Đấu tranh chống những khuynh hướng sai lầm trong văn học nghệ thuật!

Thứ Sáu, 02/04/2021 10:26

. NGUYỄN THÀNH ĐẠT

 

1. Không được “Giải thiêng” lịch sử.

Gần đây người ta hay nhắc đến hai chữ “giải thiêng” như là một thứ mốt thời thượng, thực ra khái niệm này ra đời trong khuynh hướng hậu hiện đại phương Tây đã lâu nhưng ở ta đang có hiện tượng lạm dụng.

“Giải thiêng” gắn liền với nhu cầu nhận thức lại, nghĩa là đánh giá lại một hiện tượng nào đó trên cơ sở phân tích, bàn luận một cách khoa học, nghiêm túc. Nếu đáng “giải thiêng” thì phải “giải thiêng” chứ không thể nói ngược, xóa bỏ tính thiêng của thần tượng đã được lịch sử khẳng định. Gần đây có một vài văn nghệ sĩ có dụng ý không hay là “hạ bệ” (cũng là giải thiêng) Anh hùng Võ Thị Sáu, một thần tượng của ngay kẻ thù là thực dân Pháp và tay sai. Thế là “nói ngược” để gây chú ý.

Mấy năm trước rộ lên “phong trào” viết về Cải cách ruộng đất, nhất là trong tiểu thuyết. Đó là chủ đề đáng viết vì là một ký ức lịch sử. Nhưng cái đáng bàn là lẽ ra phải phân tích cái được cái mất, cái hạn chế, cái tích cực, bài học và ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa nhân văn…thì có tác giả lại thích thú đi sâu vào cái sai lầm, cái bi tạo ra cảm giác nặng nề về ý nghĩa cách mạng của cuộc Cải cách lịch sử này.

Trước đó, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã “giải thiêng” Hoàng đế Quang Trung, chung quanh chuyện này đã tạo ra tranh luận: đọc văn phải khác đọc sử. Sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có cái nhìn chung, nhất quán. Nhà văn có quyền hư cấu nhưng chỉ nên hư cấu trên nền sự thật, nghĩa là Quang Trung là anh hùng thì có thể tưởng tượng thêm những tính cách mới nhưng vẫn phải để người đọc thấy đó là anh hùng Quang Trung. Ngược lại, hư cấu ít mà lại “giải thiêng” làm méo mó thần tượng thì cũng là đáng trách.

Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp là như vậy, dĩ nhiên ta vẫn khẳng định ông là nhà văn tài năng. Gần đây hơn, Nguyễn Quang Thân trong “Hội thề” cũng đi vào “lối mòn” cũ khi xây dựng thần tượng Lê Lợi với những “tiểu khí” nhỏ nhen, thô lỗ, cuồng sát…còn Nguyễn Trãi lại yếu đuối, nhu nhược. Trong khi đó tướng giặc xâm lược lại có vẻ nghĩa hiệp và hào hiệp…Thật không đúng với lịch sử!

Tác dụng giáo dục của văn chương liệu có còn khi có những chi tiết như thế trong văn học. Từ góc nhìn này ta thấy Võ Thị Hảo trong “Giàn thiêu” cũng sai sót khi “giải thiêng” nhân vật huyền thoại Từ Đạo Hạnh vốn đã được tôn thờ trong tâm thức dân gian.

Bi kịch lịch sử luôn là đề tài hấp dẫn, mời gọi những cách lý giải mới, nhưng không nên “nói khác” lịch sử. Gần đây hình tượng Anh hùng Nguyễn Trãi cùng vụ án Lệ Chi viên hay được khai thác, tiếc rằng có tác giả mải mê theo môtip “giải thiêng” làm méo mó hình ảnh thần tượng. Đó là trường hợp “Vạn Xuân” (của Yveline – nữ văn sĩ Pháp) miêu tả Nguyễn Trãi làm tình rất bản năng với một gái làng chơi.

Bản năng tính dục thì ai cũng có, nên có thể hư cấu nhưng với “gái làng chơi” là khó chấp nhận, lại theo kiểu “hùng hổ” như “xé xác một con chim non” thì quả không đúng với con người Nguyễn Trãi đại nhân, đại trí với tầm văn hóa đi trước thời đại. Tương tự, tác giả Nguyễn Thúy Ái trong “Trở về Lệ Chi viên” miêu tả một Nguyễn Trãi tầm thường với chuyện giường chiếu, một Thị Lộ xảo quyệt, đầy ham hố dục tính, lăng nhăng…thì là những chuyện “phản lịch sử”.

