Di chúc thiêng liêng – từ góc nhìn của đối thoại văn hóa!

Thứ Sáu, 26/02/2021 09:20

. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

 

Xem xét một cách nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ nhất của các điều kiện cơ sở cũng như nội dung khái niệm thì Di chúccủa Bác Hồ là một văn bản mẫu mực của đối thoại văn hóa!

Có lẽ ít có tác phẩm nào được Bác viết trong một khoảng thời gian dài, có nhiều sửa chữa, bổ sung, cân nhắc kỹ lưỡng như vậy. Bản đầu tiên được viết ngày 15 tháng 5 năm 1965, bản thứ hai viết vào tháng 5 năm 1968, bản thứ ba được viết ngày 10 tháng 5 năm 1969 và bản thứ tư, bản toàn văn được Công bố năm 1969 (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, 1989). Bởi trước hết tác giả coi đây là việc làm Tuyệt đối bí mật, nhưng đúng hơn là ở tầm vóc văn hóa lớn lao của tác phẩm. Ở những năm 20 của thế kỷ XXI này thế giới đang bước mạnh mẽ vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn bao giờ hết, soi những mục đích, điều kiện, nội dung của đối thoại văn hóa vào Di chúc càng thấy Bác Hồ vĩ đại, kiệt xuất đi trước thời đại.

Di chúc - theo tính chất thể loại thì là một dạng văn bản ghi lại những điều mà người sắp từ giã cõi đời nói với những người đang sống, Di chúc thường được công bố khi người viết đã ra đi, do vậy đây là một văn bản, tự thân nó đã gợi nên những gì là ngậm ngùi, tiếc nhớ, buồn thương. Nhưng trong các bản viết tay Bác không hề dùng hai chữ “Di chúc”. Bản viết năm 1965 Người ghi “Nhân dịp mừng 75 tuổi” ở giữa dòng đầu, bên trái là 4 chữ “Tuyệt đối bí mật”. Trong phần nội dung, Người viết “để lại mấy lời này” (1965), “để sẵn mấy lời này” (bản công bố 1969) chứ cũng không nói là “di chúc”. Nhưng là người Việt Nam ai cũng hiểu đây là “Di chúc”. Như vậy Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn mang những nét đặc trưng thể loại thông thường, rất truyền thống nhưng luôn có xu hướng vượt thoát ra ngoài ranh giới thể loại để mang tầm vóc của một văn kiện lịch sử vô giá, hướng về tương lai, tiên đoán và khẳng định tương lai. Có thể gọi đây là một siêu thể loại.

Đó là một văn bản đối thoại văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm này, cực kỳ trí tuệ, sâu sắc, tầm nhìn vượt thời gian, không gian; rất mực yêu thương, nhân ái, khoan dung, vì con người. Văn bản hầu như đối thoại với tất cả mọi người (toàn dân, toàn Đảng, bộ đội, thanh niên, nhi đồng...); đối thoại về mọi vấn đề thiết cốt nhất của xã hội (đối nội, đối ngoại, chấm dứt chiến tranh, xây dựng đất nước, việc riêng, việc chung...). Có thể coi những câu chữ trong Di chúc là sự khái quát cao nhất cho một cương lĩnh phát triển vĩ mô cho những vấn đề được đề cập.

Đặc biệt Di chúc như mở ra một tương lai, một chân trời mới cho cả đất nước bằng sự khẳng định chắc chắn, tất yếu về niềm tin.

Không ngẫu nhiên mở đầu tác phẩm là một niềm tin chiến thắng: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.Đó là một điều chắc chắn”. Ở câu trên mệnh đề song nhất định thắng lợi hoàn toàn là một khẳng định nhưng vẫn được nhấn mạnh một lần nữa ở câu Đó là một điều chắc chắn. Để tác động mạnh hơn nữa vào thị giác người đọc, tác giả còn cho câu văn khẳng định này tách dòng đứng riêng. Các từ nhất định, hoàn toàn, chắc chắn là không thể thay thế. Giả sử dùng phép giả định tỉnh lược, để chỉ còn song sẽ thắng lợi thì nội dung câu văn vẫn giữ nguyên nhưng rõ ràng ý nhấn mạnh niềm tin đã bị giảm đi rất nhiều. Ở phần nói sau sự khẳng định còn mạnh mẽ hơn: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bốn câu văn ngắn cấu trúc giống nhau đều lấy “nhất định” (đều là thanh trắc) làm động từ chính tạo ra ngữ khí mạnh mẽ, rắn rỏi, chắc chắn diễn tả cao nhất sự tin tưởng đến tuyệt đối. Từ góc độ cấu trúc hình thức thì có thể hình dung ngôi nhà hòa bình Việt Nam được dựng trên 4 cái cột “nhất định” (thắng lợi, Mỹ cút, thống nhất, sum họp một nhà) vững chãi ấy!

