứu sâu sắc về nhân vật hoặc đề tài.

Hai Phượng - bộ phim hành động võ thuật và mang đậm tính nữ quyền của điện ảnh Việt - với hình ảnh “đả nữ” Ngô Thanh Vân trong vai một nữ gangster ẩn danh quyết định quay trở lại giang hồ để tìm con có thể gây hiệu ứng thị giác mạnh mẽ nhờ các pha hành động, nhưng lại không tạo được kết nối cảm xúc cho khán giả vì kịch bản quá sơ sài, non yếu. Các nhân vật cũng hành xử như những cỗ máy chỉ biết đánh đấm, vô hồn, thiếu tính người.

Chị chị em em khai thác câu chuyện báo thù giật gân và lồng ghép nhiều yếu tố hiện đại về đồng tính nữ, tội ác tinh vi…, nhưng lại đầy rẫy lỗi logic và gây cảm giác giả tạo, không tạo được sự đồng cảm cho người xem.

Hai bộ phim có những thay đổi hoặc thể nghiệm tạo được thiện cảm cho giới phê bình và báo chí là Song lang Thưa mẹ con đi lại thiên về dòng phim độc lập, không chủ đạo về lối kể chuyện tạo kịch tính, cao trào như dòng phim giải trí nên lại thất bại tại phòng vé.

Nhìn chung, với xu hướng thay đổi, thể nghiệm về đề tài, thể loại, điện ảnh Việt vẫn thiếu những bộ phim gây chấn động về mặt thưởng thức hoặc đẩy tới những giới hạn cực đoan của các chủ đề như bạo lực, cái ác và sự tăm tối nơi nội tâm con người, như những bộ phim Hàn tạo tiếng vang quốc tế trong nhiều năm qua (Oldboy, Memories of Murder, I Saw the Devil, The Wailling, Parasite…) Sự thiếu vắng những biên kịch giỏi có khả năng tạo được những bộ phim chinh phục khán giả nội địa khiến điện ảnh Việt vẫn phải tìm những kịch bản nước ngoài tốt để Việt hóa như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ hay gần đây là Tiệc trăng máu.

Thanh Hằng và Chi Pu trong Chị chị em em

Chờ đợi những dòng chảy ngầm của phim độc lập/ nghệ thuật

Trong khi điện ảnh Việt vẫn tiếp tục xoay quanh trục phim giải trí như hướng đi chủ đạo của hầu hết nền điện ảnh lớn trên thế giới, công chúng vẫn phải tiếp tục chờ đợi dòng chảy ngầm của những bộ phim độc lập/ nghệ thuật với tư duy kể chuyện khác lạ hoặc đột phá nơi những nhà làm phim trẻ thuộc thế hệ mới.

Trong thời kì Đổi mới, điện ảnh Việt Nam dù vẫn được bao cấp vẫn có những bộ phim gây tiếng vang nhờ phản ánh hiện thực đa dạng hoặc chạm được vào thân phận con người như Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi… (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Đời cát (Nguyễn Thanh Vân), Sống trong sợ hãi (Bùi Thạc Chuyên), Thung lũng hoang vắng (Nhuệ Giang)…, hoặc những tác phẩm mang tính “hương xa” của các đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim như Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng (Trần Anh Hùng), Ba mùa (Tony Bùi), Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh)…

Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, điện ảnh nghệ thuật Việt Nam vắng bóng những bộ phim chất lượng do Nhà nước sản xuất nhưng xuất hiện những bộ phim độc lập của các đạo diễn thế hệ mới, những nhà làm phim chủ yếu tìm nguồn vốn, tài trợ từ các quỹ điện ảnh quốc tế như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hoàng Điệp, Phương Anh, Lê Bảo, Trần Thanh Huy, Phạm Ngọc Lân… Những bộ phim của họ, dù ít ỏi nhưng thường khám phá những đề tài khá mới lạ so với dòng phim nghệ thuật truyền thống và phim giải trí.

