Thượng tướng Phùng Thế Tài - những câu chuyện đời thường

Thứ Tư, 24/02/2021 08:25

. NGÔ VĨNH BÌNH

 

Ở Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân có lưu giữ một hiện vật nhỏ nhưng rất độc đáo. Đó là khẩu súng ngắn P38. Khẩu súng này được tổ chức Việt Minh cấp cho Thượng tướng Phùng Thế Tài để bảo vệ Bác Hồ những năm trước 1945. Khẩu súng được Thượng tướng giữ mãi cho đến ngày ông mất (năm 2014) và sau đó được phu nhân Bùi Thị Yến và con trai út là tiến sĩ Phùng Thế Tám trao tặng cho bảo tàng của quân chủng.

Theo hồi kí của Thượng tướng Phùng Thế Tài, khẩu súng nói trên được ông dùng trong những ngày làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ ở Trung Quốc và những ngày đầu Bác về nước những năm đầu thập niên 40 của thế kỉ trước. Là người cận vệ đầu tiên, tuyệt đối trung thành với Chủ tịch Hồ Chí Minh nên với tướng quân lúc sinh thời, khẩu súng là vật bất li thân. Trong bài viết nhỏ về nhân vật lớn này, tôi không có ý (và cũng không làm được) nêu, phân tích, đánh giá về sự nghiệp cũng như những cống hiến to lớn của Thượng tướng đối với công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc mà chỉ muốn kể lại những mẩu chuyện đẹp như giai thoại, đôi khi giống như huyền thoại, về ông, ngõ hầu phác họa chân dung một con người mà cuộc đời hơn 50 năm hoạt động cách mạng với 75 năm tuổi Đảng gắn liền với những hi sinh gian khổ trên khắp các mặt trận của chiến trường ác liệt.

Hồ Chủ tịch và các đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh PK-KQ, Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân trong buổi lễ tuyên dương công trạng các đơn vị lập chiến công ngày 5-8-1964. Ảnh: TL

Như chúng ta biết, giai thoại là một thể loại văn học, kể chuyện truyền miệng, lưu hành trong dân gian mà chủ yếu là trong giới văn thơ chữ nghĩa. “Thoại” là câu chuyện, “giai” là đẹp, hay, thú vị. “Giai thoại” là câu chuyện hấp dẫn về một sự việc hoặc nhân vật có thật. Tuy thỉnh thoảng hài hước, nhưng giai thoại không nhằm mục đích chính là gây cười, mà là phương tiện truyền tải khiến người ta nhớ lâu và thích kể lại cho người này người khác. Nói theo M.Petrovski thì giai thoại là “câu chuyện lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thuật lại một cách ngôn lí thú, một cảnh độc đáo, hay một trang tiểu sử riêng tư của một nhân vật lịch sử”.

Xung quanh cuộc đời Thượng tướng Phùng Thế Tài là cả một kho tàng giai thoại phong phú và độc đáo.

Chuyện kể rằng: Một buổi chiều cuối năm 1941, Phùng Thế Tài và Bác Hồ đang mải miết trồng những luống môn trên mép suối bên cửa hang Pác Bó, bỗng Bác quay lại bảo: Này chú Tài, chú thử đối lại câu này nhé, Trồng môn trước cửa. Phùng Thế Tài lúng túng một thoáng rồi xin đối lại: Bắt ốc sau nhà. Nghe vậy, Bác cười vui và gật đầu bảo: Thế là chú nhanh trí và đối được đấy. Môn cũng là cửa, chú đối lại ốc cũng là nhà, thật chỉnh!

Bác nói thêm, đại ý cách mạng rồi sẽ lớn mạnh và quân đội rồi cũng sẽ phát triển, biết đâu chú sẽ trở thành vị tướng. Phàm là làm tướng thì trí tuệ phải thông làu, nhạy bén, linh hoạt, để ứng phó mau lẹ với mọi tình huống. Cho nên phải nhớ, làm tướng cũng phải học từ việc nhỏ.

Đúng như dự đoán của Bác Hồ, đội quân giải phóng đầu tiên của cách mạng ra đời tháng 12/1944, ba năm sau, Bác đã cho Phùng Thế Tài gia nhập Giải phóng quân và được cử làm Tiểu đội trưởng. Bác Hồ lại đặt tên cho ông là Phùng Hữu Tài. Sinh thời có lần ông tiết lộ: Hồi đó, Bác Hồ đặt tên Phùng Hữu Tài là có ý của Bác, nhưng nghe người ta bảo gọi Hữu Tài dễ sinh ra kiêu căng, tự phụ, thiếu khiêm tốn, nên cuối năm 1952, ông xin Bác cho đổi lại là Phùng Thế Tài và Bác đồng ý.