Đặt Di chúc trong bối cảnh viết (10/5/1969) khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ còn đang ở giai đoạn cực kỳ gian khổ, ác liệt chúng ta càng thấy niềm tin này chỉ có thể có ở một bản lĩnh lớn, một khí phách lớn, một nhãn quan chiến lược thiên tài nhìn thấu tương lai. Hơn nữa đây là niềm tin của một vị Chủ tịch nước nên có tác dụng cổ vũ động viên rất lớn, từ niềm tin của một người gieo niềm tin đến muôn người. Có thể coi đây là một sự kết tinh của văn hoá người Việt về niềm tin, niềm lạc quan, dù ở trong tình huống khó khăn nào thì vẫn luôn hướng về những điều tốt đẹp, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

Trong các điều kiện cơ sở của đối thoại văn hóa thì “hiểu biết” được đặt lên hàng đầu. Di chúc chỉ có thể là tầm nhìn của một trí tuệ lớn mang tầm thời đại và đi trước thời đại khi đưa ra những dự báo chiến lược hết sức đúng đắn, mà đến hôm nay thực tế cho thấy đó là chân lý. Niềm tin toát ra Di chúc cũng chính là một biểu hiện của trí tuệ vô song ấy!

Di chúc là những lời đầy ân tình thể hiện rất rõ cách ứng xử văn hoá truyền thống coi mọi người như người trong một gia đình: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Và tấm lòng biết ơn, tri ân uống nước nhớ nguồn của người Việt: “Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Nếu có thể gọi là chính sách đối nội, đối ngoại trong Di chúc của Bác thì ta vẫn thấy một nguyên tắc trọng tình, văn hoá trọng tình, rất rõ bản sắc Việt Nam.

Trong nội dung chính, Người đặt ra vấn đề quan trọng nhất: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người đã khẳng định công lao, tài năng lãnh đạo của Đảng ta “từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, chỉ ra nguyên nhân thắng lợi: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ...”. Trong một câu văn có tới hai chữ đoàn kết, vừa để nhấn mạnh vừa để nói vấn đề cực kỳ quan trọng này không chỉ là cách thức, nguyên nhân, phương pháp mà còn là mục tiêu của cách mạng. Cũng trong câu văn này có tới ba lần Người dùng hai chữ “phục vụ”: “một lòng một dạ phục vụ giai cấp”, “phục vụ nhân dân”, “phục vụ Tổ quốc” để nhấn mạnh nhắc nhở cán bộ đảng viên phải lấy “phục vụ” là phẩm chất, là tiêu chuẩn đạo đức của người cách mạng. “Đoàn kết” để tạo ra sức mạnh để “phục vụ” dân tốt hơn! Trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì “nhân dân” là một phạm trù thiêng liêng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”, “không làm trái ý dân”, “Dân muốn gì ta phải làm thế”! Phục vụ dân là trách nhiệm vẻ vang và thiêng liêng của Đảng ta! Đấy là nguyên nhân dẫn đến mọi thắng lợi, cũng là lý tưởng, là mục đích của Đảng ta. Đấy cũng là văn hóa Đảng: đoàn kết tốt để phục vụ tốt!

Vấn đề đoàn kết được Người dành hẳn một đoạn văn ngắn, ngắn về câu chữ nhưng dài rộng về ý, sâu sắc về tình: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây cũng là những tư tưởng cơ bản của hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng chính là những nét nổi bật trong lịch sử tư tưởng người Việt, như Bác từng nhận định: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[1]. Trong một văn bản 1000 chữ Bác Hồ 8 lần nhắc lại hai chữ “đoàn kết” cho thấy Người quan tâm nhất về “đoàn kết”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”!

Ở phần “nói về Đảng” (cũng là nói với Đảng), các chữ “thật sự” (thấm nhuần đạo đức, cần kiệm liêm chính); thật (trong sạch, trung thành); “kế hoạch thật tốt” là nhắc Đảng ta từ lãnh đạo tới đảng viên phải nghiêm túc thực hiện. Đằng sau những chữ “thật” này là cả một ẩn ý lớn: không “thật” sẽ là mối nguy hại cho Đảng!

