. THANH HÀ
Chức năng mang tính phổ quát chung của văn học là nhân đạo hóa con người, hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mĩ. Muốn vậy văn học không thể chỉ nói về cái hay, cái đẹp, tích cực mà còn phải viết về cái xấu, cái ác, tiêu cực để con người ta hiểu mà cảnh giác, đề phòng, tránh xa. Một trong những cái xấu ấy là tham nhũng. Căn bệnh này có đặc điểm là chỉ xảy ra ở trường hợp với người có chức có quyền, lấy chức quyền làm phương tiện, làm cái ô che ánh sáng công lý để vơ vét lợi ích, của cải cho gia đình và bản thân. Trong văn học Việt Nam người đầu tiên viết thành văn có tính hệ thống là Nguyễn Trãi.
Tháng 6 năm Canh Tuất (1430), thay mặt Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết Chiếu răn dạy “bách quan” đã cảnh tỉnh môi trường “quyền chức” giàu sang sẽ làm tha hóa nhân cách: “Đẹp cung thất mà cao đài tạ, tất gây thói tục xa hoa”. Tháng 7 cùng năm ông viết “Chiếu cấm các Đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện sảnh cục tham lam, lười biếng” không được sa vào “những việc vô ích hàng ngày: đánh bạc vây cờ, chọi gà...”. Ông chỉ rõ: “chớ gần thanh sắc và tham của tiền; chớ ham chơi săn và thích dâm dật; chớ nghe sàm nịnh mà bỏ lời trung trực; chớ dùng tân tiến mà bỏ kẻ cựu thần...”.
Tiếp đó, nhiều lần ông nêu ra những yêu cầu để “bách quan” thực hiện: “phàm người có chức vụ coi quân trị dân đều phải theo phép công bằng, làm việc cần mẫn, thờ vua thì hết trung, đối dân thì hết hòa, đổi bỏ thói tham ô, sửa trừ tệ lười biếng...”. Là một bậc đại nho, khoác trên mình chiếc áo của mỹ học Nho gia thâm trầm, sâu sắc nhưng rất hiện đại, mới mẻ. Vẻ đẹp thơ Ức Trai đồng thời cũng là những chân lý bằng vàng như đang tỏa sáng ở ngày hôm nay: “Văn chương chép lấy, đòi (nhiều, theo) câu thánh/ Sự nghiệp tua gìn, phải đạo trung/ Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược/ Có nhân có trí có anh hùng”.
Hiện đại ở chỗ nêu lên một sứ mệnh thiết thực nhất, kinh điển nhất về chức năng giáo dục bằng nghệ thuật. Nghệ thuật phải vì cuộc sống, đấu tranh chống cái phản nhân tính (Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược), hoàn thiện con người theo hướng lý tưởng (anh hùng, có “nhân” có “trí”). Cần hiểu rộng hơn không chỉ là “trừ” giặc ngoại xâm, còn là “trừ” cả giặc “nội xâm” nữa.Không chỉ là một anh hùng xuất chúng, Nguyễn Trãi còn là một nhà mỹ học, nhà giáo dục vĩ đại!