Lại có chuyện liên quan đến một con vẹt. Phùng Thế Tài kể, về sau có những lần ông lên kiểm tra khu vực Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội, nơi giữ gìn thi hài Bác, có mật danh K9, một vùng đất hẻo lánh, vắng vẻ. Khi tới đây, ông thường đến thẳng tổ chuyên gia Liên Xô giúp ta giữ gìn thi hài Bác do giáo sư - viện sĩ Debov phụ trách thăm hỏi giáo sư - viện sĩ và các đồng chí chuyên gia. Sau mỗi lần đến thăm như thế, ông cứ suy nghĩ mãi về những con người này, về chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt ở Liên Xô. Với cương vị và tài năng của mình, chắc chắn nếu ở bên ấy, các đồng chí này có đủ điều kiện để sống một cuộc sống đầy đủ tiện nghi và hạnh phúc bên cạnh gia đình, vợ con. Thế mà sang đây, họ vô tư chấp nhận một cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, buồn tẻ trong một khu rừng vắng để giúp một đất nước xa xôi cách quê hương họ nửa vòng trái đất… Để vơi nỗi nhớ nhà, Debov nhờ anh em Việt Nam mua cho một con vẹt và một chiếc lồng thật đẹp để nhìn ngắm trêu đùa giúp quên đi nỗi buồn xa quê hương, gia đình. Bỗng một hôm con vẹt sổng chuồng bay mất, trong lúc Debov đang ngủ say sưa sau một ca trực đêm căng thẳng. Mọi người lo lắng, nghĩ đến lúc giáo sư - viện sĩ tỉnh dậy không thấy con vẹt thì sẽ rất buồn. Giữa lúc đó, tướng Phùng Thế Tài tình cờ đến nơi. Ông đã chỉ thị Đoàn trưởng Nguyễn Gia Quyền cho người đánh xe ô tô về Hà Nội vào chợ Đồng Xuân mua con vẹt khác. Dự đoán khoảng 10 giờ sáng Debov mới ngủ dậy nên yêu cầu phải mua được vẹt về trước giờ này. Để chắc chắn, tướng quân lại động viên anh em vào rừng tìm con vẹt. Nghe thủ trưởng nói vậy, mọi người nhìn nhau cười, bởi đó là việc không tưởng. Thế nhưng điều không ngờ đã xảy ra: Anh em đã tìm thấy con vẹt của Debov đang ngơ ngác đậu trên một cành cây gần nhà và tìm được cách đưa về.

Sinh thời lãnh tụ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành (1912-1994) hai lần tới thăm Việt Nam theo lời mời của Bác Hồ. Lần thứ nhất vào năm 1958, lần thứ hai vào năm 1964. Trong chuyến thứ hai mà ngài Đại nguyên soái xứ “thiên lí mã” tới Hà Nội, có một chuyện thú vị ngoài chương trình. Số là biết đất nước Triều Tiên cũng coi món thịt cầy là “quốc hồn quốc túy” nên tướng Phùng Thế Tài bảo người lái xe đi tìm đón một chủ hiệu thịt chó có tiếng nhất ở Hà Nội về Nhà khách Bộ Quốc phòng ở Cửa Đông để làm tiệc thết đãi Kim Nhật Thành. Phùng tướng quân lại nhờ tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, lệnh cho Lữ đoàn 144 “phong tỏa” nhà khách trong ba ngày liền và cho một tổ nuôi quân đến phụ giúp ông chủ hiệu thịt chó vô điều kiện, sẵn sàng thực hiện mọi yêu cầu của ông đầu bếp. Đúng là danh bất hư truyền, “chuyên gia thịt chó” chỉ trong vòng hai tiếng đã xong một bữa tiệc không chê vào đâu được. Vì đảm bảo bí mật nên Bác không đến được. Khi nghe báo cáo lại bữa tiệc chiêu đãi tổ chức ở Nhà khách Bộ Quốc phòng diễn ra rất tốt đẹp, Bác khen: Chú Tài thật tài! Đồng chí Kim Nhật Thành là Nguyên soái, Tổng Tư lệnh Quân đội, tiếp ở Nhà khách Bộ Quốc phòng là đúng. Vừa thân tình, vừa đảm bảo bí mật!

Tiệc chiêu đãi hôm đó được đồng chí Kim Nhật Thành hết sức tán thưởng. Đang thưởng thức nửa chừng, đồng chí cho gọi “tác giả” đến khen ngợi, sau đó một mực đề nghị ông chủ thịt chó này sang Triều Tiên một thời gian để truyền đạt kinh nghiệm, tay nghề. Khi nghe báo cáo lại, Bác đồng ý và giao cho tướng Tài thực hiện. Nghe nói, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng may cấp tốc cho “chuyên gia thịt chó” một bộ comple để kịp chụp ảnh và làm hộ chiếu theo đoàn sang Triều Tiên vào ngày hôm sau!

Phùng Thế Tài là tướng của trận mạc, đánh giặc gan góc lạ thường nên lính tráng còn gọi ông bằng cái tên trìu mến: tướng Phùng Thế Ục! Lại có người kể, một lần ông đến dự một cuộc họp quan trọng của Trung ương, mọi người đều đi xe Volga đen sang trọng đến, ông không có tiêu chuẩn ngồi xe Volga nên… tự lái xe xích đến, khiến ai nấy trố mắt nhìn, còn lính gác vội bật barie và bồng súng đứng nghiêm chào!

