Phạm Viết Hồng Lam và những bức chân dung bè bạn

Thứ Tư, 21/04/2021 00:43

. ĐỖ THỊ THU THỦY

 

Vốn xuất thân từ con nhà nòi theo ngành nghệ thuật nên họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam sớm bén duyên với nghề và tài năng đã sớm được khẳng định trong làng mĩ thuật Việt Nam. Hiện nay, tuy đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn còn nguyên niềm đam mê sáng tạo.

Phạm Viết Hồng Lam là họa sĩ chuyên về chất liệu bột màu. Nhiều nhà phê bình mĩ thuật đã nhận xét ông thuộc loại “có số có má” trong giới họa sĩ hiện đại với chất liệu bột màu ít người sử dụng. Chất liệu bột màu như người bạn tri kỉ đã đồng hành cùng ông đi qua những tháng ngày gian khổ cho đến tận bây giờ. Tranh của họa sĩ mang hơi hướm hồn cốt dân tộc, cốt cách con người Việt, dân dã, gần gũi. Chất liệu bột màu đã giúp ông phô diễn những cảm thụ về màu sắc một cách phóng khoáng, nhuần nhuyễn. Tranh họa sĩ Lam đậm chất trang trí nên như một món quà nhỏ xinh tặng bạn bè để có thể sử dụng treo trong nhà. Dù cuộc đời của họa sĩ trải qua khó khăn và bệnh tật, nhưng người ta luôn bắt gặp nét tươi sáng, lạc quan, yêu đời đong đầy trong tranh ông. Ngoài hai đề tài con giáp và thiên nhiên vốn làm nên “thương hiệu” của mình thì Phạm Viết Hồng Lam còn có thú vui là dựng chân dung đồng nghiệp. Tranh chân dung vốn là một thể loại tương đối khó và gây nhiều thử thách cho các họa sĩ. Khó vì tiêu chí đánh giá rất khắt khe. Để vẽ được một bức tranh chân dung, điều tiên quyết là người họa sĩ phải nắm được đặc điểm giải phẫu tinh thần, tâm hồn, tính cách nhân vật qua khuôn mặt, trán, ánh mắt, gò má, miệng, cằm và những đặc điểm có thể nhận dạng. Mặt khác, việc vẽ tranh chân dung, theo lời danh họa Tề Bạch Thạch, phải đạt đến độ cân bằng giữa thực và ảo, giữa giống và không giống: “Giống quá là mị dân, không giống là lừa dân.” Vẽ sao cho vừa giống mà lại vừa không giống quá là một yêu cầu mĩ thuật cao mà không phải họa sĩ nào cũng có thể thực hiện được. Nhưng Phạm Viết Hồng Lam đã vượt qua “ải” đó một cách nhẹ nhàng như không. Đến nay ông đã có hơn hai trăm tác phẩm vẽ chân dung bạn bè, quả một con số biết nói.

Có nhiều bức tranh chân dung được vẽ cùng khuôn khổ nhưng Hồng Lam không làm cho nó nhàm chán mắt người xem là nhờ chính sự tung tẩy của những sắc màu. Để có thể thành thục và làm cho chất liệu bột màu lấp lánh trên mặt tranh với những gam màu đậm sắc khi khô là cả một quá trình lao động công phu, tỉ mẩn. Tranh Phạm Viết Hồng Lam là sự giao thoa giữa dân gian và hiện đại. Một chút Đông Hồ xưa thấp thoáng pha trộn với một chút phương Tây ở cách phối màu nguyên chất cùng lối vẽ trang trí không cầu kì, thoải mái, phóng khoáng như quên đi mọi luật lệ. Những bức tranh chân dung của ông đã tạo được sự chú ý, thích thú nơi đồng nghiệp. Tranh chân dung của Phạm Viết Hồng Lam thú vị ở chỗ ông luôn biết cách khai thác, đưa vào tranh những tác phẩm tiêu biểu, đại diện cho phong cách nghệ thuật của bạn nghề. Ví như khi vẽ chân dung Tô Ngọc Vân, Hồng Lam “kèm” theo tác phẩm tiêu biểu của danh họa là Đốt đuốc đi học. Khi vẽ chân dung Nguyễn Sáng, ông lồng vào tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ. Vẽ chân dung Bùi Xuân Phái, ông gợi nên những Phố cổ Hà Nội. Vẽ Nguyễn Đỗ Cung, ông “thêm” vào tác phẩm Tan ca mời chị em đi học. Với chân dung Phan Kế An, ông “nhắc” đến tác phẩm đồ họa nổi tiếng Bác Hồ. Vẽ chân dung Lê Trí Dũng, ông “kê” thêm hình ảnh chú ngựa như đang bay lên. Hay vẽ chính chân dung mình, hoạ sĩ chọn hình ảnh “thiên nhiên tươi đẹp”… Có thể nói, phải thật sự thấu hiểu phong cách nghệ thuật của mỗi họa sĩ thì Phạm Viết Hồng Lam mới “dám” đặt bút vẽ về họ và dựng nên những bức chân dung vừa sinh động vừa sâu sắc như thế.