Những bộ phim này đã có mặt tại những diễn đàn, liên hoan phim (LHP) quốc tế lớn như Cannes, Berlin, Venice, Toronto, Rotterdam, Locarno… nhưng đa phần mới chỉ tranh giải ở các hạng mục phụ, bên lề. Bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam lọt vào vòng tranh giải chính thức là Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di có mặt trong vòng tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin năm 2015, nhưng không đoạt giải. Hai bộ phim độc lập gần đây của Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng quốc tế nhất, dù là những LHP nhỏ là Song lang của đạo diễn Leon Le và Vợ ba của nữ đạo diễn Phương Anh (Ash Mayfair) - đều là đạo diễn Việt kiều thế hệ mới.

Sau một năm vắng lặng vì đại dịch, có vẻ như các dự án phim nghệ thuật và độc lập của điện ảnh Việt Nam đang chuẩn bị sản xuất hoặc gửi tranh giải tại các LHP quốc tế. Đạo diễn Phan Đăng Di đang chuẩn bị một dự án phim truyền hình dài tập cho một kênh xem phim trực tuyến trong khi chuẩn bị bộ phim dài thứ ba là Tiệc trăng tròn. Bùi Thạc Chuyên đang quay bộ phim dài thứ ba Tro tàn rực rỡ, được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với bối cảnh hoàn toàn ở miền Tây.

Leon Le, Phương Anh, Trần Thanh Huy, Lê Bình Giang cũng đều đang chuẩn bị cho dự án phim dài thứ hai của họ sau khi bộ phim đầu tay ít nhiều gây tiếng vang trong nước và quốc tế. Hai cái tên đang là ẩn số nhưng được kì vọng tạo nên một diện mạo mới cho điện ảnh độc lập Việt Nam là Lê Bảo và Phạm Ngọc Lân nhờ sự khác biệt trong tiếp cận đề tài hoặc ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, mới mẻ. Cả hai đều giới thiệu dự án phim dài của họ tại LHP Cannes vài năm trước và đang hoàn thiện bộ phim đầu tay. Lê Bảo hiện đã hoàn thành bộ phim Taste (Vị) - một tác phẩm trần trụi và có phần khốc liệt về cuộc sống của những người đàn ông châu Phi tìm miền đất hứa ở Sài Gòn hay thân phận của những người phụ nữ bán phấn buôn hương đã hết thời phải kiếm sống ở khu phố Tây.

Trong khi đó, Phạm Ngọc Lân đưa hai bộ phim ngắn gần đây của anh là Một khu đất tốtDòng sông không nhìn thấy tham dự hàng chục LHP ngắn quốc tế và mang về nhiều giải thưởng danh giá. Phim của Lân được giới phê bình quốc tế đánh giá cao vì sự tinh tế trong việc khai thác chủ đề thời gian và dòng chảy cuộc sống. Ngôn ngữ điện ảnh của Lân cũng nhiều triết lí, giàu suy nghiệm và chất thơ. Bộ phim Dòng sông không nhìn thấy sẽ tranh giải phim ngắn tại LHP Sundance, một LHP độc lập hàng đầu của Mĩ và thế giới. Đầu năm 2021, Phạm Ngọc Lân bắt tay vào dự án phim dài đầu tiên Culi không bao giờ khóc, với bối cảnh trải dài từ Đức đến Việt Nam.

Dòng chảy ngầm của phim độc lập/ nghệ thuật Việt Nam hi vọng sẽ dần cân bằng lại với dòng phim giải trí đang nắm thế chủ đạo của điện ảnh trong nước, đồng thời tiếp cận, đào sâu những chủ đề hay ngôn ngữ điện ảnh mà các bộ phim thương mại không có khả năng chạm tới. Có như vậy thì điện ảnh Việt Nam mới chạm gặp cơ hội tiến ra biển lớn.

L.H.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)