Thơ thời Hồng Đức rất có ý thức giáo dục con người tránh xa nạn hối lộ ăn tiền. Bài thơ “Diên Thọ họa đồ” (Diên Thọ vẽ tranh) mượn tích Diên Thọ đời Hán có tài vẽ truyền thần. Nhà vua sai Diên Thọ vẽ tranh cung nhân (năm nghìn). Nhiều cung nhân hối lộ Diên Thọ vẽ đẹp hơn. Riêng Vương Tường thẳng thắn thì không liền bị vẽ xấu đi nên không được gặp vua lần nào. Việc bại lộ Diên Thọ bị xử trảm. Bài thơ nêu lên một bài học vì một kẻ xấu như Diên Thọ sẽ dẫn tới sự đảo lộn giá trị, cụ thể là làm nhiễu loạn giá trị về cái đẹp: “Lạt phấn há rằng đeo phận bạc/ Phai son vì nỗi kém đồng vàng”. Đó là một thủ phạm gây nên sự bất công trong xã hội cần phải loại trừ.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ (Vĩnh Lại huyện tri huyện Trần Lâm)mừng bạn là Tri huyện Vĩnh Lại nhận chức mới, có câu: “Độc thanh hề hạ cưỡng huyền ngư”(Riêng mình thanh bạch, đâu được rảnh rang, cá treo trước cửa”. Điển tích (huyền ngư) có nghĩa là “treo cá” kể Dương Tục làm quan Thái thú ở Lô giang. Lính hầu soạn cỗ có cơm thơm cá ngon. Ông nhận nhưng không ăn rồi treo lên trước cửa phòng. Người hầu lại làm tiếp như thế ông vẫn đưa lại như hôm trước. Người hầu thẹn, từ đó không dám làm cỗ ngon nữa. Điển này về sau chỉ tính thanh liêm của quan lại. Đấy là Trạng Trình nhắc bạn nhớ điển “huyền ngư” mà cố học sự trong sáng của đời trước.
Trong một bài thơ chữ Hán khác Nguyễn Bỉnh Khiêm ví kẻ tham nhũng “Cũng giống như con rái cá lùng đuổi/ Ao ngầu bỗng rỗng không/ Lòng tham chưa no chán/ Chỉ cốt thân mình béo/ Chẳng biết tự mình gây ra độc hại cho mình/ Lưới to một phen giăng ra/ Không chốn nào có thể náu thân”. Ông tin những kẻ ác đó rồi sẽ bị trả giá đắt như vậy. Bài Tăng thử (Ghét chuột) rất tiêu biểu cho phong cách Trạng Trình: “Chuột lớn sao bất nhân?/ Gặm khoét thật thâm độc/ Đồng ruộng trơ rơm khô/ Kho đụn kiệt gạo thóc/ Nông phụ cùng nông phu/ Nghèo khốn miệng gào khóc/ Ngựa Ngụy sao gặm yên?/ Sừng trâu Lỗ đánh cắp/ Mệnh dân vốn rất trọng/ Tàn hại chi thảm khốc?/ Ỷ thành xã làm càn/ Thần nhân đều hằn học/ Đã làm mất lòng người/ Thiên hạ ắt tru lục/ Thây phơi chốn thị triều/ Thịt cú diều rỉa móc”.
Các điển cố tăng cường thêm cho sự tang thương của nạn chuột phá hoại: “Ngựa Ngụy sao gặm yên?” nói về thời Tam quốc quân Ngụy bị bao vây, lương thực bị hết, đến nỗi phải lấy yên ngựa đem ninh nhừ để ăn. “Sừng trâu Lỗ đánh cắp” là chuyện về thời nước Lỗ dân gặp nạn đói phải đem chiếc tù và bằng sừng trâu hầm lấy nước chia nhau cầm hơi. Gây ra nạn đói như thế là do loài chuột. Tưởng rằng giết hết chuột thì dân sẽ yên vì “Mệnh dân vốn rất trọng”. Thế mà… Đến đây cấu trúc lời văn như bị bẻ đôi. Không giết được chuột vì chúng ỷ vào thế sống trong “thành xã” (Ỷ thành xã làm càn).
Theo sáchTấn thư gây ra mối họa loạn là con cáo ở tường thành, con chuột ở đàn xã. Biết vậy mà không làm sao được, vì không dám đào hang cáo (vì thành sẽ đổ), không dám đào hang chuột (vì là nơi thờ thần linh thiêng). Thì ra loài cáo chuột tham nhũng tàn hại trước nay đều có thế lực “chống lưng” cả!!! Thế làlại chỉ dân chịu hậu họa! Nạn tham nhũng thời nào cũng vậy, luôn tìm thế “thành xã” mà nương thân tồn tại để làm càn. Nhưng rồi lưỡi gươm công lý sẽ bắt chúng phải “thây phơi chốn thị triều”!