Có thể kể thêm một số truyện ngắn của Trần Vũ, như trong “Mùa mưa” đã “giải thiêng” anh hùng Nguyễn Huệ qua chuyện chăn gối với Ngọc Hân, rồi trong “Gia phả” là “hạ bệ” Trần Thủ Độ với bản tính cuồng dâm, thô bạo…(1).

Phần lớn nguyên nhân những sai sót trên là thuộc về quan niệm chứ không phải kỹ thuật hay tri thức. Sẽ là khoa học, là chân lý và công lý như chỉ “giải thiêng” những nhân vật lịch sử nào bị nhìn nhận sai lệch, bản chất là xấu nhưng lại được đánh giá là tốt, rồi vạch ra công tội rõ ràng. Hẳn nhiên văn học khác sử học, một là nghệ thuật hình tượng, một là số liệu, dữ liệu. Nhưng giữa văn và sử có một nét chung, văn học là khoa học về con người, mà lịch sử, xét đến cùng cũng là con người.

Chân lý nghệ thuật không đồng nhất nhưng thống nhất với chân lý lịch sử, thống nhất ở chỗ đều lấy con người làm mẫu số chung. Làm méo mó lịch sử, tức là làm méo mó con người, và ngược lại! Trung thực với lịch sử là trung thực với con người, nhất là với các vĩ nhân thì thật đáng kính, đáng trọng vì họ đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Làm tổn thương biểu tượng cũng là làm tổn thương bạn đọc!

2. Không nên lạm dụng lý thuyết nước ngoài.

Chúng ta đã và đang tiếp thu các lý thuyết nước ngoài hiện đại, phù hợp để làm giàu có thêm gia tài văn hóa. Các hướng nghiên cứu Thi pháp học, Tự sự học, Phê bình văn hóa, Phê bình sinh thái, Phê bình nữ quyền…do tương thích với cơ sở xã hội và văn học mà tạo ra những dấu ấn mới mẻ, tích cực ở cả sáng tác và nghiên cứu. Nhưng cũng có những khuynh hướng không lành mạnh thiếu kiểm chứng chặt chẽ mà tạo ra những hiệu ứng không như mong đợi.

Chúng tôi muốn đề cập tới khuynh hướng hậu hiện đại ảnh hưởng vào nước ta đã mấy chục năm, tạo ra nhiều cuộc tranh luận nhưng vẫn chưa có kết luận rốt ráo nhất về tích cực và hạn chế, cái được và chưa được trong sáng tác, nghiên cứu và tiếp nhận. Ở đây xin đưa ra cái nhìn về hậu hiện đại ở một vài phương diện có biểu hiện cụ thể nhất chứ không dám đánh giá một cách bao quát, đầy đủ - việc làm của một công trình dài hơi, công phu.

Khái niệm hậu hiện đại ra đời trong lòng các nước tư bản phát triển những năm giữa thế kỷ XX, nở rộ vào những năm cuối thế kỷ. Nó có cơ sở xã hội và ý thức là khi xã hội bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, văn minh tin học bùng nổ, internet kết nối toàn cầu thành một cái làng, chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi...từ đó dẫn tới khủng hoảng niềm tin, con người hoài nghi cả Thượng đế (không cần Chúa vẫn có thể tạo ra những điều kỳ lạ). Con người không điều khiển ngôn ngữ mà ngược lại, ngôn ngữ lại điều chỉnh người. Dần dần một số nhà nghiên cứu khái quát thành lý thuyết với quan niệm về con người dị thường, ảo giác hoá, con người sống trong hoài nghi, hư vô, bi quan, phi lý...

Tương ứng với quan niệm này là cả một hệ thi pháp hậu hiện đại, như chủ đề phi trung tâm, không bản chất, sáng tác ngẫu hứng, lắp ghép, phân mảnh...Hình tượng mang tính phi lý. Tình tiết chồng chéo. Ngôn ngữ là một trò chơi... Một nhà nghiên cứu nước ngoài nhận xét, có thể là cực đoan nhưng phần nào giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về mặt hình thức của hậu hiện đại, thì tác giả cầm một cái bình pha lê đập mạnh xuống sàn gạch, mảnh vỡ tung toé!!! Đấy là “sáng tác” hậu hiện đại.

