. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Dưới đây là những dòng thư của những sỹ quan chỉ huy được tác giả trích lại. Là những kẻ được đào tạo cơ bản, có học thức lại đang ở trực tiếp trên chiến trường, nắm được cụ thể, tường tận tình hình nên lời kể của họ rất đáng tin:
“Quan ba Bourdeaux viết cho bà Bourdeaux:Người ta thường nói xứ này nước độc. Nhưng tôi không ngờ nước độc đến thế này. Trung đội của tôi, 30 người sốt rét, 20 người bị hắc lào”.
Đội trưởng Paureau viết:
“Đã 3,4 ngày, 8 người bị thương nằm chờ không có thuốc. Ba người đã chết rồi. Sao họ không thả dù thuốc? Nếu có thuốc thì những người đó không đến nỗi chết, tội nghiệp như thế. Không có máy bay để thả dù thuốc, nhưng nếu tướng Salan muốn đi chơi thì bao nhiêu tàu bay cũng có!”.
Thư là một hình thức mang tính chủ quan, riêng tư, viết cho người khác để bộc lộ tư tưởng, quan điểm của mình. Đây là những dòng thư thật nhất: “Viên y tá Florantin viết cho cha mẹ:
“Thưa thầy mẹ, con không ngờ người ta mà nỡ lòng phạm đến việc tàn sát đàn bà trẻ con, đốt phá cướp bóc, như mắt con đã trông thấy... Con thú thật rằng con xấu hổ cho loài người, con xấu hổ cho người Pháp”.
Tên lính nhảy dù Mayette viết:
“Bọn Việt Minh không phải là người, và người ta giết chúng như giết lợn”[1]. Vì còn làm nghề y tá (dĩ nhiên là có học) nên biết thương đồng loại, do vậy mà anh ta “không ngờ” “người ta mà nỡ lòng phạm đến việc tàn sát đàn bà trẻ con, đốt phá cướp bóc”, và anh ta biết “xấu hổ”. Nhưng lời của anh lính dù thì hoàn toàn vô cảm, là lời của chính anh ta, một “cái máy” giết người: “Bọn Việt Minh không phải là người, và người ta giết chúng như giết lợn”.
Ngoài những thư than phiền vì bệnh, lại có nhiều thư than phiền vì đói rét. Bộ đội Pháp chỉ ăn đồ hộp Mỹ. Nhưng đồ hộp đó đáng lẽ chỉ dùng đến năm 1942 thì thiu, không nên dùng nữa. Nhưng người Pháp vẫn dùng, chẳng những vẫn dùng mà không có đủ mà dùng”[2]. Đây là tình hình bi quan của quân đội Pháp ở những ngày cuối năm 1947 tại Việt Bắc. Những dòng thư này vừa mang tính “thông báo” tình hình, vừa là những lời kết tội bọn thực dân hiếu chiến - kẻ chủ mưu gây ra chiến tranh với những tính cách giả dối, tráo trở: “Những lời rêu rao của bọn to đầu (Pháp), tức là những lời chửi rủa những anh em ta đã bị hy sinh. Tôi tự hỏi: Bao giờ trò hề ấy sẽ chấm dứt? Bao giờ sự thật sẽ được rõ ràng?”; những kẻ “mang con bỏ chợ”, mất tính người, tình người: “Đã 3,4 ngày, 8 người bị thương nằm chờ không có thuốc. Ba người đã chết rồi. Sao họ không thả dù thuốc? Nếu có thuốc thì những người đó không đến nỗi chết, tội nghiệp như thế”; những kẻ vô nhân ăn chơi trên xương máu của lính chiến: “Không có máy bay để thả dù thuốc, nhưng nếu tướng Salan muốn đi chơi thì bao nhiêu tàu bay cũng có!”.
