. PHAN VIỆT HÙNG
1. Ngày 7/11/1958, đúng ngày kỉ niệm 41 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, có một người đàn ông Nga ôm một bó hoa hồng đỏ rực đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Trước đó 8 tháng, bệnh viện này có tên là Bệnh viện Hồng Thập Tự Liên Xô.
Người mà người đàn ông Nga đến thăm là một cô gái Việt Nam bé nhỏ, mới nhập bệnh viện nói trên mấy tháng trước đó. Khi cô vào viện, hồ sơ bệnh án ghi: “Cân nặng: 26 kg. Tình trạng bệnh nhân: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, đầu vú bị cắt còn loét nham nhở, bộ phận sinh dục chảy máu liên tục.”
Cô gái đó chính là Trần Thị Lý, người mà nhà thơ Tố Hữu đã gọi là “Người con gái Việt Nam” trong bài thơ cùng tên sáng tác tháng 12/1958:
Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, là mây hay là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa
đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?
Trần Thị Lý khi đó mới 25 tuổi, đã từng bị địch bắt 3 lần, dùng đủ các loại cực hình tra tấn như điện giật, dùi đâm, đổ nước xà phòng, dùng dao cắt vú, dùng lửa nung bộ phận sinh dục… nhưng người phụ nữ trung kiên ấy vẫn không hé răng dù chỉ một lời. Tháng 12/1957, tưởng Trần Thị Lý đã chết, bọn địch vứt xác cô ra phía sau nhà lao Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam). Đồng đội đã tìm cách cứu sống, rồi bí mật đưa Trần Thị Lý qua Campuchia, rồi từ đó chuyển cô về Hà Nội bằng đường máy bay.
Người đàn ông đến thăm Trần Thị Lý vào ngày 7/11/1958 chính là Pavel Antokolsky (1896-1978), nhà thơ, nhà viết kịch Xô-viết nổi tiếng, từng được nhận giải thưởng Stalin năm 1946. Năm 1958 ông 62 tuổi và sang Việt Nam công tác trong 36 ngày. Về nước, đến năm 1960 ông xuất bản 2 cuốn sách. Cuốn thứ nhất là Sức mạnh Việt Nam, cuốn thứ hai là bản dịch Nhật kí trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bìa cuốn sách Sức mạnh Việt Nam bằng tiếng Nga.
2. Tôi biết thông tin về chuyến thăm nữ anh hùng Trần Thị Lý của Antokolsky là nhờ đọc Sức mạnh Việt Nam của ông, sau này được in trong cuốn thứ tư của Tuyển tập Pavel Antokolsky. Là một cựu chiến binh từng trải qua trận mạc của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, hẳn nhà thơ Xô-viết thấu hiểu hơn cả những nỗi đau mà Trần Thị Lý và dân tộc Việt Nam đang phải hứng chịu.
Có lẽ Antokolsky là một trong những người nước ngoài đầu tiên đến thăm “Người con gái Việt Nam” tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, bởi sau ông, từ ngày 11 đến 21/11/1958 có 39 đoàn khách quốc tế đã tiếp tục đến thăm Trần Thị Lý và 62 đoàn khác tiếp tục đăng kí vào thăm.
Trong cuốn Sức mạnh Việt Nam in năm 1960 nói trên, Pavel Antokolsky kể ông có nhận được một bức thư của nhà văn Nguyễn Văn Bổng yêu cầu nhà văn Xô-viết đưa ra công luận Liên Xô và thế giới những tội ác tày trời của Mĩ - Diệm với đồng bào miền Nam. Antokolsky gọi cuộc gặp với Trần Thị Lý là “cuộc gặp có ý nghĩa nhất trong chuyến công tác vào mùa thu năm 1958”.
Sau khi nhắc lại những năm tháng hoạt động cách mạng, những lần bị địch tra tấn dã man của Trần Thị Lý, nhà thơ Antokolsky dẫn lại lời của cô gái Việt Nam nói với ông trong bệnh viện, khi kể về lần thứ ba bị địch bắt, tra tấn bằng đủ cực hình kiểu Trung cổ:
“Khi đó tôi chỉ muốn chết, để cho mọi việc kết thúc. Nhưng tôi nhớ đến chị (em?) gái và mẹ tôi, đến các đồng đội và tình cảm ân cần họ luôn dành cho tôi. Tôi nhớ đến nữ anh hùng Trần Thị Chiên, đến tấm gương của liệt nữ Trung Quốc Lưu Hồng Lan, đến Zoya của Liên Xô và quyết sống, vượt qua cái chết.”