Vấn đề phục vụ được Người khái quát lại trong câu văn với một hình tượng thật sinh động và cụ thể: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây chính là sứ mệnh của Đảng ta, là tầm văn hoá của Đảng ta, một tầm vóc văn hóa lớn lao, phải thật trong sạch, có thế mới là người lãnh đạo, có thế mới là người đầy tớ của nhân dân. Rõ ràng trong cách diễn đạt của Người thì hai vấn đề này quan hệ mật thiết, biện chứng, hữu cơ, không thể chỉ có một vế lãnh đạo hoặc đầy tớ vì thế không nên tách rời hai phương diện này khi phân tích hoặc trích dẫn.

Hai chữ “đầy tớ” được Người dùng 57 lần (thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập. 12 tập) là một từ ghép, chỉ người phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành. Từ này thì ai cũng hiểu vì đã trở nên quen thuộc trong truyện cổ dân gian, trong tục ngữ ca dao và cả trong đời thường nên được tác giả sử dụng để nói về bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của người cách mạng phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành với nhân dân:“Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đày tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài”[2].Ngay từ những ngày đầu giải phóng Người đã đề ra nhiệm vụ “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”[3].

Bác Hồ 2 lần nhắc đến khái niệm “đạo đức cách mạng” và được định nghĩa một cách ngắn gọn nhất là “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và “thật trong sạch”. Đảng phải “thấm nhuần” điều này để để xứng đáng là “người lãnh đạo” và là “người đầy tớ” của nhân dân. Đồng thời còn để “giáo dục” cho đoàn viên và thanh niên. Ở ngày hôm nay chúng ta càng thấy lời Bác mang tính thời sự sâu sắc: “Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Thực tế cho thấy thanh thiếu niên ta rất thông minh, bước vào cuộc cách mạng 4.0, điều họ còn cần trang bị thêm là bản lĩnh chính trị, là lý tưởng, là lối sống chuẩn mực...Xét kỹ vẫn là những điều Bác Hồ đã khái quát “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và “thật trong sạch”.

Sinh thời, điều quan tâm nhất của Bác Hồ là “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, là“ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mục đích cao nhất của Người là làm sao cho nhân dân được hạnh phúc. Đấy là minh triết, đấy là văn hoá, văn hóa đẹp nhất, cao cả nhất. Trong Di chúc, Người thể hiện điều ấy trong câu văn nhắc nhở Đảng ta: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Hôm nay chúng ta tự hào thưa với Bác đã làm đúng theo lời Bác và quyết làm rạng danh non sông gấm vóc này để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ở phương diện ngoại giao, văn hóa Hồ Chí Minh là văn hoá kết nối các nền văn hoá: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”. Trong đoạn văn hơn 100 chữ Người dùng 4 lần hai chữ “anh em” (“các đảng anh em” 3 lần; “các nước anh em” 1 lần) để nhấn mạnh sự quan hệ máu thịt, quan hệ như trong một nhà giữa đảng ta với “các đảng anh em”, “các nước anh em”. Cũng là gián tiếp nhắc Đảng ta phải có bổn phận và nghĩa vụ, nhất là trong “việc khôi phục lại khối đoàn kết”! Tầm nhìn của Bác là tầm nhìn xa, rộng, tầm nhìn chiến lược cách mạng mang tính toàn cầu. Cách mạng nước ta luôn nằm trong dòng chảy của cách mạng thế giới, Đảng ta lớn mạnh thêm cũng một phần nhờ sự giúp đỡ của các đảng anh em. Giúp người tức là giúp mình. Văn hoá Hồ Chí Minh là thế, Đảng ta phải tự lớn mạnh và sẽ lớn mạnh hơn nhiều khi các đảng anh em đoàn kết thành một khối vì một mục tiêu chung: chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Bác sống như trời đất của ta nhưng Nâng niu tất cả chỉ quên mình, cả bản Di chúc dài, Bác chỉ dành mấy lời nói về cá nhân mình, nhưng xét kỹ, việc riêng ấy cũng là việc chung, cũng là dĩ công vi thượng: “Về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Đối với người cách mạng chân chính thì sống là cho, chết cũng là cho. Bác Hồ của chúng ta là thế, sống đã vì dân, khi từ biệt thế giới này cũng vì dân. Đó là văn hoá vì nhân dân.

