. BÙI VIỆT THẮNG
Nhà văn tuổi Sửu trong làng văn Việt thì nhiều, dễ đến vài chục vị. Tỉ mỉ ngồi đọc sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (Nxb Hội Nhà văn, 2020), tôi băn khoăn không biết chọn ai để viết bài này. Cuối cùng thì chọn năm anh em trên một... chiếu văn xuôi được người đọc mến mộ, thêm nữa hợp với tạng phê bình của bản thân: Khuất Quang Thụy, Dương Hướng, Hữu Phương, Trung Trung Đỉnh và Phạm Trung Khâu.
KHUẤT QUANG THỤY (sinh 12/1/1950): Sinh ngày này, tháng này thì đích thị là ăn vào tuổi Kỉ Sửu (tuổi này xem ra lắm hiền tài). Khuất Quang Thụy có gene lãnh đạo: từng làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từ khi khoác áo dân sự lại làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ (đã ngót 10 năm). Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X ông vẫn đắc cử vào Ban Chấp hành (là người cao tuổi nhất). Khuất Quang Thụy đã nhận Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1984, 2004), Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2005), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007)...
Khuất Quang Thụy là nhà văn mà viết gì cũng không ra khỏi chiến tranh, vì chiến tranh dường như chưa kết thúc với thế hệ của ông. Từ khởi bút viết văn đến nay, ông đã xuất bản 4 tập truyện ngắn, 8 tiểu thuyết. Với tôi, đọc theo sát văn Khuất Quang Thụy, đặc biệt thích hai tác phẩm chính: Góc tăm tối cuối cùng (1990) và Đỉnh cao hoang vắng (2016). Trong bài viết Chiến thắng của văn hóa đã in trên báo chí và đưa vào sách Hà Nội từ góc nhìn văn chương (Nxb Hà Nội, 2019), tôi đánh giá rất cao cuốn tiểu thuyết thứ 8 của Khuất Quang Thụy (và mong chưa phải là cuối cùng). Riêng tôi có cảm giác như đó là một “cú nhảy đứng” của nhà văn vì hàm lượng văn hóa của tác phẩm. Bề ngoài là viết về chiến tranh, nhưng bên trong thì đúng như nhà văn chia sẻ: “Sau này, khi chiến tranh kết thúc, tôi mới có điều kiện để hiểu ra rằng, cuộc chiến đấu ngoài mặt trận dù có ác liệt đến mấy thì cũng mới chỉ là một nửa cuộc chiến tranh. Vì thế, tôi dành nhiều thời gian để viết nhiều hơn về cái nửa còn lại ấy của cuộc chiến.” Chiến thắng của chúng ta với hai đối thủ mạnh nhất thế kỉ XX là Pháp và Mĩ, suy cho cùng là chiến thắng của văn hóa Việt Nam với truyền thống “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân thay cường bạo”. Một cuốn tiểu thuyết hay nhưng cớ gì nhà văn không ứng dự cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam? Ông khiêm tốn và biết cách đi lùi trong tình huống nhiều người dàn hàng ngang tiến lên với khí thế ào ạt chăng, hay vì là “người của Hội” nên không tiện sở hữu quyền ứng giải? Đọc tiểu thuyết Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy, tôi cứ váng vất nhớ đến tiểu thuyết Người thứ 41 (1926) của nhà văn Liên Xô Boris Lavrenyov.
DƯƠNG HƯỚNG (sinh 7/8/1949): Năm 1965, mười sáu tuổi tình nguyện đi công nhân Quốc phòng, học qua trường kĩ thuật tàu thủy, sau vào bộ đội, trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường khu Bốn, miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Sau 1975, chuyển ngành, làm việc ở Cục Hải quan Quảng Ninh (trong vị trí Kiểm tra viên trung cấp). Năm 2009, nghỉ hưu, thả sức viết. Có lẽ thời thanh niên đi nhiều nên vào trung niên và lão niên, Dương Hướng ít đi so với trang lứa (ai biết thì thông cảm, vì trong người ông có đặt stent). Ông viết không nhiều, đến thời điểm 2020, cũng chỉ vỏn vẹn có 2 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết và 2 tuyển chọn tác phẩm. Nhưng Dương Hướng là người khá “sát” giải: Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1991), Giải thưởng Hạ Long (1986-1990), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2017)...