Một điểm thú vị khác trong tranh chân dung của Phạm Viết Hồng Lam là cách ông đặt tên cho tác phẩm. Những đứa con tinh thần của Hồng Lam đều có những tên gọi cô đọng và ẩn trong đó những suy tưởng, ngẫm ngợi, nhận xét, đánh giá sâu xa về nhân vật được khắc họa. Bức vẽ Phạm Viết Song - cha ruột - được ông đặt là Ông đồ dạy vẽ. Bức vẽ Tạ Thúc Bình - bố vợ - có tên gọi Câu chuyện ngày xưa. Bức vẽ Tô Ngọc Vân có tên gọi mang ý nghĩa khái quát cả một giai đoạn hội họa Việt: Thời nhận đường. Tên của bức chân dung Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung chính là lời nhận xét, tán thưởng và khái quát về tài năng, sở trường của hai danh họa: Bậc thầy về cổ vật Việt Nam và Nghệ sĩ bậc thầy của làng quê. Với chân dung người vợ Tạ Phương Thảo, ông đặt cái tên giản dị, đầy nữ tính hàm chứa sự biết ơn: Mẹ của đứa trẻ… Có thể thấy những cái tên ngắn gọn đáng yêu ấy đã phác thảo một cách chính xác nhất sở thích, sở trường, tinh túy nghệ thuật hay tính cách của các họa sĩ được ông vẽ chân dung. Nếu ai chưa từng tiếp xúc các họa sĩ thì nghe qua cái tên cũng sẽ đoán được phần nào về nhân vật được nhắc đến qua nét cọ của Phạm Viết Hồng Lam.

Cũng như các tác phẩm hội họa khác, trong tranh chân dung, Phạm Viết Hồng Lam đã thể hiện kĩ thuật sử dụng bột màu “thượng thừa” của mình. Màu của ông nhuyễn, đẹp, hiện đại, tươi vui rực rỡ, rất thích mắt, hội đủ khả năng khắc họa tính cách nhân vật theo sự sắp xếp có ý đồ. Công chúng yêu hội họa đều nhận thấy các bức tranh vẽ chân dung bạn bè, đồng nghiệp của ông đã tạo nên một thế giới rực rỡ sắc màu, tràn ngập sức sống. Như đã nói ở trên, tranh của hoạ sĩ Hồng Lam có hơi hướm của tranh dân gian Đông Hồ. Những nét màu đen chủ yếu được ông chọn để làm viền hình chắc nịch. Nó không hề khô cứng mà trái lại làm cho hình rõ, khẳng định chu vi hình hơn. Khuôn mặt của bạn bè ông như mắt, hốc mắt, gò má, mũi, môi trên, môi dưới, cằm… luôn được ông giải quyết bằng cuộc “giải phẫu” rõ ràng bởi những khối, sự chuyển màu tinh tế hoặc được ông chia ra vẽ xanh đỏ tím vàng lên và không quên cả những nét đen vạch định quen thuộc; mái tóc xoăn bồng bềnh hay những bộ râu nhân vật cũng được ông “minh họa” từng sợi rõ ràng… Ngoài ra, ông còn “trang trí” thêm trên gương mặt họ những vật, hình mang tính chất đặc trưng của từng người. Ở gương mặt họa sĩ Thành Chương, ngoài cặp kính đen, bộ râu quen thuộc thì trên trán cao còn được Hồng Lam vẽ thêm đầu con trâu và hình tam giác như thể chiếc nón lá của trẻ mục đồng - những đặc trưng hay xuất hiện trong tranh và làm nên tên tuổi của Thành Chương. Với chân dung nhà điêu khắc Nguyễn Hải - khuôn mặt dài dài, chiếc trán cao, đầu hói, ẩn hiện trên gương mặt là lớp lang hình ảnh chính tác phẩm Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ…

Là người nghệ sĩ cống hiến trọn cuộc đời cho nghệ thuật hội họa, Phạm Viết Hồng Lam đã ghi dấu ấn của mình lên lịch sử mĩ thuật nước nhà. Trong những tác phẩm làm nên tên tuổi và định hình nên phong cách nghệ thuật của ông, tôi tin có những bức khắc họa chân dung bạn bè đồng nghiệp. Những bức tranh chân dung đó là cái tài và cũng là cái tình mà ông để lại cho đời, cho hội họa.

Đ.T.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)