Vận dụng “thang thuốc phê bình” của Bác Hồ vào việc rèn luyện đạo đức cộng sản hôm nay!

Thứ Tư, 10/02/2021 08:38

. Nguyên Thanh

 

Theo tư tưởng của Bác Hồ và cũng là chân lý đời sống thì ai cũng có khuyết điểm. Vấn đề là nhận ra và sửa chữa khuyết điểm đó. Người ta thường không nhìn thấy mặt mình bị nhọ nên phải có/nhờ người khác chỉ cho. Đó là cách phê bình mà Bác nói là thang thuộc. Thang thuốc hay nhất là thang thuốc tự phê bình!

Mượn cách diễn đạt ngụ ngôn của Bác Hồ chúng ta có thể nói Bác là người thầy thuốc giỏi trong việc chẩn bệnh và trị bệnh suy thoái cho cán bộ đảng viên. Theo Người, thang thuốc hay nhất trong việc chữa trị bệnh chủ nghĩa cá nhân là thiết thực phê bình và tự phê bình. Vì sao phải phê bình? Vì: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”. Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!

Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. ...Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là “quan liêu hoá”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”[1]. Vả lại, như Bác đã nhận xét rất đúng với thực tế: “Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại, không thể cấm họ gặp gỡ bà con. Đảng ta dù muốn giấu những người và những việc không tốt kia, cũng không thể giấu… Họ sẽ ngơ ngác mà hỏi “Đảng này là Đảng tốt, đảng viên đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối như thế nhỉ?”[2]. Quan điểm của Hồ Chí Minh về phê bình là biện chứng, hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển và quy luật vận động của sự vật: “Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm…?”[3]. Ngụ ngôn Hồ Chí Minh luôn có xu hướng lấy điểm tựa là các quy luật của sự vật hiện tượng thường đã được đúc kết qua các thành ngữ, tục ngữ: “Dao có mài, mới sắc/ Vàng có thui, mới trong/ Nước có lọc, mới sạch/ Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế”. Còn nếu có khuyết điểm mà không phê bình thì “khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh, thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa, thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa, thì mọi việc đều hỏng”[4]. “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn”[5]. “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”[6].

Bác Hồ lấy ngay trường hợp cá nhân mình để “minh hoạ” cho việc có khuyết điểm mà không được ai phê bình nên không thể tiến bộ:“Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ "nể Cụ" không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người. Trong số các đồng chí có hơn 50 người nếu mỗi người có một khuyết điểm, thì đã có một số khuyết điểm lớn”[7].

Mỗi người đều phải phê bình vì “Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu có một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung”[8].

“Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc”. Nói thật tức là phê bình.

Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Thí dụ: tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy. Đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói cho rõ ràng, thiết thực: vết nhọ to hay nhỏ? Nó ở phía nào? v.v.. Và khi nói, nên có thái độ đúng mực. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa tai nhau”. Về phần tôi, khi đã biết có vết nhọ thì phải lo rửa sạch”[9].

Dĩ nhiên là Bác Hồ chỉ ra các cách phê bình, trước nhất “là phải thật thà, thành khẩn tự phê bình, xem lại mình có khuyết điểm gì, anh chị em mình có khuyết điểm gì. Có người sợ nói ra mất thể diện, thế là dại, cũng như người có bệnh mà giấu bệnh không nói rõ cho thầy thuốc biết. Giấu bệnh thì bệnh ngày càng nặng. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng nhiều…”[10]. Như vậy là muốn tiến bộ thì phải tự mình “phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính”. Bác lấy ngay một ngụ ngôn là hành động quen thuộc thường ngày của mỗi người: “Các chú ai cũng có cái khăn mặt. Có chú phong lưu hơn lại có thêm miếng xà phòng. Khăn mặt và xà phòng dùng để tắm rửa cho sạch. Về tinh thần và tư tưởng, cũng cần phải có khăn mặt và xà phòng để rửa cho sạch, nghĩa là phải phê bình và tự phê bình”[11]. Theo Bác muốn phê bình có hiệu quả thì phải xác định động cơ phê bình tốt: “Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, ... Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên "trước mặt không nói, xoi mói sau lưng"[12].

Phê bình là “nói thật hết, nói như rìu chém đá, rạ (dao rựa) chém đất. Có khuyết điểm là nói kỳ hết”[13], không được"đánh trống bỏ dùi", không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy?”[14]và “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. "Trên đe dưới búa" của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh”[15].

