Thị trường nhạc tết

Thứ Sáu, 12/02/2021 05:04

. VŨ KIỀU CHINH
 

Đang yên đang lành, tự nhiên tết!

Tôi vẫn nhớ thuở nhỏ, khi bố mua được một đầu karaoke sáu số thì cứ mỗi mùa xuân về, căn nhà lại dập dìu những âm thanh í ới chào mời của “Xuân ơi xuân, xuân đã về...” hay “Tết, tết, tết, tết đến rồi…” Những ca khúc mùa xuân quen thuộc từ năm này qua năm khác án ngữ trong list nhạc của gia đình tôi, kì lạ thay, bắt mic, phù hợp với mọi tông giọng và mọi phong cách âm nhạc từ nhi đồng, thanh niên, trung niên cho đến người già. Chúng trở thành một dạng biểu tượng, một kiểu chuông báo thức mặc định được phát lên mỗi thời khắc năm hết tết đến. Những ca khúc như Ngày tết quê em hay Xuân ơi xuân, xuân đã về mang số phận trở thành những khúc hát xuân bất hủ bằng một công thức: một năm chỉ được hát lên một dịp nhưng năm nào cũng được hát đi hát lại. Cho đến đầu năm ngoái, khi tôi đang lang thang đọc báo mạng thì hay tin một nhạc sĩ trẻ tuổi X chia sẻ với báo điện tử Y rằng năm nay anh đã được nhận đến... bảy đơn nhạc tết. Cùng thời điểm đó, Bitis Hunter tung ra đến phiên bản thứ tư trong sêri kêu gọi “Đi để trở về” với cùng một màu MV (music video), cùng một thông điệp, mà khán giả vẫn hồ hởi đón chào. Tôi chợt hiểu, nhạc xuân, nhạc tết đã và đang chuyển mình sang một kỉ nguyên mới. Cùng với sự tăng cường hiện diện của những người trẻ, nhạc tết trở thành một thị trường sôi động như một phiên chợ xuân với đa dạng, phong phú mặt hàng, kẻ bán người mua tấp nập, kéo theo đó là sự nổi lên của hiện tượng những nhạc sĩ, ca sĩ nhạc tết. Thật là một quang cảnh náo nhiệt.

Một cảnh trong MV Đường về nhà.

1. Trước hết, cái náo nhiệt của phiên chợ nhạc tết ngày hôm nay, như đã nhắc đến phía trên, đến từ số lượng nhiều và tần suất ra mắt dồn dập của các MV mỗi dịp gần tết. Nhà nhà người người làm nhạc tết, những nghệ sĩ trẻ - ai ai cũng gấp rút sắm sửa cho mình lấy một bài nhạc tết như trang bị quần áo chơi xuân. Cuộc chạy đua nhạc tết gấp rút, hồ hởi này để lại cho khán thính giả một mâm cỗ đầy đủ, đề huề, cơ man nào là món. Lí giải cho sự bành trướng hiện nay của thị trường nhạc tết mỗi độ xuân về trên các trang nhạc trực tuyến, có lẽ nên bắt đầu truy nguyên từ khía cạnh thực dụng của đời sống - một đặc sản của xã hội hiện đại. Việc sản xuất nhạc tết, bên cạnh lí do hết sức nhân văn là đáp ứng nhu cầu tình cảm theo mùa (ở đây là mùa tết) của con người, thì còn một lí do sát sườn hơn, đó là phương tiện quảng cáo cho một thương hiệu, một nhãn hàng. Những sản phẩm âm nhạc nói chung và nhạc tết nói riêng hiện nay hầu hết được tiến hành thực hiện dưới sự bảo trợ của một đơn vị doanh nghiệp nào đó. Nếu ngày thường, chúng ta có lẽ không còn lạ lẫm gì khi xem một MV ca nhạc theo phong cách cổ trang nhưng bất ngờ xuất hiện một chiếc hộp đựng quà có dán logo của Tiki do một viên cận thần trong triều (ở đây đại diện cho giới shipper) đem tới cho hoàng hậu Chipu, thì đến tết, chúng ta có lẽ cũng chẳng giật mình nếu như MV tết của Trúc Nhân có cảnh cả gia đình quây quần, đoàn tụ xem truyền hình sau bữa tối và kết lại bằng một slogan tết của Samsung Qled TV. Và lại càng không có gì ngạc nhiên khi trong bài hát của Bích Phương, toàn bộ nhân vật chỉ uống Mirinda đủ vị thay cho tất cả các món ăn mùa tết. Vả chăng, nếu có bài hát được tung ra một cách độc lập, không phụ thuộc vào nhà tài trợ nào, thì ngay lúc nó trở nên đủ hot, đủ trending cũng là lúc nó nhận được những đơn đặt hàng theo kiểu “bình cũ rượu mới”, vẫn nền nhạc đó nhưng lời ca giờ đây được biến tấu để trở thành một văn bản quảng cáo cho một loại nước đóng chai giải khát hay một loại bột giặt không phải loại thường nào đó. Âm nhạc được mạnh dạn quay trở lại cái bản chất thực dụng rất nguyên sơ của âm thanh: truyền đi tín hiệu. Dưới lớp vỏ âm thanh kia là slogan rất rõ ràng mời chào mua sản phẩm. Lịch sử của xu hướng này có lẽ bắt nguồn từ phong trào sản xuất và phát sóng những clip quảng cáo đặc biệt vào dịp tết với mục tiêu kích cầu tiêu dùng cuối năm. Một MV tết có đủ điều kiện để trở thành một quảng cáo tết với thông điệp, âm thanh, hình ảnh chất lượng, rõ ràng, được lòng đại chúng. Và sự hiện diện của ca sĩ đóng vai trò như gương mặt đại diện cho thương hiệu.