Tôi có một kỉ niệm với Dương Hướng, không biết ông còn nhớ hay đã quên, thì cứ nhắc lại cho vui. Năm 1991, một lần gặp nhà thơ Hữu Thỉnh - lúc đó làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ - ông trao cho tôi một cuốn tiểu thuyết mới có nhan đề Bến không chồng của một tác giả mới toanh: Dương Hướng. Ông nói, nếu đọc thấy hay thì viết giới thiệu trên Văn nghệ, còn không thì thôi. Mười ngày sau tôi trả sách kèm bài viết (bằng bút bi) Ngọn nguồn những ràng buộc (in ngay sau đó trên báo Văn nghệ, số 12, ra ngày 23/3/1991). Bài đăng nguyên văn, chỉ bớt có một câu kết: “Tôi đồ rằng, Bến không chồng sẽ nhận một giải thưởng xứng đáng nào đó trong tương lai gần.” Tôi vẫn nghĩ, mỗi nhà văn cần có một tác phẩm để người đọc nhớ lâu, đó là của để dành của anh ta. Lê Lựu có Thời xa vắng, Nguyễn Khắc Trường có Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bảo Ninh có Nỗi buồn chiến tranh, Dương Hướng có Bến không chồng... Cuốn tiểu thuyết Dưới chín tầng trời (2007) của Dương Hướng tuy không nổi đình nổi đám như Bến không chồng song thâm trầm và có ý nghĩa triết luận về thời cuộc, về nhân tình thế thái, có màu sắc của bi kịch hiện đại. Tôi đã ví von vui vui rằng, khi viết Bến không chồng thì Dương Hướng giống một ông chủ nhiệm hợp tác xã, còn khi viết Dưới chín tầng trời lại giống vị tổng giám đốc một tổng công ti ăn nên làm ra.
HỮU PHƯƠNG (sinh 26/12/1949): Tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1972, dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình (sau là trường CĐSP Bình Trị Thiên) hơn hai mươi năm. Từ năm 1993, Hữu Phương chuyển về công tác ở Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình (giữ chức Phó Chủ tịch Hội từ 1993-1998, rồi Chủ tịch Hội từ 1998-2009). Hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình. Tính đến 2020, Hữu Phương đã có một vốn liếng văn chương kha khá: 7 tập truyện ngắn, 4 tiểu thuyết, 1 sách nghiên cứu văn học dân gian. Ông là người “ẵm” khá nhiều tặng thưởng, giải thưởng (gần 10 lượt) trong làng văn.
Tôi đặc biệt ấn tượng về văn Hữu Phương ở các tác phẩm Ba người trên sân ga (truyện ngắn), Chân trời mùa hạ (tiểu thuyết), Quay đầu lại là bờ (tiểu thuyết - giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam 2016-2019). Ban đầu bản thảo Quay đầu lại là bờ có tên Hai người từ Mĩ về. Tôi có điều kiện đọc từ đầu bản thảo nên khi in thành sách Quay đầu lại là bờ thì vui mừng chứ không ngạc .nhiên. Mừng là vì thêm một tác phẩm hay về chủ đề hòa giải, hòa hợp dân tộc trong văn chương. Chiến tranh lùi xa đã 45 năm nhưng còn biết bao mắc mớ nơi lòng người về cái sự “trong - ngoài”, “đi - ở”, “bên này - bên kia”... Vẫn còn những barie, những hố ngăn cách vô hình khiến con người tuy sống trong hòa bình nhưng chưa thực sự bình an, thanh thản. Ngay từ năm 1977, chỉ sau hòa bình hai năm, Nguyễn Minh Châu đã khai phóng vấn đề này trong tiểu thuyết Miền cháy nóng hổi thời sự. Bốn mươi ba năm sau, Hữu Phương tiếp bước tiền bối đặt lại vấn đề trên theo cách của mình. Trong Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X vừa rồi tại Hà Nội, gặp Hữu Phương, thấy ông vẫn tươi cười, ăn nói rổn rảng, dẫu đã U80 nhưng chưa hề có tín hiệu sẽ rửa tay gác kiếm. Tên Hữu Phương vẫn xuất hiện đều đặn trên các báo chí văn chương. Ông nhà văn này, tôi thầm đánh giá, còn viết, còn in, còn “ẵm” giải cho đến khi nào không viết được nữa thì thôi.
TRUNG TRUNG ĐỈNH (sinh ngày 21/9/1949): Ông nhà văn này, như ai đó nói vui, đôi lúc trông đơ đơ, nhưng vào việc chữ thì đâu ra đấy. Có vẻ như không màng quan chức, nhưng đôi khi sự thể, tình thế nó lại quàng lên vai những cái chức (Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Bây giờ thì sức khỏe giảm sút nên ít thấy ông xuất hiện, xông pha giữa chốn ba quân như hồi trước. Tính đến 2020, Trung Trung Đỉnh đã in 5 tập truyện ngắn, 6 tiểu thuyết. Đọc ông thấy có mấy cái mốc chính: Đêm nguyệt thực (truyện ngắn, 1982), Lạc rừng (tiểu thuyết, 1999), Lính trận (tiểu thuyết, 2010). Nhà văn này cũng là tay “sát” giải: Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Lạc rừng (1998-2000), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Lính trận (2011), Giải thưởng văn học ASEAN (2012); Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007)...