Đến thời Nguyễn Công Trứ thì đồng tiền làm thay đổi các mối quan hệ: “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược”. Nhà thơ chua chát: “Tiếng xỏng xảnh đầy trong trời đất/ Thần cũng thông huống nữa là ai” (Đồng tiền). Có tích đời Đường viên quan Trương Diên Thưởng xử án công minh. Lần ấy gặp án kẻ tội hối lộ 3 vạn quan, Trương gạt đi, đưa 6 vạn, gạt tiếp.Kẻ tội đưa 10 vạn, Trương cầm và nói “Tiền chí thập vạn khả dĩ thông thần” (Tiền đến mười vạn có thể thông được với thần linh). Nạn tham ô hối lộ làm khuynh đảo mọi mối cương thường, chi phối cả chốn công đường thì sự sụp đổ của chế độ ấy là tất yếu!
Cao Bá Quát sống cùng thời Nguyễn Công Trứ, thời của tham nhũng nặng nề. Giai thoại kể lần ấy làng ông góp tiền đắp đôi con voi ở đình, viên lý trưởng làm trò bớt xén,cậu bé Quát mới 10 tuổi cười sâu cay kẻ ăn bẩn bằng câu hỏi: “Khen ai khéo khéo đắp đôi voi/ Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi/ Chỉ còn cái kia…sao chẳng đắp?/ Hay là lý trưởng bớt đi rồi!”.Khi đã làm quan, một lần qua tỉnh Quảng Trị, ông phê phán thẳng thói ăn chơi xa hoa, nạn tham nhũng của lũ vua quan bóc lột: “Nghe đồn xe sáu rồng gần đây ghé qua chơi/ Ngoài hành cung Mỹ Xuyên lại có hành cung mới nữa”. “Xe sáu rồng” không chỉ có vua mà chở nhiều quan đầu triều nữa. Dân thì chết đói mà triều đình lại còn xây thêm “hành cung mới”! Mượn hình ảnh con chuột nhà thơ lên án kẻ đục khoét lương dân thật độc ác: “Bao đau khổ cay đắng ta mới dựng nên nhà/ Bao vật dụng mới sắm sao không tiếc/...Ta cảnh báo bọn chuột chớ ăn vụng bừa bãi/ Vì hám lợi không phải chước lâu dài”. Lũ chuột ấy cũng là lũ quan lại triều đình mà thôi!
Mỹ học châm biếm Nguyễn Khuyến thâm thúy là thế mà có lúc còn chửi thẳng vị “đốc học” chuyên về việc giáo dục lẽ ra phải chuẩn mực, liêm khiết, đằng này lại đục khoét như con vật: “Ai rằng ông dại với ông điên/ Ông dại sao ông biết lấy tiền/ Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp/ Khoét thằng mặt trắng lấy tam nguyên/ Dấu nhà vừa thoát sừng trâu đỏ/ Phép nước xin chừa móng lợn đen/ Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt/ Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen”. Nhà giáo gì mà chỉ biết đến tiền (Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt)! Lấy “cái bảng vàng treo nhị giáp” làm “đồ nghề” ăn hối lộ: “Khoét thằng mặt trắng lấy tam nguyên”. Những kẻ như thế cũng rất vô liêm sỉ, trơ tráo, coi thường dư luận: “Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen”!
Thời Nguyễn Khuyến đồng tiền mua được cả chức tri huyện: “Tri huyện lâu nay giá rẻ mà/ Ví vào tay tớ quyết không tha” (Bỡn ông Phó bảng). Ông có bài thơ Bỡn tri phủ Xuân Trường: “Chữ “tra”chữ “cứu”không phê đến/ Ông chỉ quen phê một chữ tiền”. Bộ mặt thật của kẻ tham nhũng trơ ra thật thảm hại!