 

2. Nhạc tết, ngoài chức năng giải trí, giờ đây, nhờ vào các nhà tài trợ mà nắm giữ thêm sứ mệnh trở thành mắt xích trung gian kết nối thương hiệu với người tiêu dùng. Bởi chức năng truyền thông rất rõ ràng mà tính đại chúng trở thành một tiêu chí để làm nhạc tết. Tính đại chúng thực tế là đặc điểm chung của nhạc tết từ xưa đến nay, từ thời internet chưa phổ cập và bàn tay của các doanh nghiệp thì chưa can thiệp quá sâu vào âm nhạc. Nó nằm ngay trong tính dễ thuộc, dễ nhớ của giai điệu - “tết (phải) đến trong tim mọi nhà” và người ta khó lòng mà sáng tác một bài nhạc tết mà phổ nhạc cao đến “quãng tám” chỉ tầm cỡ diva chuyên nghiệp mới thể hiện được. Nhưng chỉ dễ thuộc, dễ nhớ thôi thì nhạc tết của người trẻ không thể đánh bật list nhạc có chữ “xuân” trong đĩa nhạc đầu karaoke sáu số California của các bố mẹ được. Nhạc tết nay: phải có vũ đạo; phải có tính ứng dụng để được cover trên các sân khấu, sàn nhảy; phải có beat bắt tai để dễ dàng chuyển hóa thành nhạc quảng cáo cho Lazada hay Shopee; MV phải có màu riêng; quần áo phải có style riêng, vintage hoài cổ pha lẫn cách tân hiện đại thì lại càng mốt; lời bài hát phải có các câu nói trendy; phải đuổi kịp xu hướng của giới trẻ hiện thời... Một bài nhạc tết thành công phải sống một đời sống “hiện sinh” của riêng nó: không cứ phải trở thành bất hủ, phải trở thành nhạc phẩm “còn mãi với thời gian”, chỉ cần đủ ấn tượng để thu hút sự chú ý của những người trẻ đương thời và đáp ứng đủ chuẩn đầu ra “triệu view” trong một khoảng thời gian nhất định. Một bài nhạc tết như vậy đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều từ các khâu sản xuất, nhưng vòng đời của nó lại khá ngắn ngủi. Nhạc tết bão hòa như các món ăn giàu đạm trên mâm cơm ngày tết; thay vì như trước kia, bao nhiêu năm bố mẹ ta chỉ mở đúng mấy bài đó, đúng giọng của cô hay chú ca sĩ đó, thì nay, chúng ta béo bở, no nê, căng tràn một bồ nhạc tết. Tiêu chí để đánh giá một bài nhạc tết hay chính là tết năm sau ta vẫn còn nhớ tên nó giữa một vườn nhạc tết trăm hoa đua nở và thuộc được giai điệu để hát karaoke. Vì chiều lòng đại chúng nên thị trường nhạc tết giờ đây nhận được sự săn đón nhiệt tình từ khán thính giả. Chúng ta chờ đợi gì vào mỗi mùa tết? Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ… hay Bích Phương tết năm nay ra bài gì rồi? Khi trending trở thành chuẩn để chiều lòng các khách hàng, nhạc tết chấp nhận quăng mình vào một cuộc chơi may rủi bởi chính “thượng đế” lại là những kẻ dễ quay lưng nhất. Trending nghĩa là thu hút được số đông khán thính giả trong một thời điểm, mau lẹ, nhưng trending cũng có nghĩa là, khi đã hết mốt, hết hot, những “nhạc phẩm đó” rất nhanh trở thành món đồ mới mua dùng được một lần và xếp xó trong tủ các cô gái. Việc khán thính giả tìm lại nhạc tết của năm cũ để nghe đi nghe lại trở nên hãn hữu, khan hiếm, bởi chính ca sĩ đó, chính nhạc sĩ đó, ngay năm sau cũng đã tạo ra một sản phẩm âm nhạc mới để vội vàng thay thế vào chỗ những nhạc phẩm đã thành công và vẫn còn hào quang từ năm trước. Cơ chế này tạo nên một hình mẫu nghệ sĩ kiểu mới: chuyên viết, chuyên hát nhạc tết, mỗi năm đều ra bài, được công chúng ngóng chờ, với những chủ đề có thể thay đổi, những nhãn hiệu tài trợ thay đổi.