Trong cuộc xâm lược hòng áp đặt chủ nghĩa đế quốc mới ở châu Á, đế quốc Mỹ đã gặp phải những thất bại nặng nề nhưng chúng cố tình xuyên tạc sự thật. Đây là lời tự thú của một tên tướng chỉ huy trực tiếp ở mặt trận Triều Tiên, chẳng khác nào cái tát, vả vào chính mặt mình - bộ mặt giả tạo Mỹ:“Sư trưởng sư thứ 40 của Mỹ, tên là Hớtxơn (Hutson), hôm 9-6-1952 từ Triều Tiên về Mỹ. Y nói với các nhà báo rằng:
“Bao giờ quân cộng sản định tấn công, thì họ cũng có thể tấn công đuổi quân Mỹ ra khỏi Triều Tiên. Quân Mỹ không thể chống nổi. Vì quân cộng sản đông người quá, quân Mỹ địch không lại. Chẳng qua đó là ý kiến riêng của tôi”.
Lời tuyên bố của tướng Hớtxơn đã làm cho Bộ Quốc phòng Mỹ hoang mang, tức tối. Quốc hội Mỹ cũng đòi Bộ Quốc phòng báo cáo rõ số lính Mỹ ở Triều Tiên. Bộ Tổng tham mưu Mỹ lập tức gọi Hớtxơn đến chất vấn. Hớtxơn nhận rằng y có tuyên bố như thế, và nói thêm: “Tôi xin nói lại một lần nữa: quân cộng sản đông lắm, họ có thể đánh phá bất cứ một mặt trận nào ở Triều Tiên. Nếu chúng ta muốn đánh thắng họ, thì nhân dân Mỹ không chịu nổi một số người chết và bị thương to lớn như vậy. Tôi biết rõ sự khó khăn ấy. Tuy quân Mỹ có vũ khí tốt hơn nhưng quân Trung Quốc cũng có đủ vũ khí tốt! Dù quân Mỹ dùng nhiều máy bay, cũng vô ích... Tôi là một sư trưởng, trực tiếp đánh nhau ở Triều Tiên, sự thật thế nào, tôi nói như vậy”[3]. Cái lời “nói thêm” của tên tướng này thật đáng cười cho “Bộ Quốc phòng Mỹ”: đang “hoang mang, tức tối” lại càng “hoang mang, tức tối” thêm, vì sự thật vẫn là sự thật, hơn nữa sự thật ấy lại được “bảo hiểm” bởi một tư cách: “Tôi là một sư trưởng, trực tiếp đánh nhau ở Triều Tiên, sự thật thế nào, tôi nói như vậy”.
“Tạp chí Văn nghệ xuân thu (5-1965) đã đăng một bài của ông Xatô Kenriô. Ông này trước đây là trung tướng phó tham mưu trưởng quân đội Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, đồng thời là người phụ trách quân đội Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương. Ông Kenriô viết: “Tôi là một tội phạm chiến tranh đã bị kết án vì những tội lỗi của tôi đã phạm ở Trung Quốc... Hành động tội ác của Mỹ ở Việt Nam hiện nay giống hệt những tội ác của Nhật Bản ở Trung Quốc ngày xưa... Vì sao Mỹ cứ ngu xuẩn đi theo vết xe xuống hố của Nhật Bản? Đối với cuộc vận động thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ thua...”[4]. Lý thuyết ngôn ngữ học giao tiếp cho rằng vị thế phát ngôn rất quan trọng, mang tính chất làm rõ hơn, khẳng định nội dung phát ngôn. Đây là một nguyên lý trong việc sản sinh ra một văn bản phát ngôn, có những nội dung phát ngôn ít người để ý nhưng nếu nội dung đó lại là của một chủ thể phát ngôn có vị thế mang tầm ảnh hưởng nhất định thì dễ được quan tâm. Ví dụ này là một minh hoạ, người phát ngôn từng “là trung tướng phó tham mưu trưởng quân đội Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, đồng thời là người phụ trách quân đội Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương”, nghĩa là một người am hiểu sâu sắc tình hình chính trị, quân sự Trung Quốc và Đông Dương thời chiến tranh. Với cái nhìn quân sự một cách chuyên nghiệp nên ông ta đủ tư cách để nhận định về tình hình quân đội Mỹ hiện nay ở Việt Nam, và ông đã nhận định, một nhận định của một “chuyên gia”: “ Hành động tội ác của Mỹ ở Việt Nam hiện nay giống hệt những tội ác của Nhật Bản ở Trung Quốc ngày xưa”. Và dự báo mà ông ta đưa ra cũng rất “chuyên nghiệp”: “Đối với cuộc vận động thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ thua”.
