. HOÀNG THƯ
Tranh của họa sĩ Thành Chương
Ở đất nước thuần nông như Việt Nam, con trâu là gia súc quan trọng và cũng thân thuộc bậc nhất đối với người nông dân. Trừ những hộ quá “hoàn cảnh” như chị Dậu, anh Pha trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, còn lại đa số gia đình thuần nông Việt đều cố gắng nuôi một vài “ông” trâu. Tầm quan trọng, vị thế hàng đầu của con trâu đối với sản xuất nông nghiệp, với đời sống của người nông dân đã được ghi lại trong hàng loạt câu tục ngữ như “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”... Trâu cũng xuất hiện nhiều trong các lễ hội văn hóa dân gian của người Việt. Có thể kể đến các lễ hội mà con trâu đóng vai trò chính như tịch điền Đọi Sơn, Duy Tiên (Hà Nam), các lễ hội chọi trâu ở Hàm Yên (Tuyên Quang), Đồ Sơn (Hải Phòng), Phù Ninh (Phú Thọ), Hải Hựu (Vĩnh Phúc)… Không chỉ xuất hiện trong các lễ hội văn hóa dân gian, hình ảnh con trâu còn được người Việt giới thiệu, quảng bá với bạn bè khu vực và thế giới. Trong kì SEA Games 22 được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam, chú trâu vàng đã vượt qua những “ứng cử viên nặng kí” khác để vinh dự được chọn là linh vật của đại hội. Và từ đời sống xã hội, con trâu đã đi vào đời sống nghệ thuật nước nhà, xuất hiện trong các loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó có nghệ thuật tạo hình.
Với hội họa, những nghệ nhân dân gian Đông Hồ xưa khắc họa trâu trong nhiều bức tranh nổi tiếng như Chọi trâu, Nghỉ ngơi, Chọi trâu thả diều, Hiếu học, Chăn trâu thổi sáo… Kế thừa truyền thống của dòng tranh dân gian, các họa sĩ Việt Nam hiện đại, bằng những thủ pháp và chất liệu mới, đã nỗ lực sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc về trâu. Với các họa sĩ lão thành, nói đến tranh trâu không thể không kể bức Chọi trâu - ghi lại những trò chơi dân gian - của Nguyễn Sáng, bức Con nghé quả thực - miêu tả hình ảnh con nghé được chia cho một gia đình bần cố nông sau cải cách ruộng đất trước sự chứng kiến rất hồ hởi của mọi người trong làng - của Nguyễn Tư Nghiêm, bức Chăn trâu - vẽ cảnh em bé trai khoẻ mạnh chơi thả diều bên con trâu vàng mộng hiền lành đang gặm cỏ dưới ánh chiều nhuộm đỏ vừa có nắng vừa có gió trên cánh đồng mênh mông - của Nguyễn Tiến Chung... Trong số họa sĩ lớp sau, Thành Chương, Nguyễn Văn Cường, Phạm Anh Toàn… là những người có đóng góp nổi bật cho dòng tranh trâu.
Họa sĩ Thành Chương vẽ tranh từ năm bảy tuổi, được coi là thần đồng hội họa với phong cách vẽ độc đáo, mới lạ. Có thể nói hội họa của Thành Chương nhuốm màu đồng dao, nhuốm sinh hoạt đồng quê và nhuốm cả những sắc màu của lễ hội tưởng như loè loẹt nhưng lại mang tính trang trí rõ ràng. Nói tới mĩ thuật Việt Nam thời kì Đổi mới không thể không nhắc đến tên ông. Văn hóa dân gian Việt Nam đã ngấm vào trong máu thịt, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác lớn nhất trong sự nghiệp hội họa của ông. Những hình tượng rất gần gũi, quen thuộc gắn với văn hóa dân gian Việt như con trâu, em bé, người phụ nữ, chiếc nón, mặt trăng, cánh diều… đều được họa sĩ thổi vào trong đó hơi thở của hiện đại. Ông sắp xếp chúng thành bố cục như thể đầy ngẫu hứng, đan cài mà không cần chú ý tỉ lệ đúng hay sai. Hầu như tất cả con trâu được cách điệu hóa, cấu tạo bằng những hình học cơ bản rõ ràng mảng miếng khiến ta thấy vừa lạ vừa quen như trong những tác phẩm Chào năm Trâu, Bên cánh đồng xanh, Giấc mơ buổi chiều, Thì thầm, Chơi đùa cùng trâu, Mục đồng... Người và trâu thường đi với nhau trong tranh của Thành Chương. Ngay cả đến bức chân dung tự hoạ của mình, người hoạ sĩ cũng không quên vẽ thêm hình ảnh con trâu ẩn hiện phía sau làm nền. Sở dĩ như vậy bởi vì, theo chia sẻ của họa sĩ, tình cảm giữa người và trâu đã thành tình bạn, tình ruột thịt nên không thể chia cách.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Cường.