 

3. Một trong những công thức để tạo trending chính là phải mới, phải lạ, phải độc nhưng phải trên khuôn khổ của những gì đang thịnh hành. Nói vậy có nghĩa là, đứng trước một thế hệ công chúng dễ chán, khó chiều trong thời điểm hiện tại, người nghệ sĩ (hoặc là người thợ) làm nhạc tết phải biết cách khai thác những chủ đề mới - và mới không ngừng. Thực tế, nhạc xuân, nhạc tết đang rốt ráo để mới, thậm chí đầy áp lực “phải” mới. Trong trải nghiệm của riêng mình, thời điểm tôi bắt đầu phải ồ à lên hai chữ “Mới thế!” là lúc nghe được Bao giờ lấy chồng của Bích Phương vào mùa xuân 2017. Bài viết này không có ý đẩy Bích Phương lên tầm biểu tượng trong phong trào nhạc tết nhưng nhìn vào độ phủ sóng của cô mỗi mùa tết thì ta hoàn toàn có thể lấy cô như một dẫn chứng sinh động, cụ thể cho khả năng “chơi đúng luật” khi làm nhạc tết. Tết trong con mắt của những cô gái trẻ thế hệ mới (như Bích Phương chẳng hạn) là câu chuyện nhức nhối nỗi lòng mỗi độ xuân về - cuộc chạm trán với họ hàng và những câu hỏi tưởng chừng vô thưởng vô phạt mà thấu tim “Bao giờ lấy chồng?”, hay là cảnh tối mặt lo toan nhà cửa, dọn dẹp, sắm sửa của riêng các chị em phụ nữ trong nỗi niềm sợ tết mà vẫn phải chào tết (Em chào tết). Cùng với nỗi lắng lo về đống công việc nhà dồn nén, những mâm cỗ đủ món, những chậu bát đĩa đang chực chờ của người vợ, người mẹ, người chị…, sự quan ngại cũng chiếm trọn trái tim mùa tết của những anh chồng trong gia đình - những phận làm trai luôn được/bị vác trên mình trọng trách trụ cột tài chính. Tết, giống như một sự kiện mua sắm quy mô toàn quốc. Trong niềm hân hoan, tưng bừng đó, nếu ai đang rơi vào tình cảnh “lương thì chưa kịp tăng, xe thì hết cả xăng” thì tết quả thực có thể bật lên thành tiếng kêu như của anh chồng ca sĩ trẻ JustaTee - nguyên mẫu của người đàn ông trẻ hiện đại trong Làm gì phải hốt: “Tết đến nơi rồi, ôi zồi ôi các anh mình ơi! Toang đến nơi rồi, ôi zồi ôi các em mình ơi!” “Đang yên đang lành, tự nhiên Tết!”, không phải ngẫu nhiên mà mấy năm gần đây, cộng đồng mạng bổ sung thêm tục ngữ mới này cho từ điển mùa tết. MV vui vẻ của Bích Phương tái hiện sinh động khung cảnh xích mích, cãi nhau với tần suất gia tăng trong nội bộ gia đình hay hàng xóm láng giềng vào thời điểm giáp tết, tất cả chỉ vì quá chộn rộn, bận bịu cho sự tết (Chuyện cũ bỏ qua). Đâu đó trong tiếng pháo là tiếng than thở hoặc được chuyển hóa thành một thoáng giận dỗi vu vơ của những người trẻ ngày đầu xuân không được lì xì trong khi mà “càng lớn càng có nhiều khoản chi và cần ngân phí” (Tuổi gì mà chẳng thích lì xì). Có lẽ chưa bao giờ câu chuyện về tiền, về chi tiêu lại nhạy cảm và rốt ráo trong nhạc tết như bây giờ. Sắm tết trong lo âu đã đành, các cô gái trong nhóm nhạc Lip B bổ sung thêm sắc thái âu lo bằng nhạc phẩm Giải nghiệp phản ánh thực trạng “cúng dường” như một hình thức cầu bình an, sung túc cho năm mới. Cúng bái không phải chỉ là chuyện của các bà, các mẹ, nay người trẻ cũng cần đến sự vỗ về tâm linh. Không chỉ vật chất mà tinh thần, niềm tin, sự an tâm giờ cũng có thể được lo liệu bằng tiền. Chẳng thế mà lời bài hát của Big Daddy “working hard - making money” (làm việc chăm chỉ - kiếm ra tiền) để “về nhà ăn tết” trở thành một câu châm ngôn sống đầy tính truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ của xã hội mới. Và có lẽ minh họa rõ nhất cho châm ngôn sống này chính là khung cảnh chàng trai hành nghề thiết kế đồ họa Trúc Nhân miệt mài làm nốt công việc trong đêm giao thừa nên trễ mất chuyến xe cuối cùng về nhà trong MV Có vị nào hơn vị tết nhà - một quảng cáo chủ đề tết của hạt nêm Knorr.