*

*        *

Tên thật của Phùng Thế Tài là Phùng Văn Thụ. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ). Chuyện kể rằng, bấy giờ nhà ông đông anh em nên tuy làm ruộng quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Năm 1933, khi mới 13 tuổi, ông theo một người làng sang mưu sinh bên tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sau một thời gian thử thách và được giác ngộ, ông tham gia các đoàn thể của cách mạng. Người đưa ông vào tổ chức là đồng chí Vũ Anh (bí danh Trịnh Đông Hải, được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang Trung Quốc hoạt động cách mạng). Năm 1939, chính đồng chí Vũ Anh đã giới thiệu kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Về kỉ niệm này, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại trong hồi kí của mình: Vào năm 1940, sau khi đồng chí Vũ Anh giới thiệu ông làm bảo vệ cho ông Trần (bí danh của Bác Hồ), Bác nhìn ông tỏ ý hài lòng. Tuần lễ đầu ông Trần và ông nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc, sau mới dùng tiếng Việt.

Trong dịp Tết Tân Tị (năm 1941), theo kế hoạch, Phùng Thế Tài được tổ chức giao nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Khi về đến cột mốc 108, Phùng Thế Tài được tổ chức phân công ở lại Côn Minh hoạt động. Vì thạo tiếng Trung Quốc nên quân đội Tưởng tuyển ông làm cho cơ quan tình báo để chuẩn bị kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” và cho ông vào học lớp quân chính về nghiệp vụ tình báo của trường quân sự Hoàng Phố. Là người thông minh, tiếp thu nhanh, chỉ sau ít tháng, chính quyền Tưởng phong cấp thiếu hiệu (ngang với thiếu tá) cho ông cùng một số giấy chứng nhận đặc biệt, có đóng dấu Tưởng Thống chế. Những giấy tờ đó cũng đã thực sự trở thành “bảo bối” cứu nguy cho những chuyến công tác bảo vệ Bác Hồ sang Trung Quốc sau này.

Sau đó, Phùng Thế Tài được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Vũ Anh cho ở lại Pác Bó tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Thời gian này cuộc sống của Ké Thu (bí danh của Bác Hồ) và tổ bảo vệ thiếu thốn trăm bề. Ăn uống thì chủ yếu là cháo bẹ, củ mài, rau rừng. Lúc rảnh rỗi, anh em trong tổ đi mò cua, bắt ốc, đào củ mài. Thấy Ké Thu gầy yếu nên anh em ưu tiên dành gạo nấu riêng. Bác không cho làm như vậy. Bác bảo: Các chú chịu khổ được, Bác cũng chịu được.

*

*        *

Năm 1963, Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập, Phùng Thế Tài được cử giữ chức Tư lệnh đầu tiên của quân chủng.

Đối với lực lượng phòng không, lực lượng cực kì quan trọng được Bác Hồ hết sức quan tâm, Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính cùng cán bộ chiến sĩ quân chủng ngày đêm trăn trở để nâng cao sức mạnh phòng không, chuẩn bị cho một cuộc quyết chiến chiến lược đã được Bác Hồ tiên đoán.

Những năm chiến tranh ác liệt, Mĩ đã sớm đưa máy bay B-52 đánh phá các chiến trường trọng điểm của ta. Chuyện kể, có lần Bác Hồ sau khi nghe Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo tình hình đã hỏi ông: Chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa? Vốn thông minh, can trường, từng trải trận mạc nhưng ông vẫn không tránh khỏi lúng túng trước câu hỏi của Bác. Thấy thế, Bác ân cần nói: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao hơn mười cây số mà trong tay chú hiện chỉ có cao xạ thôi. Nhưng từ nay, là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này.” Khi máy bay B-52 Mĩ mở rộng đánh Vĩnh Linh ngày càng dữ dội, Bác Hồ đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân: “B-52 đã đánh bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân.”

Bộ đội Phòng không - Không quân trong 12 ngày đêm đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay khiến Mĩ hoảng loạn. 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Richard Milhous Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đúng như Bác Hồ tiên đoán, đế quốc Mĩ đã sử dụng máy bay B-52 và đi đến thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội. Trong chiến thắng lịch sử này, người cận vệ của Bác Hồ đã góp một phần công sức.

*

*        *

Từ một cậu thiếu niên khi nước nhà chưa giành được độc lập phải lưu lạc mưu sinh nơi đất khách quê người đến với cách mạng, được là cận vệ đầu tiên của Bác Hồ rồi chuyển sang đảm đương các vị trí chỉ huy quân sự, Phùng Thế Tài trưởng thành theo sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ông từng là Tiểu đội trưởng, Trung đoàn trưởng, Đại đoàn trưởng rồi đến Tư lệnh đầu tiên của một quân chủng hiện đại còn hết sức non trẻ của quân đội ta khi đó - Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông đã cùng các vị chỉ huy của quân chủng lãnh đạo cuộc chiến đấu làm thất bại chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mĩ mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Thượng tướng Phùng Thế Tài vẫn được gọi bằng cái tên trìu mến: “Vị tướng của 12 ngày đêm tháng Chạp, của trận Điện Biên Phủ trên không”.

N.V.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)