Có lẽ vì câu nói này của Trần Thị Lý và tấm gương kiên trung của hai người con gái quả cảm trước sự tra tấn của kẻ thù mà sau đó báo chí Liên Xô đã gọi cô là “Zoya của Việt Nam”. Họa sĩ Vasily Nikitovich Zachinyaev năm 1962 kí họa Trần Thị Lý, đặt tên là “Zoya Việt Nam”.
Trong chuyến công tác 36 ngày đến Việt Nam vào mùa thu 1958, Pavel Antololsky đi khắp nơi, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định... Ông cũng gặp gỡ, giao lưu với các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nổi tiếng thời đó như Tố Hữu, Chế Lan Viên... và tỏ ra rất ngạc nhiên trước sự hiểu biết của giới văn nghệ sĩ Việt Nam về văn học Nga, văn học Xô-viết.
Trong cuốn Sức mạnh Việt Nam, Antokolsky cho biết chỉ 3 ngày sau khi vào thăm Trần Thị Lý, ngày 10/11/1958 ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp.
3. Cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Pavel Antokolsky kể lại rất chi tiết trong cuốn sách nói trên. Xin giới thiệu với bạn đọc qua bản dịch của Triệu Hải:
“Tháng 11/1958 người viết những dòng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp kiến tại dinh thự của Người ở Hà Nội.
Đúng 6 giờ 30 sáng chúng tôi đã tới gặp Người. Khi vừa tới cửa phòng khách thì một người trung niên không cao lắm, da sạm nắng, mặc bộ ka-ki màu sáng, đi xăng-đan không tất bước tới. Người tươi cười chào đón chúng tôi. Ở đây viết trung niên là do tôi đã biết rõ tuổi của Hồ Chí Minh. Ðúng hơn thì nên gọi Người là con người phi tuổi tác. Người có râu tóc hoa râm, dáng người gầy, ăn mặc gọn gàng tươm tất; dáng điệu đi đứng, cử chỉ của Người như vẫn còn trẻ trung, nhanh nhẹn, hoạt bát, vẻ đôn hậu và luôn tươi vui.
Vừa mới sáng sớm, nhưng nhìn Chủ tịch khó đoán được rằng Người vừa mới bắt đầu ngày làm việc của mình. Nói đúng hơn, có thể hình dung rằng dường như trên đầu Người mặt trời không bao giờ lặn, rằng giấc ngủ của Người ngắn ngủi, nhạy cảm, giống như người lính nơi lều trại dã chiến, hay người thủy thủ giữa hai phiên gác.
Sau này, khi nghiền ngẫm các tư liệu về tiểu sử Hồ Chí Minh, tôi hiểu do đâu có ấn tượng ban đầu đó, và hiểu rằng đó quả là đúng.
Chủ tịch mời chúng tôi ngồi vào bàn, trên đó có bình cà-phê đặc cùng hoa quả. Người hoạt bát, mau lẹ, vui vẻ rót cà-phê vào các chén. Tôi báo cáo với Người về những công việc đã làm sau một tháng đến Việt Nam. Tôi nhắc lại rằng, một trong những tạp chí của Việt Nam vừa mới đây đã đăng những bài thơ của Người. Một sự đáp lại hoàn toàn bất ngờ! Người cười vui vẻ. Ở mắt Người ánh lên những tia sáng hài hước:
- Ấy chết! Không phải thế đâu, tôi có phải nhà thơ đâu mà. Ðơn giản là trong những năm kháng chiến, khi chúng tôi ẩn núp trong những hang động của núi rừng Việt Bắc, thật tiếc là chúng tôi có nhiều thời gian rỗi, nên chúng tôi đã tán chuyện với nhau bằng thơ. Tôi cũng như các đồng chí khác ấy mà. Ở Việt Nam tất cả mọi người đều làm thơ. Nhưng nay thì thơ của chúng tôi là những con số. Vâng, đó là những con số về mùa màng, về thu hoạch lúa. Thơ ca của chúng tôi đấy!
Đoạn trường thoại này Chủ tịch nói thành thạo bằng tiếng Pháp, còn tiếng Nga thì Người hiểu tốt, không cần phiên dịch. Khi từ giã chúng tôi, Người viết vào sổ tay tôi dòng chữ Nga rất chuẩn: Lời chào anh em - Hồ Chí Minh.
Tôi hình như thấy rằng Người không đúng khi từ chối sự sáng tạo thi ca của mình. Tôi đã nhận ra điều đó khi dịch tập thơ Nhật kí trong tù viết năm 1942-1943 khi Người còn là người tù của Quốc dân Đảng, Người đã nén chặt những ý nghĩ và tình cảm không vui của mình trong những bài thơ tứ tuyệt Bốn tháng rồi.”