Tôi đọc Trung Trung Đỉnh lần đầu là Đêm nguyệt thực - một truyện ngắn có cái tứ là con người ta đôi lúc ngày nam đêm bắc. Vũ Bằng đã trải qua hơn hai mươi năm (1954-1975) trong vỏ bọc một nhà báo - nhà văn, với nhiệm vụ của một chiến sĩ điệp báo. Nhân vật người lính trong Đêm nguyệt thực cũng na ná như vậy. Anh người miền Bắc, vào Nam chiến đấu, bị thương, được đồng bào đùm bọc che chở rồi bén rễ với Tây Nguyên. Anh kết duyên với người phụ nữ đã có công chở bọc, cưu mang mình, nhưng lòng cứ dằn vặt khôn nguôi với người vợ miền Bắc cưới trước ngày nhập ngũ. Tôi thích cái “phía sau người lính” trong những trang văn Trung Trung Đỉnh hơn là những gì viết theo lối tả trận, dẫu cho nhiều khi ròng ròng sự sống. Một tiểu thuyết khác của nhà văn này được nhiều người thích là Lạc rừng, vì hàm lượng văn hóa của tác phẩm. Đôi khi ta cần lạc ra khỏi hệ thống (văn hóa) của mình để tiếp xúc, cọ xát với một hệ thống khác, xem thử mình ra sao, để biết ngoài trời còn có trời. Còn nhớ, năm 2017, Nhà xuất bản Trẻ đã có dự án in lại hai phần ba số tác phẩm của Trung Trung Đỉnh (theo chế độ mua bản quyền). Buổi giao lưu đó tôi có dự, vui như Tết, Trung Trung Đỉnh cứ luống cuống, xúc động, thành thử người khác nói tranh hết phần.
PHẠM TRUNG KHÂU (sinh 20/2/1949): Sớm tham gia công tác xã hội ở địa phương từ hồi kháng chiến chống Mĩ. Sau 1975, dạy học bậc trung học cơ sở, từng làm Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đồng Phú, Long Hồ, Vĩnh Long; một thời gian làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long; hiện nghỉ hưu và viết văn tại quê nhà. Nhà văn Phạm Trung Khâu đã nhận giải Nhì cuộc thi truyện ngắn 1992-1994 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với tác phẩm Tiếng vạc sành; giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với tiểu thuyết Chìa vôi lại hót...
Rõ ràng Phạm Trung Khâu là nhà văn viết ít. Nhưng như thế lại hợp với quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong sáng tạo nghệ thuật. Còn nhớ, cuộc thi truyện ngắn 1992-1994 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, khi đó nhà văn Nguyễn Trí Huân làm Tổng biên tập, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, có sáng kiến mời một số nhà phê bình làm tư vấn, đọc tác phẩm dự thi (cứ 3 tháng lại giao ban một lần). Tôi vinh hạnh có chân trong ban tư vấn đó. Cũng đã một phần tư thế kỉ trôi qua, nhưng Tiếng vạc sành đã đem đến một ám ảnh nghệ thuật với không chỉ riêng tôi. Đã có lần tôi viết, nếu chọn năm truyện ngắn hay nhất về chiến tranh thì có Đội hành quyết của Thái Bá Lợi, Gió dại của Bảo Ninh, Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê, Tiếng vạc sành của Phạm Trung Khâu và Mùi thuốc súng của Nguyễn Văn Thọ. Môtíp cốt truyện của Tiếng vạc sành cũng như môtíp chủ đề tác phẩm không có gì đặc biệt. Nhưng tình huống và các chi tiết thì có một không hai: người lính bị thương nặng, hình hài biến dạng, không muốn người thân yêu chịu đựng đau đớn nên anh đã mai danh ẩn tích, để cho người yêu yên tâm lấy chồng, gây dựng hạnh phúc. Dẫu thế vẫn không cầm lòng, đêm đêm anh trở về trong hình hài giống một con vật kì dị, trườn bò vào tận ngôi nhà có cố nhân để được ngó nhìn người yêu dấu xưa nay thuộc về người khác. Cái kết thật cay đắng nghẹn ngào: anh dính đạn của chồng người yêu xưa. Người vợ nhận ra cố nhân, đau đớn đến muốn chết... Một cái kết không có hậu theo truyền thống, găm vào độc giả nỗi ám ảnh nghệ thuật khó quên, khác nào một vết thương lòng, nhắc nhở ta về những tổn thương sâu sắc mà chiến tranh mang lại.
B.V.T
VNQD