Cách tiếp là phát huy tính dân chủ để mỗi người tự nói ra cái dở cái khuyết điểm của họ, ví như “Một người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức, bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không cần ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt”[16]. Phê bình là không chỉ nói khuyết điểm mà phải nói cả ưu điểm: “Phê bình cũng ví như người đi bằng hai chân, nếu chỉ phê bình trên thôi thì đi một chân, không thể đi được. Không nên chỉ nêu khuyết điểm sẽ sinh ra bi quan, mà cần phải nêu thành tích nữa”[17]. Và còn cách “chỉnh huấn”: “Chỉnh huấn cũng như tắm rửa. Tắm rửa phải tắm rửa cho sạch. Trong chỉnh huấn thì phải thật thà kiểm thảo hết những sai lầm, để sửa chữa, để tiến bộ”[18].

Mục đích của phê bình là vạch ra những khuyết điểm để sửa chữa, phê bình mà không sửa chữa thì cũng vô ích. Về việc này, Bác nói thật chí lý: “Phê bình và tự phê bình như uống thuốc xổ. Xổ rồi thì phải uống thuốc bổ. Tháo xe đạp ra chùi cho sạch bụi, lúc lắp vào phải cho dầu mỡ, xe mới chạy được. Phê bình xong phải biết cách sửa chữa. Nếu phê bình rồi mà không biết cách sửa chữa là một khuyết điểm to”[19]. Không phê bình, không sửa chữa thì đúng là thái độ “bưng mắt, bắt chim”, thái độ “giấu bệnh sợ thuốc”, một thái độ không thật thà, không đứng đắn”[20]. Có phê bình có sửa chữa thì như việc “...Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”[21].

Câu chuyện của đồng chí Vũ Kỳ kể về Bác là một bài học sâu sắc về phê bình:

“…- Chú thấy chuối tiêu có ngon không?

  • Thưa Bác, ngon lắm ạ!
  • Thế Bác mời chú ăn cơm, không nói cho chú biết là sẽ có chuối tiêu ăn tráng miệng, cứ để chú ăn no căng bụng, thì lúc ăn chuối tiêu còn ngon nữa không?
  • Thưa Bác, lúc đó thì bớt ngon ạ!

Bác lại tiếp tục hỏi:

  • Bớt ngon mà Bác cứ bắt chú ăn, liệu chú có khó chịu không?
  • Thưa Bác, khó chịu ạ!

Bác cứ dẫn dắt như thế và Bác kết luận:

  • Chuối tiêu ngon, nhưng ăn không đúng lúc cũng không ngon, ăn không đúng cách lại càng không ngon. Tự phê bình và phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách. Và điều quan trọng là phải biết tôn trọng lẫn nhau…”[22].

Đại tướng Lê Trọng Tấn kể một lần bị mắc khuyết điểm được Bác nhắc nhở:

“Buổi tối…Bác gọi riêng tôi đến bên rồi hỏi rất ôn tồn:

  • Chú Tấn! Chú đã rửa mặt chưa?

Tôi hiểu ngay, định thành thật thưa với Bác về những thiếu sót của mình thì Bác nói tiếp ngay:

- Khi làm điều gì không đúng giống như người ta bị cái vết nhơ trên mặt,thì phải rửa sạch. Tự phê bình cái sai của mình trong mỗi việc làm, mỗi trận đánh giống như rửa mặt hàng ngày cho sạch vết nhơ. Chú đã biết rửa mặt chưa?

- Thưa Bác, cháu rửa rồi!”[23].

Thế là không chỉ đồng chí Lê Trọng Tấn mà ai học tập tư tưởng của Bác cũng đều biết rửa mặt để “trong sạch” và cũng “trong sáng hơn”!

N.T


[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 5, tr 261.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 5, tr 262.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 5, tr 262.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 209.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 209.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 211.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 5, tr 224.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 7, tr 414.

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 241.

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 7, tr 465.

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 206.

[12]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 242.

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 7, tr 31.

[14]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 7, tr 271.

[15]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 7, tr 81.

[16]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 5, tr 244.

[17]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 8, tr 387.

[18]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 8, tr 87.

[19]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 322.

[20]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 534.

[21]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 5, tr 239.

[22]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 4, tr 195.

[23]Nhiều tác giả - Bác của chúng ta. Nxb Quân đội Nhân dân, 1985, tr 22.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)