Cường “trâu” là cái tên khá độc đáo mà bạn bè dành tặng cho họa sĩ Nguyễn Văn Cường - người có thâm niên vẽ trâu gần hai mươi năm. Tuổi thơ gắn bó với làng mạc, với công việc chăn trâu cắt cỏ, nên Nguyễn Văn Cường luôn say đắm với đề tài con trâu. Mùa đông là tác phẩm đầu tiên anh sáng tác năm 1990 khi tốt nghiệp trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam với nội dung vẽ một người già và một em bé đang chăm sóc con trâu trong ngày đông giá rét; bàn tay bé nhỏ của em bé đang khum khum che lửa ngọn đèn dầu, người già cũng run run nhoài người đắp thêm chăn áo sưởi ấm cho con vật… Có lẽ đó là ngọn lửa nhen nhóm để sau này Nguyễn Văn Cường có thêm động lực sáng tác gắn với hình ảnh con trâu nhiều hơn. Dường như trung thành với chất liệu sơn dầu, hình ảnh con trâu của họa sĩ họ Nguyễn như thể vượt thoát khỏi mặt tranh để đến gần hơn với công chúng bởi sự đắp dày màu và nét bút phóng ra cuồn cuộn, khác với sự phẳng lì như tranh của Thành Chương. Tuy nhiên, tranh trâu của hai họa sĩ vẫn có nét tương đồng, đó là luôn luôn có sự hiển diện của cả người và trâu. Người ở đây hầu như luôn là những em bé đang tuổi đến trường, đội nón, nhảy múa, vui đùa cùng trâu. Trâu của họa sĩ Cường vừa có nét tinh nghịch như trong các bức Thả diều, Tuổi thơ... vừa có sự lam lũ, bươn chải của một con vật luôn phải “thức khuya, dậy sớm” cùng con người như trong các bức Đường dài, Bình minh… Nhìn vào một đường nét của anh, chúng ta đọc được rất nhiều màu. Đó là một yếu tố để nhiều người nhận định rằng làng quê nơi tranh của Nguyễn Văn Cường đẹp như mơ bởi sự vui vẻ, trẻ trung trong đó.
Tranh của họa sĩ Trần Viết Thục.
Là một họa sĩ trẻ, sinh năm 1989, nhưng Trần Viết Thục rất say mê với đề tài con trâu. Qua trò chuyện, được biết anh mới theo chủ đề vẽ trâu năm 2017. Tuy mới vào nghề nhưng tranh của anh có những độc đáo riêng, được người yêu hội họa tán thưởng. Theo đuổi trường phái tả thực, Trần Viết Thục tạo hình những con trâu như thể chúng sống được cùng thực tại, thoát ra khỏi tranh để làm bạn với con người. Anh vẽ rất cẩn thận, tỉ mỉ, chăm chút cho từng chú trâu của mình từ chiếc lông mọc trên da, từng đường vặn xoắn của dây thừng buộc trâu, từng màu sắc biến chuyển trên da con vật... Tất cả dưới sự tác động của ánh sáng, thời tiết đều hiện lên chân thực và sống động. Nền tranh được anh làm đơn giản nhất có thể, quét mịn và gần như chuyển sắc độ không nhiều với mục đích hướng người xem chú ý vào nhân vật chính là chú trâu để cảm nhận được sự thanh bình và nét đẹp mộc mạc, giản dị. Những bức tranh trâu thu hút bởi chính sự chắt lọc, diễn tả tận cùng các chi tiết sát nhất có thể. Bức tranh Sớm tháng sáu vẽ gia đình nhà trâu gồm ba con trâu đang trú trong chuồng, vừa thò mặt ra phía ánh sáng. Những chú trâu được nhà chủ cho gặm những sợi rơm vàng. Mặt trâu bố như đang vừa ăn vừa suy nghĩ gì đó đúng tính chất của “trụ cột gia đình”. Hình ảnh trâu ngơ ngác, với dáng đứng đi quen thuộc còn xuất hiện ở những tác phẩm khác của họa sĩ như Ngóng, Sớm tháng ba, Sớm tháng tư, Vào hạ... Bố cục của những tranh này đơn giản tựa một bức ảnh nhỏ chụp cận cảnh chân dung mỗi chú trâu. Những chú trâu được đặc tả, khuôn mặt chúng toát lên vẻ hiền lành, ngơ ngác, nghe ngóng, mũi bóng lừ dỏng cao lên như thể đang muốn tâm tình gì đó cùng con người. Vẽ trâu như thực tưởng là dễ mà lại rất khó. Vẽ tả thực, vẽ chi tiết như Trần Viết Thục quả là đáng nể. Có thể nói Trần Viết Thục đang thể hiện bản thân ở phong cách tranh dạng này và mong rằng sự thành công bước đầu của anh sẽ là động lực để anh sáng tác tiếp những bức tranh về trâu nói riêng, tranh con vật nói chung.
Dẫu mỗi họa sĩ có cách vẽ tranh trâu khác nhau, nhưng hầu hết đều gặp ở một điểm là vẽ từ kí ức làng quê tuổi thơ và sự đam mê yêu quý con vật. Người xem tranh trâu như đang đi ngược thời gian, trở về nơi quê cũ bằng sự gần gũi, tin yêu. Với nhiều người, làm mục đồng giữa khung cảnh thanh bình vẫn là một giấc mơ đẹp và việc ngắm tranh trâu trong dịp tết đến xuân về vẫn là thú vui tao nhã của đời người.
H.T
VNQD