Hậu hiện đại không phải là một “thành tựu” mà chỉ là một đặc điểm của văn học phương Tây hiện đại. Đó là một thế giới đa cực, phi trung tâm, bế tắc, mất phương hướng nên tất nhiên dẫn tới quan niệm “cái chết của chủ thể”, “cái chết của hiện thực”, “cái chết của đại tự sự” (vì phân mảnh mất rồi), “cái chết của văn học”... Do vậy hậu hiện đại hay đi vào những “dị biệt” với điên dại, hoang tưởng, vô thức, dục tính, đồng tính, trầm cảm, tự hành xác...

Đóng góp của hậu hiện đại chỉ nên tiếp thu những thành quả nghệ thuật như thủ pháp giễu nhại, phi tuyến tính hóa không gian, thời gian, lối trần thuật ghép mảnh...tạo cho văn bản tính chất đa điểm nhìn, nhiều tầng nghĩa... Nhưng nghệ thuật như một sinh mệnh thống nhất hữu cơ nội dung và hình thức, tiếp thu hình thức cũng đã bao hàm tính nội dung rồi. Điều này lý giải có những văn bản mới mẻ về hình thức nhưng lại mang một nội dung thiếu lành mạnh. Do vậy mà càng phải hết sức thận trọng.

“Hoàn cảnh hậu hiện đại” ở phương Tây hoàn toàn khác với cơ sở xã hội nước ta chưa nói tới sự không phù hợp với bản sắc Việt từ ngàn năm nay với chủ nghĩa yêu nước “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tình thương, trân trọng, quý mến con người “Một mặt người bằng mười mặt của”, tinh thần lạc quan “Còn da lông mọc còn chồi nẩy cây”. Không phù hợp với tính cách Việt ý nhị, tinh tế, kín đáo...Do vậy ứng dụng không chọn lọc dứt khoát sẽ có sự khập khiễng.

Xin trích ra một đoạn văn hậu hiện đại: “Úi a…sao mà nhức nhối ui… Còn mình thì đếk bít dòng rõi dòng rọc nhà lào chỉ biết nhà mình trồng thuốc lào cái rằng là quê iem ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ơi, mịa mấy lâu mọi người vẫn đố nhau xem thành phố tỉnh thành lào là mạnh về cái khoản ấy nhất cho nên chúng nó lục tìm trong các bài hát tìm hỉu thế là thằng Hà Nội thủ đô oách nhất, tự nhận là mình kinh nhất với dẫn chứng “kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao” ui chao thế cũng là oách lắm roài đủ sung sướng cho chị em lắm cơ nhưng mờ vữn đếk bằng Hải Phòng quê mình đâu nha: “Hải Phòng đó… hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu…”(3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]).

Một đoạn văn nhại, giễu, phản cú pháp, lắp ghép…rất “hậu hiện đại” phù hợp với tính “giải thiêng”. Không phủ nhận khuynh hướng này đã làm “lạ hóa” (nhưng có thể chưa mới) thêm sắc màu của bức tranh văn học, trên thực tế có những tác phẩm gây tranh luận, hấp dẫn độc giả. Nhưng đến hôm nay nhìn lại quả là “hậu hiện đại” lợi có mà dở cũng nhiều. Ngay ở mục trên đã đề cập thì “thông tục hóa thị hiếu thẩm mỹ” chính là một biểu hiện của hậu hiện đại. Và không chỉ có một “hậu hiện đại”, rồi còn “hậu-hậu hiện đại”, lại “hậu thực dân”…, liệu có được ứng dụng? Ý của chúng tôi là chúng ta tiếp thu thành quả văn hóa nhân loại nhưng phải chọn lọc cái tiến bộ phù hợp với văn hóa Việt, tính cách Việt.

Tiếp thu để làm giàu văn hóa nước mình chứ không thể chạy theo thiên hạ. Đến hôm nay ở phương Tây hậu hiện đại đã lạc hậu nhường chỗ cho siêu hiện đại (metamodernism), hay còn gọi là hậu-hậu hiện đại (post-post modernism). Chạy theo thì mãi đi sau, phải có cái gì của riêng mình. Tiếp thu bên ngoài chỉ là cành lá, bản sắc dân tộc mới là gốc. Gốc vững thì cành lá mới có điều kiện quang hợp ánh sáng của bầu trời văn hóa nhân loại để kết trái thơm tác phẩm.

N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)