Triết học môi trường của thế giới hôm nay nhấn mạnh vào các vấn đề trong sạch hóa môi trường, tôn trọng tự nhiên và kiến tạo một “không gian xanh”. Về phương diện này Bác Hồ cũng đi trước thời đại. Bác yêu cầu đốt thi hài là rất đúng với xu thế hiện đại, lời giải thích của Bác là thật sự khoa học “tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”. Bác đề nghị tro chia làm 3 phần chôn ở 3 quả đồi ở 3 miền không chỉ đúng về mặt khoa học (đồi đất không quá cao, không bị ngập lụt, tiện thăm viếng, dễ trồng cây) còn phù hợp với văn hóa tâm linh cổ truyền (Sống vì mồ vì mả), tôn trọng cao nhất tập quán từng vùng miền “nên chọn 1 quả đồi” (đồng bào sẽ chọn quả đồi nào tiện đi lại, hợp tín ngưỡng, phong thủy). Điều rất đúng với mọi cảnh quan là “trồng cây”, “cây nhiều thành rừng” sẽ “tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Bác khuyến khích trồng cây (ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm). Đây chính là vấn đề cốt lõi của việc “kiến tạo không gian xanh” mà hôm nay hầu hết các nước đều đi theo.

Xin nói thêm, ở mục “việc riêng” này chúng ta vẫn thấy Bác quan tâm đến nhân dân hơn cả mồ mả cho mình: “Trên mả, không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”. Bác mong muốn việc trông nom “mả” và rừng cây “nên giao phó cho các cụ phụ lão” là hoàn toàn nhất quán với lúc sinh thời muốn tránh xa vòng danh lợi, làm bạn với cụ già, trẻ chăn trâu.

Các đối thoại văn hóa luôn có những giải pháp văn hóa. Chưa đưa ra được các giải pháp mang tính khả thi thì đối thoại chưa thành công. Một điều cực kỳ đáng quý là Di chúc đưa ra những giải pháp chiến lược hết sức khái quát mà cũng thật cụ thể. Ví dụ về “đoàn kết” có ba giải pháp: một là “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên”, hai là “nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, ba là “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Tại sao giải pháp cuối này Bác để ở cuối đoạn. Có thể hiểu thế này: mọi việc rồi sẽ qua đi nhưng tình người thì còn lại mãi mãi. Những việc “thực hành dân chủ” hay phê bình mình, phê bình đồng chí rồi sẽ qua đi nhưng làm sao để lại cái “tình đồng chí”. Như vậy mục tiêu (đoàn kết) cũng là cái tình, động lực, phương pháp (đoàn kết) cũng là tình và kết quả cũng là tình. Thật đúng với bản sắc trọng tình của văn hóa Việt, cũng rất đúng với tư tưởng yêu thương quý trọng con người của Hồ Chí Minh.

Đúng với tính chất thể loại văn di chúc, phần cuối rất quan trọng, để dồn tụ những ý tưởng, gói lại những di nguyện. Cấu trúc quy nạp này cũng phù hợp với tâm lý thông thường nhấn mạnh những điều cần trao gửi, nhắn nhủ, tạo ra hiệu ứng nhớ nhung, luyến tiếc, xót xa ở người đọc. Di chúc của Bác Hồ chỉ tuân theo lô gich hình thức của thể loại nhưng gợi ra hiệu ứng hoàn toàn khác, mới mẻ, sáng sủa, tràn đầy niềm tin tưởng. Đoạn cuối Di chúc khép lại về câu chữ nhưng mở ra về ý về tình, về một tương lai, một tiền đồ sán lạn: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đây là một “giải pháp văn hóa” thực sự lớn lao vì là hướng đi cho cả đất nước. Không chỉ là mong muốn” của riêng ai mà của tất cả vì nó đã thực sự kêu gọi được sự đồng cảm, đồng tâm, đồng ý, đồng chí từ những vấn đề đã đặt ra và giải quyết ở trên. Di chúc nói chung, xét về bản chất cũng là di nguyện, thì “mong muốn” này chính là một “di nguyện” của một con người vĩ đại bởi đó là một mô hình xã hội lý tưởng mà chỉ ở một tầm cao văn hóa kiệt xuất mới có thể kiến tạo được. Có thể coi đây là một mô hình xã hội chủ nghĩa, bao gồm các khái niệm: HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT, ĐỘC LẬP, DÂN CHỦ, GIÀU MẠNH. Sự sắp xếp trật tự các khái niệm này là không thể thay đổi bởi chúng đã được cấu trúc trong một hệ thống lôgich chặt chẽ cao nhất, khái niệm nọ làm tiền đề, làm điểm tựa cho khái niệm kia. Mô hình này có tốt mới làm tiền đề cho mệnh đề sau “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”!

N.T.T


[1]Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr 217.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 30.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000), 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 245.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)