Đọc kĩ tiểu sử của Pavel Antokolsky, tôi biết rằng ngoài viết kịch, làm thơ, ông còn là một dịch giả, đã từng dịch Victor Hugo và nhiều tác giả nổi tiếng khác.
Dịch giả Thúy Toàn - một “pho từ điển” về văn học Nga - cho biết, Pavel Antokolsky dịch Nhật kí trong tù dựa trên bản dịch nghĩa đen từ tiếng Việt của Nguyễn Tiến Thông và E.Phedortxov.
Là một nhà thơ tài năng, từng đoạt giải thưởng Stalin năm 1946 với trường ca Đứa con trai (sáng tác năm 1943), là một dịch giả và nhất là có thời gian sang Việt Nam và gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Pavel Antokolsky đã quyết tâm và dành nhiều tâm huyết để dịch Nhật kí trong tù giới thiệu với bạn đọc Liên Xô. Trong cuốn Sức mạnh Việt Nam, Antokolsky có tâm sự:
“Dịch thơ Việt Nam đặc biệt khó, vì từ ngữ tiếng Việt rất ngắn gọn, do vậy một câu dòng sáu chữ hay tám chữ rất hàm súc về nội dung so với một câu dòng tiếng Nga tương ứng. Hoàn toàn không trùng khớp âm điệu của câu thơ Việt với câu thơ Nga. Những điều nêu trên đã giải thoát cho người dịch ở một mức độ nào đó, nhưng đồng thời có sự ràng buộc anh ta: phải tìm ra những tương đồng khác như cách gieo vần, ngữ điệu, cú pháp... để chuyển tải đặc tính của một ngôn ngữ thi ca khác của một nền văn hóa dân tộc khác.
Người dịch thơ trước hết muốn sao cho công việc của anh ta được thể hiện là một yếu tố của thi ca Nga. Chỉ có trong tấm gương phản chiếu thi ca như vậy người đọc mới thấy được rõ ràng và thấu hiểu tác giả cùng thế giới chung quanh ông.”
Cuối tháng 8/1960, vào dịp kỉ niệm 15 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chỉ sau hơn 3 tháng bản Nhật kí trong tù bằng tiếng Việt xuất bản ở Hà Nội, bản dịch ra tiếng Nga đã được in và giới thiệu với đông đảo bạn đọc Liên Xô. Năm 1975, Nhà xuất bản Ngoại văn Việt Nam in lại cuốn sách giá trị này, có bổ sung thêm một số bản dịch mới, cũng của Antokolsky.
Về cảm nhận của bạn đọc Xô-viết sau khi đọc Nhật kí trong tù, có lẽ đây là lời đánh giá khách quan nhất của nhà thơ Konstantin Simonov, tác giả Đợi anh về nổi tiếng:
“Khi đọc Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, bạn không chỉ ngạc nhiên về sức chịu đựng, sự bình thản của Người trước hiểm nguy, cái chết, mà còn thấy rõ là không một phút giây nào có thể lung lay được tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu con người của Người. Thật vậy, những câu thơ như vậy, trong những hoàn cảnh như vậy chỉ có thể được viết bởi một con người mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng.”
Ngày 20/9 năm nay, nhà Việt Nam học, phó tiến sĩ ngữ văn Ida Ivanovna Andreeva đã công bố một bài báo dài có tên “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh trên trang web của Hội Nhà văn Saint Petersburg, nhân kỉ niệm 75 năm ngày kết thúc Thế chiến II. Trong bài báo, Andreeva đã có sự liên tưởng so sánh Nhật kí trong tù với tác phẩm nổi tiếng Viết dưới giá treo cổ của nhà báo cộng sản Tiệp Khắc Yulius Fucik.
Theo Andreeva, số phận hai tác giả có những sự trùng hợp khá kì lạ. Cả hai đều tham gia vào cuộc đấu tranh chống phát xít (Fucik ở phương Tây chống lại phát xít Đức, Hồ Chí Minh ở phương Đông chống lại quân phiệt Nhật), đều ở trong chốn lao tù cùng một thời gian, sáng tác bí mật trong tù và xuất bản vào những năm sau chiến tranh, được dịch ra tiếng nước ngoài, được công nhận rộng rãi và cho đến tận ngày nay vẫn không hề mất đi những giá trị nhân văn.
60 năm trước, Nhật kí trong tù lần đầu được xuất bản ở Liên Xô.
P.V.H
VNQD