Nguyễn Thiện Kế là nhà trào phúng lớn ở giai đoạn giao thời với tiếng cười vang, quyết liệt, thẳng thắn, đốp chát. Ông có 10 bài chửi thẳng bọn quan to (Đại viên thập vịnh) và 30 bài chửi bọn quan nhỏ (Tiểu viên tam thập vịnh). Đặc điểm của tiếng cười này là chửi đích danh, day mặt chỉ tay và kể từng tội, không kiêng nể. Đây là một chân dung: “Cụ huyện nhà ta mẹo đã cao/ Chẳng thời chè lá chỉ thời mao/ Dân sờ khố, ghé bên tai gửi/ Quan gật đầu, vơ ních tráp vào” (Vịnh tri huyện Lê Văn Chấn). Quan cách gì mà “sờ khố” dân và chỉ biết “ních” tiền vào tráp riêng. Chửi một vị Thám hoa, ông hạ bệ bằng cách đối lập nhân cách của hắn ta với danh xưng: “Thám hoa gì nó! Thám “hoa xòe”/ Mỗi quyển tam nguyên ních chẻ hoe”. Đó chính là “Đốc học” Vũ Phạm Hàm từng ngang nhiên bắt chẹt học trò cứ mỗi quyển thi ăn lễ ba đồng!!!
Khi Nhà nước thực dân tổ chức “Vịnh Kiều” cụ Nguyễn Khuyến có câu “chống tham nhũng” bất hủ: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a?”. Như vậy đây là một truyền thống của văn học ta mà hôm nay rất cần được kế thừa, phát huy!
Văn học hôm nay làm gì để chống tham nhũng? Với đặc thù riêng, hẳn nhiên văn học phải sáng tạo ra những hình tượng tham nhũng một cách sinh động, thuyết phục, hiệu quả để đưa ra ánh sáng nghệ thuật mà soi chiếu trị cái căn bệnh cướp đoạt thành quả lao động của dân, tài sản của Nhà nước.
Một là, nhận diện ra những kiểu, dạng, loại tham nhũng ở ngày hôm nay đa dạng, phức tạp hơn nhiều ngày trước (như ở trên thì thường là tiền và chức quyền). Đó là những tham nhũng vặt như nạn sách nhiễu, vòi vĩnh để có “phong bì”. Đó là chuyện cất nhắc, bổ nhiệm, thuyên chuyển căn cứ vào tiền chứ không vì năng lực cá nhân hay nhu cầu công việc. Đó là lợi ích nhóm câu kết để chia sẻ lợi ích trong đấu thầu dự án (đất đai, cầu đường...), dịch vụ (y tế, giáo dục...). Đó là tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng...
Hai là, chỉ ra nguyên nhân tham nhũng có từ tâm lý tiểu nông hám lợi, từ hoàn cảnh sống còn thiếu thốn, từ những chính sách bất cập với thực tế; từ cơ chế quản lý trong nền kinh tế thị trường còn lỏng lẻo, bất cập... Cơ bản nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật còn yếu kém (về phía người dân); tinh thần pháp trị có thể còn nương nhẹ (về phía Nhà nước)...Đồng thời chỉ ra hậu quả khó lường, không chỉ là chuyện Nhà nước, nhân dân mất tài sản mà nguy hiểm hơn là đục khoét vào lòng tin vốn rất trong sáng của nhân dân với Nhà nước, với Đảng.
Ba là, trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra những giải pháp cụ thể chống tham nhũng. Bằng hình tượng nghệ thuật, văn học kích thích tinh thần hưởng ứng ủng hộ cái tích cực, trong sáng, đấu tranh loại trừ cái tiêu cực tham lam xấu xí. Trên tinh thần xây dựng các “hồ sơ”, các “chân dung” tham nhũng vạch ra, lý giải căn nguyên, cái quá trình mưu mô quỷ quái tinh vi lắt léo và hậu quả tất yếu.
Bốn là, văn học tích cực hưởng ứng Cuộc vận động lớn Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Không phải cứ viết về tham nhũng mới là chống tham nhũng, viết về hình tượng Bác mới là học theo Bác, mà có thể là sáng tạo những hình tượng thẩm mỹ kết tinh những phẩm chất văn hóa của thời đại hôm nay, như: trí tuệ, trong sáng, vị tha, trách nhiệm, biết hy sinh cái cá nhân vì quyền lợi tập thể, dân tộc...!!!
T.H
VNQD