 

4. Xa rồi những hình ảnh bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - những hình ảnh mặn mà truyền thống đã đi vào thơ, văn, nhạc cả trăm năm; xa rồi những trường từ vựng mùa xuân, hoa mai, hoa đào lặp đi lặp lại ở các bài hát tên có chữ “xuân” hoặc “tết” chiếm trọn danh sách karaoke yêu thích của các bố mẹ, chú bác mỗi mùa tết. Nhạc tết của thế hệ mới là những lát cắt cực kì chi tiết và cận cảnh, không giấu giếm. Chuyện xem bói giải nghiệp cuối năm không phải chuyện mới; chuyện rửa chén bát, tiệc tùng, cỗ bàn không ai lạ gì; chuyện đau đầu vì sắm tết, vì tiền mừng tuổi, vì quà cáp càng không phải chuyện lạ của hôm nay. Nhưng phải đến thời điểm hiện tại, khi nhạc tết sang tay, chuyển khẩu cho những người trẻ tuổi thì tết vào trong âm nhạc mới lại có thêm một bộ mặt mới, rất khác so với một gương mặt luôn ở giữa tưng bừng tiếng pháo nổ, hân hoan tiếng chúc tụng được kể đi kể lại rất nhiều lần trong âm nhạc. Phải đến tay người trẻ, những cái nhìn về tết mới được bộc lộ trực diện và thẳng thắn hơn hết thảy. Đó là thứ tư duy kiểu mới trong âm nhạc nói chung và trong nhạc tết nói riêng. Muốn hay, muốn độc, muốn mời chào được người nghe, người xem click vào một link youTube thì mỗi chủ đề phải là một câu chuyện riêng về tết, phải là một góc riêng về tết, một góc có thể ai cũng đã thấy nhưng chưa ai đưa nó trở thành tiêu đề cho một bài nhạc xuân. Và nhờ vậy, tết trọn vẹn, đủ đầy hơn. Tết của người trẻ, bên niềm háo hức như trẻ em được manh áo mới thì còn có tiếng than vì bận bịu, có những cơn đau đầu vì tiền bạc, có dấu ấn của một xã hội đang chuyển mình, một vài dấu vết nứt ra khỏi những giá trị cổ truyền xưa cũ. Những người trẻ đứng ở đây, để truyền đi một thông điệp: Chúng tôi biết tất cả những thứ đau đầu này, chúng tôi biết ai cũng đang đau đáu những nỗi niềm tương tự. Chúng tôi chọn nói thẳng ra và làm chúng trở nên hài hước - Táo quân hóa. Tất nhiên, không phải để người ta chán tết hơn, mà sau tất cả, ai cũng có thể cười được trên những chuyện lo toan thường niên đó, nói như bài hát của Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh, Justa Tee thì là tết thôi mà, “làm gì phải hốt”.

V.K.C

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)