Dưới đây là “những điều mắt thấy tai nghe” của một cố vấn Mỹ về tình hình miền Nam Việt Nam trong những năm chiến tranh. Hơn nữa lại là lời của một lá thư gửi cho bạn ở Hoa Kỳ nên hoàn toàn trung thực vì hoàn toàn không liên quan đến vấn đề chính trị: "Sau 5 tháng ở đây, những điều tai nghe mắt thấy khiến tôi đối với nước Mỹ chưa bao giờ thất vọng như bây giờ. Tôi thấy số đông người viết báo không viết để nói sự thật, mà chỉ viết bài để bán. Vì danh vì lợi mà họ viết lung tung. Phần nhiều bức ảnh đều chụp tại những nơi huấn luyện ở hậu phương, mà họ nói đó là ảnh những trận chiến đấu thật. Nếu bạn thấy bức ảnh một người Việt cộng giơ hai tay từ trong hầm bước ra, bạn có thể chắc rằng đó là một chuyện bịa đặt.
Những người lãnh đạo cái nhà nước Nam Việt Nam đều là bọn trộm cướp, hủ bại, đê hèn, hồ đồ. Họ đều ghét cộng sản, nhưng tên nào cũng có rất nhiều tiền bạc gửi ở nhà băng nước ngoài. Số tiền đó nhiều gấp mấy lần số tiền lương của họ...
Tôi mới chuyển sang làm cố vấn một đơn vị lính cưỡi ngựa của Nam Việt. Trong một năm, đơn vị này đã thay đổi ba cố vấn. Hai người đã chết ở mặt trận. Người thứ ba đã bị thương... Tôi tự hỏi vì sao tôi phải xa vợ, rời con để đến bên này thế giới? Tôi cũng không hiểu vì sao tôi phải đi đánh nhau, vì sao tôi phải mạo hiểm, chết chóc...”[5]. Chọn lời thư gửi bạn của một cố vấn, bạn đọc sẽ thấy cả hai phương diện, chủ quan và khách quan, đó là cái tâm lý chủ quan cuả người Mỹ trong chiến tranh: “chưa bao giờ thất vọng như bây giờ”, và chỉ có ở góc nhìn này mới có thể đưa ra những nhận định có sức thuyết phục: “Những người ở Hoa Thịnh Đốn đang sống mơ màng trong giấc chiêm bao. Tôi lo rằng họ tự lừa bịp và lừa bịp nhân dân Mỹ. Kết cuộc họ sẽ bị đắng cay”. Không một ai có cái nhìn trung thực hơn người cố vấn này, vì đó là một người Mỹ trong cuộc nhìn về chính người Mỹ. Đồng thời cũng chỉ có ông ta, ở cương vị cố vấn nên biết nhiều, biết kỹ về “những người lãnh đạo cái nhà nước Nam Việt Nam đều là bọn trộm cướp, hủ bại, đê hèn, hồ đồ”…
Chúng tôi cho rằng ví dụ này rất tiêu biểu cho thủ pháp kịch hoá trần thuật trong văn xuôi Hồ Chí Minh ở phương diện người kể - nhân vật tự kể lại “những điều mắt thấy tai nghe”, kể mà như “phơi” cả gan ruột cho bạn đọc biết, kể mà như lột trần cả bản chất đối tượng được nói tới. Đó là cả một nghệ thuật!
N.T.T
[1]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 5, tr 364.
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 5, tr 359, 360.
[3]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 6, tr 580.
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 11, tr 530.
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 12, tr 68, 69.
VNQD